Đáng chú ý, có lẽ tác giả bài báo này vì bức xúc trước bài bị gỡ vô lý, lập tức làm đơn xin thôi, không giữ chức phó trưởng phòng báo điện tử, Báo Nhà báo & Công Luận.
Ngày hôm nay (18.10) Tổng Biên tập Báo Nhà báo & Công Luận Lê Trần Nguyên Huy, ký quyết định số 54 /QĐ-NB&CL đồng ý để ông Nguyễn Thành Vĩnh, thôi phụ trách công tác phó trưởng phòng báo điện tử, Báo Nhà báo & Công luận kể từ ngày 18.10.2017.
Tôi không bàn đến bài viết sai hay đúng, nhưng quyết không khoan nhượng với cái sai, tác giả đã chấp nhận từ chức để phản đối với những ai can thiệp để gỡ bài báo. Rất cần nhiều nhà báo như Nguyễn Thành Vĩnh trong làng báo hiện nay.
Ủy Viên BCT, Trưởng Ban Tuyên Giáo Trung ương Võ Văn Thưởng từng nói “sáng đăng trưa gặp chiều rút” quả không sai. Mong bác Thưởng vào cuộc xử vụ này đi.
Tôi may máy coppy lại được từ CLO và post lên đây đề ae đọc và suy ngẫm.
***
Vụ mua gần 800 nghìn tấn than trái chỉ đạo của Thủ tướng: Xin đừng để Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đơn độc!
(CLO) Đã lâu lắm, người ta mới thấy ở Bộ Công Thương có một kết luận Thanh tra mạnh mẽ, “đầy sức nặng” đến vậy. Nhưng sẽ là “bất bình thường” nếu những yêu cầu xử lý sai phạm ấy không được thực hiện một cách nghiêm túc. Câu hỏi đặt ra lúc này: Phải chăng vẫn còn “những nhóm lợi ích” đang tạo ra các “ma trận” để vô hiệu hóa công cuộc “cải tổ” ở một Bộ hết sức quan trọng của đất nước cũng như “tạo vỏ bọc” trốn tránh “lò nung” diệt trừ tham nhũng?
Trước hết, cần phải nhìn lại Kết luận thanh tra về việc mua bán gần 800 nghìn tấn than tại Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 của Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh. Kết luận không ngần ngại chỉ rõ: Lãnh đạo Bộ Công Thương đã thiếu trách nhiệm trong việc ban hành Thông báo số 122/TB-BCT và Công văn số 565/BCT-ĐTĐL không đúng với Chỉ thị 21/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Mặc dù Thủ tướng đã chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chỉ được mua than trong nước cho sản xuất điện từ Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng công ty Đông Bắc nhưng lãnh đạo Bộ lại ký cho phép Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 mua than từ Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn. Việc mua bán đã không kiểm soát kỹ nguồn gốc, than không đảm bảo chất lượng, tổng tiền thanh toán mua than của công ty này lên tới hơn 1500 tỷ đồng...
Bộ Công Thương cũng không né tránh, không có ý định “khóa” thông tin này khi ngày 10-10-2017, Văn phòng Bộ Công Thương đã cung cấp cho báo chí các văn bản liên quan đến chỉ đạo của Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng trong thương vụ mua trái phép gần 800 nghìn tấn than trị giá 1500 tỷ đồng trên.
Cụ thể, tại Thông báo số 122A/TB-BCT ngày 18-3-2016 do ông Đỗ Văn Côi, Phó Chánh Văn phòng Bộ Công Thương ký về kết luận của Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng về hợp đồng mua bán điện của một số nhà máy điện thuộc PVN đã nêu rõ: Ngày 11-3-2016, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng đã chủ trì cuộc họp giải quyết vướng mắc trong đàm phán hợp đồng mua bán điện của một số nhà máy.
Theo đó, ông Hoàng Quốc Vượng chỉ đạo: “Đồng ý để nhà máy điện Vũng Áng 1 được thanh toán chi phí than đã mua từ nguồn khác…”.
Không dừng ở chỉ đạo chưa đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nêu trên, ông Hoàng Quốc Vượng còn có thêm chỉ đạo vượt quyền cả Bộ trưởng Bộ Công Thương khi yêu cầu: “Cục Điều tiết điện lực chịu trách nhiệm rà soát nhằm sửa đổi, bổ sung nội dung của Thông tư 56/2014/TT-BCT trong các trường hợp phát sinh trong thực tiễn là các nhà máy nhiệt điện mua than từ nhiều nguồn khác nhau…”.
Với chỉ đạo này cho thấy, Chỉ thị số 21/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã không được Bộ Công Thương quán triệt và thực hiện nghiêm túc.
Thậm chí, lãnh đạo bộ này còn có ý định sửa đổi cả một thông tư để vượt quyền Thủ tướng, cho phép các nhà máy nhiệt điện mua than từ nhiều nguồn khác nhau.
Quyết tâm “cầm đèn chạy trước ô tô” còn thể hiện rõ hơn khi tại công văn số 565/BCT-ĐTĐL ngày 19-1-2017, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng đã có chỉ đạo: “…Cho phép được mua than từ Công ty Hoành Sơn…, tổng khối lượng than mua không vượt quá 900 nghìn tấn…”.
Như vậy, câu chuyện đâu còn dừng ở thương vụ gần 800 ngìn tấn than nữa? Đó là chuyện Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng “vượt quyền Bộ trưởng”.
Tại sao và vì cái gì mà ông Hoàng Quốc Vượng có thể “mạnh tay” ký những văn bản đầy bất thường như thế? Đến đây, người dân, dư luận, cũng như hàng vạn cán bộ, công nhân viên ngành công thương, hàng nghìn công nhân ngày đêm đang miệt mài dưới hầm mỏ, trên những giàn khoan giữa trùng khơi, những công trình thủy điện, nhiệt điện xa xôi có quyền đặt câu hỏi: Phải chăng đã có “nhóm lợi ích” chi phối khiến chỉ đạo của Thủ tướng không được thực hiện?
Với không ít người còn mang nặng lề lối suy nghĩ “trong nhà đóng của bảo nhau” thì Kết luận Thanh tra của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh là điều “bất thường”.
Nhưng, với số đông dư luận, với những người tâm huyết nhằm đưa hoạt động của Bộ Công thương vào nề nếp, vào đúng “đường ray” kỷ luật, kỷ cương, kiên quyết đoạt tuyệt với quá khứ gây thua lỗ, thất thoát hàng chục nghìn tỷ đồng thì kết luận thanh tra kia lại là điều hết sức bình thường.
Nói một cách hình ảnh, một cái cây muốn xanh tốt, một cơ thể muốn khỏe mạnh thì ắt phải gạt bỏ sâu bọ, mầm bệnh.
Nếu như có sự “bất thường” thì đó chính là những cá nhân, đơn vị được nêu trong kết luận thanh tra.
Những tưởng sau những bài học đau xót từ hàng loạt “dự án đắp chiếu”, “dự án gây thua lỗ” hàng chục nghìn tỷ đồng, những quyết định đầu tư, mua bán tùy tiện như đã nêu trên sẽ không còn đất sống ở Bộ Công Thương.
Được biết, từ khi được giao trọng trách làm Bộ trưởng Bộ Công thương, ông Trần Tuấn Anh đã hết sức quyết liệt trong việc lập lại trật tự, kỷ cương, chấn chỉnh, sốc lại bộ máy, hệ thống.
Những việc làm của Bộ trưởng thời gian vừa qua đã được dư luận và hàng vạn cán bộ, công nhân viên toàn ngành đồng tình, ủng hộ.
Nhưng, nếu như để vụ “gần 800 nghìn tấn than” bị “chìm xuồng”, quyết tâm chính trị của ông Trần Tuấn Anh có được thực hiện? Bởi yêu cầu phải báo cáo, xử lý sai phạm của từng cá nhân, đơn vị trong thương vụ mua than trên của Bộ trưởng Trần Tuán Anh đã quá thời hạn hơn nửa năm đến nay vẫn chưa được thực hiện.
Thế mới biết lúc này đây, câu nói “Phải làm sao cái lò nóng lên, tất cả vào cuộc, hiện đã có tiến bộ, được người dân ủng hộ thì phải làm tiếp vì mất lòng dân là mất tất cả.
Việc xử lý kỷ luật cán bộ có sai phạm, trước nói đánh từ vai đánh xuống, nhưng giờ đánh trên đầu nhiều hơn” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng càng trở nên sâu sắc.
Lò vẫn đang nóng.
Xin đừng để Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đơn độc!
Mời xem Video: Ủy viên Bộ Chính trị Phạm Bình Minh có nguy cơ bị mất chức Bộ Trưởng Ngoại Giao, Tại sao?
Vĩnh Quang
Công Luận
FB Nguyễn Hoài Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét