Loạn danh xưng “nữ hoàng” và những hệ lụy - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Ba, 16 tháng 7, 2019

Loạn danh xưng “nữ hoàng” và những hệ lụy


Đó là hiện tượng về suy thoái trật tự xã hội hiện nay ở Việt Nam khá nặng. Những danh hiệu đấy có những danh hiệu sinh ra từ những cuộc thi không chính thức, không được cấp phép, thế nhưng kể cả những cuộc thi chính thức, được cấp phép cũng chả hơn gì. - Võ Văn Tạo

Thiệp mời chương trình ‘Chung kết trao giải Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam 2019'


Nhấp vào nút play (►) dưới đây để nghe

Sau khi tấm thiệp mời chương trình ‘Chung kết trao giải Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam 2019’ của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu ô tô Ngọc Minh được lan truyền rộng rãi trên mạng, nhiều người không khỏi bất ngờ khi điểm lại danh xưng này và ngạc nhiên khi phát hiện: hóa ra “Việt Nam là nơi có nhiều “Nữ hoàng” nhất” (!?). Có thể kể từ “Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam 2018”, “Nữ hoàng sản xuất nội thất Việt Nam”, “Nữ hoàng ngoại giao”, “Nữ hoàng dệt may Việt Nam”, “Nữ hoàng thực phẩm”, “Nữ hoàng xây dựng”, “Nữ hoàng ẩm thực”…

Quản lý lỏng lẻo

Danh xưng “nữ hoàng” sẽ không quá ồn ào và được bàn tán đến như vậy nếu như chương trình “Tôn vinh Nữ hoàng Thương hiệu Việt Nam 2019” không bị cấm diễn vào 2 giờ đồng hồ trước khi chương trình diễn ra. Trước đó, Ban tổ chức – Công ty Ngọc Minh sau khi bị đoàn thanh tra Văn hóa (thuộc Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội) vào cuộc do dư luận phản đối về cách tổ chức, thu tiền mua danh hiệu của chương trình, đã cam kết “cắt” bỏ việc tôn vinh “Nữ hoàng” và xóa chữ tôn vinh trong tên chương trình.

Việc không cho phép chương trình diễn ra mặc dù khiến đơn vị tổ chức “bần thần”, nhưng không vì thế làm “hạ nhiệt” sự bàn luận của công chúng. Dư luận càng thắc mắc tại sao một chương trình quảng bá rầm rộ, tổ chức qui mô lớn như vậy mà phải đến phút cuối đơn vị quản lý mới vào cuộc và “chấn chỉnh”? Vấn đề khác cũng được đặt ra là: vậy những danh hiệu “Nữ hoàng” đã được “phong” trước đó thì sao?

Đó là hiện tượng về suy thoái trật tự xã hội hiện nay ở Việt Nam khá nặng. Những danh hiệu đấy có những danh hiệu sinh ra từ những cuộc thi không chính thức, không được cấp phép, thế nhưng kể cả những cuộc thi chính thức, được cấp phép cũng chả hơn gì.

- Võ Văn Tạo
Từ Nha Trang, nhà báo Võ Văn Tạo nhận xét:

“Đó là hiện tượng về suy thoái trật tự xã hội hiện nay ở Việt Nam khá nặng. Những danh hiệu đấy có những danh hiệu sinh ra từ những cuộc thi không chính thức, không được cấp phép, thế nhưng kể cả những cuộc thi chính thức, được cấp phép cũng chả hơn gì.”

Liên quan vụ “Nữ hoàng thương hiệu 2019”, Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội vào ngày 13/7 cho biết Sở không hề cấp giấy phép cho chương trình mà chỉ tiếp nhận giấy phép tổ chức biểu diễn nghệ thuật chương trình ‘Tôn vinh Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam 2019’ do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc trước đó đã cấp cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu ô tô Ngọc Minh.

Qua đây, nhiều ý kiến cho rằng Ban tổ chức - công ty Ngọc Minh đang muốn “lợi dụng” chương trình để tổ chức một cuộc thi sắc đẹp ‘chui’…

Ông Nam, hiện đang sống ở Hà Nội cho rằng có thể phía công ty xuất nhập khẩu ô tô Ngọc Minh đang muốn thu hút sự chú ý của dư luận nên mới tổ chức cuộc thi này:

Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam 2018. Nguồn: soha.vn
“Người ta đánh vào tâm lý của người dân mình, những gì ‘hot’ nhất bây giờ đều liên quan đến người đẹp. Có nhiều cuộc thi không phản ánh đúng mà chỉ lợi dụng cái gọi là sắc đẹp để câu view, câu like, gây ảnh hưởng xã hội.”

Phân tích rõ hơn về những cuộc thi sắc đẹp đã và đang xuất hiện trên khắp các tỉnh, thành, Thạc sĩ Đinh gia Hưng, hiện đang giảng dạy về Văn hóa tại trường Đại học kiến trúc Đà Nẵng cho biết:

“Có 2 khía cạnh, tôi nghĩ một là ở những cuộc thi tốt để thể hiện văn hóa ở một cái nét nào đó, ví dụ như dáng vẻ thanh lịch hay liên quan tới kiến thức; còn phần kia là người ta lạm dụng nó. Các địa phương hay các tổ chức, thậm chí các cơ quan nhà nước đều tổ chức cuộc thi, các nơi người ta cũng tổ chức. Tôi nghĩ nhiều nơi tổ chức không đủ tầm văn hóa hoặc có tầm nhưng suy nghĩ theo hướng khác, chẳng hạn như họ tổ chức kêu gọi mọi người tham gia để bán danh, làm cho mọi người nghĩ cuộc thi đó có giá trị, làm cho mọi người cuốn theo phong trào.”

Còn theo ông Nam, khi những cuộc thi nhan sắc xuất hiện ngày càng nhiều sẽ khiến giới trẻ nghĩ rằng việc trở thành nữ hoàng, á hậu, hay hoa hậu là dễ dàng, từ đó gây ảnh hưởng đến nhận thức:

“Nhiều em không quan tâm đến việc trau dồi, học hành đầy đủ, không biết phải vất vả thế nào, phải có kiến thức vững chắc, nền tảng vững chắc thì mới đạt được kết quả tốt.”
Có cần nhiều cuộc thi nhan sắc?

Với tất cả những ý kiến và sự kiện nêu trên, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Vũ Mạnh Lợi, đang công tác tại Viện Xã hội học Việt Nam, băn khoăn:

“Thực sự một xã hội có cần cuộc thi như vậy hay không? Thi như vậy để làm gì? Nếu như trả lời được câu hỏi là cuộc thi đó cần thiết thì cũng cần phải nêu rõ đảm bảo ở điều kiện nào để tránh những cuộc thi mà lạm dụng để phục vụ cho những lợi ích không tốt của một nhóm người nào đó.”

Người ta đánh vào tâm lý của người dân mình, những gì ‘hot’ nhất bây giờ đều liên quan đến người đẹp. Có nhiều cuộc thi không phản ánh đúng mà chỉ lợi dụng cái gọi là sắc đẹp để câu view, câu like, gây ảnh hưởng xã hội.

- Nam
Ông Ngô Tiên, cán bộ về hưu ngành Ngoại thương hiện đang sống tại Hà Nội cũng đồng tình:

“Vừa rồi phát sinh ra việc thi sắc đẹp thì có cách tổ chức chưa lành mạnh, chưa tròn chỉ, loanh quanh là vì tiền, lợi ích nhóm, lấy quyên góp. Đề nghị cấp trên xem xét cụ thể, có chứng lý cụ thể, làm gương những người sai pháp luật.”

Theo Thạc sĩ Đinh Gia Hưng, trách nhiệm cụ thể trong việc kiểm soát lỏng lẻo dẫn đến nhiều cuộc thi nhan sắc diễn ra rầm rộ trong thời gian qua thuộc về chính phủ, vì nhà nước là đơn vị quản lý về văn hóa, trong đó cụ thể là Bộ Văn hóa và các Sở Văn hóa.

“Tất cả các cuộc thi về văn hóa thì một là các đơn vị nhà nước tổ chức, hai là nếu có các đơn vị tư nhân tổ chức thì phải được Sở Văn hóa, Bộ Văn hóa cấp phép hồ sơ, chương trình tổ chức, nếu được duyệt mới cho phép. Tôi nghĩ tất cả những cuộc thi đó, cả tư nhân và nhà nước đều nằm trong quyền kiểm soát của nhà nước Việt Nam. Trách nhiệm là ở những cơ quan xem xét, thẩm định và cấp phép cho những chương trình đó đi vào hoạt động và nở rộ.”

Đồng quan điểm với Thạc sĩ Gia Hưng, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Vũ Mạnh Lợi, Viện Xã hội học Việt Nam hy vọng rằng việc tổ chức các cuộc thi tìm kiếm nhan sắc, các hoa hậu, nữ hoàng về lâu dài cần giảm thiểu:

“Những cuộc thi được cấp phép thì những người có trách nhiệm cần phải rất thận trọng và cần xem xét cẩn thận. Nhiều khi cấp phép một cách quan liêu và không tìm hiểu cẩn thận thì không thúc đẩy được mặt tốt các cuộc thi mà lại đẩy thêm những tiêu cực của các cuộc thi đó. Một mặt làm giảm hình ảnh người phụ nữ Việt Nam, mặt khác có hại về lâu về dài cho việc xây dựng bình đẳng giới trong xã hội hiện đại.”

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng việc loạn danh xưng ‘nữ hoàng’ chỉ là một phần nổi, không chỉ riêng về văn hóa, mà còn ở nhiều lĩnh vực khác. Thông qua những việc này, ông cho rằng nhà nước cần tăng cường kiểm soát vì tình hình xã hội ở Việt Nam đang bị rối loạn nặng nề!


RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad