Theo lịch trình hiện nay, Hạ Viện sẽ biểu quyết ngôn ngữ thống nhất của Hội Nghị Lưỡng Viện vào Thứ Sáu này; Thượng Viện sẽ biểu quyết tuần sau.
“Chúng tôi tin rằng TT Obama sẽ ký ban hành luật này vì không có chọn lựa nào khác”, Ts. Thắng nhận xét.
Theo luật của Hoa Kỳ, Tổng Thống không thể phủ quyết khi một đạo luật được 2/3 đa số ở một trong 2 viện biểu quyết thông qua. Đằng này, luật về chế tài đã được nhất trí thông qua bởi Thượng Viện tháng12 năm ngoái và rồi Hạ Viện tháng 5 năm nay.
Luật chế tài các kẻ vi phạm nhân quyền được Ông Cao Quang Ánh, lúc ấy còn là Dân Biểu Liên Bang, đưa vào Hạ Viện năm 2010 nhưng do thời điểm gần bãi khoá nên Quốc Hội đã không cứu xét. DB Ánh lấy ý từ dự thảo luật cùng lúc ấy đang được TNS John MCain đề nghị.
TNS MCain đặt tên cho dự thảo luật này là Sergei Magnitsky Rule of Law Accountability Act để vinh danh luật sư Sergei Magnitsky, người đã bị giết chết do phanh phui một vụ tham nhũng lớn và các hành vi vi phạm nhân quyền liên quan đến một số giới chức lãnh đạo trong chính quyền Nga. Quốc Hội đã thông qua dự luật này năm 2012. Sau vụ Nga cưỡng chiếm vùng đất Crimea của Ukraina, Hành Pháp Obama đã sử dụng luật này để chế tài các cá nhân thân cận với Tổng Thống Vladimir Putin.
Sau khi DB Cao Quang Ánh rời Quốc Hội, DB Ed Royce (Cộng Hoà –CA) và TNS John Cornyn (Cộng Hoà – TX) tiếp tục đưa dự luật của DB Ánh vào Hạ Viện và Thượng Viện Hoa Kỳ. Tuy nhiên dự luật này đã không có đủ số vị dân cử ủng hộ để đươc biểu quyết.
Trước tình hình ấy, năm 2015 TNS Ben Cardin (Dân Chủ - MD) cùng với TNS Marco Rubio (Cộng Hoà – FL) quyết định nới rộng ngôn ngữ để áp dụng toàn cầu thay vì chỉ là Việt Nam, và đặt tên cho dự thảo luật là Global Magnitsky Human Rights Accountability Act, ngụ ý nới rộng ra toàn cầu đạo luật mà trước đây chỉ dành riêng cho Nga.
Sau khi dự luật nới rộng này được toàn thể Thượng Viện thông qua một cách nhất trí vào cuối năm ngoài, DB Christopher Smith đã đưa nó vào Hạ Viện. Hạ Viện đã thông qua dự luật vào tháng 5 vừa qua, cũng một cách nhất trí.
Để bảo đảm rằng dự thảo luật này không bị loại bỏ hay bị “lọt sổ” do thời khoá biểu làm việc đặc nghẹt của Quốc Hội, TNS Cardin và TNS Rubio đã vận động cài nó vào Luật Chuẩn Chi Ngân Sách Quốc Phòng năm 2017 ở Thượng Viện. Ngày hôm qua, Hội Nghị Lưỡng Viện đã biểu quyết về ngôn ngữ thống nhất cho văn bản luật chung cho cả 2 viện. Phần chế tài các kẻ vi phạm nhân quyền trên thế giới nằm trong văn bản luật thống nhất.
“Người Mỹ gốc Việt đã đóng góp rất lớn cho thành quả này, từ việc khởi xướng năm 2010 cho đến những nỗ lực vận động liên tục từ đó cho đến nay”, TS. Thắng nhận định.
Trong khoảng thời gian 2010-2011, BPSOS đã cùng với DB Cao Quang Ánh thực hiện nhiều đợt vận động cho dự luật này. Kể từ năm 2012, BPSOS nới rộng nỗ lực vận động qua hình thức Ngày Vận Động Cho Việt Nam được tổ chức hàng năm ở Quốc Hội Hoa Kỳ với sự tham gia của nhiều trăm nhà vận động đến từ trên 30 tiểu bang Hoa Kỳ, và một số quốc gia như Đức, Pháp, và Canada. Luật chế tài các kẻ vi phạm nhân quyền luôn luôn là một trọng tâm của cuộc vận động kéo dài trong 6 năm qua này.
“Tôi tri ân biết bao nhiêu đồng hương đã bỏ công, tiền và thời giờ để tham gia các cuộc vận động liên luỷ từ năm này sang năm khác,” Ts. Thắng nói. “Xin cảm ơn tấm lòng của quý vị đối với quê hương và dân tộc cũng như niềm tin của quý vị dành cho chúng tôi suốt bao năm qua.”
Về ý nghĩa của luật chế tài sau khi được ban hành bởi Tổng Thống, Ts. Thắng cho biết là nó góp phần đẩy nhanh tiến trình 10 năm dân chủ hoá Việt Nam mà BPSOS đã đề ra từ năm 2010:
“Qua công thức ‘nhóm kết nghĩa’ mà chúng tôi đang triển khai, người Việt ở hải ngoại sẽ đóng góp rất nhiều cho việc tạo không gian an toàn cho các cộng đồng tôn giáo, cộng đồng sắc tộc và các nhà hoạt động nhân quyền và dân chủ ở trong nước bằng cách theo dõi và báo cáo các vụ vi phạm nhân quyền trầm trọng kèm với danh sách các thủ phạm để nộp cho Quốc Hội và Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ.”
Ts. Thắng cho biết là một nỗ lực để thu thập thông tin về các vụ vi phạm và các giới chức chính quyền lien can đã được chuẩn bị từ nhiều tháng qua và sẽ được ra mắt trong một ngày gần đây.
Các điều khoản chính trong ngôn ngữ chế tài các kẻ vi phạm nhân quyền trầm trọng hay tham nhũng trầm trọng gồm có:
Luật áp dụng đối với những kẻ vi phạm trầm trọng (giết hại, tra tấn, và các hình thứ đàn áp nặng nề) nhân quyền đối với những người:
Phanh phui các hành động phi pháp (bao gồm cướp đoạt tài sản, tham nhũng, hối lộ, hay chuyển lậu tài sản ra nước ngoài) của các giới chức chính quyền;
Giành lại, thực thi, bảo vệ hay phát huy các quyền con người được quốc tế công nhận (như quyền tự do tôn giáo, phát biểu, hội họp, lập hội, xét xử công bằng và bầu cử dân chủ).
Kẻ vi phạm là giới chức chính quyền ngoại quốc, thuộc hạ của họ trong việc thi hành các sự vi phạm, hay kẻ tiếp tay hỗ trợ cho việc thi hành này.
Các hình thức chế tài gồm có:
Cấm nhập cảnh Hoa Kỳ, và thu hồi chiếu khán nhập cảnh Hoa Kỳ nếu đã được cấp;
Đóng băng tài sản của kẻ vi phạm, kể cả ở Hoa Kỳ, được di chuyển qua Hoa Kỳ hay đang nằm dưới tên của một công dân hay thường trú nhân Hoa Kỳ.
Danh sác các đối tượng để chế tài phải được đề nghị bởi cả Chủ Tịch (thuộc đảng đa số) lẫn người lãnh đạo đảng thiểu số của các Uỷ Ban sau đây:
Uỷ Ban Ngân Hàng, Gia Cư và Thành Thị (Committee on Banking, Housing and Urban Affairs) của Thượng Viện;
Uỷ Ban Đối Ngoại của Thượng Viện;
Uỷ Ban Dịch Vụ Tài Chính của Hạ Viện;
Uỷ Ban Đối Ngoại của Hạ Viện.
Nếu là đối tượng bị đàn áp là người tranh đấu nhân quyền thì sự đề nghị chỉ cần đến từ một trong 4 uỷ ban trên; nếu liên quan đến cưỡng đoạt tài sản hay tham nhũng thì sự đề nghị phải cùng lúc đến từ 2 trong số 4 uỷ ban kể trên với điều kiện 1 ở Hạ Viện và 1 ở Thượng Viện.
Bộ phận Dân Chủ, Nhân Quyền và Lao Động của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cũng có thể nộp danh sách đề nghị.
Tổng Thống Hoa Kỳ có 120 ngày kể từ khi nhận được danh sách đề nghị để phúc trình với Quốc Hội về các biện pháp áp dụng theo đòi hỏi của luật; Tổng Thống có thể cứu xét biện pháp áp dụng dựa trên các thông tin được cung cấp bởi những tổ chức phi chính phủ chuyên theo dõi tình trạng nhân quyền hoặc được cung cấp bởi các uỷ ban thuộc Quốc Hội kể trên. Ngày 10 tháng 12 mỗi năm (Ngày Quốc Tế Nhân Quyền), Tổng Thống có trách nhiệm phúc trình tổng hợp cho Quốc Hội về việc thực thi luật trong năm.
Tổng Thống có thể miễn áp dụng luật đối với một số cá nhân nếu chứng minh rằng lý do miễn là vì kẻ vi phạm đã bị truy tố đích đáng ở quốc gia sở tại, vì kẻ vi phạm đã hoàn toàn thay đổi thái độ, hay vì do lợi ích quốc gia Hoa Ky (phải đi kèm với lời biện minh thích đáng).
Luật có hiệu lực 6 năm, sau đó sẽ tự động mất tính hiệu lực trừ khi được Quốc Hội gia hạn.
© Lanney Tran
Ngôn ngữ luật được Hội Nghị Lưỡng Viên Quốc Hội thông qua (trang 1364 – 1377):
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét