“Chưa rõ Bộ Ngoại giao hứa hẹn như thế nào với Đoàn Thị Hương là có giúp đỡ hay không và giúp đỡ như thế nào. Cụ thể là có thuê luật sư hay không, và gia đình trả hay nhà nước hỗ trợ hay cách nào đó? Tôi nghĩ rằng việc nhà nước giúp toàn bộ cũng là việc khó trong hoàn cảnh kinh phí còn eo hẹp như hiện nay”.
Mời xem Video: Chính quyền cộng sản Việt Nam bỏ mặc Đoàn Thị Hương bơ vơ trước Tòa án Malaysia
Tin tức trên báo chí trong nước cho hay Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã có văn bản gửi hai bộ ngoại giao và tư pháp về vấn đề này.
Luật sư Hoàng Ngọc Giao từ Hà Nội đã xác nhận với VOA hôm 2/3 về nỗ lực kể trên. Ông cho biết đến chiều tối cùng ngày chưa có câu trả lời từ hai bộ:
“Cho đến giờ phút này vẫn là câu chuyện dừng lại ở việc là đang chờ ý kiến cuối cùng của Bộ Ngoại giao cũng như Bộ Tư pháp và chúng tôi cũng đang chờ đợi ý kiến này”.
Một luật sư khác, ông Trần Vũ Hải, bổ sung thông tin cho VOA về cuộc trao đổi giữa Bộ Ngoại giao và Liên đoàn Luật sư:
“Bộ Ngoại giao nói rằng Bộ Ngoại giao sẽ cố gắng và thực ra đang làm tốt công tác bảo hộ công dân. Tuy nhiên các luật sư Việt Nam mà tình nguyện hỗ trợ thì họ sẽ xem xét các điều khoản và các quy định, tất nhiên là cả các quy định luật pháp của Malaysia như thế nào và họ trả lời sau”.
Từ khi công dân Việt Nam Đoàn Thị Hương bị bắt, đã có nhiều đánh giá từ công chúng rằng nhà chức trách Việt Nam hành động “chậm chạp”, “ít ỏi” trong việc bảo hộ công dân cũng như công bố thông tin liên quan.
Người phụ nữ 29 tuổi, quê Nam Định, đang phải đi qua các thủ tục tố tụng do cô đã đóng vai trò trong vụ ám sát anh trai cùng cha khác mẹ của lãnh tụ Bắc Triều Tiên tại sân bay Kuala Lumpur của Malaysia.
Hôm 1/3, Hương đã ra tòa địa phương Sepang chỉ để nghe cáo trạng, theo đó cô đối mặt với án tử hình nếu bị kết tội giết người. Đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia đã có mặt tại phiên tòa. Hiện có một luật sư do Malaysia chỉ định để bào chữa cho cô.
Trong khi đó, một nữ nghi phạm khác cùng tham gia vụ ám sát với Hương là cô Siti Aisyah, người Indonesia, được đại sứ quán của nước cô cung cấp 5 luật sư.
Sự thiếu vắng những động thái chính thức và nhanh chóng của nhà chức trách Việt Nam về bảo hộ công dân đã dẫn đến việc một số nhân vật trong giới trí thức lên tiếng sẵn sàng hành động tình nguyện để bảo vệ lợi ích của Đoàn Thị Hương.
Nhưng cũng có những ý kiến e dè rằng các luật sư Việt Nam có thể gặp những trở ngại về ngôn ngữ hay kiến thức về luật pháp của nước sở tại. Luật sư Hoàng Ngọc Giao nói ông tin tưởng cá nhân ông và các luật sư khác hoàn toàn đủ năng lực làm việc cho trường hợp này.
Nếu được nhà chức trách bật đèn xanh cho việc đi Malaysia, ông Giao, người cũng là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách Pháp luật và Phát triển, nói về mục tiêu trước mắt:
“Chúng tôi sẽ trợ giúp pháp lý, tìm hiểu thông tin, và cũng có thể có những ý kiến quyết định để trao đổi với luật sư của phía Malaysia. Theo nguyên tắc lãnh thổ trong tài phán hình sự, luật sư nước ngoài không có quyền tham gia trực tiếp tranh tụng ở phiên tòa. Tuy nhiên việc tham khảo ý kiến cũng như đưa ra những ý kiến tư vấn cùng với luật sư Malaysia thì việc này hoàn toàn có thể làm được”.
Theo thông tin mới nhất VOA có được, trong ngày 2/3, đại diện Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Việt Nam, đã gặp gia đình Đoàn Thị Hương và hướng dẫn gia đình về việc hỗ trợ pháp lý cho Đoàn Thị Hương theo luật Malaysia và thông lệ quốc tế.
Cục đã thông báo cho gia đình cô Hương về việc thăm lãnh sự và sức khỏe của cô. Tin cho hay Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia đang tiếp tục “triển khai các biện pháp bảo hộ công dân” để bảo đảm tiến trình tố tụng diễn ra “công bằng, khách quan, không phân biệt đối xử”, cũng như “đảm bảo mọi quyền lợi hợp pháp của công dân Việt Nam”.
Về cuộc gặp giữa Bộ Ngoại giao và gia đình Đoàn Thị Hương, luật sư Trần Vũ Hải cho VOA biết:
|
Bàn về hướng bào chữa cho Đoàn Thị Hương, luật sư Hoàng Ngọc Giao nêu ý kiến rằng vì vẫn còn một số nghi phạm còn đang bị truy nã nên vẫn còn một số điều chưa sáng tỏ, cũng như các chứng cứ còn chưa đầy đủ. Điều đó lóe lên một chút hy vọng. Ông nói:
“Tư pháp mà công bằng thì người ta luôn luôn phải dựa vào nguyên tắc như sau: trong hình sự người ta nói rõ là lượng đủ chứng cứ để kết tội nó được thể hiện là cho đến khi nào không còn một chứng cứ nào mà nó tạo lên sự nghi ngờ là đương sự đó không phạm tội, thì lúc đấy mới coi là đã đủ chứng cứ để kết tội. Cái điều này rất quan trọng. Chứ còn lại những tình tiết, sự việc, chứng cứ mà vẫn có thể cho người ta nghi ngờ nghi can này không phạm tội thì chưa đủ căn cứ để kết tội”.
Hôm 1/3, sau khi nghe cáo trạng, Đoàn Thị Hương nói ‘tôi hiểu cáo trạng’ nhưng cô nói ‘tôi vô tội'.
Hương và nữ nghi phạm người Indonesia Siti Aishah bị cáo buộc dùng chất độc thần kinh VX bôi vào mặt ông Kim Jong Nam ở sân bay Kuala Lumpur ngày 13/2 vừa qua khiến ông này thiệt mạng chỉ trong vòng 20 phút.
Một nghi phạm nam người Bắc Triều Tiên cũng đã bị bắt nhưng chưa đưa ra xét xử. Nhà chức trách Malaysia hiện đang truy nã 4 nghi can Bắc Triều Tiên khác.
VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét