Giấc Mơ Tuyệt Vời Về Cha - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Chủ Nhật, 20 tháng 6, 2021

Giấc Mơ Tuyệt Vời Về Cha


Father’s Day: Giấc Mơ Tuyệt Vời Về Cha

Thành kính tưởng niệm Ba tôi – Cụ Điệp Linh Nguyễn Văn Ngữ - nhân Father’s Day 2021

Như mọi buổi chiều, tôi âm thầm quan sát những sinh hoạt quen thuộc, vui mắt bên kia khung cửa sổ trên lầu, nơi hai góc đường của một khu vực rất yên tĩnh. Bất chợt, tôi thấy hình ảnh là lạ của một người đàn ông, một tay nắm tay đứa bé gái tóc vàng; một tay đẩy chiếc xe có em bé nằm bên trong.

Không hiểu tại sao tôi lại có thiện cảm ngay với hình ảnh người đàn ông và hai đứa bé. Tôi cứ nhìn theo ba Bố con – tôi đoán như thế, không biết đúng hay sai – và tôi “ngân nga” nho nhỏ vài câu của một ca khúc chợt đến trong hồn tôi:

“…Used to wrap my hands around his little finger Turns out he was wrapped around mine He said: ‘You can be anything you want to in this great big world But I'm always gonna be daddy's little girl, daddy's little girl’…” (1)

Tôi “ngân nga” đến đây cũng là lúc ba Bố con đi ngang nhà tôi. Tôi mỉm cười khi thấy đôi chân của bé gái tung tăn, tay chỉ chỏ vào sân nhà tôi. Người Bố xoa đầu đứa bé. Đứa bé ngước nhìn Bố rồi níu tay Bố, nghiêng đầu vào tay Bố.



Hình ảnh dễ thương của ba Bố con làm sống lại trong hồn tôi hình ảnh ngày xưa chị em tôi quấn quít bên Ba tôi mỗi khi Ba tôi trở về nhà, sau vài ngày đưa đoàn văn nghệ trình diễn, ủy lạo các đơn vị thuộc liên khu V, do Việt Minh – tiền thân của cộng sản Việt Nam (csVN) – kiểm soát.

Lần nào cũng vậy, trước khi cởi đôi “dép râu”, Ba tôi cũng lấy từ ba-lô một tán đường đen nhỏ xíu – do đơn vị cấp cho Ông để Ông “bồi dưỡng” – cho tôi, bảo:

-Ăn đi, con! Ăn cho mau lớn!

Hôm nào không đi công tác, sau giờ tập kịch và tập ca cho đoàn văn nghệ, chiều chiều Ba tôi thường “đeo” bé Ngọc – em tôi – phía trước, bằng miếng vải dài, choàng xéo vai và lưng rồi dẫn tôi đi chầm chậm dọc con đường cái quang loan lổ, do Việt Minh đào xới để thực hiện chính sánh “tiêu thổ kháng chiến” và “bần cùng hóa nhân dân”.

Khi nào mỏi chân, ba Bố con tôi ngồi trên mấy tản đá ven đường, nghỉ chân. Những lúc đó, Ba tôi kể về cảnh trí, nếp sống, văn hóa và tình người trong thành phố Nha Trang, Dalat và trường Pellerin ở Huế mà Ba tôi đã phải rời xa để dấn thân theo lý tưởng cao cả của một thanh niên.

Theo giọng kể bùi ngùi của Ba tôi, tôi cảm thấy niềm thương yêu tha thiết dành cho Nha Trang, Dalat và Huế mỗi ngày một đậm đà hơn. Khi nào nghe tôi hỏi những câu thể hiện được tất cả sự thơ dại của tôi, Ba tôi cũng cười, xoa đầu tôi và mắng yêu: “Cha mày!”

Niềm khắn khít giữa ba Bố con tôi tưởng sẽ bền lâu, không ngờ, Ba tôi bị thuyên chuyển đi Hà Bằng. Ba tôi phải đi Hà Bằng trước để thuê nhà sẵn, khi gia đình dời đến, sẽ có nơi cư ngụ.

Trong mấy ngày Ba tôi vắng nhà, bé Ngọc bị bệnh. Sau khi được Má tôi dùng dầu Nhị Thiên Đường “cao gió” mà bệnh của bé Ngọc cũng không thuyên giảm, Má tôi hỏi thăm và nhờ người hàng xóm mời ông y tá.

Ông y tá đến khi Má tôi đang cho bé Ngọc bú. Má tôi cười, chào. Ông y tá im lặng, chăm chăm nhìn cặp vú no tròn của Má tôi. Má tôi vội để bé Ngọc lên chiếc giường duy nhất của gia đình rồi kéo áo của Má tôi xuống.

Bị cắt sữa bất ngờ, bé Ngọc khóc ré lên. Má tôi không thể che giấu được sự lúng túng. Thời điểm đó – trong “vùng giải phóng”, do Việt Minh kiểm soát – không có sữa hộp; mọi đứa bé đều được nuôi bằng sữa Mẹ. Thấy Má tôi không giấu được sự “lấn cấn”, ông y tá cứ nhìn vùng ngực căn sữa của Má tôi trong khi tiếng khóc của bé Ngọc nghe đã khàn. Má tôi thúc:

-Anh khám giùm cho cháu đi!

Ông y tá rờ trán bé Ngọc, bảo:

-Con nhỏ này bị bệnh thương hàn, nặng lắm! Phải chữa trị gấp!
-Anh chữa trị cho cháu bằng cách chi?
-Ở đây chỉ có thuốc ký ninh vàng; trị bá bịnh.
-Anh biết bác sĩ ở đâu, làm ơn chỉ giùm?
-Đi hết cái tỉnh Quảng Ngãi còn chưa biết tìm được một bác sĩ hay không; nói chi cái làng Sơn Tịnh này!
-Rứa thì anh làm ơn cứu con tôi. Tôi sẽ bán tất cả những gì tôi còn để đền ơn anh.

Ông y tá nhìn quanh nhà rồi hỏi:

-Chị còn cái gì mà đòi bán để đền ơn tôi?
-Tôi còn vài cái áo dài, chắc vợ của anh sẽ thích; mấy bộ đồ tây của chồng tôi, có lẽ anh mặc vừa.
-Đồ tây là đồ gì?
-Dạ, đồ tây gồm cái quần có giây nịt và cái áo “chemise”.
-Áo “sơ mi” là áo gì?

Má tôi chỉ cười, bước vào sau tấm màn, đem ra chiếc quần màu cà-phê sữa và áo sơ-mi trắng, tay dài. Ông y tá sáng mắt lên:

-Một viên ký ninh vàng đổi một áo sơ-mi hoặc một cái quần. Chịu không?
-Răng mắc dữ rứa?
-Bộ đồ tây và sinh mạnh của con chị, cái nào đáng giá hơn?
-Bệnh của cháu cần bao nhiêu viên ký ninh vàng?
-Chưa biết. Chịu hay không, nói đi!
-Dạ, chịu.
-Chịu thì theo tôi đi lấy thuốc.

Má tôi vừa bế bé Ngọc vừa quay sang tôi:

-Con mang dép vô, đi với Má!

Ông y tá ngăn lại:

-Chị đi một mình chị thôi, đem tụi nó theo làm gì?

-Tôi không thể để con tôi ở nhà mà không có tôi.
-Ở đây, đàn bà ai cũng đi làm rẫy, làm ruộng, mót lúa, mót khoai; con cái ở nhà, đứa lớn coi đứa nhỏ chứ có ai như chị, ở nhà cho “trắng da dài tóc”.
-Tôi đâu nói chi mất lòng anh, răng anh nặng lời với tôi?

Vừa cầm bộ đồ của Ba tôi, ông y tá vừa đáp:

-Không nặng nhẹ gì hết! Có đi với tôi hay không? Không đi thì tôi đi về.
-Anh chưa chữa bệnh cho con tôi mà về răng được?
-Ai cấm được tôi? Chị đồng ý bộ đồ này đổi hai viên ký ninh vàng hay không?
-Dạ, đồng ý.

Ông y tá lấy từ túi áo bà ba một gói giấy, mở ra, lấy hai viên thuốc, trao cho Má tôi. Má tôi ngạc nhiên:

-Ủa, thuốc đây mà tại răng khi nãy anh buộc tôi phải đi theo anh lấy thuốc?

Ông y tá “ậm ừ” một thoáng mới đáp:

-Quê… quên, được không? Đàn bà mà cái gì cũng hỏi.

Má tôi nghẹn ngào như sắp khóc. Ông y tá tiếp:

-Cho nó uống mỗi lần một phần tư viên; sáng một lần, tối một lần. Nhớ phải ngâm thuốc trong nước cho tan ra, nếu không, nó “mắc cổ”!

Ông y tá cầm bộ đồ của Ba tôi, quay ra cửa. Má tôi bế bé Ngọc, vén áo lên, chưa kịp cho bé Ngọc bú thì ông y tá quay nhanh vào trước sự ngơ ngác của Má tôi:

-Anh trở lại chi rứa?
-Quên gói thuốc ký ninh.

Má tôi và tôi đều ngơ ngác nhìn quanh, không thấy gói thuốc đâu cả. Trong lúc ngơ ngác, Má tôi quên kéo vạt áo bà ba xuống để che vùng ngực trắng ngần. Ông y tá lao nhanh về phía Má tôi. Má tôi vừa thụp người xuống, cố bảo vệ bé Ngọc, vừa hét lớn:

-Bớ người ta! Bớ làng xóm...cứu Mẹ con tôi!

Tôi cũng dậm chân, khóc, “la làng”! Bất ngờ, tôi nghe tiếng Ba tôi từ cửa trước:

-Ê! Mày làm cái gì vậy, hả, thằng khốn nạn?



Quay ra cửa, thấy Ba tôi, ông y tá chạy thoát bằng cửa sau, bỏ quên bộ đồ tây của Ba tôi.

Dòng kỷ niệm buồn của tôi vừa đến đây, tôi chợt nghe tiếng Ba tôi gọi: “Con!” Quay lại, tôi thấy Ba tôi ngồi xuống chiếc ghế cạnh tôi, vừa chỉ theo ba Bố con đang đi trên đường trước nhà tôi vừa nói:

-Cậu đó với hai đứa nhỏ làm Ba nhớ thời gian gia đình mình sống ở Sơn Tịnh và Hà Bằng.
-Hà Bằng ở đâu, Ba?
-Hà Bằng thuộc Phú Yên, phía bắc đèo Quán Cau, dọc theo Quốc lộ I. Hà Bằng có đầm Ô Loan, đẹp lắm, con!
-Để con vào Google tìm xem.

Sau một lúc tìm kiếm, tôi nói:

-Ba à! Con thấy đầm Ô Loan chứ con tìm không ra Hà Bằng.
-Chắc “tụi nó” – csVN – đổi tên rồi.
-Tên Hà Bằng đẹp chứ có gì mà họ phải đổi?

-“Tụi nó” mà! Cái gì có tàn tích bất lợi cho “tụi nó” – như đấu tố, cải cách ruộng đất, khởi nghĩa Quỳnh Lưu – hoặc có biểu tượng tốt đẹp của Việt Nam Cộng Hòa thì “tụi nó” đổi, xóa. Ngay như lịch sử Việt Nam cận đại và Wikipedia mà “tụi nó” cũng sửa, con biết không?

-Sao csVN hèn quá vậy, Ba?

-Thôi, tìm hiểu về “tui nó” làm chi cho mất thì giờ; để Ba nói về Hà Bằng cho con nghe.

-Dạ. Khi dời về Hà Bằng, gia đình mình sống ở đâu, Ba?

-Ba mướn được cái chái bằng tranh nơi ngôi nhà gạch, trước chợ Hà Bằng, ngay ngã ba đường cái quang và đường mòn dẫn lên Chùa Lầu. Ngôi đình làng cạnh chợ Hà Bằng là nơi Ba mở lớp dạy học; vì “tụi nó” chỉ phát cho Ba mỗi tháng 08 ký gạo, gia đình mình không thể sống được. Từ “nhà” mình đi về hướng Bắc một đoạn ngắn, sẽ hặp ngã ba, bên phải. Quẹo theo ngã ba đó một đoạn ngắn là đến đầm Ô Loan.

-Sao Ba nhớ kỷ vậy?
-Cái gì vui, mình nhớ hoài; cái gì buồn quá, mình không thể quên!
-Điều gì trong thời kháng chiến mà Ba không thể quên?
-Có hai điều, đến chết Ba cũng vẫn không quên!
-Hai điều gì mà… kinh khủng vậy, Ba?
-Cái chết của bé Ngọc và sự ra đời của thằng Linh!
-Con không nhớ nguyên nhân cái chết của bé Ngọc!
-Lúc đó con còn nhỏ quá, chưa biết gì, làm sao nhớ được!

Ba tôi thở dài, nhìn ra xa, như cố nén nỗi đau thương vào lòng, rồi tiếp:

-Hôm đó, may mà Ba về kịp, cứu được Má khỏi bị ô uế vì thằng y tá khốn nạn. Nhưng, sau đó, thằng y tá trốn mất, bé Ngọc không có thuốc, phải chết!

-Trời!

-Sự ra đời của Linh cũng là một nỗi đau sâu kín trong lòng Ba.



Im lặng một chốc, Ba tôi tiếp:

-Buổi chiều, lúc Má chuyển dạ, bà chủ nhà đuổi Má ra khỏi cái chái mà gia đình mình thuê; vì bà ấy bảo Má sinh đẻ trong đất của bả thì bả bị xui xẻo. Ba đưa Má ra chợ, ông gác chợ đuổi đi. Ba đưa Má đến cái đình – nơi Ba dạy học mỗi ngày – ông giữ đình cũng đuổi đi. Ba phải đưa Má xuống gần đầm Ô Loan, trải chiếc chiếu dưới bụi duối, để Má và con ngồi nghỉ, Ba đi rước bà mụ – Mẹ của hai thằng học trò của Ba.

Lúc Ba và bà mụ tới, thấy tình cảnh của Má và con, bà mụ khóc, bảo gia đình mình nghèo quá, thôi, bà mụ không lấy tiền công. Ba bảo, nếu bà mụ không lấy tiền công “đở đẻ” cho Má thì Ba cũng sẽ không lấy tiền học của hai thằng con của bà ấy.

Hôm đó đầm Ô Loan lấp lánh ánh trăng, trông đẹp và huyền diệu vô cùng. Ba và con ngồi trên đường cái quan loan lở. Xa xa, thấp thoáng bóng dáng bà mụ và tiếng rên nho nhỏ nhưng đầy đau đớn của Má. Câu chuyện thật nhưng có vẻ như tiểu thuyết và đầy kịch tính đó làm nảy sinh cái tên của thằng Linh: Nguyễn Phiêu Linh và bài Bến Thu. Con nhớ, trong bài Bến Thu có câu: “Sống không một tình thương, không gia đình, không quê quán” hay không?

-Dạ, con nhớ. Nhưng, tại sao suốt mấy mươi năm qua Ba Má không cho tụi con biết hai câu chuyện đau lòng này?

-Các con biết để làm gì? Ba Má đã bàn tính về hai chuyện này và quyết định không cho các con biết; vì ngại thằng Linh bị mặc cảm. Chuyện bé Ngọc đã là một thảm cảnh; nếu thêm thằng Linh bị mặc cảm nữa thì niềm ân hận trong lòng Ba sẽ to lớn vô cùng, không thể nào Ba có thể vượt qua! Nếu Ba không vượt qua được thì ai giúp Má nuôi các con?

-Hoàn cảnh đưa đẩy chứ Ba đâu cố tình tạo nên mà Ba ân hận?

-Đành rằng hoàn cảnh đưa đẩy; nhưng, nếu Ba sáng suốt một tý để không bị “tụi” csVN lừa bịp thì gia đình mình đâu đến nỗi!

Im lặng. Một chốc sau, Ba tôi tiếp:

-Cũng may, sau thời gian dài nhận thức được bề trái của “tụi” csVN và thấy tận mắt sự tàn ác của “tụi nó” dành cho dân tộc mình cùng với sự tàn phá thảm khốc do “tụi nó” gây ra trên Quê Hương mình, Ba kinh tỡm “tụi nó” và Ba đã đưa gia đình trở về miền Nam kịp thời để con đi học.

-Nếu Ba không thức tỉnh sớm, có lẽ con đã là “cán bộ gái”; con của con là “cán bộ nhí anh hùng”; cháu của con phải xuất cảnh lao động hoặc làm điếm trá hình cho Tàu và Đại hàn, rồi trở thành kẻ ăn cắp “chuyên nghiệp”!

-Đời nào Ba để những chuyện như vậy có thể xảy ra cho con của Ba. Khi con lớn, con đàn Accordéon và hát trong ban ca nhạc Bình Minh, đài phát thanh Nha Trang, ước vọng của con là được trở thành ca sĩ nhà nghề. Nhạc sĩ Minh Kỳ và nhạc sĩ Canh Thân cũng khuyến khích Ba nên cho con trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp, nhưng Ba cũng vẫn không cho. Con nhớ không?

-Như vậy có nghĩa là gì, con không hiểu.



-Nghĩa là, bất cứ điều gì Ba thấy trước sẽ ảnh hưởng không tốt đến cuộc đời của chị em con thì, bằng mọi cách, Ba cố tránh, không để những điều đó xảy ra. Thế thì làm gì có chuyện Ba để con trở thành “cán bộ gái” trong guồng máy đầy ác tính của csVN được.

-Nghĩa là không trước thì sau, Ba cũng ly khai Việt Minh, phải không, Ba?

-Ai có chút lương tri và học vấn thì người đó sẽ không thể nào chấp nhận để một nhóm người dốt nát cổ xúy cho sự tôn sùng một lãnh tụ không ra gì như ông Hồ Chí Minh. Ba đi kháng chiến là vì lòng yêu nước chứ không phải vì bất cứ cá nhân nào cả.

Tôi chưa kịp tỏ ý kiến, Ba tôi tiếp:

-Thôi, chuyện thời chiến và sau cuộc chiến, “dẹp” đi, con! Cả một dân tộc bị lừa!

Thấy tôi “ngớ” ra, Ba tôi tiếp:

-Con nhớ cách nay không lâu, báo bên Việt Nam đăng tin: “Tụi” csVN phá rừng, lấy gỗ bán cho Tàu; “tụi” Tàu đào núi, khai thác “Bauxite” trên Cao Nguyên; sau đó, “tụi” csVN “cạo trọc” lầu Bảo Đại, tại Cầu Đá Nha Trang hay không?

-Dạ, tiếng Việt trong nước con không hiểu nhiều cho nên con không đọc!

Ba tôi lại cười, xoa đầu tôi:

-“Cha mày”! Ba sống với “tụi nó” mấy năm mà Ba còn hiểu không nổi “tiếng của tụi nó” thì làm sao con hiểu được! Kệ, hiểu tới đâu hay tới đó. Tìm báo Tuổi Trẻ Online, ngày 09-06-2021 @15:15GMT+7, con sẽ biết thêm một tin rất đau lòng về quê Nội của con!

Vào Google, tìm Tuổi Trẻ Online, thấy ảnh và tựa đề: “Cận cảnh núi Chín Khúc ở Nha Trang bị băm đứt từng khúc để làm đô thị, biệt thự”, tôi ngồi lặng câm, lòng đầy phẫn uất! Giữa lúc tôi đang đau xót cho Quê Nội thân yêu, Ba tôi nói tiếp:

-Đất nước của Tiền Nhân để lại, “tụi” csVN cày xới tan hoang để xây dinh thự bán cho Tàu cộng, lấy tiền bỏ túi, gửi vào ngân hàng thế giới, cho con sang nước “tư bản dảy chết” du học, đem tiền theo. Khi bệnh Tàu dịch Covid-19 bùng phát trở lại, “tụi” csVN kêu gọi người dân và Việt kiều đóng góp để mua “Vaccine” chống dịch. Đúng là một lũ côn đồ!

Tưởng mình nghe nhầm, tôi hỏi:

-Ai? Ai kêu gọi người dân và Việt kiều đóng góp mua “Vaccine”, Ba?

-“Tụi” csVN chứ ai! Vì con không thích đọc tiếng Việt của “tụi nó” cho nên con không biết chứ con vô BBC xem, biết liền.



Trong khi dò, tìm, vô tình tôi lạc vào Báo Điện Tử đảng csVN. Đọc qua câu trong bài trên web đảng csVN tôi nổi giận, “lầm bầm”:

-Thứ vô liêm sĩ! Khi thì miệt thị người ta, gán cho người ta là “‘Niếm’ gót giày của bọn sen đầm quốc tế”; lúc cần tiền thì “khúc ruột ngàn dăm”, “bà con kiều bào”! Ai bà con với thứ “giết người không gớm tay” rồi sợ quả báo, cho xây nhiều chùa, đúc nhiều tượng Phật bằng vàng?...

Ba tôi cắt lời tôi:

-Con nói cái gì vậy?

-Dạ, con tức quá! Để con đọc cho Ba nghe câu này: “…Ngày 28/5, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu đề nghị, với tinh thần trách nhiệm, cùng quyết tâm đẩy lùi và chiến thắng dịch COVID-19, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài kêu gọi bà con kiều bào tiếp tục chung tay cùng cả nước chống dịch COVID-19.”

-Cũng…tại mình, con à!

Tôi quay nhìn Ba tôi, tỏ vẻ không hiểu. Ba tôi tiếp:

-Thời “bao cấp”, nếu người Việt ở hải ngoại đừng quá nặng lòng với người ruột thịt bên quê nhà thì “tụi” csVN đã bị toàn dân – vì quá đói khổ – vùng lên, tiêu diệt rồi!

-Con cũng nghĩ như vậy. Nhưng ruột thịt mà, Ba, dứt sao đành!

-Thôi, quên chuyện cũ đi! Con tìm ra bản tin Ba nói chưa?

Im lặng. Tôi vào BBC tiếng Việt, thấy bài của Nguyễn Lại, ngày 17-06-2021. Link: Bi hài chuyện gây quỹ vaccine Covid tại Việt Nam

Đọc thoáng bài của Nguyễn Lại, tôi nói:

-Ba à! Ít ra cũng có vài người dám tỏ ra sự bất bình của họ về việc csVN kêu gọi người dân và Việt kiều đóng góp để mua Vaccine.

Ba tôi cười “nửa miệng”:

-Cả một dân tộc bị lừa mà dân tộc đó vẫn cúi đầu! Bao thế hệ người Việt miền Bắc bị csVN đầu độc để vào Nam giết người đồng chủng mà người Bắc cũng cúi đầu thi hành. Từ sau khi csVN chiếm miền Nam rồi xâm lăng Cao Miên cho đến nay, người trẻ Việt Nam chỉ biết ăn mặc diêm dúa, ngồi nơi hàng quán, chờ khi đội tuyển Việt Nam thắng được giải bóng tròn thì nhảy “cà tưng”, hô vang “Tự hào quá, Việt Nam”. Còn “tụi” csVN thì cứ chờ Tết hoặc 30 tháng Tư để tổ chức tưng bừng, “ăn mừng” chiến thắng – “nhờ” đã đưa dân tộc vào hai cuộc chiến khốc liệt và tàn ác nhất lịch sử!



Câu nói của Ba tôi làm tôi muốn khóc mà khóc không được! Một lúc lâu lắm, Ba tôi bảo:

-Thôi, tối rồi, Ba đi. Rất tiếc, Ba đã làm mất phần nào tuổi thơ của con!

Vội quay về phía Ba tôi, tôi không thấy Ba tôi đâu nữa.

Tôi hoang mang, nhìn qua cửa sổ. Chính lúc đó tôi tưởng như tôi thấy lại được hình ảnh ba Bố con tôi đang tíu tít bên nhau dọc đường cái quang loan lỡ trong thời kỳ Ba tôi theo kháng chiến chống Tây.

Trong giây phút luyến tiếc giấc mơ tuyệt vời về Ba tôi, tôi chợt nhớ một câu rất chính xác và thâm thúy mà tôi đã đọc đâu đó: “A father holds his daughter’s hand for a short while, but he holds her heart forever.” (2)

   Mời xem thêm »


© Điệp Mỹ Linh
1.- Victoria Wenonah Banks / Livy Jeanne / Crissie Rhodes / Jeffrey H Cohen
Daddy's Little Girl lyrics © Songs Of Atlas Music Group, Spark Ark Songs, Livy Music Inc.
2.- Unknown

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad