Hồ Quang Huy
Hiện nay Quốc hội đang tiến hành sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và lấy ý kiến đóng góp của nhân dân. Sau đây tôi xin có đôi lời tâm tư về hiện tình đất nước và kiến nghị lên các cơ quan có thẩm quyền để góp phần xây dựng hiến pháp thật sự do dân, vì dân.
Việc sửa đổi hiến pháp lần này theo tôi tuy quá muộn nhưng rất cần thiết để đáp ứng nhu cầu phát triển, bảo vệ Tổ quốc và phục vụ nhân dân. Nói như vậy là bởi lẽ chưa bao giờ đất nước ta lại đứng trước nhiều nguy cơ, thách thức lớn, nhiều yếu kém và nhiều điều bất hợp lý như hiện nay, cũng như để đối phó với sự biến động của thế giới và khu vực. Trước khi đi vào nội dung kiến nghị, tôi xin điểm qua một số nguy cơ, yếu kém và điều bất hợp lý sau đây để thấy sự cần thiết cải cách sâu rộng chính trị mà trước hết phải từ hiến pháp:
1. Từ lâu tham nhũng đã là quốc nạn, các tập đoàn kinh tế nhà nước thua lỗ, làm thất thoát vốn, tài sản hoặc nợ lớn. Chủ tịch Nguyễn Minh Triết đã từng nói đại ý là ở nước ngoài muốn tham nhũng cũng khó vì họ chặt chẽ, chứ ở Việt Nam không muốn cũng động lòng tham vì nó dễ quá. Cũng do chưa chặt chẽ trong luật pháp, trong tổ chức dẫn đến thất thoát nguồn lực đất nước bằng nhiều con đường khác nhau và hiệu quả kinh tế, xã hội lại thấp…
2. Trong nhiều năm nay, quyền con người tuy đã được ghi trong hiến pháp và luật nhưng không được tôn trọng, thậm chí bị xâm phạm và chưa có dấu hiệu bị ngăn chặn. Trong đó nổi bật như ngăn chặn, bắt bớ người biểu tình, bắt người trái phép, nhiều người dân chết hoặc thương tích do bị công an đánh đập…
Từ lâu trong dư luận đã có câu: “Việt Nam có một rừng luật nhưng chỉ xài luật rừng” và không chỉ trong dư luận mà đã được phổ biến tận nghị trường.
Việc thực thi pháp luật thì như thế, nhưng báo chí tại Việt Nam tuy số lượng rất lớn nhưng đối với nhưng vấn đề “nhạy cảm” thì không đưa tin hoặc đưa tin qua lăng kính cơ quan công quyền. Nói như thế cũng có nghĩa là báo chí hiện nay nặng về nhiệm vụ chính trị mà nhẹ về nhiệm vụ thông tin. Theo Luật, báo chí là diễn đàn của nhân dân nhưng người dân muốn nói lên ý kiến của mình thì họ không đăng và cũng chẳng trả lời vì sao không đăng theo quy định của luật Báo chí.
Ngoài ra, mỗi người dân có rất nhiều đại biểu, thành viên của nhiều tổ chức nhưng mỗi khi có điều oan khuất rất ít khi được các đại biểu hoặc tổ chức đó lên tiếng bảo vệ. Thậm chí có người cho biết đã gửi 21 lá đơn kêu cứu và kiến nghị lên các cơ quan và lãnh đạo cao nhất của đất nước vẫn không được giải quyết và hồi âm.
3. Quan hệ giữa nước ta với Trung Quốc trong nhiều năm nay ngày càng xấu, họ ngày càng hung hăng và lấn lướt dẫn tới nguy cơ mất nước và lệ thuộc. Không những trên biển mà ngay trong đất liền họ cũng có mặt khắp nơi, thao túng, phá hoại nhiều mặt và gây mất ổn định, trật tự xã hội.
Đứng trước nguy cơ này, ở các nước dân chủ người dân tỏ thái độ phản đối ôn hòa như biểu tình chẳng hạn là bình thường và được khuyến khích, nhưng ở Việt Nam thì bị ngăn cấm.
4. Ban hành văn bản quy phạm pháp luật: hiện nay chúng ta có rất nhiều văn bản pháp luật nhưng chất lượng thấp, văn bản này chồng chéo và mâu thuẫn với văn bản kia; luật sửa đi, sửa lại nhiều nhưng vẫn kém chất lượng. Nhiều chính sách ban hành không hợp lòng dân, bị dư luận phản đối. Thậm chí có văn bản như Nghị định 38/2005/NĐ-CP vi hiến nhưng công dân kiến nghị bải bỏ thì đến nay không giải quyết cũng chẳng trả lời.
Tuy dự thảo sửa đổi lần này có đề cập đến Hội đồng Hiến pháp, nhưng hội đồng này cũng chỉ là một cơ quan giúp việc cho Quốc hội để kiểm tra tính hợp hiến của văn bản QPPL còn việc bải bỏ vẫn thuộc quyền Quốc hội.
Xét về lý luận cũng như thực tiễn thì Quốc hội vừa làm luật vừa giám sát việc ban hành văn bản QPPL là không hợp lý vì như vậy là vừa đã bóng vừa thổi còi và Quốc hội không phải là cơ quan tài phán, trong khi việc bãi bỏ văn bản vi hiến phải là bắt buộc, tức là phải do cơ quan tài phán thực hiện. Đặt tình huống: nếu Quốc hội cố tình ban hành hoặc bật đèn xanh cho Chính phủ ban hành văn bản trái hiến pháp thì liệu chừng các văn bản đó có được bãi bỏ?
5. Ở bất cứ quốc gia nào thì nhân dân là người chủ, quyền lực nhân dân là không giới hạn. Tại điều 2 hiến pháp năm 1992 cũng đã ghi: “Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân“. Tuy nhiên điều này chưa đi vào cuộc sống vì chưa có cơ chế để thực thi. Chẳng hạn, hiện nay chúng ta sửa đổi hiến pháp cho phù hợp với cương lĩnh chính trị của Đảng trong khi đó đúng ra Cương lĩnh của Đảng phải căn cứ và phù hợp với hiến pháp. Điều đó cũng giống như “gọt chân cho vừa giày”, tức là chúng ta đang làm ngược. Như vậy có còn “Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân“ hay không? Hiến pháp là của toàn dân, là văn bản ủy quyền của nhân dân cho nhà nước do đó mọi văn bản đều phải theo hiến pháp. Ngay điều 4 Hiến pháp 1992 cũng ghi rõ “Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.
Đó là chưa nói hiện nay ranh giới nhiệm vụ, quyền hạn giữa Đảng và nhà nước không rõ ràng nên chúng ta vẫn thường nghe nói tình trạng Đảng làm thay chính quyền hoặc có những việc đáng lẽ xử lý theo pháp luật thì lại chưa xử lý được vì chưa có chỉ đạo của Đảng.
Ngoài ra, hiện nay mọi hoạt động của Đảng đều liên quan đến quốc kế dân sinh, ảnh hưởng đến mọi người dân, nhưng chưa có một cơ chế nào để nhân dân kiểm tra, giám sát Đảng (thông qua luật), trách nhiệm của Đảng đến đâu cũng không được xác định. Đặt tình huống: giả sử quyền lợi của Đảng mâu thuẫn với quyền lợi của dân tộc, nhân dân thì ai giải quyết và giải quyết thế nào? Hiện nay điều đó hoàn toàn do Đảng quyết định, tức là phụ thuộc vào thiện chí của Đảng chứ nhân dân không có công cụ gì để can thiệp.
Ngoài những vấn đề nói trên, chúng ta đang đứng trước nhiều nguy cơ, vấn nạn, yếu kém khác như: dân khiếu kiện tập trung đông người kéo dài diễn ra khắp nơi mà phần lớn là khiếu kiện về đất đai, đạo đức xã hội xuống cấp, bệnh giả dối lên ngôi, giáo dục tụt hậu, buông lỏng quản lý để khoáng sản bị đào xới khắp nơi, không còn kỷ cương phép nước, tính vô cảm phổ biến, đấu tranh là động lực của phát triển gần như đã bị triệt tiêu, bất công và khoảng cách giàu nghèo tăng cao, chiến tranh đã đi qua gần 40 năm và cũng chừng ấy năm cả nước xây dựng CNXH mà nước ta vẫn là nước có nhiều người nghèo gần nhất trong khu vực …
Với tình trạng này, nội lực quốc gia đã và đang bị suy giảm nghiêm trọng ảnh hưởng xấu đến cuộc sống nhân dân và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Để đẩy lùi và ngăn chặn tình trạng trên, còn nhiều vấn đề phải làm nhưng một điều không thể thiếu là mọi quyền lực phải thuộc về nhân dân, các quyền lực do nhân dân ủy thác (trong HP) phải được kiểm soát và giám sát, tôn trọng và phát huy quyền con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội.
Với những suy tư, trăn trở nói trên, tôi kiến nghị đối với bản dự thảo sửa đổi hiến pháp lần này như sau:
1. Quyền lực nhà nước gồm 3 nhánh là lập pháp, hành pháp và tòa án phải được xây dựng trên cơ chế tam quyền phân lập để có sự độc lập tương đối và giám sát lẫn nhau.
2. Theo dự thảo sửa đổi thì khoản 2 điều 4 đã ghi: “2. Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”.
Chúng tôi cho rằng điều này có sự đổi mới tiến bộ về nhận thức, nhưng nhân dân giám sát bằng cách nào và Đảng chịu trách nhiệm như thế nào? Nếu chỉ nói như vậy mà không có cơ chế nào để thực thi thì cũng chỉ là hình thức. Vì vậy nếu vẫn giữ điều 4 thì phải nói rõ “mọi hoạt động của Đảng CSVN phải được quy định trong luật và chỉ được làm những gì luật cho phép” hay nói cách khác là phải có luật về đảng. Nhân dân chúng tôi đã ủy quyền cho tổ chức nào lãnh đạo thì phải giám sát, kiểm soát được tổ chức đó.
Việc chỉ có độc đảng lãnh đạo sẽ rất khó tam quyền phân lập và tôi không kiến nghị bỏ điều 4 không phải vì tôi tin Đảng mà đơn giản là nếu bỏ điều 4 nhưng Đảng vẫn kiên trì lãnh đạo thì sao?
3. Thành lập Tòa án Hiến pháp để bảo vệ hiến pháp và pháp luật.
4. Người dân có quyền tự do ứng cử và bầu cử không cần hiệp thương (có thể phải bầu cử nhiều vòng). Quy định tỷ lệ Đại biểu quốc hội là người ngoài Đảng CSVN không dưới 60% thay cho 10% như hiện nay; đại biểu chuyên trách không dưới 65% để có đủ thời gian làm luật và giám sát cũng như đi dần vào chuyên nghiệp đồng thời giảm thiểu tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi.
5. Hiến pháp hiện nay đã quy định công dân có quyền tự do báo chí nhưng quy định này chưa đi vào thực tiễn, vì vậy phải quy định rõ chấp nhận tự do xuất bản và báo chí tư nhân đồng thời chấp nhận xã hội dân sự.
6. Vì Hiến pháp là khế ước để nhân dân trao quyền của mình cho Nhà nước và để đảm bảo quyền lực tối cao thuộc về nhân dân cũng như đảm bảo quyền làm chủ trực tiếp, phải quy định nhân dân giữ quyền tối cao trong việc làm hiến pháp cũng như quyết định các chính sách lớn (các chính sách này do luật định) bằng cách biểu quyết.
7. Công nhận đất đai gồm nhiều hình thức sở hữu, trong đó có sở hữu tư nhân.
Ngoài ra, đề nghị kéo dài thời gian lấy ý kiến của nhân dân ít nhất là 9 tháng, vì 3 tháng là quá ngắn đối với đạo luật quan trọng này và vì thời gian này trùng với tết Nguyên Đán là không hợp lý.
Đề nghị các đại biểu Quốc hội không thông qua bản hiến pháp sửa đổi nếu không đáp ứng các yêu cầu trên đây.
Khánh Hòa, ngày 10/01/2013
Hồ Quang Huy
Người kiến nghị
(Đã ký và gửi Ủy ban dự thảo)
Theo Bauxite Việt Nam
Post Top Ad
Thứ Tư, 20 tháng 2, 2013
Từ khóa tìm kiếm:
# Chính Trị - Xã Hội
Share This
About
Người Đưa Tin
Chính Trị - Xã Hội
Labels:
Chính Trị - Xã Hội
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Post Bottom Ad
Author Details
Người Đưa Tin - Trang Thông Tin Đa Chiều. Tất cả bài đăng tải trên thể hiện quan điểm riêng và cách hành văn của tác giả có thể gây ra những tranh luận đa chiều và trái chiều Người Đưa Tin mong nhận được ý kiến phản hồi và phản biện của độc giả
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét