Lê Công Định: Công nhận Việt Nam Cộng Hòa hay không thì quốc gia đó đã từng tồn tại - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Ba, 22 tháng 8, 2017

Lê Công Định: Công nhận Việt Nam Cộng Hòa hay không thì quốc gia đó đã từng tồn tại


Việt Nam vừa cho ra đời một bộ sách lịch sử mới, trong đó tên gọi Việt Nam Cộng hòa được dùng để chỉ chế độ chính trị tại miền Nam Việt Nam trước năm 1975.

Thủ Tướng Việt Nam Cộng hòa ông Nguyễn Cao Kỳ, tại Nha Trang, năm 1965


Nhấp vào nút play (►) dưới đây để nghe

Việt Nam vừa cho ra đời một bộ sách lịch sử mới, trong đó tên gọi Việt Nam Cộng Hòa được dùng để chỉ chế độ chính trị tại miền Nam Việt Nam trước năm 1975.

Một số ý kiến trên tờ Tuổi Trẻ trong nước cho rằng việc thừa nhận Việt Nam Cộng Hòa là một bước tiến quan trọng trong việc viết sử tại Việt Nam.

Luật sư Lê Công Định cho rằng điều đó không có nghĩa như vậy.

Luật sư Lê Công Định: Tôi thấy đôi khi họ vẫn dùng nguyên tên của Việt Nam Cộng Hòa, tuy nhiên trên các văn bản, hay truyền thông họ vẫn dùng song song với những từ như là ngụy quân ngụy quyền. Nếu gọi là có nhẹ đi thì tôi nghĩ nó chỉ thỉnh thoảng thôi, chứ nó không phải là một xu hướng, và đây cũng không phải là một sự công nhận chính thức gì cả. Giới sử học từ xưa đến giờ vẫn đi theo cách gọi của nhà cầm quyền, mà lẽ ra với tư cách những người viết sử, thì họ phải có một thái độ trung lập. Đằng này họ bị ảnh hưởng, và tôi nói thẳng là họ bị nô lệ cho sự tuyên truyền của nhà cầm quyền. Thì bây giờ họ có dùng lại đúng từ Việt Nam Cộng Hòa, hay là không dùng những thuật ngữ như là ngụy quân ngụy quyền để chỉ quân đội Sài Gòn hay chính quyền Sài Gòn, thì đây chỉ là sự trở lại một chuẩn mực mà lẽ ra họ phải trở lại từ lâu rồi với tư cách những người viết sử. Cho nên là việc họ dùng lại một cách chính thức Việt Nam Cộng Hòa thì cũng chỉ để cho thấy họ bắt đầu có khuynh hướng trung lập mà thôi chứ không có sự chính thức công nhận nào từ phía nhà nước này.

Kính Hòa: Tờ báo Tuổi Trẻ hầu như là tờ duy nhất nói đến bộ sử 15 quyển này, có đưa ra những ý kiến khác nhau về vấn đề này. Có ý kiến đi xa hơn nói rằng công nhận Việt Nam Cộng Hòa là một bước tiến?

Luật sư Lê Công Định: Việc ra đời bộ sử mới trong đó dùng từ Việt Nam Cộng Hòa nó khích lệ rất nhiều người quan tâm đến thời cuộc vì từ xưa đến giờ quan điểm chính thống của nhà cầm quyền là luôn luôn phủ nhận chế độ Sài Gòn. Điều đó làm nhiều người phấn khởi cho rằng đây là một thay đổi lớn của chính quyền này. Tôi thì tôi thấy đó chỉ là cái cách dùng tên cho đúng trở lại, còn cái việc mà nhà nước này có xem Việt Nam Cộng Hòa như là một quốc gia hay không thì đến giờ họ không có một tuyên bố chính thức nào cả.

Cho nên tôi vẫn giữ một thái độ dè dặt là có một sự thay đổi lớn trong việc nhìn nhận thể chế chính trị ở miền Nam.

Kính Hòa: Có những lý do thực tiễn là để bảo vệ biên giới hải đảo thì họ phải công nhận quốc gia Việt Nam Cộng Hòa, ông thấy rằng đó có thể là một điều mà họ sẽ làm hay không?

Luật sư Lê Công Định: Thực ra chính quyền này có công nhận Việt Nam Cộng Hòa hay không, thì cũng không thay đổi được một thực tế là chính quyền ở miền Nam Việt Nam vẫn tồn tại như một quốc gia từ năm 1955 đến năm 1975. Xét về công pháp quốc tế thì việc công nhận một quốc gia nằm trong một bối cảnh quốc tế là sự công nhận của các quốc gia khác. Mặt khác chế độ Việt Nam Cộng hòa cũng không còn nữa, thì sự công nhận nó cũng chẳng đem lại một hệ lụy về phương diện pháp lý nào trong việc bảo vệ Hoàng Sa và Trường Sa, xét trên phương diện công pháp quốc tế, bởi vì hai quốc gia đã từng tồn tại song song với nhau cho đến 1975, thì chế độ Cộng Hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thừa hưởng toàn bộ chính quyền ở miền Nam, thì dù cho họ có công nhận Việt Nam Cộng Hòa hay không thì sự thừa kế pháp lý đã diễn ra rồi. Hoàng Sa và Trường sa cũng sẽ được giải quyết như vậy, chứ không phải chờ đến một sự nhìn nhận nào của chính quyền này thì mới có thể giải quyết vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa.

Kính Hòa: Có ý kiến cho rằng nếu có sự thừa nhận nào đó thì có lợi cho việc hòa giải hòa hợp dân tộc, ông thấy đúng không?

  Bên thắng trận lại không có sự độ lượng, thể hiện cái đẳng cấp chính trị của mình để công nhận một quốc gia, mà quốc gia đó đã bại trận trong cuộc chiến đối đầu với mình.

-Luật sư Lê Công Định
Luật sư Lê Công Định: Xét về chuyện đó thì đúng vì đó là sự thừa nhận mặc nhiên về phương diện chính trị. Do đó nó gửi tín hiệu tốt cho vấn đề hòa hợp và hòa giải dân tộc. Nhưng hòa hợp hòa giải dân tộc đòi hỏi những vấn đề khác, như là cách đối xử đối với quân nhân của chế độ cũ, với nghĩa trang những người lính đã ngã xuống trong cuộc chiến, chứ không chỉ cần sự thùa nhận danh xưng Việt Nam Cộng Hòa là nói lên tất cả cái thái độ muốn hòa hợp hòa giải dân tộc.

Chúng ta thấy trong 42 năm vừa qua, sự hòa hợp hòa giải dân tộc đó cũng chỉ trên đầu môi chót lưỡi mà thôi, không có một thực chất nào cả. Chúng ta hãy chờ xem sau cái diễn biến mới là sự ra đời của bộ sách lịch sử này thì chính sách hòa hợp hòa giải dân tộc của chính quyền này có thực tâm hay không, hay chỉ là sự bật đèn xanh cho giới sử học dùng lại danh xưng Việt Nam Cộng Hòa.

Tôi chỉ thấy buồn cười là bên thắng trận lại không có sự độ lượng, thể hiện cái đẳng cấp chính trị của mình để công nhận một quốc gia, mà quốc gia đó đã bại trận trong cuộc chiến đối đầu với mình, mà sợ hãi cái tên gọi Việt Nam Cộng Hòa. Họ phải dùng những từ ngữ của thời phong kiến, giống như trong cuộc chiến giữa Tây Sơn và Chúa Nguyễn, khi Chúa Nguyễn thắng trận rồi thì gọi triều Tây Sơn là triều ngụy. Có gọi là ngụy đi chăng nữa, thì triều Tây Sơn vẫn tồn tại trong lịch sử như một quốc gia, nó cũng đã từng thành công, và dĩ nhiên nó thất bại nó mới chấm dứt.

Bây giờ họ có thay đổi đi chăng nữa thì nó cũng chẳng nói lên được điều gì. Đối với những người quan tâm tới chính thể Việt Nam Cộng Hòa, cũng như những thành tựu xét về phương diện chính trị, kinh tế, văn hóa và giáo dục, thì trong lòng họ cũng đã có một sự tôn trọng đối với Việt Nam Cộng Hòa rồi. Còn chính quyền này thì khi họ thế này, khi họ thế khác, thực ra chẳng có gì thay đổi cả. Tôi cũng chẳng quan tâm, và cũng chẳng tin cái thực tâm của họ.


Mời xem Video: Tin nóng: Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, một nghi can người Việt tên Nguyễn Hải Long ở Praha bị bắt giữ tại Cộng Hòa Séc




Kính Hòa
RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad