Ai sẽ ngồi vào ghế chủ tịch nước CSVN thay ông Trần Đại Quang? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Tư, 3 tháng 10, 2018

Ai sẽ ngồi vào ghế chủ tịch nước CSVN thay ông Trần Đại Quang?


Cái ghế chủ tịch nước vào tay ai sẽ được Trung Ương Đảng CSVN quyết định tại kỳ họp diễn ra tại Hà Nội trong Tháng Mười này.

Ánh mắt của cựu Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng (phải) nhìn Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng khi cả hai viếng Chủ Tịch Nước Trần Đại Quang tại nhà tang lễ Hà Nội hôm 26 Tháng Chín, 2018. (Hình chụp trang web VTV)

Hội Nghị Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng CSVN kỳ 8 kéo dài năm ngày từ ngày 2 đến 6 Tháng Mười, 2018, tức chỉ hơn hai tuần lễ trước khi Quốc Hội “đảng cử dân bầu” họp để bỏ phiếu chiếu lệ tên nhân vật đã được Bộ Chính Trị “bố trí” vào ghế chủ tịch nước thay ông Trần Đại Quang vừa qua đời ngày 21 Tháng Chín vừa qua.

Hôm 2 Tháng Mười, báo VietNamNet loan báo: “Tại hội nghị Trung Ương 8 khai mạc sáng nay, Bộ Chính Trị trình Trung Ương xem xét, quyết định việc giới thiệu nhân sự để quốc hội bầu chủ tịch nước; bầu bổ sung ủy viên Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương khóa 12 và xem xét, quyết định thi hành kỷ luật cán bộ theo quy định của đảng.”

Tại kỳ họp này, các vấn đề khác cũng được báo cáo nhưng không phải “cái đinh” của vấn đề được dư luận chú ý như “thảo luận và thông qua báo cáo tình hình kinh tế xã hội, ngân sách nhà nước năm 2018, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách 2019; tổng kết 10 năm thực hiện nghị quyết trung ương 4 khóa 10 về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.”

Sau khi ông Trần Đại Quang chết bất ngờ khi mới ngồi trên ghế chủ tịch nước được nửa nhiệm kỳ, bà Đặng Thị Ngọc Thịnh, phó chủ tịch nước, được đôn lên làm “quyền chủ tịch nước” theo quy định của hiến pháp. Quốc Hội CSVN dự trù khai mạc ngày 22 Tháng Mười để thông qua nhân sự được “Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng” “giới thiệu” làm chủ tịch nước vốn chỉ là thủ tục bề ngoài cho những sắp xếp nội bộ theo lệnh và tùy quyền lực đến đâu của phe cánh tổng bí thư đảng.

Theo thông lệ, cái ghế chủ tịch nước được coi là một trong “tứ trụ” của “triều đình đỏ” tại Việt Nam, do một ủy viên Bộ Chính Trị ngồi trên đó dù nó chỉ mang tính lễ nghi hình thức và không có thực quyền. Bà Đặng Thị Ngọc Thịnh mới chỉ là ủy viên Trung Ương Đảng. Nếu được đôn lên chính thức vào ghế chủ tịch nước, phải có một cuộc bầu cử đặc biệt để “bổ sung” bà vào Bộ Chính Trị. Hiện không thấy tin tức chính thức nào trên các bản tin về họp Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng đề cập chuyện này nên khả năng bà Thịnh được đôn lên không cao.

Sau khi ông Trần Đại Quang chết, một số người đề cập khả năng ông Nguyễn Phú Trọng nắm luôn cái ghế chủ tịch nước để “nhất thể hóa” cách cai trị giống Trung Quốc. Một điều cũng có thể xảy ra nếu phe cánh của ông Trọng đủ mạnh và tham vọng quyền lực của ông ta muốn vậy.

Trong mấy ngày vừa qua, người ta tin rằng một số cuộc họp của Bộ Chính Trị CSVN và những mặc cả trong nội bộ cấp cao của chế độ Hà Nội đã ngã ngũ thế nào rồi. Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng gồm 196 đảng viên và các lãnh đạo cấp cao tổng cộng 223 “đại biểu” họp và bỏ phiếu quyết định chiếu lệ theo “giới thiệu” của Bộ Chính Trị. Sau đó, Quốc Hội “con dấu cao su” lại bỏ phiếu thông qua một lần nữa theo sự giới thiệu của đảng.

Đầu năm 2021, đảng CSVN sẽ họp đại hội để bầu lại các ghế chóp bu theo cung cách cài cắm “cơ cấu” nhân sự từ Bộ Chính Trị đến Trung Ương Đảng. Người được “cơ cấu” chính thức làm chủ tịch nước hơn hai tuần lễ nữa tới đây là ai, có cơ hội leo lên ghế tổng bí thư hai nhiệm kỳ hay chỉ được một nhiệm kỳ ngắn, thiên hạ đang có nhiều lời đồn.

Từ ông Nguyễn Thiện Nhân – bí thư Thành Ủy ở Sài Gòn, ông Ngô Xuân Lịch – bộ trưởng Quốc Phòng, bà Tòng Thị Phóng – phó chủ tịch Quốc Hội, đến ông Trần Quốc Vượng – thường trực Ban Bí Thư, ông Phạm Minh Chính – trưởng Ban Tổ Chức Trung Ương Đảng, thấy được một số bình luận gia thời sự nhắc tên.


Người Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad