Hình thức, giả vờ – hệ lụy của Hiến pháp tồi – lối thoát - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Năm, 21 tháng 2, 2013

Hình thức, giả vờ – hệ lụy của Hiến pháp tồi – lối thoát


Lưu Hà Sĩ Tâm

Tuổi thơ có cái hạnh phúc là được người lớn cho quà gì cũng sung sướng, cho được hưởng dịch vụ gì thì cũng khoái chí lắm (như được đi tắm biển ở bãi tắm, nghỉ trong khách sạn…), không cần biết các hàng/dịch vụ ấy có chất lượng hay không, cứ đến lớp khoe vung vít với bạn bè. Ngoài giờ đến lớp, chúng chơi đồ hàng với nhau, đứa này giả vờ làm bà, đứa kia giả vờ là cháu…, bà cháu giả vờ nhưng lại quan tâm và chăm sóc nhau rất thật, rất chu đáo… nên chúng chơi cực kỳ say sưa, chúng chưa cần gọi các trò chơi ấy là đóng giả. Nhưng lớn lên theo năm tháng, con người ta mới có cái ý thức về chất lượng và tính hợp pháp của hàng hóa hay dịch vụ, nên bên cạnh niềm vui mua sắm và thụ hưởng, có khi còn buộc phải trải qua các cảm giác phiền muộn, bực tức, cáu giận,… với nhiều cung bậc khác nhau, khi không may phát hiện mua phải hàng giả, hàng chất lượng kém và trở thành nạn nhân của những người làm ra chúng.

Chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng, một món hàng hóa hay một dịch vụ (gọi chung là hàng) được coi là giả khi: (i) dùng thương hiệu của cơ sở sản xuất khác để mưu lợi, (ii) bị cố ý làm ra để bán mà không đạt các chỉ tiêu kỹ thuật/chất lượng tương ứng với giá bán. Đối với người mua phải hàng giả, thiệt hại rõ ràng về nhiều mặt: về kinh tế, về sức khỏe, về tâm lý, về thời gian,… Nước ta trước nay đã có các tổ chức có chức năng liên quan đến quản lý và giám sát chất lượng hàng hóa/dịch vụ, như: cục sáng chế, cục sở hữu trí tuệ, cục/vụ/phòng quản lý thị trường, hội bảo vệ người tiêu dùng, cảnh sát kinh tế,… Tuy vậy ở nước ta, so với các nước khác về khía cạnh này, nhà sản xuất/người bán được dễ thở hơn và người tiêu dùng bị ngột ngạt hơn. Người sản xuất/người bán dễ thở hơn, không phải chỉ vì chịu sự quản lý lỏng lẻo từ các tổ chức quản lý nhà nước nói trên, mà còn vì việc dùng tiền rất dễ và rất hiệu quả để “bôi trơn”, nhất là cần trốn tội khi bị thanh tra, kiểm tra. Họ biến cơ sở sản xuất của họ thành cơ sở sản xuất giả hiệu, nghĩa là núp bóng cơ sở sản xuất hàng thật để làm hàng giả. Các tổ chức quản lý nhà nước, khi đã nhận tiền “bồi dưỡng” rồi, mặc nhiên nhắm mắt cho cơ sở giả hiệu tồn tại. Thế nên ở ta hàng giả tràn lan khó kiểm soát, tất cả hậu quả đổ lên đầu người tiêu dùng. Phải thừa nhận điều cay đắng nhất khi mua phải sản phẩm/dịch vụ giả: hỏi trời – trời không biết, hỏi đất – đất không hay. Người dân chứng kiến những tình huống ấy, thương nhau, nhưng bất lực vì không giúp gì được nhau.

Mặt khác, con người ta cũng còn chủ động tạo ra hoặc đi mua các hàng hóa/dịch vụ không thật, tức là “giả” kiểu khác, mà cả người mua và người bán cùng vui. Có thể có chút hài hước khi gọi chúng là “hàng giả vờ”, vì chúng được dùng thay cho hàng thật, để thỏa mãn các nhu cầu nào đó. Có thể kể ra: đồ vàng mã, dịch vụ cúng bởi thầy cúng đểu, đồ chơi tình dục… Hàng giả vờ ngày càng phong phú hơn ở nước ta. Chính vì hàng giả vờ thỏa mãn cả người mua lẫn người bán, nên quản lý nhà nước về hàng giả vờ cũng có khó khăn đặc thù.

Nhìn sâu hơn vào tổ chức xã hội với hệ thống chính trị của nước ta. Tất cả các tổ chức dùng ngân sách nhà nước, hưởng lương từ ngân sách nhà nước, là để phục vụ nhân dân, có thể gọi ngắn gọn đó là các tổ chức công. Người dân đóng thuế và hiểu rằng, một phần tiền thuế ấy là dùng để chi cho các tổ chức công. Về thực chất, nhân dân trả tiền cho sự tồn tại của các tổ chức công và mua sản phẩm/sự phục vụ/dịch vụ (hàng) của chính các tổ chức này. Do vậy, nhân dân sẽ luôn ở trong trạng thái thường trực với nguy cơ, rằng có thể đã phải trả tiền cho hàng chất lượng kém hay hàng giả vờ từ hệ thống các tổ chức công. Quả vậy, điều đó đã diễn ra.

Chúng ta quá quen với việc các tổ chức công, vào các dịp kỷ niệm ngày thành lập, đọc báo cáo thành tích đã đạt được, với nhiều con số thành tích được liệt kê ra. Chẳng hạn, các khoa/trường đại học thống kê ra đã đào tạo được bao nhiêu cử nhân, bao nhiêu thạc sĩ và tiến sĩ,…; các viện nghiên cứu nhấn mạnh đã nghiệm thu bao nhiêu đề tài cấp nhà nước, cấp bộ, cấp viện,…; các tổ chức Công đoàn kể ra đã phát động được bao nhiêu đợt thi đua, bao nhiêu bài dự thi tìm hiểu các đối tượng, bao nhiêu lần làm công tác thăm hỏi, hiếu hỉ,…; các trung tâm hỗ trợ sinh đẻ có kế hoạch liệt kê có bao nhiêu chị em đến đặt vòng, bao nhiêu anh em dũng cảm đến để triệt sản nam, bao nhiêu người biết cách sử dụng bao cao su đúng cách,… Nhờ các thống kê thành tích kiểu đó mà Viện Thi đua Khen thưởng Trung ương xem xét để đề nghị Nhà nước trao cho họ các danh hiệu: bằng khen, huân chương các loại, anh hùng.

Vấn đề đáng nói ở đây, là đa số kết quả liệt kê theo kiểu đó hoàn toàn không phải là “thành tích”, mà đó đơn giản là kết quả của công việc, là nghĩa vụ mà các tổ chức công phải trả cho nhân dân/xã hội, do việc nhân dân đã trả tiền cho sự tồn tại của các tổ chức công và mua sản phẩm/sự phục vụ/dịch vụ (hàng) của chính các tổ chức này. Cho nên thành tích mà họ báo cáo là thành tích giả vờ, dùng thay cho thành tích thật. Theo khía cạnh này, rất nhiều tổ chức công, mặc dù đã có nhận các danh hiệu từ thấp đến cao, không những chỉ có thành tích giả vờ, mà về thực chất là đã không làm tròn nghĩa vụ đối với nhân dân là người đã trả tiền cho họ. Hệ lụy là chúng ta có được cả một hệ thống chính trị với nghịch lý kỳ lạ, là vì trong đó, hiếm có tổ chức công nào không được nhận danh hiệu nào, còn hầu hết cán bộ nhân viên hàng năm đều đạt từ “lao động tiên tiến” đến “chiến sĩ thi đua”, vậy mà toàn hệ thống thì lại quặt quẹo, lương trả bèo bọt, tham nhũng tràn lan, tiêu cực ngày càng bình thường hóa, mất sức đề kháng.

Bởi thế, nhân dân cay đắng khi phải chấp nhận các sản phẩm/dịch vụ từ các tổ chức công với chất lượng tồi nhưng được dãn nhãn mác chất lượng cao. Chẳng hạn, các cử nhân/thạc sĩ tốt nghiệp với bảng điểm “đẹp” khi được các giảng viên cho điểm vống lên, các tiến sĩ bảo vệ luận án được các thành viên Hội đồng đánh giá “xuất sắc” thường trên 60%, nhưng luôn bị thị trường lao động phê phán về chất lượng con người; các dịch vụ y tế và các dịch vụ hành chính “ một cửa”, nhưng luôn kèm theo thái độ vô cảm, lạnh lùng và coi thường nhân dân, hành xử thiếu trách nhiệm kèm theo vô vàn kiểu sách nhiễu nếu không có tiền “bồi dưỡng”, nhiều khi rất trắng trợn, khiến người dân khốn khổ. Trong rất nhiều trường hợp tương tự như vậy, các sản phẩm/sự phục vụ/dịch vụ của các tổ chức công trở nên đúng nghĩa là hàng giả.

Cũng xuất hiện nhiều hàng chất lượng kém, hàng giả vờ đúng nghĩa khác, tạo ra từ hệ thống các tổ chức công. Một anh X nào đó, dễ dàng lọt qua thủ tục thi đầu vào để trở thành sinh viên đại học tại chức/từ xa, anh ta học giả vờ một số buổi nhất định, sau đó nhờ/thuê ai đó làm anh X giả vờ, để đi học thay. Sau 4 năm học giả vờ như thế, anh X hiển nhiên trở thành cử nhân giả vờ. Đây là hiện tượng không hiếm. Cho đến nay toàn quốc đã có 7 tỉnh từ chối sử dụng hàng chất lượng kém, hàng giả vờ – sản phẩm từ hệ thống đào tạo đại học tại chức/từ xa.

Chính các tổ chức công cung cấp cho xã hội nhiều hàng chất lượng kém, hàng giả vờ, trong nhiều trường hợp, là các tổ chức hình thức. Chúng ta có thể bàn về các tổ chức hình thức tầm cỡ và điển hình.

Ngày càng thấy rõ, Công đoàn Việt Nam là tổ chức hình thức. Thực vậy, chức năng quan trọng bậc nhất của Công đoàn phải là bảo vệ quyền lợi của người lao động. Nhưng ở ta thì không, công đoàn chỉ lo việc đi tham quan, thăm hỏi người ốm hay sinh đẻ, hiếu hỉ, thi thoảng phát động thi đua hay tìm hiểu gì đó, tặng hoa “chúc mừng” đại hội chi bộ và đảng viên mới (chú ý, “chúc mừng” giả vờ thôi), chúc mừng 8/3 và bình xét danh hiệu cho chị em. Mặc dù các việc trên là việc tốt, nhưng đó chỉ là “chăm lo quyền lợi” chứ chưa thực sự là “bảo vệ quyền lợi”. Không có tổ chức công đoàn thì những việc đó vẫn được thực hiện dễ dàng. Người lao động khiếu nại hay tố cáo – công đoàn lờ đi hoặc phê phán họ. Người lao động muốn đình công – công đoàn ngăn cản hoặc chỉ trích họ. Người lao động muốn tham gia biểu tình yêu nước – công đoàn cảnh báo và ngăn cấm họ. Người lao động ít khi có được cảm giác công đoàn bảo vệ họ. Công đoàn hình thức như thế là có căn nguyên, bởi đó là tổ chức do Đảng lập ra, nên phải là công cụ của Đảng. Do vậy lãnh đạo Công đoàn mặc nhiên đứng về phía chính quyền, không đứng về phía người lao động.

Hiến pháp sửa đổi cần hiến định Công đoàn phải là tổ chức do người lao động lập ra, là công cụ của người lao động, để bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

Ngày càng thấy rõ, Mặt trận Tổ quốc các cấp là các tổ chức hình thức. Thật vậy, MTTQ đã không làm được việc tập hợp và đoàn kết toàn dân. MTTQ tuyên bố đã tăng cường sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân dân, nhưng đó là cách nói sai sự thật. Vai trò MTTQ chỉ xuất hiện mỗi khi có cuộc bầu cử. Nhưng chính vì chỉ muốn định hướng các cuộc bầu cử ấy là theo phương thức tự hiểu là “đảng cử, dân bầu”, nên MTTQ làm đủ chiêu trò để đạt cho được mục tiêu ấy. MTTQ cũng không hề làm được việc gì đúng nghĩa liên quan đến giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, giám sát các đại biểu dân cử và chống tham nhũng. Hãy hỏi người dân thường, sẽ được câu trả lời, họ không biết MTTQ là gì, làm gì. MTTQ hình thức và xa cách với dân như thế, căn nguyên là do đó là tổ chức ngoại vi của Đảng Cộng sản Việt Nam để tập hợp các đoàn thể không trực thuộc Đảng. MTTQ là công cụ của Đảng, và do vậy lãnh đạo MTTQ mặc nhiên đứng về phía Đảng, không đứng về phía nhân dân.

Hiến pháp sửa đổi cần hiến định MTTQ (hay tổ chức có tên gọi khác, có chức năng tương tự) phải là tổ chức do nhân dân lập ra, là công cụ của nhân dân, để bảo vệ quyền lợi nhân dân là tối thượng, giúp nhân dân giám sát Nhà nước.

Ngày càng thấy rõ, Quốc hội Việt Nam là tổ chức hình thức. Thật vậy, thành phần Quốc hội các khóa đều là kết quả của các cuộc bầu cử theo phương thức “đảng cử, dân bầu”, được MTTQ và các cấp chính quyền làm đủ mẹo mực để đạt cho được mục đích ấy. Biết bao câu chuyện cười ra nước mắt xung quanh các cuộc bầu cử quốc hội của chúng ta, lặp đi lặp lại kỳ này sang kỳ khác. Cử tri trên toàn quốc xưa nay bị đốc thúc đi bầu sát sàn sạt trong cái ngày được nói là “ngày hội bầu cử của toàn dân”. Họ bị đốc thúc để chính quyền và MTTQ địa phương có được con số phần trăm “đẹp” cử tri đi bầu, để làm thành tích. Vậy nên nhiều gia đình cử đại diện (một người) cầm tập phiếu đi bỏ cho cả nhà, với tinh thần là “muốn bỏ cho ai thì bỏ”, vì ai trúng cử thì cũng thế thôi, vì đều là đảng viên nên sẽ hành xử vì Đảng chứ không vì dân. Cử tri chỉ được thông báo về kết quả bầu cử, nhưng chẳng bao giờ được nghe thấy/được biết là các tổ kiểm phiếu là những ai và do ai bầu ra hay lập ra, vậy hiển nhiên kết quả bầu cử đó không hợp pháp. Nghịch lý, là kết quả ấy không những vẫn hợp pháp, mà còn “thành công tốt đẹp” và “thể hiện ý chí toàn dân”. Nghịch lý nữa, nói Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân Việt Nam, nhưng hơn 90% đại biểu Quốc hội lại là đảng viên Đảng CSVN, trong khi trong số gần 92 triệu dân thì chỉ có khoảng 3 triệu đảng viên Đảng CSVN. Vậy nên các đại biểu Quốc hội không đại diện cho nhân dân. Hệ quả là Quốc hội đã thực hiện rất tồi các chức năng như: quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, giám sát tối cao các hoạt động của Nhà nước, bởi quan điểm của các đại biểu quốc hội luôn bị chi phối và phụ thuộc vào định hướng quan điểm của Đảng, bất chấp nguyện vọng người dân ra sao.

Phi lý và nghiêm trọng nhất, vì Quốc hội là tổ chức hình thức và trở thành công cụ của Đảng, nên Đảng tước đoạt của nhân dân quyền Lập Hiến, vốn là quyền mặc định của nhân dân, để trao cho Quốc hội và hiến định điều đó trong Hiến pháp 1992 (trong điều 83). Và do vậy, Hiến pháp 1992 thực chất là Hiến pháp giả vờ. Qua đó, Đảng áp đặt đường lối phát triển đất nước sai lầm, dưới sự lãnh đạo độc quyền của Đảng.

Sự chân thành và tin cậy ban đầu của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, trong khoảng nửa thế kỷ qua, đã bị phản bội nhiều lần. Những phản bội lớn nhất của Đảng đối với nhân dân là lập ra nhiều tổ chức hình thức, buộc dân phải sống trong môi trường đầy rẫy hàng giả, hàng giả vờ, do các tổ chức hình thức tạo ra, gây khốn đốn cho nhân dân.

Cánh cửa đầu tiên mở ra lối thoát là: trao lại quyền Lập Hiến cho nhân dân.

Cánh cửa thứ hai: toàn dân tham gia cuộc bầu cử, bầu ra Ủy ban Lập Hiến Toàn quốc để đại diện cho nhân dân, gồm các cá nhân ưu tú trong tất các các lĩnh vực, các dân tộc, các tầng lớp, các tôn giáo.

Cánh cửa thứ ba: Ủy ban Lập Hiến Toàn quốc làm việc vì dân, đưa ra Dự thảo Hiến Pháp cơ sở (gốc), kèm các điều khoản với đa tùy chọn (Multiple Choices/Options).

Cánh cửa thứ tư: trưng cầu dân ý, mỗi công dân đưa ra chính kiến của mình đối với Dự thảo Hiến Pháp cơ sở (gốc) và đánh dấu vào tùy chọn của mình cho các điều khoản.

Cánh cửa thứ 5: kiểm phiếu trưng cầu dân ý và công bố kết quả.

Với Hiến pháp mới thực sự của nhân dân, con đường đi tới tương lai tươi đẹp của đất nước ta sẽ hiện ra thênh thang phía trước. Con đường đó đem đến nền dân chủ cộng hòa và độc lập, tự do, hạnh phúc thực sự cho toàn dân, trong đó có tất cả các đảng viên Đảng CSVN và gia đình họ, vì Đảng CSVN vẫn tồn tại hợp hiến trong lòng dân tộc.

Thái Bình, 19/2/2013

© Lưu Hà Sĩ Tâm

Bauxite Vietnam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad