Bao giờ Hòn ngọc tỏa sáng Viễn đông? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2016

Bao giờ Hòn ngọc tỏa sáng Viễn đông?


Đại lộ Nguyễn Huệ, Sài Gòn, năm 1967-1968. Ảnh. Dave DeMIlner.

Trong một chương trình thời sự của đài truyền hình trung ương VTV, phát biểu trước 500 “Việt kiều yêu nước” cùng nhiều quan khách, ông thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã có bài diễn văn thật ấn tượng(!).

“Hòn Ngọc tỏa sáng Viễn Đông!”

“…Trước đây người ta nói, Hòn ngọc Viễn Đông…, ngày nay tôi nói: Hòn ngọc tỏa sáng Viễn Đông!...”. (Lời ông thủ tướng NXP trước 500 “Việt Kiều yêu nước”. (Có nhiều tiếng vỗ tay sau lời phát biểu của ông thủ tướng).

Người ta cũng được biết, cách đây chưa lâu, một quan chức cao cấp của ĐCSVN, ông Đinh La Thăng, cũng có đề cập tới Hòn ngọc Viễn Đông trong một phát ngôn của mình. Ông Đinh La Thăng, người đang được ĐCSVN giao nhiệm vụ đứng đầu thành phố lớn nhất cả nước, thành phố “Cựu” Hòn ngọc Viễn Đông!

Đối với những người VN thuộc lớp “U50” trở lên, không ít hơn một lần từng nghe tới cụm từ Hòn Ngọc Viễn Đông; và đương nhiên cũng biết cụm từ này nói về thành phố Sài Gòn xưa (Nay đã bị đổi tên là TP HCM, hơn 40 năm nay!).

“Hòn Ngọc Viễn Đông” là Sài Gòn xưa, là Thủ đô của một chính thể cộng hòa, tồn tại trong 20 năm, đã bị sụp đổ sau ngày 30 tháng 4, hơn 40 năm về trước.

Điều đáng để nói nữa là, danh hiệu này không phải do chính phủ Việt Nam Cộng Hòa tự gắn cho Sài Gòn, mà là do một nguyên thủ, hay một chính khách một nước Đông Nam Á, láng giềng của VN mến gọi với lòng ngưỡng mộ… Điều đó cho thấy một Sài Gòn xưa, xứng với danh hiệu Hòn Ngọc Viễn Đông, không chỉ bởi nền kinh tế, bởi sự thịnh vượng, song còn bởi nét hào hoa, thanh lịch của một xã hội giữ gìn được nét văn hóa Á Đông đặc sắc, cùng với sự hiện diện của một chính thể cộng hòa mang màu sắc tân tiến Tây phương.

Khi nhắc tới Hòn Ngọc Viễn Đông, khiến người ta lại phải nhớ tới câu nói bất hủ của người đứng đầu chế độ Việt Nam Cộng Hòa, tổng thống Nguyễn Văn Thiệu: “Đừng nghe cộng sản nói; Hãy nhìn cộng sản làm!…”.

Hay khi nói tới chính thể Việt Nam Cộng Hòa, khiến người ta lại nuối tiếc nhớ tới danh hiệu Hòn Ngọc Viễn Đông cùng với lời phát biểu “để đời” của TT VNCH Nguyễn Văn Thiệu về CS, như một câu châm ngôn khắc ghi và cảnh tỉnh cho muôn đời sau. Người ta tiếc nuối danh hiệu Hòn Ngọc Viễn Đông đã trở thành dĩ vãng, như tâm trạng đau đớn, hoài vọng của một hoa hậu giờ đây phải chứng kiến cái vương miện bị người ta lột đi, đội trên đầu kẻ khác, cho dù biết nó xứng đáng hơn…

Cũng bởi đó-nguồn cơn!

Khi chiếc xe tăng Trung Quốc mang hình ngôi sao đỏ húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập, đánh dấu thời khắc kết thúc một thời vàng son của một chính thể cộng hòa; thì khi TP Sài Gòn bị thay tên đổi chủ, cũng chính là lúc người ta biết rằng danh hiệu như chiếc vương miện long lanh tỏa sáng một thời cũng bị tước đi. Khi cái tên mới, TP HCM ào tới, thì cái tên Sài Gòn cùng với danh hiệu Hòn Ngọc Viễn Đông của nó phải ra đi, không thể nào khác được!

Điều đó để lại sự tiếc thương day dứt trong nhiều thập kỷ qua. Điều đó để lại sự tiếc nuối không chỉ trong lòng những người từng được hưởng một thời vàng son do Hòn ngọc Viễn Đông đem lại, mà sự tiếc nuối được “chia đều” cho tất cả người VN, cho cả những người từng một thời căm ghét cái thành phố được mang danh cao quý đó, những anh “Bộ đội cụ Hồ”, mang danh “giải phóng”, ăn lương khô, uống suối rừng để làm nên sự sụp đổ của thành phố huyền thoại này.

Chém gió – “phát ngôn” của những kẻ ba hoa

Có một thực tế, nhiều khi kẻ ba hoa, nói mà không biết mình nói gì; hoặc là, biết đang nói gì, nhưng lại không biết có nên nói hay không.

Có vô số những phát ngôn của những lãnh đạo cộng sản như thế, không tiện để trưng dẫn ra đây. Chỉ xin nhắc lại lời phát ngôn của ông thủ tướng CSVN về một thời vàng son của một thành phố: “Hòn ngọc tỏa sáng Viễn Đông”.

Hòn ngọc Viễn Đông, có khác gì “Hòn ngọc tỏa sáng Viễn Đông”? Sứ mạng của “Hòn ngọc” là để tỏa sáng. Vấn đề quan trọng là, làm thể nào để có Hòn ngọc, để tạo ra Hòn ngọc. Khi đã có Hòn ngọc rồi, nó ắt tự tỏa sáng. Ông thủ tướng “Ma dze in VN” tưởng phát ngôn của mình hay ho, tưởng đâu như một phát kiến! Nếu là người khôn ngoan, hay biết tự trọng, thì ông hay những kẻ cầm đầu đảng, chính thể này – cái thực thể đã làm cho Hòn Ngọc Viễn Đông của người Việt Nam “lặn không sủi tăm” xuống Biển Đông, mà không biết cách nào, hay bao giờ mới vớt lên được… không nên nhắc lại mới phải chứ! Nhắc tới Hòn ngọc Viễn Đông, khác nào “đụng vào nỗi đau” người khác! Đó lại là sự coi khinh người VNCH nói riêng, người VN nói chung nữa… Thiết nghĩ, chỉ người VN không cộng sản (non-Communists) mới được phép nói tới Hòn Ngọc Viễn Đông!

Tìm kim đáy biển!?

Có một thực tế, cho dù nạn tham nhũng đã và đang hoành hành trên cả nước nói chung, tp HCM nói riêng, thì không ai phủ nhận, so với “Cựu” Hòn ngọc Viễn Đông xưa, Sài Gòn hôm nay “hoành tráng” hơn rất nhiều. Đường phố rộng rãi khang trang. Cao ốc mọc lên nhiều như nấm. Nhiều quận mới được đô thị hóa, loát hết những vùng ngoại ô rộng lớn khi xưa…

Thế nhưng, tại sao mỗi khi nhắc nhớ tới Hòn ngọc Viễn Đông xưa, khiến người ta không khỏi bùi ngùi tiếc nuối. Đó phải chăng là một tâm trạng hoài cổ? Không! Mặc dù Sài Gòn xưa cũng có xì ke ma túy, cũng gái mại dâm, có nhiều khu nhà ổ chuột, có “bụi đời”…-những tệ nạn “đi đầu” trong cả nước, Nhưng so với những con hổ, con rồng thời nay của các láng giềng VN, khi xưa Hòn ngọc Viễn Đông đáng mặt anh hùng hơn họ rất nhiều, nên được “phong tặng” danh hiệu cao quý.

Và còn nhiều lý do khác nữa, chính đáng mà ngay cả những lãnh đạo cộng sản cao cấp nhất khi nói tới Hòn ngọc Viễn Đông, cũng với một tâm trạng tiếc nuối như bao người.

“Hòn ngọc tỏa sáng Viễn Đông”… Không biết khi nói vậy, ông thủ tướng đã có kế hoạch, có phương sách gì để lấy lại tên cao quý cho thành phố? Còn với người dân cả trong nước lẫn hải ngoại đều thấy rằng, Hòn ngọc Viễn Đông mà người Việt mơ tới, chẳng khác nào ảo ảnh trong sa mạc, nhấp nhóa, nhấp nhóa trước mắt. Nó hiện lên, tưởng như ngay đâu đó trước mặt, nhưng khi ta bước tới, nó lại lùi xa.

Chính các ông, những người cộng sản đã khai tử thành phố với cái tên mỹ miều Hòn Ngọc Viễn Đông thiên hạ đặt cho. Các ông mang niềm tự hào của mình áp đặt lên một thành phố như viên ngọc bên bờ Biển Đông, ngay cái tên cúng cơm Sài Gòn giản dị và hết sức gần gũi, thân thương cũng bị các ông lột mất, thay vào đó cái tên lạ hoắc lạnh ngắt, mà không cần hỏi người dân, chủ nhân ông của thành phố.

Bày đặt chuyện kêu gọi kiều bào yêu nước góp công sức để làm cho Sài Gòn xưa, (hay TP HCM nay) thành “Hòn ngọc tỏa sáng Viễn Đông”, là cách chém gió mỗi khi các ông nổi hứng. Những cái tên Đường Tự Do, Cầu Công Lý,… cũng bị các ông lột sạch, không thương tiếc…; Các ông tưởng xây cho nhiều cao ốc là lấy lại được danh cao quý Hòn Ngọc Viễn Đông chăng?

Chém gió “Hòn ngọc tỏa sáng Viễn Đông” chưa đủ sao, các ông còn bày đặt việc “tạo điều kiện thuận lợi cho kiều bào tham gia góp ý xây dựng…”!? Mỵ dân như rứa là xưa lắm rồi. Biết bao “trí thức xã hội chủ nghĩa”, và cả trí thức (không xã hội chủ nghĩa), những con người tâm huyết với xã tắc, ngày đêm góp ý với các ông, bằng miệng có, văn bản có, các ông còn không thèm nghe, thậm chí còn đe nẹt, hăm dọa và cả tống vào tù. Nhiều “Lão thành cách mạng”, những người đáng bậc cha chú các ông về tuổi đời, tiền bối các ông về tuổi đảng và cả sự cống hiến…góp ý, các ông còn khinh lờn bỏ ngoài tai… “Việt kiều yêu nước” là cái thá gì?

Hơn 4 triệu kiều bào, liệu có được 500 “Việt kiều yêu nước”? Và trong 500 Việt kiều hôm rồi hiện diện tại cái thành phố từng là Hòn ngọc Viễn Đông xưa, liệu có mấy người “yêu nước” theo quan niệm “Yêu” của các ông?

Xảo trá; đánh tráo khái niệm; mị dân…vốn là bản chất của các ông, của chủ nghĩa cộng sản, khó lòng thay đổi. Nhắc nhớ tới danh cao quý Hòn ngọc Viễn Đông của Sài Gòn xưa, các ông chỉ khiến người Sài Gòn tiếc nuối về một thời vàng son, càng oán hận các ông nhiều hơn nữa mà thôi. Họ cũng hiểu rằng, sẽ chẳng có Hòn ngọc nào tỏa sáng Viễn Đông, khi trên quê hương này còn ngự trị bóng ma đen tối.

AFR Dân Nguyễn
Ba sàm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad