Tại cuộc họp, phía Việt Nam đề nghị Đại sứ Ted Osius tác động để Google, Facebook… có đại diện ở Việt Nam. Đáp lời, Đại sứ Ted Osius nói sẽ khuyến khích các công ty mở văn phòng tại Việt Nam, nhưng ông cũng yêu cầu Việt Nam giải quyết nạn vi phạm bản quyền. Ông còn nêu tên 3 trang web cụ thể và đề nghị Việt Nam xử lý hình sự.
Ẩn ý?
Trong khi vấn đề quản lý nội dung “xấu, độc” trên các trang mạng được Việt Nam nâng lên tầm mức ngoại giao, thì song song với nó, câu chuyện “dài hơi” về vi phạm tác quyền tại Việt Nam cũng được phía Mỹ đặt lên bàn thảo luận.
Luật sư Trần Thu Nam từ Hà Nội nêu quan điểm riêng về sự kiện này: “Ông ấy [Đại sứ Ted Osius] nói ra như vậy tôi nghĩ là cái ẩn ý của ông nó khác. Ẩn ý của ông là bản thân Việt Nam còn chưa xử lý được, còn dung túng hoặc còn để mặc cho việc vi phạm pháp luật xảy ra tràn lan như thế thì các ông đừng yêu cầu người khác phải làm một điều gì đó. Cái ẩn ý nó nằm chỗ đó, chứ không phải vấn đề mặc cả là anh xử lý cho tôi cái này và tôi xử lý cho anh cái kia”.
Nhận xét về mức độ vi phạm bản quyền tại Việt Nam, LS. Trần Thu Nam nói tình trạng đã tới mức báo động vì vi phạm bản quyền đã trở thành thói quen hàng ngày.
“Vi phạm bản quyền ở Việt Nam từ trước tới nay vẫn phổ biến và xảy ra thường xuyên trong tất cả mọi lĩnh vực: tin học, văn hóa, âm nhạc... Ví dụ như cái nhỏ nhất là các phần mềm hệ điều hành máy tính chẳng hạn, thì người ta thường sử dụng các phần mềm lậu, phần mềm bị bẻ khóa. Việc mua bản quyền ở Việt Nam hiện nay chưa phổ biến và chưa thành thói quen”.
Trong khi người dân hoàn toàn không ý thức về hành vi vi phạm của mình, mức xử phạt vi phạm của các cơ quan chức năng tại Việt Nam cũng chỉ dừng lại ở mức độ xử phạt hành chính.
“Mức độ phạt cũng chưa lớn”, LS. Nam nói. “Cái thứ hai nữa là cũng chưa có chế tài về hình sự, xử lý hình sự hay truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những vi phạm lớn. Vấn đề định giá mức độ thiệt hại liên quan đến các sản phẩn trí tuệ thì tại Việt Nam cũng rất khó. Tôi cho là Việt Nam chưa chuyên nghiệp trong xử lý vi phạm hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những vi phạm bản quyền”.
Quyết tâm
Năm 2005, Việt Nam ban hành Luật Sở hữu trí tuệ, trong đó có các quy định về quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp... Tuy nhiên theo LS. Nam, xử lý vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ tại Việt Nam cho tới nay đa số chỉ gói gọn trong những vụ vi phạm về kiểu dáng, nhãn hiệu hàng hóa của các doanh nghiệp trong nước. Rất hiếm, gần như không có, các vụ xử lý các trường hợp vi phạm bản quyền của các doanh nghiệp nước ngoài vì những bất cập trong quy định, chẳng hạn sản phẩm phải được đăng ký tại Việt Nam, cá nhân, cơ quan ở nước ngoài phải ủy thác cho đại diện tại Việt Nam…
Câu chuyện vi phạm bản quyền là một trong những trở ngại mà nhiều doanh nghiệp nước ngoài nêu lên thường xuyên trong các trao đổi hợp tác, kinh doanh với Việt Nam. Trong khi nhiều người cho rằng đây là vấn nạn gần như không thể giải quyết, LS. Nam có quan điểm khác.
“Hoàn toàn có thể xử lý được. Nhưng vấn đề là họ có biết cách hay quyết tâm xử lý hay không. Họ có dám làm hay không. Chứ còn không có cái gì là không xử lý được cả”.
Tại một cuộc hội thảo về tác quyền có sự tham dự của nhiều tổ chức truyền thông Việt Nam và quốc tế hồi cuối năm ngoái, Việt Nam bị cho là đang có hơn 200 trang web bẩn, trong đó có 42 trang vi phạm nghiêm trọng quyền sở hữu trí tuệ.
Khánh An
VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét