Hội thảo phân tích tác động của phán quyết của tòa trọng tài quốc tế hồi tháng 7 về vụ án Philippines kiện Trung Quốc về tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, chia sẻ cách thức các nước châu Á áp dụng luật quốc tế trước đây, và tìm hiểu những hình thức hợp tác để tôn trọng và thúc đẩy pháp quyền.
Tham gia hội thảo có nhiều quan chức ngoại giao, học giả, chuyên gia của 3 nước. Cuộc thảo luận của họ cho thấy sự hiểu biết chung về tầm quan trọng của pháp quyền đối với việc gìn giữ hòa bình và ổn định ở các vùng biển châu Á, kể cả ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Sau khi bế mạc hội thảo, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nhật Yasuhisa Kawamura cho báo chí biết thủ tướng nước ông “đã nhận được đề nghị cung cấp tàu tuần duyên mới cho Việt Nam” và Nhật “đang chuẩn bị cung cấp những tàu mới này”. Trước đó, Nhật đã cung cấp 6 tàu tuần tra đã sử dụng cho Việt Nam.
Thạc sỹ Hoàng Việt, một chuyên gia về Biển Đông, nói với VOA rằng việc Nhật gia tăng can dự với Việt Nam và ở Đông Nam Á là điều dễ hiểu:
“Nhật Bản cũng gặp một nỗi lo là tham vọng của Trung Quốc trên biển, cụ thể là trên biển Hoa Đông. Biển Đông và Biển Hoa Đông có mối liên hệ rất chặt chẽ với nhau, bởi vì cùng bắt đầu từ một tay chơi là Trung Quốc. Chính vì vậy, việc Nhật thúc đẩy các quan hệ, đặc biệt là tăng cường sức mạnh, đối thoại, và giúp đỡ các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, ở Biển Đông thì đó là điều nằm trong chiến lược của Nhật Bản. Nhật Bản cũng muốn trở thành đồng minh tự nhiên. Tức là các quốc gia như Việt Nam, Philippines và Nhật Bản, Malaysia chẳng hạn, thì các quốc gia này đều gặp một mối lo ngại, đó là Trung Quốc”.
Chuyên gia này nhận định rằng chính sách của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump muốn giới hạn hoạt động của Mỹ ở nước ngoài có thể đưa đến hệ quả là Nhật càng thúc đẩy vai trò của họ ở châu Á nói chung, và Biển Đông nói riêng:
“Trong bối cảnh đó, cái ảnh hưởng của phía Nhật Bản chắc chắn là theo tôi nghĩ họ cũng tìm mọi cách, họ sẽ phải thúc đẩy cái vấn đề hơn. Và vấn đề của Nhật thì họ không chỉ muốn là tăng hợp tác về dân sự, mà họ muốn các quốc gia khu vực ở Biển Đông phải có tiềm lực mạnh hơn, cùng với Nhật Bản thì sẽ có thể là nó cũng ngăn trở phần nào cái ảnh hưởng từ phía Trung Quốc, đặc biệt cái tham vọng của Trung Quốc trên biển”.
Về các động thái đối ngoại của Việt Nam với Nhật, Thạc sỹ Việt tin rằng quan hệ tương lai giữa hai nước sẽ mạnh hơn nhưng mạnh đến mức nào sẽ tùy thuộc vào sự thận trọng của Việt Nam. Ông cho rằng Việt Nam còn muốn đánh giá thêm về tình hình quốc tế nhất là vào lúc đang có những thay đổi ở các nước có tầm ảnh hưởng lớn như Mỹ hoặc Anh.
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Nhật nói nước này và Anh chia sẻ những giá trị chung kể cả vấn đề pháp quyền và hai nước cũng có trách nhiệm đối với hòa bình và an ninh quốc tế.
An Tôn
VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét