Hiệu ứng 'domino' bắt đầu sau sự sụp đổ của đế chế tài chính toàn cầu tỷ USD lừng danh một thời - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Tư, 16 tháng 6, 2021

Hiệu ứng 'domino' bắt đầu sau sự sụp đổ của đế chế tài chính toàn cầu tỷ USD lừng danh một thời


Hệ thống tài chính hiện đại đang thúc đẩy lòng tham và sự tha hóa đạo đức trong ngành tài chính một cách tồi tệ. Điều này sẽ liên tiếp tạo ra các cuộc khủng hoảng tài chính ngày một lớn, như một xu hướng của giai đoạn 'hoại', khá tương thích với quy luật phát triển của đời người hay vũ trụ về "thành - trụ - hoại - diệt" vậy. (Ảnh: Pixabay)

Tại sao sự sụp đổ của một đế chế tài chính tỷ USD lại không phải là rủi ro của riêng một mình đế chế đó hay chỉ giới hạn trong thị trường tài chính đó? Câu chuyện hiệu ứng domino sau sự sụp đổ của đế chế tài chính tỷ USD Greensill là ví dụ điển hình cho chúng ta thấy khối ung thư âm thầm lan tỏa trong thị trường tài chính có bề ngoài hào nhoáng. Các đế chế tài chính đều xây dựng trên nền tảng tuyệt vọng của nợ, các khoản cho vay vội vàng rủi ro được chế biến thành các sản phẩm tài chính hấp dẫn - như những tế bào ung thư - luồn lách khắp toàn cầu.

Sau phiên điều trần một cách tuyệt vọng trước một thẩm phán ở Sydney, Úc, rằng các công ty bảo hiểm của định chế Greensill Capital nên được lệnh gia hạn các chính sách sắp hết hạn vào nửa đêm, định chế Greensill cần khoản bảo hiểm này để trả lại 4,6 tỷ đô-la mà các doanh nghiệp trên thế giới nợ, nhưng thẩm phán nói không. Một tuần sau, ngày 8/3, Greensill Capital đã nộp đơn xin phá sản ở London. Một công ty quốc tế với 16 văn phòng trên khắp thế giới, từ Singapore, London đến Bogota, đã chính thức vỡ nợ.



Sự thất bại nhanh đến chóng mặt của Greensill là một trong những sự sụp đổ gây kinh ngạc nhất của một công ty tài chính toàn cầu trong hơn một thập kỷ qua. Sự sụp đổ của đế chế này đã kéo theo tổn thất lớn cho SoftBank, Credit Suisse và đe dọa đế chế kinh doanh của ông trùm thép người Anh, Sanjeev Gupta, người sử dụng 35.000 công nhân trên khắp thế giới. Các tài sản độc hại của Greensill đã lây nhiễm đến tận thị trường tài chính của Hoa Kỳ.

Đế chế tỷ USD hào nhoáng được xây dựng bằng ... nợ

Sự sụp đổ của Greensill, một định chế tài chính được thành lập vào năm 2011 bởi cựu giám đốc ngân hàng Citigroup Lex Greensill, người đã nhận được vinh dự cấp nhà nước từ Anh vào năm 2018 vì những đóng góp của mình cho nền kinh tế, có thể dẫn đến một loạt các cuộc điều tra về vi phạm quy định cho vay có rủi ro cao, gây hậu quả nghiêm trọng cho hệ thống tài chính.

Ông Greensill xác định đinh chế tài chính của mình là nơi trung gian sẽ thanh toán cho nhà cung ứng – trừ một tỷ lệ phần trăm nhỏ là chi phí nhận thanh toán nhanh – và sau đó cho phép người mua có thời gian trả lại tiền cho người trung gian.

Nó được gọi là tài chính chuỗi cung ứng, và nó là một hình thức cho vay truyền thống trong thế giới kinh doanh.

Giải thích đơn giản là trong một chuỗi cung ứng, ví dụ: nhà sản xuất nguyên liệu đầu vào (công ty A) - nhà sản xuất linh kiện (công ty B) - nhà sản xuất lắp ráp linh kiện thành thành phẩm (công ty C) - bán buôn (công ty D)- bán lẻ (công ty E), các công ty thuộc chuỗi như vậy sẽ vay nợ từ ngân hàng để hoạt động, đồng thời các công ty cũng sẽ cho nợ lẫn nhau (chậm trả tiền hàng đầu vào, chậm thu tiền nợ đầu ra). Để có tiền hoạt động, ngân hàng cho vay theo chuỗi cung ứng không chỉ cho công ty A, B, C, D, E vay tiền vốn lưu động (ngắn hạn) hoặc vốn đầu tư dài hạn, mà họ còn cho nhận khoản phải thu của công ty A (là nghĩa vụ công ty B phải trả cho A), phải thu của B (là nghĩa vụ C phải trả cho B)... như một tài sản đảm bảo để giải ngân cho các công ty này. Các công ty A, B, C, D hay E, thay vì chờ 90 ngày mới thu hồi được nợ từ khách hàng của mình, thì nay có thể thu hồi nợ ngay bằng cách dùng quyền đòi nợ (khoản phải thu) này làm tài sản đảm bảo, vay lấy tiền mặt tại Greensill.

Greensill trộn lẫn các khoản tín dụng cho doanh nghiệp lại, cổ phần hóa khoản vay này, rồi bán cho các quỹ đầu tư, đầu cơ. Bằng cách này Greensill có tiền để quay trở lại tài trợ cho các công ty A', B', C'... trong một chuỗi cung ứng khác nữa.

Rủi ro của mô hình kinh doanh tài chính này là gì? Toàn bộ các công ty trong chuỗi cung ứng đều hoạt động bằng tiền vay nợ từ Greensill; có thể là cả nợ tài trợ vốn lưu động, thậm chí là cả nợ mở rộng đầu tư. Bản thân các công ty trong chuỗi còn vay nợ lẫn nhau và dùng quyền đòi nợ lẫn nhau này thế chấp (thương quyền, thương phiếu) để chiết khấu lấy tiền từ Greensill. Tức là tài sản đảm bảo của các công ty, một phần lớn, là quyền đòi nợ từ các công ty trong chuỗi cung ứng của họ mà thôi. Điều này có nghĩa, GreenSill chịu rủi ro tập trung cực cao của chuỗi cung ứng. Nếu một doanh nghiệp A, B, C, D hay E trong chuỗi mất khả năng trả nợ, phá sản, thì cả chuỗi, vốn dựa vào vay nợ lẫn nhau, sẽ khốn đốn lập tức. Tất cả các doanh nghiệp trong chuỗi có thể mất thanh khoản, thậm chí mất khả năng trả nợ. Toàn bộ rủi ro của chuỗi đổ dồn vào một định chế cho vay tài trợ cả chuỗi cung ứng đó.



Nhưng trường hợp của Greensill, để có tiền tài trợ cho nhiều chuỗi cung ứng hơn, vòng quay tiền lớn hơn, Greensill biến các thương quyền thành tài sản đảm bảo, biến các khoản vay thành chứng khoán và bán nó cho các định chế khác khắp toàn cầu.

Bằng cách này, Greensill đã biến một hoạt động tài chính thông thường thường thành một ngành kinh doanh siêu sinh lợi một phần vì nó có khả năng xoay chuyển rủi ro, đẩy một số rủi ro tập trung mà Greensill phải gánh khi cho vay theo chuỗi cung ứng vào các công ty bảo hiểm và các quỹ, định chế tài chính khác (khi họ mua thương phiếu của Greensill).

Vấn đề ở chỗ, rủi ro tập trung Greensill sẽ tăng gấp nhiều lần do Greensill không gánh chịu rủi ro một mình, nó chuyển nghĩa vụ nợ (các thương phiếu nó giữ) thành tài sản tài chính bán ra các định chế khác để lấy tiền mặt. Có tiền mặt, Greensill lại có thể lao vào một cuộc tài trợ chuỗi cung ứng khác. Điều này khiến rủi ro tập trung do cho vay tài trợ chuỗi cung ứng thông thường bị khuếch tán rộng hơn đến mức bất thường nếu có một rủi ro nhỏ xảy ra.

Sự sụp đổ của Greensill khiến khối tài sản độc hại của định chế này nhanh chóng lan khắp thế giới, đe dọa danh tiếng, khối tài sản khổng lồ của nhiều doanh nghiệp, định chế khác và hàng chục nghìn việc làm. (Ảnh: Kiwipedia)

Trường hợp của GreenSill, các thương phiếu này được bán cho Credit Suisse, công ty cho vay lớn của Thụy Sĩ và một công ty quản lý tài sản Thụy Sĩ có tên là GAM.

Rủi ro đạo đức khuếch tán tế bào tài chính ung thư ra toàn hệ thống

Thực ra, hệ thống tài chính hiện đại đang thúc đẩy lòng tham và sự tha hóa đạo đức trong ngành tài chính một cách tồi tệ. Điều này sẽ liên tiếp tạo ra các cuộc khủng hoảng tài chính ngày một lớn, như một xu hướng của giai đoạn 'hoại', khá tương thích với quy luật phát triển của đời người hay vũ trụ về "thành - trụ - hoại - diệt" vậy.



Nó tương tự như cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 với quá trình chứng khoán hóa được hỗ trợ bởi tài sản vốn. Khi các khoản vay được chứng khoán hóa và dễ dàng bán tống bán tháo ra thị trường tài chính thì khi đó những người cho vay, ví dụ như Lehman Brothers hay Greensill, đều sẵn sàng cho vay với chuẩn mực an toàn cực thấp. Những định chế này tin rằng họ không phải gánh rủi ro khi cho vay dưới chuẩn, rủi ro đó đã được đẩy sang công ty bảo hiểm và các định chế khác, những người mua lại khoản vay của họ.

Thế còn xếp hạng tín nhiệm thì sao? Vì doanh thu xếp hạng và vì không phải chịu trách nhiệm pháp lý gì khi xếp hạng ảo cho các định chế tài chính có chuẩn mực đạo đức thấp và tham lam như Lehman Brothers hay Greensill, các hãng xếp hạng tín nhiệm cũng rất vô đạo đức, đứng sau chính là các tài phiệt Phố Wall, luôn ưu ái xếp hạng tín nhiệm AAA cho các định chế tài chính đầy rủi ro ngay trước khi các định chế này sụp đổ, giúp các định chế này phát tán các tế bào ung thư ra toàn hệ thống.

Greensill cho biết họ đã cung cấp hơn 143 tỷ USD tài chính vào năm 2019 cho 10 triệu khách hàng và nhà cung cấp.

Mô hình cho vay theo chuỗi cung ứng thường được coi là một khoản đầu tư có rủi ro tương đối thấp. Nhưng Greensill đã cho vay cả những khách hàng có tình trạng tài chính và kinh doanh tồi tệ. Greensill thậm chí còn tài trợ cho các tài sản cố định như các tòa nhà và nhà máy, vốn thường được tài trợ thông qua nguồn tài chính dài hạn. Báo cáo về Greensill còn chỉ ra rằng công ty cũng cho cả doanh nghiệp vay vốn lưu động (như tài trợ hàng tồn kho) chứ không chỉ là tài trợ cho các hoạt động mua bán trong chuỗi cung ứng.

Các khoản vay, thường có thời gian đáo hạn lên đến 90 ngày, được chứng khoán hóa và bán cho các nhà đầu tư, cho phép Greensill thực hiện các khoản vay mới.

Hiệu ứng 'domino' bắt đầu xuất hiện

Greensill phá sản, vậy các doanh nghiệp đang vay vốn tại Greensill sẽ ra sao?

Greensill đang đàm phán để bán một phần lớn hoạt động kinh doanh của mình cho công ty cổ phần tư nhân Apollo Global Management Inc (APO.N), một nguồn tin thân cận với Greensill cho biết. Tuy nhiên, Apollo không có kế hoạch cứu trợ những người đi vay của Greensill và thậm chí không muốn cung cấp dịch vụ thu xếp khoản vay cho những khách hàng có rủi ro cao hơn của Greensill vì rủi ro tài chính và uy tín, hai nguồn tin thân cận với các cuộc đàm phán cho biết.



Đối với các khách hàng của công ty, việc Greensill không có khả năng tiếp tục tài trợ cho họ có thể đồng nghĩa với việc họ phải sớm trả nợ và tìm các nguồn tài chính thay thế trong thời gian ngắn, tài trợ dựa trên hàng tồn kho - hoặc 'chuỗi cung ứng' - loại mà Greensill đã cung cấp.

Điều đó có thể đặc biệt có vấn đề đối với các khách hàng có tình trạng tài chính rủi ro cao, những khách hàng có thể gặp khó khăn trong việc huy động vốn ở nơi khác hoặc phải trả nhiều tiền hơn cho khoản tài trợ mà họ nhận được.

Do đó, bất kỳ sự mất khả năng thanh toán nào của người vay đều có thể dẫn đến thiệt hại cho các công ty bảo hiểm tín dụng đã bán quyền bảo vệ chống lại việc vỡ nợ đối với chứng khoán Greensill phát hành mà quỹ Credit Suisse đã mua.

Đối với các khách hàng của công ty, việc Greensill không có khả năng tiếp tục tài trợ cho họ có thể đồng nghĩa với việc họ phải sớm trả nợ và tìm các nguồn tài chính thay thế trong thời gian ngắn, tài trợ dựa trên hàng tồn kho - hoặc 'chuỗi cung ứng' - loại mà Greensill đã cung cấp. (Ảnh: The Blue diamond gallery)

Ông Thorsten Beck, giáo sư tài chính tại Đại học London, cho biết nếu những công ty bảo hiểm đó không thanh toán, các nhà đầu tư có thể kiện Credit Suisse để bù đắp khoản lỗ của họ. Các nhà phân tích tại Morgan Stanley cho biết trong một ghi chú nghiên cứu tuần này rằng ngay cả khi ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse không phải đối mặt với tổn thất tài chính trực tiếp, nó sẽ phải đối mặt với thiệt hại về danh tiếng từ cuộc khủng hoảng.

Từ Zurich, Credit Suisse cho biết họ cũng "sẽ phải chịu một khoản phí" đối với các thương phiếu tài chính mà họ mua từ công ty Greensill của Anh và tiếp thị cho khách hàng của mình.

Credit Suisse nói với các nhà đầu tư rằng hầu hết số tiền trong các quỹ tài chính chuỗi cung ứng của họ đã được bảo hiểm nhưng ngân hàng đã từ chối xác nhận tình trạng bảo hiểm hiện tại của các quỹ. Một số nhân viên cấp cao của Credit Suisse đã bị đình chỉ công tác.

Sự sụp đổ của Greensill đã nhanh chóng lan khắp thế giới, đe dọa danh tiếng, khối tài sản khổng lồ và hàng chục nghìn việc làm. Công ty bảo hiểm Nhật Bản Tokio Marine Holdings Inc. đang kiểm tra tính hợp lệ của các hợp đồng bảo hiểm đối với một số khoản vay Greensill.

Người dân tại các thị trấn của Đức có tiền gửi tại Ngân hàng Greensill Bank AG có trụ sở tại Bremen có nguy cơ mất toàn bộ số tiền. Các nhà máy thép và nhà máy luyện nhôm ở Pháp, Tây Ban Nha và Anh đối mặt với khả năng đóng cửa do nguồn tín dụng từ Greensill cạn kiệt. Dịch vụ Y tế Quốc gia của Anh đã phải tự trả tiền cho các dược sĩ đối với các loại thuốc do Greensill tài trợ.



Những khách hàng của Greensill được sở hữu "cổ phần xanh" hợp pháp như Airbus, General Mills và Vodafone. Tuy nhiên, theo các tài liệu được trình lên tòa án London cho thấy 90% doanh thu của công ty chỉ là từ 5 khách hàng, trong đó lớn nhất là GFG Alliance của ông trùm kim loại người Anh gốc Ấn Sanjeev Gupta điều hành. Liên minh GFG đã phải trả lãi suất 12% khi phát hành nợ trên thị trường công khai vào năm 2019.

Aigis Banca có trụ sở tại Milan, một ngân hàng chuyên cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vay, cũng đã bị Ngân hàng Trung ương Ý ra lệnh thanh lý, tài sản của ngân hàng này được chuyển cho đối thủ Banca Ifis với giá tượng trưng là €1. Các vấn đề của Aigis Banca bắt nguồn từ các sản phẩm đầu tư liên quan đến các hóa đơn mà công ty đã mua từ Greensill, những người quen thuộc với vấn đề này cho biết. Chúng bao gồm các thương phiếu phải thu được hỗ trợ có liên quan đến đế chế kim loại của ông Gupta.

Banca Ifis cho biết họ đang tiếp quản hơn 298 triệu EUR khoản vay và 135 triệu EUR trái phiếu chính phủ Ý từ Aigis, cùng với 440 triệu EUR tiền gửi của khách hàng. Ngân hàng nói thêm rằng "chứng khoán liên quan đến Greensill" đã bị loại khỏi giao dịch. Quỹ Bảo vệ tiền gửi liên ngân hàng của Ý cũng cung cấp 49 triệu euro để hỗ trợ giao dịch.

Mặc dù các sản phẩm đầu tư mà Aigis mua từ Greensill đã được bảo hiểm bởi các chính sách bảo hiểm, nhưng những sản phẩm này vẫn chưa được thanh toán, những người quen thuộc với vấn đề này cho biết.

   Mời xem thêm »


© Thủy Tiên - Thanh Đoàn
    NTDVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad