Trước hết, phải thừa nhận rằng việc người dân thắc mắc về tài sản quý của quan chức là điều chính đáng, và quan chức bắt buộc phải giải trình về tài sản đó. Tuy nhiên công văn của báo Pháp luật và Đời sống không nằm trong trường hợp này. Việc lạm dụng danh xưng “bạn đọc” để truy vấn quan chức là điều không chuẩn mực. Điều này sẽ không nghiêm trọng nếu phía tờ báo có thể chỉ ra một căn cứ để làm nền tảng đòi tiếp xúc và yêu cầu ông Hải giải trình về tài sản, điều mà chắc chắn ông ấy phải làm theo quy định của luật pháp Việt Nam hàng năm (dù bảng kê khai đó có đúng hay chưa). Đằng này phía báo chỉ dùng cụm từ “điện thoại Vertu hạng sang” hay “đồng hồ hạng sang” thì xét về luật pháp, nó không chỉ ra một nghi vấn nào cụ thể và nặng ký, đủ để người ta tin rằng cần phải xét hỏi ông Hải để truy nguồn. Mặc khác, khi muốn biết nguồn gốc tài sản quan chức phải có mục đích rõ ràng, ví dụ để bầu cử, bầu tín nhiệm, kiểm tra công tác làm cán bộ, điều tra tham nhũng. Công văn của báo cũng không chỉ ra một vấn đề nào cụ thể, ngoài việc “bạn đọc thắc mắc”. Ngoài ra, giả sử công văn này là chính đáng thì nó cũng được gửi đi “sai địa chỉ”. Người có thẩm quyền kiểm tra và công khai (trong một phạm vi nhất định) tài sản quan chức là đơn vị quản lý quan chức và thanh tra đơn vị quản lý quan chức được quy định tại Thông tư số 8 năm 2013 về minh bạch tài sản công chức. Nếu báo muốn làm rõ thứ mà báo gọi là “nghi vấn”, và ngay cả khi nghi vấn đó là có lý, thì phải gửi cơ quan có thẩm quyền. Việc gửi đến ông Hải, tất nhiên không vi phạm pháp luật, nhưng ông Hải có quyền không trả lời vì đó là một hành vi truy xét thông tin cá nhân không chính đáng, dù ông Hải là quan chức lãnh đạo.
Thứ hai, tôi thấy trên mạng xã hội, nhiều người cho rằng tờ báo này làm đúng, rằng dân thắc mắc thì quan phải giải đáp. Tuy nhiên tôi cho rằng điều đó xuất phát từ định kiến với quan chức Việt Nam nói chung (trong đó có ông Hải) vì những vụ bê bối trong lịch sử và mức độ minh bạch hiện tại, chứ không có ai chỉ rõ các cơ sở về luật. Dù đa phần ý kiến đang tấn công ông Hải có xuất phát từ thành kiến hay không, thì việc ứng xử với trường hợp này cần phải có tính chuyên nghiệp. Tính chuyên nghiệp đòi hỏi ông Hải và cơ quan của ông cần lên tiếng giải đáp thắc mắc hay quan tâm của dư luận. Tất nhiên khác với việc kê khai nguồn gốc tài sản (mang tính cá nhân), cần lên tiếng khẳng định quan điểm trước sự nghi ngờ của báo Pháp luật và Đời sống. Ngoài ra, cần có những cơ quan giám sát có uy tín khác lên tiếng để chứng minh rằng tài sản của ông Hải đã được kê khai theo đúng luật quy định. Việc công khai nguồn gốc trong một phạm vi nhất định, bao gồm một số cơ quan giám sát đại diện của dân, sẽ là biện pháp hữu hiệu để trấn an lòng dân.
Mời xem Video: BÁO ĐỘNG: Biển miền Trung đã nhiễm độc nghiêm trọng - từ Hà Tĩnh, đến Huế, xuống tận Đà Nẵng!!!
Như vậy, từ vụ nhà báo đòi truy xét tài sản của quan chức ở Việt Nam, có hai vấn đề cần được cải thiện dù muốn hay không. Thứ nhất là vai trò, chức năng, quyền hạn của bên thứ ba (báo chí, người dân) trong việc giám sát tài sản quan chức cần được làm rõ để mọi người cùng nắm. Không chỉ nghĩ đúng, mà phải làm đúng chứ không làm theo kiểu thiếu chuyên nghiệp như báo Pháp luật và Đời sống. Thứ hai là cần phải gia tăng tính minh bạch, triệt tiêu mạnh nạn tham nhũng để tăng sự đồng thuận trong lòng dân. Để dân không hoang mang khi thấy quan chức đeo một chiếc đồng hồ xịn, dùng một chiếc điện thoại sang trọng, dẫu rằng đó là tài sản chính đáng của họ làm ra bằng cách này hay cách khác.
Cao Huy Huân
Blog VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét