Cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân (phần 1) - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Chủ Nhật, 4 tháng 2, 2018

Cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân (phần 1)


Ý tưởng cho cuộc chiến

Ý tưởng về cuộc chiến này đã có từ những năm 1960. Năm 63, ngay sau cái chết của TT Diệm thì nghị quyết 9 của đảng CS đã nêu rõ “tổng công kích, tổng khởi nghĩa sẽ là hướng phát triển tất yếu của cách mạng miền Nam để đạt tới toàn thắng”. Năm 64, một kế hoạch khá cụ thể đã được xây dựng, gọi là kế hoạch X. Nhưng trong kế hoạch chưa tính đến sự hiện diện của quân đội Mỹ và với tình hình hỗn loạn của VNCH kể từ khi Đệ Nhất Cộng Hòa sụp đổ thì kế hoạch đó không có gì là phiêu lưu.

Lê Duẩn là người ủng hộ nhiệt tình nhất kế hoạch X, ông kiên quyết phủ nhận lập luận cho rằng cuộc tổng nổi dậy của các thành phố chỉ được tiến hành khi nào chiến thắng là chắc chắn, cho rằng nếu những cuộc tấn công tại các thành phố thất bại, các lực lượng cộng sản có thể sẽ chỉ đơn giản là rút lui, tập hợp lại, rồi sau đó sẽ thử lại lần nữa. Lê Duẩn viết:

“Tuy nhiên, nếu vì lý do nào đó mà những cuộc nổi dậy tại các đô thị gặp khó khăn và chúng ta buộc phải rút lui lực lượng, thì cũng không vấn đề gì. Đó sẽ chỉ là một dịp cho chúng ta diễn tập và rút ra các bài học kinh nghiệm nhằm chuẩn bị cho sau này. Lực lượng của đồng chí Fidel Castro đã tấn công các đô thị ba lần mới thành công. Nếu chúng ta tiến vào được các đô thị nhưng sau đó phải rút lui, thì vẫn không phải lo lắng gì, bởi toàn bộ vùng nông thôn và rừng núi đều thuộc về chúng ta – vị thế và lực lượng của chúng ta đều rất mạnh tại các vùng đó”.

Năm 1965, quân Mỹ bắt đầu đổ bộ và chặn đứng các khả năng cho cuộc tổng tấn công nhưng Lê Duẩn vẫn không nao núng, ông vẫn không ngừng từ bỏ ước mơ về một cuộc tổng tấn công và nổi dậy toàn miền Nam.

Chuẩn bị cho cuộc chiến

Đại tướng Võ Nguyên Giáp tuy là Tổng tư lệnh, bí thư quân ủy TƯ, Bộ trưởng QP, nhưng không phải là người được quyết định về mặt quân sự, mà là do 1 nhóm 5 người, hoàn toàn khác với giai đoạn kháng chiến 9 năm. Tướng Giáp thường thuộc về phe thiểu số trong nhóm 5 người này, ảnh hưởng chính vẫn là bí thư thứ nhất Lê Duẩn. Năm thành viên đó là Lê Duẩn, Võ Nguyên Giáp, Lê Đức Thọ, Văn Tiến Dũng, và Phạm Hùng (thay thế tướng Nguyễn Chí Thanh vào tổng hành dinh Trung ương Cục miền Nam ở miền Nam). Mâu thuẫn giữa tướng Giáp và bí thư thứ nhất (sau này là tổng bí thư, sau đây viết tắt là TBT) Lê Duẩn bắt đầu manh nha từ khi LD từ miền Nam ra HN lãnh đạo đảng, do Trường Chinh mắc phải những sai lầm nghiêm trọng trong CCRĐ. Khi đó dường như VNG là ứng viên cho chức TBT nhưng HCM lại chọn Lê Duẩn.

Võ Nguyên Giáp không ủng hộ ý tưởng Tổng tấn công và nổi dậy, trong khi tướng Nguyễn Chí Thanh về một phe với TBT LD, vẫn chuẩn bị cho cuộc chiến. Hai ông tướng đã có những mâu thuẫn về ý tưởng chiến tranh du kích hay đánh lớn. Lê Duẩn nói, “Mỹ không còn con đường nào khác là phát huy sức mạnh quân sự. Đối phó với âm mưu này của Mỹ, ta phải đưa hoạt động quân sự lên một bước mới, đến mức Mỹ không chịu nổi và phải chấp nhận thất bại về quân sự, cô lập về chính trị. Nếu ta thực hiện được, Mỹ sẽ phải rút khỏi miền Nam“.

Ngày 6/7/1967, tướng Thanh đột tử sau 1 bữa ăn tiễn đưa mình quay trở lại miền Nam. Đó là 1 tổn thất lớn cho phe nhóm của TBT LD và tướng Văn Tiến Dũng là người được LD tin cậy để thay thế NCT. Văn Tiến Dũng lúc đó là Tổng tham mưu trưởng nhưng được LD tin cậy hơn, được nhận chỉ thị trực tiếp từ TBT và vai trò của ông có phần nổi trội hơn Võ Nguyên Giáp trong phần còn lại của cuộc chiến. Vì có vai trò thứ yếu nên tướng Giáp vẫn phải tuân thủ đa số để chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công.

Thanh trừng phe nhóm chủ hòa

Kể từ khi Khrushchev kế vị Stalin làm người đứng đầu Liên Xô, ông công khai chỉ trích Stalin khiến cho xu hướng xét lại trở nên nở rộ trong hệ thống XHCN, chống lại sự lãnh đạo độc đoán kiểu Stalin. Khrushchev đề ra chủ trương chung sống hòa bình với phe TBCN. Mao là người cực lực phản đối xu hướng xét lại và cũng không khai đả kích Khrushchev. Mao không chấp nhận chung sống với phe TBCN. Trong tình hình chung như vậy, Lê Duẩn ngả theo TQ, chống lại phe xét lại thân LX, đơn giản là vì TQ ủng hộ VN chống Mỹ, còn LX thì lạnh nhạt. Thực tế lúc đó TQ chiếm 90% viện trợ cho Bắc Việt, LX và Đông Âu chỉ khoảng 10%.

Ở VN lúc đó cũng có 1 nhóm được cho là theo xu hướng xét lại, muốn chung sống hòa bình. Kể từ năm 64, phe xét lại đã bị đả kích qua báo chí và đến năm 67, khi Khrushchev bị thay thế bởi Brezhnhev (có xu hướng phục hồi những giá trị của Stalin và ủng hộ VNDCCH chống Mỹ), thì nhóm xét lại đã bị bắt toàn bộ, không cần xét xử. Nhưng nhân vật chủ chốt của vụ án Xét lại chống đảng là các ông Hoàng Minh Chính (Viện trưởng Viện Triết), tướng Đặng Kim Giang, ông Vũ Đình Huỳnh (vụ trưởng Vụ Lễ tân Bộ NG – rất thân cận với HCM) và con trai là nhà báo Vũ Thư Hiên, đại tá Lê Trọng Nghĩa (nguyên cục trưởng cục Quân báo – Cục 2, trợ lý của tướng Giáp) và 1 số người khác. Nhóm này được cho là những người thân thiết với ông Giáp, thân LX và muốn “chung sống hòa bình”. Có lẽ vụ bắt bớ này nhằm mục đích loại bỏ hoàn toàn nhóm đối lập để chuẩn bị cho cuộc Tổng tấn công.

Trước khi cuộc Tổng tiến công nổ ra thì tướng Giáp đi Hungary chữa bệnh, CT HCM thì đi TQ, họ chỉ trở về khi cuộc chiến đã chắc chắn nổ ra, không gì ngăn cản nổi. Phía CS thì cho là đó là để nghi binh, đánh lạc hướng cho cuộc tổng tấn công. Nhưng lý do đó có vẻ không thuyết phục, vì chả việc gì phải cử hẳn Tổng tư lệnh và Chủ tịch nước đi ra nước ngoài để nghi binh, trừ khi họ chả có vai trò gì hết.

Nghi binh và các dấu hiệu

Khe Sanh được có vị trí tương đồng với Điện Biên Phủ, là cái gai găm vào đường 9, ngăn cản việc tiếp vận của quân CS từ Lào sang Nam VN. Cuối năm 67, Khe Sanh được chọn làm nghi binh để kéo dãn quân Mỹ ra sát giới tuyến. Tướng Giáp cũng muốn biến Khe Sanh thành ĐBP thứ 2, song ông đã không thành công. Vì Mỹ đã rút kinh nghiệm từ ĐBP. Không vận và không quân Mỹ đã làm quá tốt, khiến cho quân CS không thể chặn được tiếp vận cho căn cứ, khiến quân Mỹ và VNCH vẫn giữ vững được trận địa và khiến quân Bắc Việt tổn thất nặng nề cho dù chiếm được căn cứ Làng Vây (tạo thế ỉ dốc cho Khe Sanh). Làng Vây là trận đầu tiên mà quân CS dùng đến xe tăng.

Phía Mỹ và VNCH không hoàn toàn bất ngờ như phía phía CS tuyên truyền. CIA và quân đội Mỹ dựa trên lời khai của tù binh và tình báo đã có dự đoán về cuộc TTC, tuy nhiên họ không ngờ là quân CS dám đánh vào đúng dịp tết Nguyên đán, vốn là ngày trọng đại. Trong hồi ký của mình, đại tướng Westmoreland (Chỉ huy Bộ Tư Lệnh Quân Viện Mỹ tại Việt Nam – MACV) cho rằng “Như tôi đã báo cáo trước Hội đồng phái bộ Mỹ ngày 15 tháng 1, tôi thấy khả năng là 60- 40% địch sẽ đánh trước Tết, có thể vào ngày 25-1. Ngược lại, tướng Davidson, sĩ quan tình báo của tôi, lại thấy khả năng là 40-60% địch sẽ vận động trong thời gian ngừng bắn và sẽ đánh sau Tết. Cả hai chúng tôi không ai thấy có khả năng chắc chắn là địch sẽ đánh vào đúng ngày Tết vì làm như vậy sẽ có tác dụng tâm lý bất lợi và xấu đối với nhân dân mà địch đang ra sức lôi kéo về phía họ.”

“Mối đe dọa to lớn tới mức tôi đã đích thân đến gặp Tổng thống Thiệu đề tìm cách thuyết phục ông đồng ý hủy bỏ việc ngừng bắn quen thuộc trong dịp Tết hoặc ít ra giảm thời gian ngừng bắn từ 48 giờ xuống 24 giờ. Cả tướng Viên lẫn tổng thống Thiệu không ai đồng ý hủy bỏ hoàn toàn.

Họ nói: sẽ là một cái đòn quá đau đối với quân đội Nam Việt Nam và nhân dân nếu hủy bỏ mọi việc thờ cúng trong dịp ngày lễ quan trọng nhất của đất nước, đồng thời lại tạo ra cho địch một cái cớ để tuyên truyền chống chính phủ Nam Việt Nam. Theo yêu cầu của tôi, Thiệu đồng ý rút ngắn thời gian ngừng bắn chỉ để 36 giờ và hứa sẽ hạn chế nghỉ phép đối với quân lính Nam Việt Nam và tối thiểu phải có 50% quân số trong tất cả các đơn vị ở trong tư thế báo động hoàn toàn.”


Tư lệnh quân đội Mỹ ở VNCH nhận định “Sợ rằng việc mở đầu cuộc chiến tranh tấn công sẽ làm cho máy bay Mỹ trở lại quấy rối lễ Tết ở Hà Nội, chính phủ Bắc Việt Nam đã đề ra chỉ thị thay đổi ngày Tết. Đáng lẽ ngày mùng 1 Tết là vào ngày thứ ba 30 tháng giêng thì nó lại được định vào thứ hai 29 tháng giêng, như vậy có nghĩa là lễ Tết sẽ bắt đầu từ chủ nhật 28-1. Làm như vậy là đã cho người Bắc Việt Nam có ba ngày Tết quan trọng trước khi binh lính của họ ở miền Nam đi vào cuộc tấn công sau khi Tết âm lịch thực sự bắt đầu từ ngày 31-1.”

Tuy nhiên, người Mỹ và VNCH đã sai lầm khi phía CS không e ngại điều gì cả. Quân đội Mỹ đã có sự chuẩn bị khá tốt để chờ đón cuộc TTC nhưng phía VNCH thì khá chủ quan khi cho lính về nghỉ tết theo đúng lệnh ngừng bắn. Điều đó khiến cho khi cuộc tấn công nổ ra ở SG thì lực lượng phản công chủ yếu là quân Mỹ và cảnh sát VNCH.

Lính Mỹ đang giúp một binh sỹ Việt Nam Cộng hòa bị thương trong trận đánh tại Sài Gòn. Ảnh: Dang Van Phuoc / AP




Dương Quốc Chính
FB Dương Quốc Chính

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad