Tác động của phân tách Mỹ – Trung đến cục diện thế giới và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Tư, 30 tháng 6, 2021

Tác động của phân tách Mỹ – Trung đến cục diện thế giới và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương


Xu thế phân tách Mỹ – Trung ngày càng được giới chuyên gia, học giả đề cập nhiều trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa hai cường quốc ngày một quyết liệt hơn. Đây là một xu thế tất yếu, tuy mới ở giai đoạn đầu, song đã diễn ra khá mạnh mẽ trong một số lĩnh vực như công nghệ, đầu tư, tài chính, và dự báo sẽ còn tiếp tục gia tăng thời gian tới. Tiến trình phân tách giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới có tác động trực tiếp, đa chiều, lâu dài và sâu sắc không chỉ đến các quốc gia mà cả đến hệ thống thể chế, luật chơi và chuẩn mực toàn cầu, trong đó mặt thách thức lớn hơn mặt cơ hội. Mặc dù phân tách giữa Mỹ và Trung Quốc tạo ra áp lực “chọn bên” đối với các nước vừa và nhỏ, song chưa có dấu hiệu cho thấy triển vọng xảy ra phân tách toàn diện, hay hình thành trở lại cục diện hai cực và phân tuyến rõ nét như thời Chiến tranh Lạnh trong ngắn hạn.

Bối cảnh và nguyên nhân dẫn tới “cuộc ly hôn lịch sử” giữa Mỹ và Trung Quốc

Khái niệm phân tách giữa hai quốc gia thường được hiểu là một tiến trình với một số đặc điểm cụ thể như sau: Thứ nhất, đây là quá trình chuyển đổi trạng thái quan hệ từ gắn kết (coupling) sang phân tách (decoupling).[1] Nói cách khác, trước khi phân tách, giữa hai quốc gia phải tồn tại mối quan hệ gắn kết, phụ thuộc lẫn nhau. Thứ hai, phân tách có thể là chủ trương, hoặc cũng có thể là hệ quả của sự thay đổi, điều chỉnh chiến lược của một hoặc cả hai quốc gia. Thứ ba, hai quốc gia khi phân tách sẽ giảm dần mức độ phụ thuộc lẫn nhau, giảm hợp tác trên nhiều lĩnh vực, gia tăng các động thái cạnh tranh, thậm chí là cọ xát tổng lực và toàn diện.[2]



Căn cứ theo những đặc điểm trên, có thể nhận thấy quan hệ Mỹ – Trung không những đã chuyển từ giai đoạn gắn kết sang phân tách, mà phân tách đã dần trở thành xu hướng ngày càng rõ nét trong quan hệ hai nước, nhất là dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump. Quá trình gắn kết giữa Mỹ và Trung Quốc bắt đầu từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Với tư cách siêu cường duy nhất còn lại sau khi Liên Xô tan rã, Mỹ đã chủ động thúc đẩy toàn cầu hóa thị trường, hệ thống tài chính, chuỗi sản xuất và cung ứng công nghệ cao. Điều này dẫn đến sự kết hợp nhanh chóng, quy mô lớn về tài chính và xã hội với Trung Quốc. Kể từ khi Mỹ và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ ngoại giao năm 1979 cho đến trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức, tuy có một số thời điểm quan hệ Mỹ – Trung căng thẳng, song Mỹ vẫn chủ trương chú trọng can dự, kiểm soát bất đồng và thúc đẩy hợp tác với kỳ vọng Trung Quốc sẽ mở cửa thị trường, đẩy mạnh cải cách và dân chủ hóa, tham gia và tuân thủ luật chơi trong trật tự quốc tế do Mỹ dẫn dắt. Về phần mình, Trung Quốc kể từ thời nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình cũng chú trọng tăng cường hợp tác, tranh thủ tối đa nguồn lực của Mỹ nhằm phát triển sức mạnh tổng hợp, nâng cao vị thế quốc tế. Giai đoạn gắn kết Mỹ – Trung được hậu thuẫn bởi xu thế toàn cầu hóa, điển hình là giao lưu nhân dân và hợp tác thương mại ngày càng khăng khít giữa Mỹ và Trung Quốc sau khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Sau gần bốn thập kỷ gắn kết, Mỹ và Trung Quốc đã có biểu hiện phân tách mà nguyên nhân chủ yếu là do sự thay đổi về tư duy và chính sách của hai cường quốc theo hướng tăng cường cạnh tranh chiến lược, trong đó phân tách được sử dụng như một công cụ phục vụ cạnh tranh chiến lược. Bên cạnh đó, đại dịch COVID–19 bùng phát cũng là một tác nhân quan trọng đẩy nhanh và làm sâu sắc hơn tiến trình phân tách Mỹ – Trung vốn đã định hình dưới thời Tổng thống Trump.

Phân tách Mỹ – Trung bắt đầu với sự chuyển đổi về nhận thức chiến lược của cả hai cường quốc và kéo theo là tiến trình điều chỉnh chính sách và trạng thái quan hệ nhằm giảm bớt sự phụ thuộc, tăng cường cạnh tranh và kiềm chế lẫn nhau, củng cố và tăng cường năng lực chi phối các chuẩn mực, luật chơi toàn cầu. Về phía Trung Quốc, kể từ khi thực hiện chính sách cải cách, mở cửa và hội nhập với quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài, tăng cường nguồn lực cho nghiên cứu phát triển và sức mạnh quốc phòng, Trung Quốc đã nhanh chóng trỗi dậy, ngày càng thu hẹp khoảng cách với Mỹ về sức mạnh tổng hợp[3] và ảnh hưởng quốc tế. Cùng với quốc lực và ảnh hưởng gia tăng, Trung Quốc ngày càng tự tin và quyết tâm theo đuổi mục tiêu chiến lược để “Phục hưng Trung Hoa.” Từ góc nhìn của Mỹ, Chiến lược “Made in China 2025” và Sáng kiến “Vành đai – Con đường” cho thấy Trung Quốc có ý định và kế hoạch vượt Mỹ để trở thành cường quốc dẫn đầu thế giới về kinh tế và công nghệ, nhất là công nghệ lưỡng dụng, tiến tới có khả năng định hình và chi phối tiêu chuẩn, luật chơi toàn cầu. Để thực hiện mục tiêu, Trung Quốc hiểu rõ cần tăng cường tự chủ, giảm phụ thuộc vào Mỹ, tiến tới phát triển sức mạnh tổng hợp ngang hàng với Mỹ. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn rất cần tranh thủ các yếu tố thị trường, nguồn lực tài chính và công nghệ của Mỹ để phục vụ cho các kế hoạch phát triển của mình.

Về phía Mỹ, lo ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc đã manh nha từ trước thời Chính quyền Trump, song Mỹ vẫn theo đuổi chính sách can dự, với kỳ vọng Trung Quốc sẽ dần có điều chỉnh chính sách theo hướng tuân thủ trật tự và luật chơi do Mỹ dẫn dắt. Tuy nhiên, kể từ khi Tổng thống Trump lên nắm quyền, tư duy chiến lược và chính sách của Mỹ về Trung Quốc đã có sự thay đổi căn bản. Nước Mỹ dưới thời Tổng thống Trump xác định rằng Trung Quốc tuy hưởng lợi và lớn mạnh nhờ hệ thống quốc tế hiện hành, song lại không thực hiện dân chủ hóa, cải cách và tôn trọng luật chơi do Mỹ dẫn dắt. Việc các công ty công nghệ mới của Trung Quốc như Hoa Vi, Alibaba, Tencent và Baidu phá vỡ thế độc quyền về công nghệ viễn thông tiên tiến trước đây của các công ty Mỹ như Apple hay Amazon càng khiến Mỹ lo ngại về khả năng Trung Quốc vượt Mỹ để dẫn đầu thế giới về công nghệ. Chính vì vậy, Chính quyền Trump xác định chính sách can dự với Trung Quốc đã thất bại và cần chuyển sang cách tiếp cận thiên về cạnh tranh. Ngay từ đầu nhiệm kỳ Tổng thống Trump, Chiến lược An ninh Quốc gia 2017 của Mỹ đã công khai xác định Trung Quốc là một đối thủ chiến lược hàng đầu và là thách thức lâu dài, nghiêm trọng nhất đối với an ninh và lợi ích sống còn của Mỹ trên phạm vi toàn cầu, nhất là tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Đi đôi với tăng cường cạnh tranh chiến lược, chủ trương của Mỹ là từng bước giảm dần những ràng buộc về lợi ích với Trung Quốc ở một số lĩnh vực có thể cản trở, khiến Mỹ bị động trong triển khai cạnh tranh Trung Quốc; đồng thời tận dụng lợi thế hiện có, phối hợp với một số đồng minh để gây sức ép, kiềm chế Trung Quốc.



Sự chuyển đổi về tư duy chiến lược được củng cố thêm bởi lo ngại sâu sắc của Mỹ về nguy cơ phụ thuộc quá mức vào nguồn cung một số mặt hàng thiết yếu từ Trung Quốc. Đại dịch Covid-19 bùng phát đã khiến nội bộ Mỹ ý thức được rõ ràng hơn hệ lụy và nguy cơ nếu để phụ thuộc quá mức vào nguồn cung một số mặt hàng thiết yếu, nhất là dược phẩm và thiết bị y tế, từ đối thủ chiến lược là Trung Quốc. Hơn nữa, Chính quyền Trump cũng nhận định chính sự chậm trễ và thiếu minh bạch trong cung cấp thông tin về dịch bệnh của Trung Quốc đã khiến nước Mỹ lâm vào khủng hoảng chưa từng có. Hệ quả là, ngày càng có sự đồng thuận cao hơn trong lưỡng đảng và dư luận Mỹ về việc Chính quyền Mỹ cần có chính sách cứng rắn hơn trong xử lý thách thức từ Trung Quốc, nhất là việc Trung Quốc lạm dụng Mỹ và hệ thống quốc tế do Mỹ dẫn dắt trong nhiều thập kỷ qua, đồng thời giảm phụ thuộc vào Trung Quốc trong một số lĩnh vực thiết yếu để Trung Quốc không thể lợi dụng các lĩnh vực này nhằm gây sức ép với Mỹ.

Hiện trạng phân tách Mỹ – Trung

Tuy mới ở giai đoạn đầu, song phân tách giữa Mỹ và Trung Quốc đã nhanh chóng được mở rộng về phạm vi và mức độ, nhất là dưới thời Tổng thống Trump. Chính quyền Trump chủ động đưa ra nhiều biện pháp để phân tách với Trung Quốc, nhất là trong các lĩnh vực Mỹ chủ trương giảm ràng buộc, còn Trung Quốc cũng đưa ra nhiều biện pháp đáp trả.

Về thương mại – đầu tư – tài chính, Mỹ tăng cường bảo hộ,[4] hạn chế đầu tư trực tiếp (FDI) của Trung Quốc trong các lĩnh vực nhạy cảm,[5] khuyến khích doanh nghiệp Mỹ rút khỏi Trung Quốc để đầu tư về Mỹ, hạn chế nguồn vốn của Mỹ đầu tư vào doanh nghiệp Trung Quốc.[6] Trung Quốc áp thuế trả đũa, hạn chế doanh nghiệp Mỹ tiếp cận thị trường Trung Quốc, xúc tiến thành lập các định chế tài chính quốc tế không có sự tham gia của Mỹ (như AIIB, NDB), hạn chế hoạt động của các công ty thanh toán điện tử Mỹ (Visa, Master) ở Trung Quốc.

Về công nghệ, Mỹ tăng cường kiểm soát việc Trung Quốc mua lại doanh nghiệp công nghệ mũi nhọn của Mỹ, hạn chế doanh nghiệp Mỹ chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc, trừng phạt một số tập đoàn công nghệ hàng đầu của Trung Quốc (như Hoa Vi, ZTE…), vận động đồng minh, đối tác không sử dụng sản phẩm công nghệ 5G của Trung Quốc. Trung Quốc đầu tư mua lại công ty công nghệ nước ngoài và hỗ trợ cho doanh nghiệp công nghệ trong nước để đẩy nhanh tiến tới tự chủ về công nghệ,[7] ngăn chặn hoạt động của Google, Facebook ở Trung Quốc và thay thế bằng các công cụ và mạng xã hội nội địa như Baidu, Wechat, Weibo…

Về văn hóa – giáo dục, Mỹ tăng cường kiểm soát hoạt động của Hội sinh viên Trung Quốc tại Mỹ, giám sát, hạn chế du học sinh và nghiên cứu sinh Trung Quốc trong các lĩnh vực Mỹ coi là nhạy cảm, chỉ trích hoạt động của các viện Khổng Tử[8] tại Mỹ, chấm dứt Chương trình Hòa bình (Peace Corps) của Mỹ tại Trung Quốc, giới hạn hoạt động của một số cơ quan báo chí Trung Quốc tại Mỹ.[9] Trung Quốc chấm dứt hơn 200 chương trình hợp tác về giáo dục với các đại học nước ngoài (trong đó có Mỹ), hạn chế các chương trình ngoại giao công chúng và văn hóa của Mỹ, siết chặt kiểm duyệt đối với báo chí Mỹ.[10]



Không chỉ xúc tiến phân tách trực tiếp với Trung Quốc, chính quyền Mỹ cũng đẩy mạnh tập hợp lực lượng, vận động đồng minh và đối tác ủng hộ và hợp tác với Mỹ trong việc phân tách và cô lập Trung Quốc. Trước nỗ lực tập hợp lực lượng của Mỹ và xuất từ một số quan ngại về an ninh, nhiều nước đồng minh và đối tác chủ chốt của Mỹ đã có sự hưởng ứng lớn hơn với lời kêu gọi của Mỹ trong việc kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ, đầu tư. Anh thông báo lệnh cấm sử dụng các thiết bị liên lạc và công nghệ 5G của Tập đoàn Hoa Vi kể từ năm 2027. Úc đã ngăn chặn một số dự án trong đó các tập đoàn Trung Quốc có ý định đầu tư hoặc mua lại các công ty Úc trong lĩnh vực công nghệ, thực phẩm và khai khoáng với lý do quan ngại về an ninh. Ấn Độ, Úc và Nhật Bản đã bắt đầu đàm phán về Sáng kiến ​​khả năng phục hồi chuỗi cung ứng (SCRI) mà giới quan sát cho là nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Ấn Độ cũng bắt đầu kiểm soát chặt chẽ hơn FDI Trung Quốc, cấm sử dụng nhiều ứng dụng của Trung Quốc tại Ấn Độ.

Tác động của việc phân tách giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới

Tác động đối với Mỹ và Trung Quốc

Thứ nhất, xét từ góc độ quốc gia, xu hướng phân tách Mỹ – Trung gia tăng sẽ làm tổn hại lợi ích của cả Mỹ và Trung Quốc, nhất là về kinh tế. Một sự phân tách sẽ làm gián đoạn dòng trao đổi thương mại và công nghệ vốn là những nền tảng quan trọng cho tăng trưởng và điều này sẽ gây tác động tiêu cực cho cả hai nước. Nhìn chung, Mỹ cơ bản có khả năng chịu đựng và hóa giải thách thức tốt hơn do có ưu thế hơn về sức mạnh tổng hợp, trình độ công nghệ, mức đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, chất lượng nguồn nhân lực và năng lực cạnh tranh. Trong khi đó, nếu phân tách tiếp tục gia tăng và mở rộng, Trung Quốc sẽ gặp khó khăn lớn hơn, trong ngắn hạn khó khôi phục được đà phát triển mạnh mẽ như giai đoạn trước. Theo phân tích của hai nhà kinh tế Tom Orlik and Bjorn van Roye,[11] tăng trưởng của Trung Quốc có thể sẽ giảm xuống chỉ còn 3,5% vào năm 2030 nếu như nước này phân tách kinh tế với Mỹ. Tuy nhiên, một số ý kiến cũng cho rằng nếu Mỹ cố tình áp đặt chính sách phân tách giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới thì sẽ thất bại vì sự tùy thuộc lẫn nhau quá lớn giữa hai nền kinh tế trong thời đại toàn cầu hóa.

Thứ hai, xét từ góc độ doanh nghiệp, một số công ty Mỹ, đặc biệt là những công ty cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ thiết yếu cho Trung Quốc sẽ được hưởng lợi. Trái lại, những công ty Mỹ bán sản phẩm cho các công ty công nghệ cao của Trung Quốc có thể sẽ gặp khó khăn, thậm chí thua lỗ. Khi các công ty này không còn được coi là đối tác quan trọng cho sự phát triển của Trung Quốc, họ có thể chịu áp lực tăng lên từ các nhà chức trách Trung Quốc hoặc bị mất đi các đặc quyền vốn có trước đây. Về phần mình, nhiều doanh nghiệp lớn của Trung Quốc cũng sẽ đối mặt với áp lực tương tự từ chính quyền Mỹ. Các tập đoàn công nghệ như mũi nhọn của Trung Quốc như Hoa Vi sẽ tiếp tục phải gánh chịu nhiều hạn chế và rào cản trong việc tiếp cận các công nghệ Mỹ, làm ăn với doanh nghiệp Mỹ hoặc bán sản phẩm vào thị trường Mỹ. Điều này có thể buộc các doanh nghiệp này phải trở nên tự lực hơn sớm hơn so với kế hoạch ban đầu, hoặc ngược lại sẽ sụp đổ và phá sản. Các nhà đầu tư Trung Quốc cũng có khả năng phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ hơn và các hạn chế nghiêm trọng khi muốn đầu tư vào Mỹ.



Thứ ba, xét từ góc độ cá nhân, người tiêu dùng hai nước sẽ phải gánh chịu mức giá cả của các hàng hóa nhập khẩu cao hơn, trong bối cảnh hai nước duy trì các biện pháp áp thuế trừng phạt lẫn nhau. Trong nghiên cứu phát triển, các công dân Trung Quốc cũng sẽ bị hạn chế trong tiếp cận các nghiên cứu cơ bản của Mỹ. Trao đổi học thuật giữa các học giả Mỹ và Trung Quốc sẽ phải đối mặt với sự giám sát và hạn chế của cả hai chính phủ. Các trao đổi văn hóa cũng giảm với việc Trung Quốc tăng cường hạn chế các chương trình văn hóa Mỹ ở Trung Quốc, còn Mỹ thì nghi ngờ và siết chặt kiểm soát hoạt động của các Viện Khổng tử, học giả, sinh viên và cơ quan truyền thông Trung Quốc. Giao lưu nhân dân giữa Mỹ và Trung Quốc cũng sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực của xu thế phân tách. Nếu không được kiểm soát, thậm chí xu thế “bài Trung” và “bài Mỹ” có thể sẽ nổi lên.

Tác động đối với thế giới

Thứ nhất, phân tách Mỹ – Trung sẽ kéo theo tái cơ cấu mạnh mẽ chuỗi sản xuất và quan hệ thương mại toàn cầu, trong ngắn hạn sẽ gây nhiều tác động tiêu cực cho nhiều nước và hệ thống các thể chế quốc tế. Rủi ro là nền kinh tế toàn cầu có thể rạn nứt và tan rã nếu Mỹ và Trung Quốc tiếp tục đi theo con đường phân kỳ như hiện nay. Một tiến trình phân tách “cứng” sẽ không chỉ trì hoãn và làm phức tạp thêm sự phục hồi kinh tế của thế giới, mà cũng có thể gieo mầm cho cuộc suy thoái toàn cầu lần thứ hai. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (tháng 9/2019) đã kêu gọi các nước hành động để tránh nguy cơ thế giới “rạn nứt lớn”, cho rằng đây là một mối đe dọa thực sự với thể chế toàn cầu. Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Henry Paulson cảnh báo rằng một “bức màn sắt kinh tế” có thể rơi xuống thế giới, theo đó Mỹ và Trung Quốc sẽ rơi vào bế tắc về những khác biệt chiến lược, và dẫn đến sự suy giảm lớn hơn về vốn cũng như chuyển giao công nghệ trên toàn thế giới.

Thứ hai, quá trình phân tách sẽ làm gia tăng căng thẳng và cọ xát Mỹ – Trung trên phạm vi toàn cầu, cả song phương và tại các diễn đàn đa phương, làm xói mòn sự ổn định của các thể chế đa phương nền tảng mà cả Mỹ và Trung Quốc tuân thủ kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai đến nay. Mặt cọ sát sẽ nổi trội hơn hợp tác trong các cơ chế quản trị toàn cầu và khu vực như Liên Hợp Quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Diễn đàn Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), G20, G7… khiến cho các cơ chế đa phương này gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý các vấn đề toàn cầu cũng như tìm tiếng nói chung trong thúc đẩy cải cách. Tại Đối thoại cấp cao ngày 10/9/2019 với chủ đề “Tái khẳng định cam kết đối với chủ nghĩa đa phương thông qua tăng cường thể chế và hệ thống quốc tế nhân dịp kỷ niệm 75 Hiến chương Liên Hợp Quốc,” Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Guterres đã nhấn mạnh hai đe dọa lớn đối với chủ nghĩa đa phương, trong đó có việc sự phân tách của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới thông qua việc áp dụng các biện pháp bảo hộ ngày càng tăng sẽ làm chia rẽ các quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc, thúc đẩy hình thành các liên minh nhỏ cùng nguyện vọng hay cùng chí hướng, hành động độc lập trong đa phương thay vì đóng góp, đầu tư vào các thể chế đa phương toàn cầu.

Thứ ba, phân tách và cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung còn tạo ra áp lực “chọn bên” ngày một lớn đối với các nước, tiến tới hình thành các tập hợp lực lượng rõ nét hơn xoay quanh hai trục Mỹ và Trung Quốc. Dưới nhiệm kỳ Tổng thống Trump, cả Mỹ và Trung Quốc đều đã đẩy mạnh tập hợp lực lượng để cạnh tranh ảnh hưởng. Một số chuyên gia cho rằng chính việc Trung Quốc thi hành chính sách ngoại giao cứng rắn, gây sức ép với nhiều nước như Nhật Bản, Úc, Ấn Độ, có hành động quyết đoán hơn nhằm hiện thực hóa yêu sách chủ quyền ở Hoa Đông và biển Đông… đã khiến các nước khu vực châu Á – Thái Bình Dương quan ngại hơn. Điều này đã phần nào giúp Mỹ thành công hơn trong nỗ lực tập hợp lực lượng dưới ngọn cờ đối phó với thách thức từ Trung Quốc.

Tác động đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương

Châu Á – Thái Bình Dương là địa bàn cạnh tranh ảnh hưởng quyết liệt nhất giữa Mỹ và Trung Quốc nên cũng sẽ chịu tác động mạnh nhất từ tiến trình phân tách Mỹ – Trung trên nhiều phương diện, cả về kinh tế, chính trị và an ninh.



Về kinh tế: Khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã, đang và sẽ tiếp tục diễn ra tiến trình tái cơ cấu mạnh mẽ chuỗi sản xuất và quan hệ thương mại. Trung Quốc có khả năng sẽ mất dần vai trò công xưởng và nguồn cung ứng chính đối với nhiều mặt hàng. Các tập đoàn của Mỹ và nước ngoài có trụ sở tại Trung Quốc chịu áp lực lớn từ các biện pháp áp thuế mà Mỹ áp đặt với Trung Quốc, dẫn tới xu thế doanh nghiệp nước ngoài chuyển dịch đầu tư và dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc để tránh bị áp thuế. Xu thế doanh nghiệp chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc đã mạnh mẽ hơn từ năm 2019 do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ – Trung và dịch COVID-19. Theo báo cáo của hãng tư vấn Kearney, trong năm 2019, tổng nhập khẩu ngành sản xuất của Mỹ từ Trung Quốc giảm 90 tỉ USD (tương đương 17% cùng kỳ năm trước). Nhiều hãng phân tích đánh giá việc phải chịu cảnh gián đoạn chuỗi cung trong suốt tháng 2 và đầu tháng 3/2020 do các nhà máy Trung Quốc buộc phải đóng cửa vì dịch Covid–19 đã khiến các doanh nghiệp Mỹ phải đánh giá lại một cách nghiêm túc về chiến lược phân bổ nguồn cung, khiến vai trò của Trung Quốc trong chuỗi cung toàn cầu khó có thể trở lại như trước đây.

Mặt khác, những cơ hội mới cũng có thể xuất hiện với một số quốc gia và doanh nghiệp. Trong bối cảnh có nhu cầu dịch chuyển đầu tư và sản xuất khỏi Trung Quốc, các doanh nghiệp nước ngoài có xu hướng tìm kiếm các điểm đến lân cận để thay thế. Giới phân tích cho rằng một số nước nền kinh tế đang lên ở Đông Nam Á có thể là những điểm đến phù hợp nhất do là chế độ chính trị ổn định, kinh tế tăng trưởng cao và nguồn nhân công giá rẻ. Một số tập đoàn đa quốc gia vốn phụ thuộc vào dây chuyền sản xuất tại Trung Quốc như Google, Microsoft đang cân nhắc chuyển sản xuất một số mặt hàng điện thoại, máy tính cá nhân khỏi Trung Quốc sang các nước như Thái Lan hay Việt Nam. Công ty Wistron, một trong những đối tác sản xuất linh kiện hàng đầu cho tập đoàn Apple, mới đây cũng tuyên bố sẽ chuyển 50% công suất sản xuất ra khỏi Trung Quốc trong một vài năm tới. Thành viên sáng lập và Cố vấn Hội đồng quản trị của Tập đoàn Grant Thornton Việt Nam, ông Kenneth Atkinson cho biết: “Việt Nam đang chứng kiến một sự tăng trưởng mạnh trong FDI do có sự chuyển dịch trong quá trình sản xuất của các mặt hàng như may mặc, giày dép và dụng cụ điện tử, là kết quả của căng thẳng thương mại hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc.”

Về chính trị: Do chịu tác động của cạnh tranh chiến lược và phân tách Mỹ – Trung, các cơ chế đa phương tại khu vực, trong đó có ASEAN, đối mặt với thách thức lớn hơn dưới các nỗ lực tập hợp lực lượng của hai cường quốc. Việc các nhà lãnh đạo tại Hội nghị APEC 2018 ở Papua New Guinea đã không thể đưa ra một Tuyên bố chung là thất bại lần đầu tiên gặp phải thuộc loại này trong lịch sử 25 năm của APEC. Thay vì tạo cơ hội cho thúc đẩy hợp tác kinh tế, APEC 2018 đã làm dấy lên lo ngại về sự chia rẽ và đối đầu ngày một gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc. Sức ép chọn bên với các nước cũng sẽ tăng lên. Cho đến nay, đa số các nước khu vực nhìn chung vẫn triển khai chính sách thực dụng, bám sát lợi ích, duy trì quan hệ và hợp tác với cả Mỹ và Trung Quốc. Ngay cả các đồng minh thân cận của Mỹ tuy hưởng ứng tích cực các sáng kiến của Mỹ, song cũng duy trì hợp tác với Trung Quốc trong các lĩnh vực có lợi ích, nhất là thương mại và đầu tư. Tuy nhiên, có thể sẽ ngày càng khó duy trì chủ trương và hành động cân bằng này, vì cả Mỹ và Trung Quốc đều sẽ tăng cường vận động, thậm chí gây sức ép mạnh mẽ hơn, để đối tác ủng hộ quan điểm và hành động của mình.

Về an ninh: Cạnh tranh chiến lược và phân tách Mỹ – Trung gia tăng làm giảm đi số lượng và hiệu quả của các cơ chế đối thoại và hợp tác, suy giảm lòng tin chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc và làm tăng rủi ro tính toán sai lầm. Dưới thời Tổng thống Trump, Mỹ đã rút lại lời mời Trung Quốc tham dự tập trận RIMPAC 2019 với lý do để phản đối các hành vi quá mức của Trung Quốc ở Biển Đông. Về phần mình, Trung Quốc nhiều lần cho tàu và máy bay áp sát tàu và máy bay Mỹ ở biển Đông, hoặc trong khu vực gần Hồng Công, Đài Loan. Hai bên cũng không còn duy trì được các cơ chế đối thoại an ninh cấp cao quan trọng như Đối thoại an ninh – ngoại giao, Đối thoại cấp Hội đồng Tham mưu trưởng… Những động thái trên làm tăng nguy cơ tính toán và hành động sai lầm, khiến môi trường an ninh khu vực phức tạp và bất ổn hơn. Căng thẳng và cọ xát Mỹ – Trung Quốc tại các điểm nóng khu vực có thể sẽ gia tăng cùng với tiến trình phân tách và tập hợp lực lượng của hai cường quốc, do cả hai đều có nhu cầu thể hiện sức mạnh và vị thế lãnh đạo của mình. Tuy nhiên, điểm trấn an là cả Mỹ và Trung Quốc đều tỏ ra chủ trương tránh để xảy ra xung đột nóng hay đối đầu, ngay cả trong những giai đoạn quan hệ căng thẳng nhất dưới thời Tổng thống Trump. Trong bốn năm nhiệm kỳ Tổng thống Trump, mặc dù các cơ chế hợp tác an ninh – quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc suy giảm mạnh, song hai bên vẫn duy trì hợp tác trong các lĩnh vực an ninh chung và một số cơ chế đối thoại quân sự nhất định để bình ổn quan hệ, giảm thiểu nguy cơ hai bên có tính toán và hành động sai lầm dẫn tới xung đột trực diện.



Triển vọng thời gian tới

Tiến trình phân tách Mỹ – Trung sẽ khó bị đảo ngược mà nhiều khả năng sẽ tiếp tục gia tăng về phạm vi, mức độ do các động lực của nó dự báo sẽ tiếp tục mạnh mẽ hơn thời gian tới. Việc Trung Quốc tiếp tục trỗi dậy, tăng cường sức mạnh tổng hợp và cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ trên nhiều lĩnh vực sẽ khiến lo ngại về Trung Quốc trong nội bộ Mỹ gia tăng và chính sách cạnh tranh và kiềm chế chiến lược của Mỹ với Trung Quốc sẽ tiếp tục được triển khai đồng bộ. Cạnh tranh chiến lược sẽ dẫn tới việc Mỹ sẽ tiếp tục duy trì và tăng cường phân tách với Trung Quốc trong các lĩnh vực mà Mỹ có nhu cầu giảm phụ thuộc hoặc cần kiềm chế không để Trung Quốc lợi dụng nguồn lực, công nghệ và chất xám của Mỹ để vượt lên trên Mỹ. Có lẽ chính vì vậy, sau khi Tổng thống Biden lên nắm quyền, trái với một số dự đoán ban đầu về khả năng Mỹ sẽ có chính sách mềm dẻo hơn với Trung Quốc, Chính quyền Biden tiếp tục kế thừa chủ trương cứng rắn và gây áp lực với Trung Quốc của Chính quyền Trump, trong đó có việc duy trì nhiều biện pháp mà Chính quyền Trump đã áp dụng với Trung Quốc như áp thuế nhập khẩu, trừng phạt doanh nghiệp Trung Quốc, kiểm soát chặt chẽ xuất khẩu công nghệ cao và hạn chế nguồn vốn đầu tư của Mỹ vào thị trường và doanh nghiệp Trung Quốc… Chính quyền Biden cũng đẩy mạnh việc tham vấn và hợp tác với đồng minh và đối tác liên quan đến các quan tâm và thách thức chung liên quan đến Trung Quốc. Chủ trương và cách tiếp cận của Chính quyền Biden có khả năng sẽ dẫn tới xu thế tập hợp lực lượng và phân tách quyết liệt hơn giữa Mỹ và Trung Quốc thời gian tới trong các lĩnh vực như chuỗi cung ứng, công nghệ lưỡng dụng, tài chính – tiền tệ, y tế – giáo dục.

Xu thế cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung ngày một gia tăng khiến một số học giả nhận định phân tách giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới có thể sẽ dẫn tới hình thành hai tập hợp lực lượng hoặc hai phe trong một hình thái “Chiến tranh Lạnh kiểu mới.” Không thể phủ nhận cạnh tranh chiến lược và phân tách Mỹ – Trung giai đoạn hiện nay có một số đặc điểm khá giống thời Chiến tranh Lạnh Mỹ – Xô trước đây: Một là, tồn tại hai cường quốc cạnh tranh ngôi vị đứng đầu thế giới. Hai là, cạnh tranh không chỉ diễn ra trên lĩnh vực kinh tế mà lan rộng sang nhiều lĩnh vực khác như chính trị, quân sự, an ninh, mô hình phát triển… Ba là, cạnh tranh dự báo sẽ diễn ra trong dài hạn và ngày càng quyết liệt. Bốn là, cả hai cường quốc đều tránh để xảy ra “xung đột nóng” hay đối đầu trực tiếp.

Tuy vậy, rất ít khả năng phân tách Mỹ – Trung sẽ diễn ra toàn diện hoặc mỗi cường quốc trở thành một cực trong hai hệ thống đối lập như thời Chiến tranh Lạnh. Tuy có xu thế gia tăng, song phân tách Mỹ – Trung dự báo sẽ chỉ xảy ra cục bộ trong một số lĩnh vực, vì một số lý do sau:

Thứ nhất, toàn cầu hóa kinh tế vẫn là một xu hướng lớn và lâu dài với nền tảng và động lực quan trọng tiếp tục được củng cố như sự tùy thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia ngày càng chặt chẽ, sự phát triển mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp 4.0, nhu cầu hợp tác giải quyết các thách thức toàn cầu…Xu thế toàn cầu hóa mọi mặt đời sống quốc tế khiến mức độ phụ thuộc lẫn nhau không chỉ giữa Mỹ và Trung Quốc mà cả giữa tất cả các nước với nhau trở nên cao độ. Ví dụ, trong lĩnh vực thương mại, chuỗi cung ứng toàn cầu được định hình trong nhiều thập kỷ qua tuy có thể bị gián đoạn ở một số mắt xích nhưng sẽ chỉ dẫn tới tái cơ cấu, không thể bị phá vỡ. Việc phân tách tuyệt đối theo ý muốn chủ quan của bất kỳ quốc gia nào đều khó có thể thực hiện được.

Thứ hai, cả Mỹ và Trung Quốc đều không chủ trương để xảy ra phân tách toàn diện do mức độ phụ thuộc lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc hiện vẫn rất lớn,[12] đồng thời hai bên cũng có lợi ích duy trì hợp tác trên một số lĩnh vực chủ chốt có cùng lợi ích. Nội bộ Mỹ và Trung Quốc đều có những nhóm lợi ích vận động duy trì hợp tác giữa hai cường quốc. Thỏa thuận thương mại giai đoạn một giữa Mỹ và Trung Quốc dưới thời Chính quyền Trump là minh chứng cho thấy tuy cạnh tranh là xu thế chủ đạo, song những luồng quan điểm ủng hộ can dự, hợp tác[13] vẫn có tiếng nói mạnh. Ngay cả dưới thời Tổng thống Trump khi mà cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung bị đẩy lên ở mức rất cao, thì Mỹ cũng chỉ chủ trương phân tách có chọn lọc, theo lĩnh vực, không chủ trương phân tách hoàn toàn. Chính quyền Biden sẽ phải cân nhắc về các hậu quả và chi phí của việc phân tách với Trung Quốc đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ, nhất là trong bối cảnh Covid–19 tiếp tục diễn biến phức tạp và cản trở quá trình phục hồi của kinh tế Mỹ. Về phần mình, Trung Quốc cũng không muốn xảy ra phân tách trong các lĩnh vực mà Trung Quốc vẫn có nhu cầu tranh thủ Mỹ như thương mại, tài chính và công nghệ. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình[14] và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường[15] đều khẳng định Mỹ và Trung Quốc sau nhiều năm hợp tác đã gắn kết chặt chẽ; việc phân tách là không thực tế, không thể xảy ra, và các nước đều không muốn xảy ra. Các biện pháp của Trung Quốc hiện chủ yếu nhằm củng cố năng lực tự chủ, tìm cách hóa giải sức ép và các đòn công kích từ Mỹ, và khi cần có thể chấp nhận nhân nhượng nhất định nhằm kéo dài giai đoạn “thời cơ chiến lược” để phát triển.



Thứ ba, tập hợp lực lượng trong quan hệ quốc tế ngày nay không còn theo ý thức hệ, mà phát triển đa dạng, đan xen, căn cứ theo lĩnh vực lợi ích. Ngoài Mỹ và Trung Quốc, còn nhiều trung tâm kinh tế lớn khác có đan xen lợi ích, tùy thuộc chặt chẽ về nhiều mặt với cả Mỹ và Trung Quốc, nên không dễ để phân tách kinh tế thế giới thành các hệ thống biệt lập như trước đây. Một số đồng minh thân cận của Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn hết sức coi trọng và thúc đẩy hợp tác kinh tế – thương mại với Trung Quốc. Nhiều đồng minh NATO của Mỹ (Anh, Pháp, Ý…) vẫn hợp tác với Trung Quốc ở mức độ nhất định trong lĩnh vực 5G bất chấp sức ép từ Chính quyền Trump.

Kết luận

Cạnh tranh chiến lược là nguyên nhân căn bản dẫn tới tiến trình phân tách giữa Mỹ và Trung Quốc sau bốn thập kỷ gắn kết kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Dịch Covid–19 bùng phát và lan rộng trên toàn cầu cũng là một tác nhân quan trọng đẩy nhanh và làm sâu sắc hơn tình trạng phân tách Mỹ – Trung dưới thời Tổng thống Trump. Phân tách Mỹ – Trung hiện mới ở giai đoạn đầu, song đã diễn ra khá mạnh mẽ trong một số lĩnh vực như công nghệ, đầu tư, tài chính, và dự báo sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp và có thể còn gia tăng thời gian tới, mặc dù cách tiếp cận của Mỹ trong cạnh tranh với Trung Quốc có thể có những điều chỉnh dưới thời Tổng thống Biden. Tiến trình phân tách giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có tác động đa chiều to lớn, lâu dài và sâu sắc không chỉ đến tất cả các quốc gia mà còn cả đến hệ thống các thể chế, tổ chức, luật chơi và chuẩn mực toàn cầu được định hình từ Chiến tranh Thế giới thứ hai đến nay, trong đó mặt thách thức tỏ ra lớn hơn mặt cơ hội. Mặc dù tiến trình phân tách tạo ra áp lực chọn bên và bước đầu hình thành các tập hợp lực lượng rõ nét hơn xoay quanh hai cường quốc, song chưa có dấu hiệu cho thấy triển vọng phân tách toàn diện giữa Mỹ – Trung hay hình thành trở lại cục diện hai cực và phân tuyến rõ nét như thời Chiến tranh Lạnh Mỹ – Xô.

Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược và phân tách Mỹ – Trung có chiều hướng tiếp tục gia tăng và diễn biến phức tạp thời gian tới, nhiều quốc gia đều tỏ quan ngại về những tác động và hệ lụy đối với thế giới, nhất là khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đồng thời chủ động xây dựng các phương án ứng phó linh hoạt và lâu dài, tránh để rơi vào thế bị động hay bất lợi về chiến lược. Đa phần các nước đều chủ trương và theo đuổi chính sách cân bằng, thúc đẩy hợp tác với cả Mỹ và Trung Quốc trên các lĩnh vực cùng chung lợi ích, trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, hệ thống chính trị và con đường phát triển của nhau. Các cơ chế đa phương, nhất là các cơ chế do ASEAN đóng vai trò trung tâm, tiếp tục được cộng đồng quốc tế coi trọng và thúc đẩy. Luật pháp quốc tế và chuẩn mực khu vực vẫn là nền tảng quan trọng, được các nước sử dụng và đề cao cả trong quan hệ song phương và xử lý các vấn đề khu vực và toàn cầu.

Thời gian tới, cộng đồng quốc tế, trong đó có Việt Nam, đều kỳ vọng hai cường quốc hàng đầu thế giới sớm ổn định quan hệ, thể hiện vai trò và đóng góp ngày một tích cực và có trách nhiệm hơn vào việc duy trì môi trường hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển ở châu Á – Thái Bình Dương, giúp thế giới sớm vượt qua khủng hoảng Covid–19, tiến bước vào một thập kỷ mới của hòa bình, ổn định, hợp tác và phồn vinh./.

* Bộ Ngoại giao.

Bài viết được xuất bản lần đầu trên tạp chí Nghiên cứu Quốc tế (Học viện Ngoại giao, số 124 (tháng 3/2021).

   Mời xem thêm »


© Mỹ Châu
    NTDVN

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

    Tiếng Việt

  1. Hoài Thanh. “Phân tách kinh tế Mỹ – Trung: Đe dọa đối lập với thực tế.” Báo tin tức, 25/6/2020.  
  2. Huy Sơn. “Phân tách Mỹ – Trung trong bối cảnh Covid-19: Suy thoái toàn cầu là mối đe dọa lớn nhất.” Thế giới và Việt Nam, 22/9/2020.  
  3. Kim Đường. “Xu thế chia tách toàn diện Trung – Mỹ là không thể ngăn chặn.” Trí thức Việt Nam, 1/9/2019.  
  4. Mai Ngọc. “Virus corona đẩy nhanh tiến trình phân tách giữa Mỹ và Trung Quốc.” Thời báo Ngân hàng, 13/2/2020.  
  5. Thái Văn Long. “Đặc điểm mới của cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung Quốc và đối sách của Việt Nam.” Tạp chí Cộng sản, tháng 11/2020.

  6. Tiếng Anh

  7. Bao Huaying. “Why US-China decoupling failed.” GlobalTimes, 12 January 2020.
  8. Blustein, Paul. Schism: China, America, and the Fracturing of the Global Trading System. Ontario, Canada: CIGI Press, 2019.
  9. Browne, Andrew. “Bloomberg New Economy: For the U.S. and China, the Unthinkable May Be Inevitable.” Bloomberg, 27 February 2021.
  10. Dupont, Alan. “US-China Decoupling and the Eve of Economic Destruction.” Lowy Institute, 9 October 2020.
  11. Hoecker, Anne and Li, Shu and Wang, Jue. “US and China: The Decoupling Accelerates.” Bain & Company, 14 October 2020.
  12. Hoecker, Anne and Wang, Jue and Li, Shu. “Preparing for US-China Decoupling.” IndustryWeek, 9 November 2020
  13. Inkster, Nigel. The Great Decoupling: China, America and the Struggle for Technological Supremacy. London: Hurst, 2021.
  14. Johnson, Keith and Gramer, Robbie. “The Great Decoupling.” Foreign Policy, 14 May 2020
  15. Rachman, Gideon. “The Decoupling of the US and China Has Only Just Begun.” Financial Times, 17 August 2020.
  16. Rosen, Daniel and Gloudeman, Lauren. “Understanding US -China Decoupling: Macro Trends and Industry Impacts.” Rhodium Group, 17 February 2021.
  17. Segal, Stephanie. “Degrees of Separation: A Targeted Approach to U.S.-China Decoupling – Interim Report.” CSIS, 3 February 2021.
  18. Weber, Isabella. “Could the US and Chinese economies really ‘decouple’?” The Guardian, 11 September 2020.

***

[1] Định nghĩa của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) về thuật ngữ “decoupling.”

[2] “Total competition” – khái niệm được học giả Patrick Cronin (Trung tâm An ninh mới của Mỹ – CNAS) sử dụng để đánh giá hình thái cạnh tranh giữa hai cường quốc trên mọi lĩnh vực (kinh tế, quân sự, khoa học, văn hóa…) song không coi đối phương là “kẻ thù,” không dẫn tới đối đầu.

[3] Quy mô GDP của Trung Quốc năm 2016 đã đạt 65% của Mỹ, chi tiêu quân sự thực tế đã lên khoảng 250 tỉ USD/năm, trong khi dưới thời Tổng thống Obama Mỹ liên tục cắt giảm ngân sách quốc phòng.

[4] Tăng thuế nhập khẩu, thuế chống phá giá và trợ cấp, áp hạn ngạch, hàng rào kỹ thuật khác…

[5] Mỹ ban hành các luật FIRRMA, ECRA thắt chặt kiểm soát đầu tư của Trung Quốc Mỹ trong các lĩnh vực nhạy cảm, đặc biệt là công nghệ cao.

[6] Quốc hội Mỹ giới thiệu Dự luật hạn chế dùng Quỹ lương hưu để đầu tư vào chứng khoán Trung Quốc.

[7] Đầu tư 29,1 tỉ USD cho Quỹ đầu tư Big Fund giai đoạn hai để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Thiết lập Sàn giao dịch cổ phiếu công nghệ Star Market.

[8] Đã có khoảng 22 Viện Khổng tử tại Mỹ phải đóng cửa dưới thời Chính quyền Trump.

[9] Bộ Ngoại giao Mỹ đưa 5 cơ quan báo chí lớn của Trung Quốc (Tân Hoa Xã, China Daily, People’s Daily, CGTN, China Radio International) vào danh sách “tổ chức nước ngoài” không được hưởng quyền lợi của một cơ quan báo chí, bắt buộc phải khai báo tài chính và hoạt động đầy đủ.

[10] Trung Quốc trục xuất ba nhà báo Mỹ do cáo buộc lợi dụng dịch Covid-19 viết bài sai lệch, mang tính phân biệt chủng tộc.

[11] Sharon Chen and Yinan Zhao, “Decoupling with U.S. Would Cut China’s Growth to 3.5%, say Study,” Bloomberg, 3 September 2020, https://www.bloomberg.com/news/articles/2020-09-03/decoupling-with-u-s-would-cut-china-s-growth-to-3-5-study

[12] Kim ngạch thương mại song phương Mỹ – Trung mỗi ngày đạt trung bình gần 2 tỷ USD, tương đương mức giao thương trong một năm giữa Mỹ và Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh.

[13] Cộng đồng doanh nghiệp, giới học giả, một số cựu quan chức Mỹ; nhóm ủng hộ cải cách ở Trung Quốc.

[14] Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế St. Petersburg ngày 7/6/2019.

[15] Trả lời họp báo Chính phủ ngày 16/3/2019.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad