Báo Tuổi Trẻ nhấn mạnh, đây mới là “nguồn tin riêng từ Thanh Tra Chính Phủ,” và cho biết: “Dự kiến đầu Tháng Tám tới Thanh Tra Chính Phủ sẽ công bố kết luận này và kiến nghị Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Yên Bái giải quyết trách nhiệm đối với những cá nhân, tổ chức có sai phạm được chỉ ra trong kết luận thanh tra.”
Báo này cho hay, Thanh Tra Chính Phủ cũng làm rõ thông tin ông Quý cung cấp cho báo chí về việc vay ngân hàng gần 20 tỷ đồng để xây dựng tổ hợp trang trại, nhà ở trên diện tích đất 13,000 mét vuông; việc cấp giấy phép xây dựng đối với gia đình bà Hoàng Thị Huệ (vợ ông Quý) tại phường Minh Tân, thành phố Yên Bái.
Hồi đầu Tháng Bảy, Thanh Tra Chính Phủ công bố báo cáo về hoạt động chống tham nhũng trong sáu tháng đầu năm 2017, theo đó cơ quan này không tìm thấy cá nhân nào “không trung thực khi kê khai tài sản,” mà chỉ có một cá nhân bị xác định là đã “thiếu trách nhiệm” khiến cơ quan công quyền do cá nhân này phụ trách xảy ra tham nhũng.
Báo cáo này cũng chỉ công bố một số số liệu liên quan đến việc kê khai tài sản, thu nhập của viên chức hồi năm ngoái. Theo đó, năm 2016 đã có hơn một triệu viên chức kê khai tài sản, thu nhập, đạt tỉ lệ 99.8%. Công việc xác minh tài sản, thu nhập chỉ thực hiện với 77 cá nhân bị báo chí, dân chúng tố cáo nhưng không phát giác trường hợp nào “thiếu trung thực.”
Đến thời điểm này, dường như hoạt động của Thanh Tra Chính Phủ… “tiến bộ” hơn vì tìm ra ông Phạm Sỹ Quý!
Hồi Tháng Sáu, báo chí Việt Nam nêu ra hàng loạt điểm bất thường quanh việc gia đình ông Quý xây dựng dinh thự tại phường Minh Tân, thành phố Yên Bái, với một số biệt thự, nhà sàn, hồ nước, vườn hoa…
Ngoài những thắc mắc liên quan đến chuyện ông Quý đào đâu ra tiền để tạo lập dinh thự trị giá cả trăm tỷ đồng như thế, báo chí Việt Nam còn nêu ra một thắc mắc khác, đáng chú ý hơn là tại sao chính quyền thành phố Yên Bái lại ký tới sáu quyết định, cho phép gia đình ông Quý chuyển đổi các phần đất vốn là rừng, ruộng, vườn… thành thổ cư rồi cấp giấy phép xây dựng một cách dễ dàng, nhanh chóng như vậy.
Sau đó, báo chí phát giác, chính quyền thành phố Yên Bái đã sử dụng “Quyết Định Điều Chỉnh Quy Hoạch Sử Dụng Đất Đến Năm 2020” do tỉnh này ban hành năm 2014 để ra sáu quyết định cho phép gia đình ông Quý chuyển số đất nông nghiệp thành thổ cư.
Ông Quý khi đó là phó giám đốc Sở Tài Nguyên-Môi Trường, kiêm giám đốc Trung Tâm Phát Triển Quỹ Đất của tỉnh. Báo Thanh Niên cho hay, ông Phạm Sỹ Quý là em trai bà Phạm Thị Thanh Trà. Thời điểm này, bà Trà là chủ tịch tỉnh Yên Bái.
Nay thì bà Trà đảm nhiệm vai trò bí thư tỉnh ủy kiêm chủ tịch Hội Đồng Nhân Dân của tỉnh Yên Bái. Tuy nhiên, trước khi rời cương vị chủ tịch tỉnh, chính thức đảm nhiệm vai trò bí thư tỉnh, hôm 9 Tháng Chín, bà ký một trong những quyết định cuối cùng là bổ nhiệm em trai mình, tức ông Quý, làm giám đốc sở.
Đáng chú ý, theo báo điện tử Dân Trí, ông Quý từng bị bắt quả tang vì đánh bạc hồi năm 2005. Báo này cho hay, đêm 20 Tháng Mười, 2005, khi đột nhập vào một ổ bạc ở thành phố Yên Bái, công an tỉnh từng bắt quả tang ông Quý, khi đó là phó Phòng Quản Lý Ðất Ðai của Sở Ðịa Chính tỉnh Yên Bái (sau này đổi tên thành Sở Tài Nguyên-Môi Trường), đánh bạc cùng với ông Ngô Thành Long, viện phó Viện Kiểm Sát thành phố Yên Bái; ông Nghiêm Trọng Tân, kiểm sát viên Viện Kiểm Sát thành phố Yên Bái; và bốn người khác.
Giới hữu trách ở tỉnh Yên Bái chưa cho biết hệ thống công quyền đã phạt những viên chức bị bắt quả tang trong vụ đánh bạc vừa kể ra sao. Tìm kiếm trên Internet thì có thể thấy, sau khi bị bắt quả tang vì đánh bạc, ông Ngô Thành Long được đề bạt làm viện trưởng Viện Kiểm Sát huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. Riêng ông Phạm Sỹ Quý thì thăng tiến nhanh hơn.
Năm 2008, ông Quý trở thành giám đốc Phòng Ðăng Ký Ðất Ðai. Ba năm sau, ông được bổ nhiệm làm phó giám đốc Sở Tài Nguyên-Môi Trường kiêm giám đốc Phòng Ðăng Ký Ðất Ðai và đến năm 2016 được chị ruột là bà Trà bổ nhiệm làm giám đốc sở này.
Áp lực của dư luận đã buộc chính phủ phải ra lệnh thanh tra về những vấn đề có liên quan đến ông Quý. Lệnh này không đề cập đến bà Trà – viên chức do Bộ Chính Trị của đảng CSVN quản trị.
Trước đây, báo chí Việt Nam đã công bố bản kê khai tài sản của ông Quý. Theo đó, ngoài dinh thự làm dân chúng choáng váng về mức độ xa hoa, ông Quý còn là chủ một căn nhà 600 mét vuông, một thửa đất 1,000 mét vuông cùng nằm ở trung tâm thành phố Yên Bái, một trang trại diện tích 2 hécta trị giá 1 tỷ đồng (khoảng $44,000) ở Yên Bái, một apartment trị giá 2.5 tỷ đồng tại chung cư cao cấp Mandarin Garden ở quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội. Hệ thống phòng chống tham nhũng từ Yên Bái đến Hà Nội chưa bao giờ thắc mắc về khối tài sản khổng lồ này.
Mời xem Video: Hé lộ mưu đồ nhân vật đứng phía sau để Trung quốc buộc Việt Nam phải ngưng khoan dầu ở Bãi Tư Chính?
Sau khi trở thành tâm của vụ scandal, ông Quý chủ động gặp gỡ báo giới, phân bua rằng, khối tài sản đó sinh sôi nảy nở từ nguồn vốn mà ông tích lũy nhờ… bện chổi, làm men nấu rượu, làm bánh kẹo, làm giá lúc còn trẻ và nhờ… thừa kế từ cha mẹ! (G.Đ)
Người Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét