Khủng hoảng lòng tin và cơ hội đổi mới - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Hai, 26 tháng 9, 2016

Khủng hoảng lòng tin và cơ hội đổi mới


“Những biến thiên lớn và nhân vật lớn trong lịch sử đều xuất hiện hai lần: lần đầu như một bi kịch, lần thứ hai như một hài kịch! Bi kịch trở thành hài kịch, để làm gì? để vui vẻ từ bỏ quá khứ mà đi tới”. (Kark Marx Toàn tập, Tập 8. NXBCTQG. ST 1993, tr.145).

 Tấn công nhà Đoàn Văn Vươn  

Hiện tượng toàn cầu

Trong các loại khủng hoảng trên đời này, có lẽ khủng hoảng lòng tin là nguy hiểm hơn cả, vì nó tác động đến tâm thức con người, làm thay đổi tư duy và hành động. Khủng hoảng lòng tin thường diễn biến âm thầm rất khó nhận biết, giống như căn bệnh ung thư, khi nhận biết được thường là quá muộn, vì nó đã di căn rồi rất khó chạy chữa. Vậy thực trạng và nguyên nhân của nó là gì? Hệ lụy của nó ra sao và khắc phục thế nào?

Khủng hoảng lòng tin không phải là “đặc sản” hay độc quyền của một quốc gia hay xã hội nào, mà là một hiện tượng phổ biến (toàn cầu) và là một vấn nạn của nhân loại. Nó diễn ra bất cứ khi nào, bất cứ ở đâu có khủng hoảng kinh tế - chính trị, hay khủng hoảng văn hóa - tư tưởng. Lòng tin là một thứ khó tìm, nhưng dễ đánh mất, và một khi mất rồi thì rất khó lấy lại. Không ai có thể cấm đoán hay “quản lý” được lòng tin con người. Người ta chỉ có thể xây dựng lòng tin (building confidence) bằng sự tin cậy (chứ không phải bằng lừa phỉnh).

Trong thập kỷ 60 của thế kỷ trước, giới trẻ ở Mỹ và Phương Tây đã ồ ạt tham gia phong trào “hippies” như là một hội chứng khủng hoảng lòng tin của thời kỳ đó. Họ cảm thấy mất lòng tin vào thể chế chính quyền và gia đình, vào các giá trị truyền thống, nên đi tìm các giá trị mới, lối sống mới. Họ cảm thấy bế tắc về văn hóa tư tưởng, nên đi tìm lối thoát bằng tự do cá nhân…

Cách đây 4 năm, phong trào “Chiếm Phố U-ôn” (Occupy Wall Street) đã trở thành một hiện tượng toàn cầu, phản đối giới chủ tư bản tham lam và vô đạo đức. Đó là một biểu hiện khủng hoảng lòng tin của dân chúng vào hệ thống các giá trị của chủ nghĩa tư bản công nghiệp. Không phải ngẫu nhiên mà Bill Gates đề xướng “Chủ nghĩa Tư bản Sáng tạo” (creative capitalism) để thay thế Chủ nghĩa Tư bản Công nghiệp “đã lỗi thời”.

Nhiều người thích Bill Gates không phải chỉ vì ông ta đã sáng lập ra Microsoft mà còn là một nhà tư tưởng canh tân. Khi đã mất lòng tin vào những giá trị cũ, người ta đi tìm các giá trị mới để đầu tư (lòng tin và tài chính). Quá trình chuyển dịch lòng tin (“Faith Shift”, Kathy Escoba, 2013) dẫn đến chuyển dịch quyền lực (“Power Shift”). Hiện nay, quyền lực không chỉ nằm trong tay nhà nước, mà còn trong tay các tổ chức phi nhà nước (non-state).

Ở một cấp độ thấp hơn, khủng hoảng lòng tin thường dẫn đến những phản kháng ôn hòa như “bất tuân dân sự” (civil disobedience). Ở một cấp độ cao hơn, nó có thể dẫn đến đấu tranh cách mạng, thậm chí bạo động (riots). Khi bị đàn áp, bế tắc hay bất lực không còn lối thoát nào khác, người dân có thể “bỏ phiếu bằng chân”, di cư hàng loạt (mass migration), tạo ra một cuộc khủng hoảng khác, có thể đe dọa an ninh và chia rẽ nhiều quốc gia.

Gần đây, người Ả Rập tại các nước Trung Đông di cư hàng loạt, tràn sang Châu Âu làm nhiều nước Châu Âu đau đầu. Với cuộc khủng hoảng người di cư mới, Châu Âu không phải chỉ đối phó với vấn đề nhân đạo (cứu trợ và định cư họ thế nào), mà còn phải đối phó với vấn đề an ninh (vì ISIS lợi dụng) và thống nhất của khối EU. Trong một thế giới phẳng bất an, Trung Đông tiếp tục bất ổn về chính trị có thể làm cho Châu Âu bất ổn theo.

“Thuyền nhân” vượt Địa Trung Hải
Thực trạng và nguyên nhân

Làn sóng di cư hàng loạt từ các nước Trung Đông đang lặp lại những gì đã xảy ra trước đây tại Đông Âu (sau những biến cố lớn), hay tại Việt Nam sau những cột mốc lịch sử (sau 1954, sau 1975, và sau 1979) khi vấn đề tị nạn và “thuyền nhân” đã trở thành một vấn nạn đau lòng. Khi người dân phải rời bỏ quê hương, mồ mà tổ tiên, và tài sản để di cư, chấp nhận hiểm họa ngoài biển khơi hay tại các trại tị nạn, đó là một quyết định không dễ dàng. Quyết định đó là do khủng hoảng lòng tin, bị dồn đến bước đường cùng, gần như tuyệt vọng.

Hai cuộc di cư ồ ạt từ Bắc vào Nam (sau 1954) và từ Miền Nam ra đi (sau 1975) là những ví dụ điển hình về khủng hoảng lòng tin của người dân. Một phần là do những vết thương của “Cải cách Ruộng đất” đầy bạo lực và oan trái trước đây để lại, một phần là do những chính sách cực đoan thời hậu chiến như “Cải tạo Ngụy quân Ngụy quyền” và “Cải tạo Công thương Nghiệp Tư bản Tư doanh” gây ra. Hệ quả là vết thương lòng đến nay vẫn chưa thành sẹo, rất khó hòa giải dân tộc. Một ví dụ là Triển lãm Cải cách Ruộng đất (9/2014, tại Hà Nội) đã phải vội vã đóng cửa, vì “sáng kiến” đó làm hồi sinh “Bóng ma Cải cách Ruộng đât”.

Cải cách Ruộng đất đã xô đẩy con người vào một “ma trận tâm thần”, mà hầu hết đều trở thành nạn nhân của trò chơi “đấu tranh giai cấp” tàn bạo của Chủ nghĩa Mao. Hệ quả là người Việt không ai còn tin ai. Hàng xóm không tin nhau. Vợ chồng không tin nhau. Bố mẹ và con cái cũng không tin nhau. Bạn bè, đồng chí bỗng chốc trở thành “kẻ thù gia cấp”, sát hại lẫn nhau. Những cụm từ như “thế lực thù địch và phản động” là di sản của chủ nghĩa Mao. Nó phản ánh một tâm trạng bất an, mất lòng tin, ngờ vực và lo sợ lẫn nhau (như bị ma ám).

Hầu hết người dân Việt Nam (cả Miền Bắc và Miền Nam) đã tin theo Đảng Cộng Sản trong cuộc kháng chiến chống Pháp thực dân để bảo vệ độc lập (1946-1954) và trong cuộc chiến tranh Việt Nam chống Mỹ xâm lược (1965-1975). Sau Chiến tranh Việt Nam, người dân Việt Nam một lần nữa buộc phải chiến đấu chống xâm lược Trung Quốc và tay sai Khmer Đỏ ("Brother Enemies") trong “Cuộc Chiến tranh Đông Dương Lần thứ Ba” (1979-1987).

Những hy sinh, mất mát của người dân Việt Nam trong ba cuộc chiến đẫm máu liên tiếp đó là vô cùng to lớn, nhưng chưa được bù đắp (như cụ Hồ đã nói trong di chúc). Không thể đòi hỏi người dân “tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng”, khi những mục tiêu cơ bản của cách mạng bị đánh tráo, khi những quyền lợi chính đáng của người dân bị tước đoạt bởi các nhóm lợi ích dựa trên “thân hữu”, được cơ chế độc quyền của Đảng bao che, khi thành quả cách mạng do bao xương máu người dân đóng góp bị rơi vào tay bọn “tư bản đỏ”.

Người nông dân Đoàn Văn Vươn đã từng là một người “lính cụ Hồ”. Để chống lại nhóm lợi ích địa phương cướp đoạt ruộng vườn và thành quả lao động của mình, anh đã bị đẩy vào “bước đường cùng”, buộc phải dùng bạo lực để chống lại bạo lực, vì mất hết lòng tin vào chính quyền và công lý. Nếu xảy ra ở Mỹ, hành động của anh là “tự vệ chính đáng”. Nhưng ở Việt Nam, anh phải ngồi tù vì tội “mưu sát” và “chống người thi hành công vụ”.

Tấn công nhà Đoàn Văn Vươn
Không những thế, người dân hiện nay “sống trong sợ hãi” như trong phim “thập diện mai phục” (Flying Daggers). Mỗi khi ra đường, họ nơm nớp lo sợ bị cướp giật, hoặc mất mạng vì tai nạn giao thông. Ăn hoa quả (hay bánh trung thu) có thể bị ngộ độc thưc phẩm vì chất bảo quản thực phẩm của Trung Quốc tràn lan. Chưa bao giờ nhiều người mắc bệnh ung thư như hiện nay. Tại Singapore, bệnh nhân người Việt Nam là nhóm đông nhất trong số các nước ASEAN.

Trẻ em đến trường có thể gặp nguy hiểm vì bạo lực học đường, hoặc những rủi ro khác. Gần đây, người ta còn xuất bản cả sách hướng dẫn học sinh “đi chân không trên thảm thủy tinh vỡ” hoặc “sờ vào vùng kín của nhau…” Tội phạm “vị thành niên” ngày càng nhiều. Trên báo “lề phải”, không ngày nào thiếu tin “cướp, giết, hiếp”. Nhân dịp Quốc khánh năm nay, có quá nhiều tội phạm hình sự được “ân xá” (trong khi không có “tù nhân lương tâm”). Phải chăng tội phạm hình sự không nguy hiểm bằng những người ôn hòa đòi tự do dân chủ?

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều gia đình phải cho con em đi học nước ngoài, dù tốn kém. Ngày nay, không phải chỉ có người giàu, mà cả người nghèo cũng đổ xô cho con em du học, dù phải bán tài sản (nhà cửa, ruộng đất) hay vay nợ ngân hàng. Vấn nạn giáo dục và “chảy máu chất xám” là một biểu hiện của khủng hoảng lòng tin vào nền giáo dục. Hiện nay, số sinh viên Việt Nam du học Mỹ là 16.500 người (đông nhất trong số các nước Đông Nam Á).

Do khủng hoảng lòng tin, ngày càng nhiều người theo đạo Phật (một số khác theo đạo Thiên chúa và Tin lành). Nhưng đáng tiếc nhiều chùa đã bị thương mại hóa hoặc chính trị hóa. Nhiều nhà sư trở nên giàu có (như một nhóm lợi ích), vì cửa Phật là nơi họ có thể dễ dàng lợi dụng làm giàu nhanh (mà không phải đóng thuế). Thậm chí có nhà sư là tội phạm hình sự. Nghe nói Đại đức Thích Giác Nghiên, nguyên trụ trì chùa Cao Linh (Hải Phòng) là trùm ma túy khét tiếng của tổ chức “Tam Giác Vàng”. Theo một nguồn tin, Thích Giác Nghiên đã bị bắt sau khi dùng vũ khí chống trả quyết liệt lực lượng CP 47 vây bắt khẩn cấp. Dư luận thắc mắc trong khi Hải Phòng trấn áp Đoàn Văn Vươn mạnh tay như vậy, nhưng tại sao lại nhẹ tay với Thích Giác Nghiên mấy năm nay (dù có nhiều tin đồn bất hảo). Người dân biết tin vào đâu?

“Đại đức” Thích Giác Nghiên và chùa Cao Linh
Hệ lụy và khắc phục

Ngoài di cư bất hợp pháp (vượt biên bằng thuyền), dòng người di cư hợp pháp (bằng máy bay) ngày càng nhiều. Theo Elizabeth Economy (Council on Foreign Relations), 64% người Trung Quốc (có tài sản trên 1,6 triệu USD) đang/định di cư khỏi Trung Quốc. Đó là con số trước khi thị trường chứng khoán Trung Quốc lao dốc, phá giá đồng tiền, vụ nổ Thiên Tân, và xử lý Giang Trạch Dân. Chủ trương “Đả hổ, diệt ruồi” của Tập Cận Bình còn tiếp diễn.

Dòng người di cư và dòng vốn chạy ra ngoài (capital flight) tỷ lệ thuận với khủng hoảng lòng tin. Tại sao người Trung Quốc đổ xô di cư sang Mỹ, Anh, Úc, Canada, và Tây Âu, làm các nước này cũng phải xem xét lại chính sách nhập cư? Ngoài các ngân hàng Thụy Sỹ, các “thiên đường trốn thuế” như Virgin Islands và Cayman nay là những địa chỉ được người giàu Trung Quốc lựa chọn. Nếu họ ra đi và rút vốn ồ ạt, có thể làm cho nền kinh tế kiệt quệ.

Đà lao dốc chóng mặt của thị trường chứng khoán Trung Quốc đã xói mòn niềm tin của hơn 90 triệu nhà đầu tư cá nhân (chiếm khoảng 80% toàn thị trường). Đó là cuộc “tàn sát giới trung lưu”. Chỉ số CSI300 của Trung Quốc đã mất tới 1/3 giá trị kể từ tháng 6/2015. Merrill Lynch đã khuyến cáo tình trạng “rơi tự do” trên thị trường chứng khoán Trung Quốc có thể là dấu hiệu về một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng (hơn cả cuộc khủng hoảng Hy Lạp). Khủng hoảng lòng tin giống như một bó rơm khô bén lửa, dễ gây “tâm lý hoảng loạn”, không phải chỉ trên sàn giao dịch chứng khoán, mà còn trong giới đầu tư nước ngoài, về sự ổn định của một chế độ.

Ngày 12/9/2015, Tân Hoa xã đã đăng bài “Đừng để Lý Gia Thành bỏ chạy”. Tỷ phú Lý Gia Thành là người đã tích cực hợp tác với Bắc Kinh để “hội nhập Hong Kong” và phát triển kinh tế Trung Quốc theo chủ trương “4 Hiện đại Hóa”. Lý Gia Thành đã tiếp tục làm giàu bằng quan hệ “thân hữu”, phù hợp với chính sách “Ba Đại diện”. Việc Lý Gia Thành thoái vốn (bỏ chạy) vào lúc này cho thấy kinh tế Trung Quốc đang đứng trước nguy cơ trầm trọng.

Hiện nay, thị trường chứng khoán Trung Quốc lao dốc, đồng tiền phá giá, kinh tế đình trệ, bong bóng bất động sản có thể vỡ bất cứ lúc nào. Vì vậy, nếu để cho Lý Gia Thành “bỏ chạy”, sẽ làm cho thị trường hoảng loạn thêm. Nhưng không cho Lý Gia Thành thoái vốn sẽ làm cho tâm lý bất an của giới đầu tư càng thêm bất ổn. Đây là thế tiến thoái lưỡng nan (“Catch-22”).

Vụ nổ tại Thiên Tân
Việt Nam không phải ngoại lệ. Cái gì diễn ra tại Trung Quốc sẽ diễn ra tại Việt Nam. Chỉ có điều khác là nền kinh tế Trung Quốc đứng thứ 2 thế giới, có dự trữ khổng lồ (để cứu trợ), trong khi Việt Nam nhập siêu một năm có thể ngốn gần hết dự trữ quốc gia. Quá trình tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước quá chậm, vì chưa chịu bỏ “định hướng XHCN”. Vì vậy, Việt Nam tiếp tục tụt hậu so với các nước khu vực. TPP cũng không thể cứu được, nếu Việt Nam không chịu cải cách thể chế.

Theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê tại Hội thảo “Cải cách thể chế kinh tế Việt Nam để hội nhập và phát triển giai đoạn 2015-2035”, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đang tụt hậu với Hàn Quốc khoảng 30-35 năm, Malaysia khoảng 25 năm, Thái Lan khoảng 20 năm, Indonesia và Philippines khoảng 5-7 năm. Theo báo cáo “Năng lực Cạnh tranh Toàn cầu 2015”, thì năng lực cạnh tranh của Việt Nam cũng thấp hơn nhiều so với Thailand và Indonesia…

Không chỉ có người dân, mà các nhà kinh tế hàng đầu và quan chức cấp cao cũng bức xúc và mất lòng tin. Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế, nói, “Không nên nói nguy cơ tụt hậu vì chúng ta đã tụt hậu rồi. Thậm chí một số lĩnh vực tụt hậu xa. Phải tuyên bố rằng vấn để tụt hậu là rất gay gắt và đặt trong bối cảnh hội nhập thì nó sẽ còn nguy hiểm cỡ nào?” Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh nói, Chúng ta cứ nghiên cứu mô hình đó, mà mãi có tìm ra đâu. Làm gì có cái thứ đó mà đi tìm”. Ông Vũ Ngọc Hoàng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo TƯ, còn nói mạnh hơn, “Nếu không đổi mới, Việt Nam có nguy cơ tụt hậu xa hơn nữa” và vạch rõ nguyên nhân là “Lợi ích nhóm và chủ nghĩa tư bản thân hữu”

Không phải ông Vũ ngọc Hoàng sắp về hưu nên mới dám nói mạnh như vậy. Ông Bùi Quang Vinh có sắp về hưu đâu? (Điều đó chỉ đúng với một số người cơ hội). Những người tử tế như ông Vũ Ngọc Hoàng, hay ông Vũ Quốc Hùng (nguyên Phó Ban Thường trực Ban Kiểm tra Trung ương) không những dám nói mà còn dám làm những việc quan trọng (khi chưa về hưu), mà chúng ta có thể không biết. Không nên đòi hỏi mọi người phải giống nhau (hoặc giống mình). Tôi chỉ ước Việt Nam có thêm nhiều người như vậy…

Trong ngày kỷ niệm Báo chí Việt Nam (9/8/2015) TBT Nguyễn Phú trọng kêu gọi “đừng làm phân tâm xã hội, phân rã niềm tin”. Nhưng ai đang làm “phân tâm xã hội, phân rã niềm tin”? Và tin vào cái gì? Làm thế nào để khôi phục lòng tin nếu các phe phái cầm quyền tiếp tục choảng nhau (như “Chân dung Quyền lực”)? Đất nước sẽ ra sao, nếu không ai chịu hòa giải để cộng tác với nhau, vì lợi ích chung? Muốn khôi phục lòng tin thì phải đổi mới thực sự. Muốn đổi mới thực sự thì phải hòa giải dân tộc, để cộng tác với nhau.

Về đối ngoại, chúng ta đã hai lần “xoay trục” trong quan hệ với Trung quốc. Lần thứ nhất là năm 1979 khi Trung Quốc là anh em gắn bó như “môi với rằng” bỗng trở thành “kẻ thù trực tiếp, nguy hiểm”. Lần thứ hai là năm 1990 khi Trung Quốc là “kẻ thù trực tiếp, nguy hiểm” bỗng trở thành “đồng chí 4 tốt” (tại Thành Đô). Cả hai lần “xoay trục” đó đều cực đoan và ấu trĩ, dẫn đến hệ quả nguy hiểm ngày nay. Hy vọng lần này sẽ không học được bài học đắt giá.

Trong quan hệ với Mỹ, Việt Nam từng là “đồng minh” với Mỹ từ năm 1941 khi OSS giúp Việt Minh, đưa nhóm “Deer Team” vào Việt Bắc. Nhưng “cửa sổ cơ hội đó’ đã khép lại (năm 1946) khi chiến tranh với Pháp nổ ra và Mỹ ủng hộ Pháp. Năm 1965, Chiến tranh Việt Nam bắt đầu khi Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng, và chấm dứt năm 1973 (Hiệp Định Paris) và 1975 khi Mỹ tháo chạy khỏi Việt Nam. Năm 1978, cơ hội bình thường hóa với Mỹ để tái thiết đất nước đã bị tuột mất, dẫn đến “Chiến tranh Đông Dương lần Thứ ba”, giữa các “brother enemies”. 20 năm sau bình thường hóa quan hệ, bây giờ là lúc có cơ hội mới để “xoay trục”.

Cơ hội đổi mới để thoát khỏi cái vòng kim cô lúc này giống như cái “cửa sổ cơ hội” đang mở ra (từ nay đến cuối năm), nhưng rồi có thể khép lại (như những bài học đáng tiếc trong lịch sử). Nhầm lẫn hay chậm chễ là tội lỗi. Khổng Tử nói, “"Làm thầy thuốc lầm thì giết một người. Làm thầy địa lý lầm thì giết một họ. Làm thầy chính trị lầm thì giết một nước”. Lúc này, không phải chỉ những người cầm quyền nắm vận mệnh quốc gia phải chịu trách nhiệm với lịch sử, mà cả những người dân tử tế cũng phải chịu trách nhiệm một phần.

Hãy “vui vẻ từ bỏ quá khứ để đi tới” như Karl Marx đã nói. Ai thực sự đổi mới để thoát khỏi cái vòng kim cô, sẽ giành được lòng tin và sự ủng hộ của nhân dân.

23/9/2015
Nguyễn Quang Dy
Vietstudies

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad