Hoa Kỳ rút binh khỏi Trung Đông và tương lai châu Á - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Tư, 30 tháng 6, 2021

Hoa Kỳ rút binh khỏi Trung Đông và tương lai châu Á


Nguồn: Gordon Lubold, Nancy A. Youssef & Michael R. Gordon, U.S. Military to Withdraw Hundreds of Troops, Aircraft, Antimissile Batteries From Middle East (The Wall Street Journal)

Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin nói với thái tử Ả Rập Xê-út về quyết định rút quân và khí tài chiến lược trong điện đàm ngày 2 tháng 6

Theo tin từ các giới chức quân sự có thẩm quyền, Chính quyền Biden đang cắt giảm số lượng quân lớn và hệ thống chống tên lửa của Mỹ ở Trung Đông, trong chiến lược điều chỉnh quân sự quan trọng của Hoa kỳ, nhằm tập trung sức mạnh để đương đầu với các thách thức của Trung Quốc và Nga.

Lầu Năm Góc đang rút đi khoảng 8 khẩu đội chống tên lửa Patriot từ các nước Iraq, Kuwait, Jordan và Saudi Arabia. Hệ thống chống tên lửa Thaad cũng đang được rút khỏi Ả Rập Xê Út, và các phi đội máy bay chiến đấu phản lực được giao cho khu vực này đang bị giảm thiểu.



Việc cấp kỳ rút quân, cắt giảm vũ khí chiến lược ở Trung đông phản ánh sự thay đổi chính sách Mỹ ở Trung Đông, cũng như chiến lược quân sự của Washington dưới thời Biden. Khi cuộc chiến ở Afghanistan kết thúc, chấm dứt hai thập kỷ chống nổi dậy với vai trò chính yếu của quân lực Hoa Kỳ, chính quyền Biden muốn tăng cường lực lượng phòng chống Trung Quốc, đối thủ chính trong bối cảnh an ninh quốc gia được định hình bởi cạnh tranh giữa đại cường.

Mặt khác, vì chính sách của chính quyền Biden đối với Iran – đối thủ chính của Mỹ ở Trung Đông – là nỗ lực đàm phán để tái ký kết thỏa thuận hạt nhân quốc tế năm 2015, nên Lầu Năm Góc nhận thức nguy cơ chiến tranh giảm bớt so với chiến lược tạo áp lực tối đa trước đây của chính quyền Trump.

Thêm nữa các đồng minh Hoa Kỳ ở Trung đông như Ả Rập Xê Út cũng đã tăng cường được khả năng phòng thủ đối với các cuộc tấn công của lực lượng dân quân Houthi do Iran hậu thuẫn, tại cuộc chiến kéo dài ở Yemen. Vả lại chính quyền Biden đang tìm cách chuyển biến, xây dựng quan hệ Mỹ-Nga trên căn bản hòa hoãn, với hi vọng bớt được những mối lo về tấn công mạng, hầu có thể tập chung nỗ lực vào việc canh tân quốc phòng. Đó là những mục tiêu chính yếu của hội nghị thượng đỉnh giữa Joe Biden và Vladimir Putin hồi đầu tuần.

Hoa Kỳ cũng đang giảm quân ở Iraq. Hoa thạnh đốn đã cắt giảm 2,500 quân —, một nửa lực lượng trấn đóng vào năm ngoái, bởi lẽ tin tưởng các lực lượng Iraq có thể tự đảm bảo an ninh cho đất nước họ.

Cắt giảm mới nhất chưa hề được loan báo là ở Ả rập Xê út, , bắt đầu vào đầu tháng này, ngay sau cuộc điện đàm ngày 2/6, khi Bộ trưởng Quốc phòng Hoa kỳ Lloyd Austin thông báo cho Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman về những thay đổi chiến lược của Mỹ. Theo tiết lộ của các giới chức quốc phòng, hầu hết các khí tải quân sự bị cắt giảm đều ở Ả Rập Xê Út.

Mỹ chuyển hệ thống chống tên lửa Patriot tới Iraq vào tháng 1 năm 2020 sau khi Iran bắn tên lửa vào căn cứ Al Asad ở miền tây Iraq, nơi quân đội Mỹ trú đóng. Iran bắn hỏa tiễn để trả đũa vụ Mỹ dùng máy bay không người lái hạ sát Qassem Soleimani, lãnh đạo quân đội Iran.

Ngũ Giác Đài đã bắt đầu gửi các khẩu đội chống tên lửa Patriot và hệ thống Thaad tới Ả Rập Xê Út sau khi một cơ sở dầu mỏ của Ả Rập Xê Út bị máy bay không người lái của Iran tấn công vào tháng 9 năm 2019.



Lực lượng dân quân Houthi do Iran hậu thuẫn, được trang bị máy bay không người lái, mối đe dọa đối với các lực lượng liên quân và Mỹ ở Iraq, bị cáo buộc là chủ động trong hàng loạt tấn công bằng máy bay không người lái những tuần lễ gần đây ở Baghdad và miền bắc Iraq. Cũng đã có hơn 100 vụ tấn công nhằm vào Ả Rập Xê-út trong năm nay, trong đó có ít nhất một vụ tấn công vào khu phức hợp của tòa án hoàng gia.

Một quan chức quốc phòng cấp cao giải thích việc thu hồi thiết bị nhằm mục đích trở lại mức độ phòng thủ truyền thống hơn cho khu vực. Dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã tích cực triển khai các hệ thống phòng thủ cũng như quân đội, phi đội máy bay phản lực và tàu chiến hải quân để hỗ trợ chiến dịch gây áp lực tối đa chống lại Iran.

Các giới chức quân sự xác nhận tăng cường thiết bị không ngăn chặn được Iran và các lực lượng ủy nhiệm hành động gây mất ổn định ở khu vực. Tuy nhiên Ả Rập Xê-út cũng đã cải thiện khả năng phòng thủ, tự lực ngăn chặn được hầu hết các cuộc tấn công bằng tên lửa.

Ngoài ra, các hệ thống chống tên lửa của Hoa Kỳ đã được sử dụng quá tải trong vài năm qua, cần được đem về Hoa Kỳ để tân trang bảo trì.

“Đây sự phân bổ lại các nguồn lực với các ưu tiên chiến lược. Việc cắt giảm thiết bị và giảm quân chỉ là một phần trong nhiều kế hoạch mà Hoa Kỳ đang triển khai tại khu vực. Chúng tôi vẫn có lực lượng ở Iraq và Syria, vẫn duy trì hàng chục nghìn lực lượng tại khu vực, và những lực lượng đó sẽ không rời đi. Thêm nữa, Hoa kỳ vẫn có nhiều căn cứ ở các nước đối tác trong vùng Vịnh. Các cơ sở này không đóng cửa. Quân lực Mỹ vẫn hiện diện. Nước Mỹ vẫn nắm giữ vai trò then chốt.” Một quan chức cao cấp đã khẳng định như vậy.

Song, theo nhận định của một số cựu quan chức đã từng tham gia vào các quyết định tăng cường phòng thủ của Hoa Kỳ tại Trung đông, thì thực cảnh đã thay đổi ở Trung Đông cũng như ở nhiều nơi khác.

Kathryn Wheelbarger, cựu trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng trong chính quyền Trump, hiện là thành viên của Viện Chính sách Cận Đông Washington. cho biết: “Sự thể Ả Rập Saudi đã cải thiện khả năng phòng thủ và Hoa Kỳ tìm cách giải quyết căng thẳng với Iran bằng các công cụ ngoại giao là sự thật hiển nhiên. Thế nhưng liệu nguy cơ sẽ gia tăng? Đương nhiên. Và đó chỉ là phương cách để hạn chế rủi ro, chứ không phải khắc phục loại trừ.”



Một cuộc lượng định toàn diện về tư thế và tương quan lực lượng sẽ được chính quyền thực hiện vào tháng tới, nhưng Lầu Năm Góc đã bắt đầu di chuyển quân trên bàn cờ toàn cầu để củng cố mục tiêu chống lại Trung Quốc và Nga.

Tuy nhiên, những hệ thống Patriots, vốn có nhu cầu cao từ nhiều năm, sẽ không nhất thiết được chuyển đến khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Chúng sẽ được chuyển về Hoa Kỳ để bảo trì, giải tỏa căng thẳng cho nhân viên vận hành bảo vệ hệ thống, hầu tăng cường nỗ lực, tập trung quân lực vào những khu vực khác.

Đây là lần thứ hai trong năm 2021, Hoa Kỳ rút hệ thống chống hỏa tiễn Patriot khỏi Trung Đông. Hồi đầu mùa Xuân, quân lực Mỹ đã loại bỏ ít nhất là 3 hệ thống Patriots khỏi Ả Rập Xê-út, trong khi cân nhắc rời đi một hệ thống Thaad.

Các giới chức quân sự tin tưởng chuyện Mỹ rút quân, di dời khí tài chiến lược là cơ hội bằng vàng để Nga và Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng quân sự và kinh tế ở Trung Đông.

Song, theo các giới chức quốc phòng, tổng thể can dự của Hoa Kỳ ở Trung đông sẽ chỉ tập trung trong các lĩnh vực bán võ khí, hợp tác an ninh, tập trận chung, và duy trì quân đội trên đất liền. Đương nhiên cả Nga lẫn Trung Quốc sẽ khai thác các điều chỉnh này để tuyên truyền khắp khu vực là “không thể nào dựa dẫm vào Mỹ được, nhưng thực tế chẳng nước nào có thể thay thế được Hoa Kỳ và những gì nước Mỹ cung cấp.”

   Mời xem thêm »


© Gordon Lubold, Nancy A. Youssef và Michael R. Gordon
    Vũ Văn Lê biên dịch
    US Vietnam
Nguồn: Gordon Lubold, Nancy A. Youssef & Michael R. Gordon, U.S. Military to Withdraw Hundreds of Troops, Aircraft, Antimissile Batteries From Middle East (The Wall Street Journal)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad