Nhấp vào nút play (►) dưới đây để nghe |
Từ 60.000 tỷ đồng tăng lên 100.000 tỷ đồng để phát triển nông nghiệp công nghệ cao là thông báo được ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra trong ngày làm việc đầu tiên sau Tết Nguyên Đán.
Ông Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Ngân Hàng Nhà Nước tiến hành vận động các ngân hàng khác để có gói hỗ trợ 100.000 tỷ đồng như vừa nêu.
Theo ông, làm nông kiểu ‘con trâu đi trước cái cày đi sau’ là cách thức thủ công phải được cải thiện bằng công nghệ mới, muốn phát triển thì phải theo hướng nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao, nông nghiệp sạch, thông minh, theo yêu cầu thị trường, hướng vào thị trường nội địa và xuất khẩu, đặc biệt là rau quả và chăn nuôi.
Ông Nguyễn Xuân Phúc còn khẳng định bài toán nông nghiệp Việt Nam chỉ được giải quyết khi có sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân và hợp tác xã làm nông nghiệp chất lượng cao.
Ông Nguyễn Việt Quang, phó chủ tịch tập đoàn Vingroup, đơn vị đầu tư vào dự án sản xuất nông phẩm sạch tại Hà Nam, dự kiến đến cuối năm thì hoàn thiện cơ sở hạ tầng và đi vào sản xuất trên diện tích 180 hectares đất, rằng đấy là nông trường ứng dụng công nghệ cao với mọi thứ được cơ giới hóa và tự động hóa, trong lúc sản phẩm các loại như rau quả được chăm trồng trong nhà màng, nhà kính.
Hỗ trợ nông nghiệp là việc cần thiết nhưng để chắc chắn có phải hỗ trợ nông nghiệp công nghệ cao hay không là điều cần bàn cãi. Đó là nhận định khá thận trọng của tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên viện trưởng Viện Nghiên Cứu Phát Triển đã giải thể:
Nói rằng hỗ trợ 100.000 tỷ tín dụng cho nông nghiệp công nghệ cao mà thực sự tôi nhìn thấy ít ra là mấy đại gia đằng sau dự án này. - Tiến sĩ Nguyễn Quang A |
Một chuyện khác, nếu nói rằng phát triển nông nghiệp công nghệ cao với mô hình thí nghiệm hay thử nghiệm gì đấy của một hai doanh nghiệp, trong trường hợp này là Vingroup chẳng hạn, họ lao vào nông nghiệp nhung họ là tập đoàn thì họ hãy sử dụng vốn của chính họ chứ đừng dựa vào bầu vú ngân sách, vào sự hỗ trợ của nhà nước. Như kinh nghiệm từ trước đến nay, chuyện hỗ trợ cho các đại gia có thể không phải là giải pháp cho nông nghiệp Việt Nam.
Tóm lại, kích thích, khuyến khích để các tập đoàn kinh doanh tự bỏ tiền đầu tư sao cho sản phẩm nông nghiệp có hiệu quả và bán được và nếu đã có hiệu quả thì chẳng cần nhà nước phải hỗ trợ cả, tiến sĩ Nguyễn Quang A góp ý:
Tôi nghĩ rằng nông nghiệp công nghệ cao chỉ là một phần của nông nghiệp mà thôi, cho nên tỷ lệ nông nghiệp nói chung sẽ giảm đi và càng ngày càng giảm đi. Vấn đề cốt lõi của nông nghiệp Việt Nam bây giờ là vấn đề chuyển một lượng người lao động khổng lồ đang làm nông nghiệp sang các khu vực khác, đó là công nghiệp,là dịch vụ. Đấy là quá trình chuyển đổi rất đau đớn, vất vả, căng thẳng, chính phủ có lẽ phải lo điều đấy là chính.
Ai sẽ làm?
Vẫn theo lời thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, doanh nghiệp tư nhân đóng vai trò cần thiết trong việc giải bài toán nông nghiệp của Việt Nam, nguồn nhân lực từ nông dân trong nông nghiệp công nghệ cao phải được tập trung đầu tư phát triển.
Làm nông nghiệp công nghệ cao chỉ có thể áp dụng được ở một số ít công ty hoặc cá nhân có khoa học kỹ thuật, đặc biệt có vốn và có đầu ra. Ở Việt Nam mình khi nói nông nghiệp công nghệ cao thường là chỉ nói về nhà màng, nhà kính (green house, glass house), trong đó có máy móc tự động điều khiển khí hậu cũng như điều khiển các dưỡng chất để cung cấp cho cây trồng trong nhà màng. Làm như thế không có người nông dân tham gia được mà chỉ người có vốn nhiều họ đầu tư. Đây là dịp để một số những đại gia có quan hệ đặc biệt với các bộ ngành, họ muốn lợi dụng chính sách của chính phủ để thực hiện nông nghiệp công nghệ cao. Họ có thể trồng rau, cà chua, dưa hoặc trồng rau trong những nhà màng, còn những sản phẩm khác tôi thấy khó có thể đưa vào nhà màng này.
Mấu chốt ở đây là phải có đầu ra, có tiền thì có thể trồng được nhưng doanh nghiệp, hàng ngàn doanh nghiệp vừa và nhỏ của ta hiện nay cũng đang bí đầu ra. Ngay cả mặt hàng dạo của mình thì giờ mình bán cũng không được mà, thành ra nói cho oai cho kêu nhưng mà thực ra công nghệ bình thường của mình thì mình còn chưa sử dụng hết.
Huy động nguồn nhân lực từ nông dân để làm nông nghiệp công nghệ cao, như ông Nguyễn Xuân Phúc đã nói, là rất cần thiết song cũng có khá nhiều trở ngại. Giáo sư Võ Tòng Xuân phân tích:
Muốn nông dân trồng có kết quả, có lời và có sản phẩm sạch phải đưa họ vào công nghệ cao. Trở ngại của mình là nông dân chưa nhận thức được khoa học cho đúng đắn. Họ thấy cái hiện tượng trước mắt mà họ không thấy cái khoa học. Nó xảy ra bên trong cây trồng hoặc bên trong đất và nước nơi cây trồng sinh sống. Nói nông dân có kinh nghiệm nhưng thực tế những kinh nghiệm này đưa tới những tác hại rất lớn đối với nông nghiệp của ta thí dụ như bón phân sai làm cho tiêu chí nhà kính phát thải nhiều hơn rồi quyến rũ rất nhiều sâu bịnh, từ đó nông dân phải tốn tiền mua thuốc bảo vệ thực vật. Tất cả những cái này đưa tới tình trạng hiện nay là sản phẩm kém chất lượng.
Công nghệ cao này cũng không có gì ghê gớm, cũng không cần phải tốn rất nhiều tiền để sắm nhà lưới, nhà kính hoặc nhà màng. Chỉ cần áp dụng khoa học cho chính xác, áp dụng kỹ thuật gọi là Good Agriculture Practice GAP khác với kỹ thuật bình thường nông dân làm trước kia, thì cũng có thể nói là áp dụng công nghệ cao. Kỹ thuật cao này hiện nay chưa được sử dụng hết, mười ông nông dân chỉ một hai ông áp dụng, tám ông kia vẫn dùng kỹ thuật cũ.
Thủ tướng đồng hành cùng ai?
Về một trong những phát biểu của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là chính phủ sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp làm nông nghiệp công nghệ cao, chuyên gia nông nghiệp Võ Tòng Xuân một lần nữa góp ý:
Không nên coi thường doanh nghiệp ngoài quốc doanh vì họ là số đông, họ làm việc tốt, có lời thì ngân sách nhà nước mới lên được. - Chuyên gia Võ Tòng Xuân |
Trở lại vấn đề từ 60.000 tỷ đồng lên đến 100.000 tỷ đồng nghe rất là oai nhưng ngân sách Việt Nam mình có bao nhiều tiền đâu, quá nhiều nợ trong nợ ngoài. Không phải bây giờ thủ tướng mới nói đâu, đã có Quyết Định 62, Quyết Định 63 của chính phủ tạo điều kiện ưu đãi để doanh nghiệp có thể kết hợp với nông dân. Nhiều năm rồi nhưng số người tiếp cận được vốn ưu đãi đó có thể đếm trên đầu ngón tay. Từ nhà nước xuống các ban ngành nó hoạnh họe nó đòi đủ thứ điều kiện làm doanh nghiệp rất chán nản.
Báo chí trong nước trích dẫn phát biểu của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là Việt Nam phải chuyển từ nền nông nghiệp cởi trói sang nền nông nghiệp kiến tạo.
Mời xem thêm video: Ai được hưởng lợi khi việc Chỉnh Đảng của Nguyễn Phú Trọng sa lầy trong vấn đề Bộ Công Thương?
Đối với các chuyên gia am hiểu tình hình thì phải chờ xem nông nghiệp kiến tạo có nghĩa như thế nào, khái niệm “từ nông nghiệp cởi trói sang nông nghiệp kiến tạo” có chính xác và có khả thi hay không.
Thanh Trúc
RFA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét