Cánh hữu nhìn thế giới là một thực thể đa dạng, không thể cào bằng. Các tế bào khác nhau, mỗi cá nhân đến các cộng đồng, quốc gia không đồng đều. Người Do thái chỉ chưa tới 0.02% nhân loại mà là chủ nhân ông của hơn 130 giải Nobel. Trung Hoa chiếm gần 20% dân số toàn cầu mà hôm nay thấy chỉ nổi tiếng về gia công hàng rẻ, hàng nhái, độc hại, trộm cắp sở hữu trí tuệ. Việt Nam gấp 3 lần về số dân mà lãnh thổ chỉ bằng 1/30 Canada….
Tư tưởng chính trị cánh Hữu là thuận theo qui luật đào thải tự nhiên. Mạnh được yếu thua. Muốn tồn tại phải mạnh, không trông chờ ỷ lại mà phải tự hành động mà vươn lên. Vì vậy cánh hữu thượng tôn sự phát triển. Vì phát triển, phải mở đường cho kẻ mạnh, tư nhân hoá, tự do cạnh tranh, giảm thuế, giảm sự quản lý điều tiết. Giàu niềm tin vào chính họ nên những người cánh hữu không thể hình tượng hoá quá đà lãnh tụ. Họ có khả năng tự lo tốt rồi nên vai trò của nhà nước trong mắt họ là phải tinh gọn.
Ông Donald Trump trong tư tưởng và thực tế cuộc đời là người cánh Hữu điển hình. Đi lên bằng chính mình. Tự thân vận động. Cả đời làm chủ. Tự thành, tự bại. Sự tự tin trong ông đến ngạo nghễ. Qua mặt, phỉ báng cả dàn nhân vật chính trị trụ cột của cả hai đảng Dân Chủ, Cộng Hoà. Lật tẩy giới truyền thông thiên Tả bố láo. Và hơn hết, không thèm hệ luỵ về tài chính vào ai trong suốt cuộc vận động tranh cử Tổng thống vừa qua. Còn gì hợp lý hơn khi một doanh nhân đại thành đạt thành người quản lý xưởng in tiền lớn nhất nhân loại- Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ? Chả lẽ những người chuyên nghề cạo giấy, hô hào xuông, hay cầm súng làm việc này tốt hơn chăng?
Vậy mà sự phản đối ông vẫn thật tưng bừng. Nhưng người Mỹ cánh hữu nhận thức quá rõ những gì ông nêu ra là đúng. Chính quyền cánh Tả Obama về đối ngoại sau cả 8 năm vẫn chỉ lái câu chuyện xoay trục Á Châu, TPP toàn… trên giấy. Trong thời đại mà người sản xuất thì ê hề, người mua mới là kẻ nắm quyền quyết định lại cứ để Thượng đế-người tiêu dùng Mỹ- thành con nợ lớn cho kẻ chuyên nghề gia công và gian lận. Bao cấp về an ninh, tài chính, quốc phòng, di dân, viện trợ cho hàng loạt nước mà vẫn bị chê bai và than phiền. Nước Mỹ, để tồn tại, không thể tiếp tục tự thắt cổ mình tiếp như vậy được. Cần phải đưa mọi sự trở lại cuộc chơi công bằng (fair play như lời Donald Trump). May mắn thay với cơ chế bầu cử đại cử tri đoàn, ông- người đại diện cho số ít- nhưng là số ít tỉnh táo và quyết liệt đã giành chiến thắng.
Đại diện tiêu biểu của cánh Tả là Karl Marx, người tin rằng các nhà triết học trước ông chỉ làm việc giải thích thế giới, còn ông đề ra cho mình việc cải tạo thế giới. Cưỡng lại qui luật đào thải tự nhiên, tìm kiếm giải pháp công bằng xã hội là xuất phát điểm của cánh Tả. Thượng tôn sự cào bằng nên lời giải về kinh tế của cánh Tả là quốc hữu hoá, độc quyền, tăng thuế người giàu để có nguồn tăng phúc lợi xã hội kéo theo sự cồng kềnh, bao biện của bộ máy nhà nước… Các chính phủ từ lâu đã quá rõ là càng giảm thuế, càng kích thích sự phát triển. Nhưng các chính phủ cánh tả không thể giảm thuế được vì họ luôn chi tiêu bạt mạng cho các chương trình xã hội khổng lồ khiến bộ máy nhà nước ngày càng phình to và không chóng thì chầy kinh tế quốc gia ngày càng lụn bại.
Phát triển là khát khao của kẻ mạnh, bình đẳng về cơ bản là mơ ước của kẻ yếu. Tạo hoá tạo ra một rừng kẻ yếu và chỉ vài kẻ mạnh. Thế giới gần 200 nước chỉ có một vài siêu cường, dăm bảy cường quốc. Rừng chỉ có vài cọp. Người giàu, tài giỏi ở bất kỳ quốc gia nào cũng không bao giờ là số đông.
Nhân loại ưu ái với cánh Tả một phần vì tính mị dân mà cánh này reo rắc, phần nữa vì phần lớn nhân loại vẫn còn nghèo đói, họ mong ước sự công bằng. Hãy nhìn Lênin, Mao, Hồ Chí Minh, Fidel … Họ luôn đi lên bằng số đông cùng hình ảnh một rừng quần chúng vây quanh. Nhưng khi ở trên đỉnh cao quyền lực thì ngay cả Tổng thống cánh Tả Pháp đương nhiệm Francois Hollande cũng chi cho việc sửa sang mái tóc của mình cả gần 60 ngàn Euro/ một năm từ công quĩ đang thâm hụt của nước Pháp.
Hãy nhìn vào kết quả của hành động. Cùng trong khoảng vài chục năm khi ông Fidel Castro và các đồng chí của ông cướp súng ở cửa hàng bán vũ khí ở Havana giành và giữ chính quyền trên nòng súng, đã đánh xập nền kinh tế Cuba- hòn ngọc Caribbean; còn ông Donald Trump kịp xây dựng đế chế giàu có và thành đạt của mình trên hàng loạt quốc gia.
Tuy nhiên vì ưu ái phát triển nên sự cầm quyền lâu dài của cánh Hữu sẽ tạo ra khoảng cách giàu nghèo ngày càng rộng. Sự phát triển nóng dễ dẫn đến mất cân đối và khủng hoảng.
Còn của cánh Tả sẽ tạo ra một lớp lãnh đạo hậu sinh ngày càng thua kém tiền bối và một dân chúng có sức sản xuất thấp, ỷ lại, ăn bám và sống mòn. CNXH chưa bao giờ sở hữu một sức sản xuất vượt trội CNTB cả. Bất kỳ chính phủ cánh tả hay thiên Tả nào lên cầm quyền ngay cả ở những nước tư bản phát triển như Canada hay Mỹ là các quỹ phúc lợi xã hội, số người nhận trợ cấp đều vụt tăng.
Cao nhất tư tưởng cánh Tả khuyến khích được tinh thần của một lực lượng tinh hoa tiến bộ trong xã hội mong muốn xây dựng xã hội công bằng nhằm giảm thiểu các xung đột. Tệ nhất là khơi dòng xúi dục bản năng thấp hèn vốn có của con người, muốn làm ít, hưởng nhiều, trông chờ xã hội làm cho mình hưởng.
Trong các xã hội mà cánh Tả thao túng nghịch lý lại xẩy ra. Hô hào bình đẳng khiến triệt tiêu sức sống, sức sáng tạo của từng cá nhân vô hình chung lại dồn hào quang vào xây dựng nên những đại lãnh tụ, những cá nhân vĩ đại. “Vĩ đại” cho cá nhân họ mà đại họa cho cả dân tộc khi bánh xe lịch sử bị kéo lùi.
Tả và hữu khác nhau như nước với lửa. Dù yếu tố địa chính trị của Việt Nam là tối quan trọng ở khu vực, khó có thể hình dung là Tổng thống mới đắc cử Mỹ sẽ hạ cố tiếp ông Nguyễn Phú Trọng tại phòng Bầu dục như người đương nhiệm. Hay ông Justin Trudeau Thủ tướng Canada ca ngợi ông Fidel làm dấy lên nhiều làn sóng chỉ trích và căm giận trên toàn Canada. Mang soi dưới lăng kính này đều có thể hiểu được. Dù hơn kém nhau nhiều về tầm vóc; nhưng về bản chất Obama, Trudeau, Fidel, Nguyễn Phú Trọng đều là chính trị gia cánh tả.
Việt Nam
Các nước có nền dân chủ phát triển già dặn khi các lực lượng chính trị cánh hữu và cánh tả tương quan lực lượng. Khi đó dù lực lượng nào cầm quyền cũng không thể quá cực đoan. Nhu cầu phát triển, thuộc tính của cánh hữu sẽ song hành cùng nhu cầu cân bằng ổn định, thuộc tính cánh tả. Ở nhiều xứ phát triển, trong nhiều cuộc tranh cử người dân còn thấy khó phân biệt sự khác nhau giữa cương lĩnh tranh cử của đảng cánh hữu và đảng cánh tả.
Lịch sử về tổng thể khá công bằng. Khi cánh Hữu tiến vào giai đoạn khốc liệt của tích luỹ tư bản thì phong trào vô sản cánh Tả bùng nổ. Khi các nước đế quốc lao vào cuộc tranh gìanh thuộc địa thì phong trào giải phóng dân tộc ra đời. Diều hâu có giá của diều hâu, bồ câu có giá của bồ câu!
Tấn đại bi kịch của Việt Nam mấy thế kỷ nay là dân tộc này sản sinh ra quá ít trí thức, chính trị gia cánh hữu sáng giá như Nguyễn Trường Tộ, Phan Chu Trinh, Ngô Đình Diệm, hay gần đây như Kim Ngọc, Võ Văn Kiệt nhưng lại quá dư thừa các chính trị gia, trí thức tả khuynh.
Với một dân chúng tuyệt đại đa số nghèo đói triền miên đâm ảo tưởng, viển vông khát khao chớp mắt thoát nghèo, cánh tả mị dân luôn dễ dàng giành chiến thắng. Và cái sau lại là hệ quả nối dài của cái trước. Cánh tả nắm quyền càng lâu dài thì khoảng cách tụt hậu so với khu vực và thế giới càng rộng.
Việt Nam Cộng Hoà đã không thể thắng Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà khi lực lượng chính trị cánh hữu tại miền Bắc bị triệt tiêu tàn bạo tới tận gốc rễ (tư sản, địa chủ, quan chức chính quyền cũ, phú nông….) Cùng thời điểm đó lại có quá nhiều lực lượng chính trị cánh tả nằm vùng phá nát chính phủ cánh hữu Miền Nam.
Hơn Việt Nam, Trung Quốc có Đặng Tiểu Bình một chính khách hữu khuynh tiêu biểu nắm quyền dài hơi. Họ Đặng kịp cân đối lại hàng loạt chính sách quá Tả của Mao và dắt Trung Hoa theo con đường khuynh hữu: hiệu quả là thước đo năng lực (bắt được chuột) đẩy Trung Quốc cất cánh vài thập niên nay.
Sao một đảng cầm quyền bê bết về tư cách và năng lực như ĐCSVN còn chưa phân liệt, tan rã hay thay thế? Câu trả lời là lực lượng chính trị khuynh hữu tại Việt Nam chưa lên đến vị thế cần có. Vậy tương lai nào cho Việt nam?
Khả năng cao là Việt Nam sớm bước vào nền độc tài quân sự hay cảnh sát trị- giải pháp cực hữu tệ hại. Con đường gấp gáp nhất của một dân tộc quá mệt mỏi, muốn bứt phá khỏi sự khuynh loát cực Tả nhiều thập kỷ nay.
Khả năng khác là những chính khách huynh hữu trong ĐCSVN sẽ dần đảm nhiệm những vị trí đáng kể thì bài toán Việt Nam có thể có lời giải trong ôn hoà. Đảng cầm quyền dù thiên Tả nhưng có một chính phủ thiên Hữu là lối thoát khả dĩ cho cả dân tộc cũng như cho đảng. Một Tổng bí thư hay Chủ tịch nước tả khuynh nhưng một chính phủ hữu khuynh cùng nhiều tiếng nói của trí thức cánh hữu trong Quốc Hội sẽ cân bằng lệch lạc, dù chậm, trong quản trị và thúc đẩy phát triển.
Cái thế của Việt Nam hôm nay- cạn tiền và trên đường vỡ nợ- đã khiến những cái đầu tả khuynh xơ cứng nhất phải tính tới những giải pháp hữu khuynh trong điều hành như thắt chặt chi tiêu; giảm ôm đồm của nhà nước trong bao cấp các tỉnh thành và hội đoàn, thận trọng, hiệu quả trong đầu tư công, giảm bội chi ngân sách, kiến tạo phát triển, pháp quyền…
Tâm lý xã hội Việt hôm nay đang dần chín cho một khuynh hướng thiên hữu. Chẳng phải mô hình chính trị Mỹ, lối sống Mỹ đang là cái được ưa chuộng nhất tại Việt Nam hôm nay? Vì sao các phong trào đòi dân chủ, nhân quyền, tư do, dân oan, xây dựng xã hội dân sự… cứ mãi èo uột, không tạo được sức hút với đông đảo dân chúng Việt Nam? Vì về thực chất các phong trào này một lần nữa lại là các phong trào cánh Tả khi nó đều lên tiếng đòi hỏi sự công bằng. Người Việt, sau nhiều thế hệ mệt mỏi, bội thực Tả khuynh, một cách bản năng, đã dị ứng tổng thể với tất cả các phong trào cánh Tả nói chung. Quay lưng và ngao ngán cái ổn định trong nghèo đói mà cánh Tả dụ dỗ lâu nay. Khát khao thịnh vượng và phát triển, cái luôn nằm ngoài tầm tay cánh Tả.
Khi một dân chúng phần lớn không còn niềm tin vào bất kỳ ai ngoài chính họ thì chính là thời điểm của một khuynh hướng chính trị cánh hữu lên ngôi. Cánh hữu trung thành ở ngay những nước tư bản phát triển như Canada và Mỹ là lực lượng tài phiệt, tư pháp, quân đội, cảnh sát, doanh nhân lớn, nhỏ và nông dân. Tất cả những tầng lớp này đều có điểm chung là những người tin vào bản năng, vào sức mình là chính. Hãy nhìn hiện tượng Đoàn Văn Vương. Người nông dân đó chính là một biểu tượng cánh hữu điển hình. Tin vào khả năng mình, dám khai khẩn, cải tạo thiên nhiên, làm giàu cho bản thân và gia đình. Mất niềm tin, chiến đấu chống lại chính quyền thối nát, tham nhũng. Ra tù lại đứng dậy, tiếp tục vùng vẫy và thành công. Cái đáng lưu ý hơn nữa là chưa một vụ mất đất, dân oan, bất đồng chính kiến nào chấn động đến cấp cao nhất của chính quyền như thế khi Thủ tướng, các Thứ, Bộ trưởng công khai vào cuộc. Kẻ cầm quyền quá hiểu sự lay động lòng dân của các biểu tượng cánh hữu đang lên.
Không chỉ ở Mỹ, với Việt nam hôm nay người đắc cử vẫn phải là Donald Trump.
Hoạ ở chỗ Việt Nam đang không có nổi cả Hillary, nói gì tới Trump!
Argentina Dec/2017
© Ngòi Bút Tự Do
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét