Cách đây không lâu, tôi và Nguyễn Anh Tuấn cùng thử đi lên Bà Nà bằng đường bộ. Kết quả, chúng tôi bị chặn ngay ở đầu đường lên núi bởi một trạm gác của Sở Giao thông Vận tải Đà Nẵng. Người trực trạm gác hôm ấy là một nhân viên rất trẻ của Sở này, và một bảo vệ do Sun Group “tăng cường”. Mới đầu, người nhân viên yêu cầu chúng tôi phải “có giấy đồng ý của Sun Group mới được lên núi bằng đường bộ”.
Trước yêu cầu vô lý và ngớ ngẩn đó, chúng tôi tranh cãi và dẫn chính các quyết định của UBND thành phố Đà Nẵng lẫn của Sở GTVT ra để bác bỏ. Cuối cùng, người nhân viên này nhận sai nhưng theo một văn bản của Sở GTVT, bất kỳ ai muốn lên núi bằng đường bộ đều phải có giấy cho phép của Sở này. Sun Group tất nhiên có giấy phép đó và vẫn hằng ngày chuyên chở vật liệu xây dựng lẫn các nhu yếu phẩm để phục vụ cho việc mở rộng lẫn hoạt động của khu du lịch trên đỉnh núi mà họ đang độc chiếm.
Tình hình Đà Nẵng những tháng qua dường như cũng ách tắc giống con đường lên Bà Nà. Không ai không thấy sự đối đầu giữa các nhóm lợi ích ở thành phố này đang diễn ra rất quyết liệt. Cho dù là phe nào thì hiển hiện rất rõ vẫn là lợi ích của Sun Group. Dường như các phe cho dù “dàn quân” kiểu gì thì lợi ích của Sun Group ở Bà Nà hay Sơn Chà vẫn được xem như “vùng phi chiến tranh”, không thể đụng chạm.
Mở đường cho Sun Group vào Đà Nẵng với những đặc quyền đặc lợi khổng lồ không phải là Bí thư Xuân Anh hay Chủ tịch Đức Thơ. Mở đầu cho việc tàn phá Sơn Chà cũng không phải là hai người này. Họ chỉ là những người đi sau, nhận lấy những gì một người đi trước để lại. Người đó chính là ông Nguyễn Bá Thanh, dù đã qua đời nhưng những thành quả lẫn hậu quả mà ông để lại ở Đà Nẵng vẫn rõ mồn một. Và, đến giờ này nếu ai đó còn nghĩ rằng “Đà Nẵng được như bây giờ là nhờ ông Thanh” thì cũng phải đánh giá “Đà Nẵng bị như bây giờ là bởi ông Thanh”. Vậy mới công tâm.
Không có gì đáng ngạc nhiên khi những kết luận của UBKT chỉ ra sự liên quan giữa Bí thư Xuân Anh với Vũ “nhôm” qua các bất động sản. Ai rành thông tin ở thành phố này đều nghe đến nhàm tai việc Vũ “nhôm” đứng tên tài sản cho người này kẻ kia. Điều đáng tiếc, với gia thế của Xuân Anh thì việc dính dấp này là không đáng có. Vị Bí thư trẻ này có đủ khả năng, về tài chính lẫn quan hệ, để giữ mình ở một vị trí cao hơn những gì mà kết luận kỷ luật đưa ra.
Những người ở Ba Đình thấy rất rõ các xung đột ở Đà Nẵng đã đến mức phải “tiễn” cả cặp lãnh đạo đi thì mới mong khai thông được ách tắc cho thành phố này. Sự ách tắc này thậm chí vượt ra khỏi lãnh thổ Việt Nam khi chính phủ Nhật đã có công văn đòi “ngưng mọi dự án tài trợ cho Đà Nẵng” và “xem xét lại quan hệ ngoại giao với Việt Nam” khi một nhóm lợi ích cướp cho bằng được dự án nhà máy nước mà họ đã mất 3 năm khảo sát. Sự ách tắc này thậm chí níu chân mọi quyết định ở cấp Sở, khi việc bổ nhiệm một Phó giám đốc Sở mà cũng phải bỏ phiếu đến 3 vòng mà không thể giải quyết, bởi bên nào cũng cương quyết muốn người của mình ngồi lên chiếc ghế ấy.
Mời xem Video: Biến động: 5 Ủy viên Bộ Chính trị nhiều khả năng sẽ bị mất ghế tại Hội Nghị TW 6 là những ai?
Khi “chiếc bánh” đất đai đã bị cắt xén gần hết thì những “thực khách” ắt sẽ chĩa dao nĩa về phía nhau. Những ai về thay vị trí cao nhất của Đà Nẵng bây giờ phải hiểu rằng nếu họ tiếp tục để Sun Group lộng hành thì mâu thuẫn đó không bao giờ được giải quyết. Lợi ích của tập đoàn này quá lớn, nếu người lãnh đạo mới không quyết tâm kiềm chế chúng lại thì sẽ lại xuất hiện các phe phái quyết giành cho được nguồn “lương thảo” này.
Sun Group, tưởng là sức bật đầu tư ở thành phố Đà Nẵng, trái lại chính là chỗ ách tắc của Đà Nẵng hiện nay.
FB Trung Bảo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét