Như vậy, quyết định của Thượng Viện Mỹ - tức là ngành lập pháp - đã có tác dụng khai tử hẳn hiệp định TPP, vì về phía hành pháp, bản thân ông Donald Trump đã từng hứa với cử tri là ông sẽ rút Hoa Kỳ ra khỏi Hiệp định TPP ngay trong ngày đầu làm tổng thống Mỹ.
Theo nhật báo Mỹ USA Today, việc Hoa Kỳ rút khỏi hiệp định TPP có tác dụng khai tử hẳn văn kiện này, kể cả khi được 11 nước còn lại phê chuẩn vì sẽ thiếu mất điều kiện hội đủ 85% trọng lượng các nền kinh tế thành viên của hiệp định.
Gs. Nguyễn Mạnh Hùng: Phá bỏ TPP còn là "phản bội lại quyền lợi chiến lược của Mỹ"
Theo phân tích của giáo sư chính trị học Nguyễn Mạnh Hùng, đại học George Mason (Hoa Kỳ), khi khai tử hiệp định TPP, ông Donald Trump đã thỏa mãn mong muốn “phá bỏ một di sản ngoại giao quan trọng của Obama”, nhưng lại “phản bội lại quyền lợi chiến lược của Mỹ”.
Trả lời phỏng vấn của RFI, giáo sư Hùng phân tích :
Đây là một quyết định có hệ quả quan trọng đối với chính sách xoay trục của chính quyền Obama. Làm được việc ấy, ông Trump có cái thích thú là phá bỏ một di sản ngoại giao quan trọng của Obama, nhưng đồng thời ông Trump cũng phản bội lại quyền lợi chiến lược của Mỹ.
TPP không chỉ là một hiệp ước kinh tế mà nó còn có một ý nghĩa chiến lược quan trọng. Nó là xương sống của chính sách xoay trục của Mỹ về Á Châu. Bỏ TPP, chính sách xoay trục bị giảm rất nhiều hiệu lực.
Các nhà lãnh đạo Á Châu đều coi Mỹ là một “lực lượng ổn định” (stabilizing force) ở Á Châu Thái Bình Dương trước sự lấn lướt của Trung Quốc. Bỏ TPP, cán cân lực lượng trong vùng Á Châu Thái Bình Dương sẽ thay đổi lớn lao. Mỹ lui thì Trung Quốc tiến, Mỹ bỏ thì Trung Quốc tràn vào.
Khi các nước Á Châu mất tin tưởng ở khả năng và quyết tâm can dự của Mỹ, họ sẽ bắt buộc phải thích ứng với sự thay đổi ấy và làm suy yếu vị thế cường quốc của Mỹ ở vùng này. Chính sách của tổng thống Philippines Rodrigo Duterte là một chỉ dấu đầu tiên của tiến trình có thể xảy ra này.
Trump có quyền xé bỏ hiệp định TPP ?
Vấn đề là liệu Trump có làm được điều ông muốn hay không ? Câu trả lời là “có, nếu . . .”. Ở Mỹ, Hành Pháp có quyền thương lượng hiệp ước quốc tế và, trước khi Quốc Hội biểu quyết, Hành Pháp cũng có quyền đơn phương chấm dứt cam kết của mình. Ngay cả trong trường hợp đã được đưa ra để Quốc Hội phê chuẩn, Hành Pháp cũng có quyền yêu cầu Quốc Hội ngưng thảo luận việc phê chuẩn hiệp ước. Đó là trường hợp tổng thống Carter đã yêu cầu Quốc Hội ngưng phê chuẩn hiệp ước hạn chế vũ khí nguyên tử chiến lược SALT II mà chính ông ký hồi tháng 6 năm 1979 với Brezhnev, vì Nga tấn công vào Afghanistan tháng 12 năm ấy.
Nhung nếu Quốc Hội đã phê chuẩn rồi thì việc lại khác. Đó là lý do tại sao Trump tuyên bố sẽ rút khỏi TPP, nhưng chỉ đòi điều đình lại NAFTA.
Để tránh trường hợp này, trong khóa họp “vịt què” giữa thời gian Trump đắc cử cho đến thời gian ông nhậm chức, ngày 20 tháng 1 năm 2017, Quốc Hội có thể bỏ phiếu phê chuẩn TPP, tam thời trấn an các đồng minh và đối tác của Mỹ ở Á Châu, và đặt Trump vào một sự đã rồi (fait accompli).
Ở Mỹ có những nhóm lợi ích lớn ủng hộ TPP, ngoài các công ty đa quốc gia, còn có quyền lợi của quân đội và hải quân Mỹ, cộng với ý muốn ủng hộ TPP của một số lãnh đạo quan trọng của đảng Cộng Hòa mà Trump sẽ phải giảng hòa, như Chủ tich Ủy Ban Quân Vụ Thượng Viện John McCain, thượng nghị sĩ Lindsey Graham, thượng nghị sĩ Marco Rubio, thượng nghị sĩ Tez Cruz.
Với vận động hành lang mạnh mẽ của các nhóm lợi ích tư bản và quân đội, song song với vận động của các nước ủng hộ TPP, việc tạo nên một khối ủng hộ việc phê chuẩn TPP giữa các nghị sĩ Cộng Hòa và Dân Chủ không phải là việc không làm được.
Tuy nhiên, triển vọng này mới bị thượng nghị sĩ Mitch McConnell, lãnh tụ phe đa số tại Thượng Viện của đảng Cộng Hòa, tạt một gáo nước lạnh, khi ông tuyên bố Thượng Viện sẽ không cứu xét TPP trong khóa họp “vịt què.”
Trọng Nghĩa
RFI
Không rõ ông ấy còn định làm gì tiếp theo
Trả lờiXóa