Thấy gì từ ‘ai nhụt chí thì dẹp sang bên…’? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Ba, 1 tháng 5, 2018

Thấy gì từ ‘ai nhụt chí thì dẹp sang bên…’?


Ông Trọng trong chuyến thăm Cuba ngày 29 tháng Ba, 2018.

Lần đầu tiên trong những phát ngôn của mình được cho công khai trên báo chí, Nguyễn Phú Trọng dùng từ “dẹp” - một động từ mạnh mẽ và mang khẩu khí dân dã Nam Bộ.

Tương quan thời gian giữa phát ngôn và hành động

Động từ “dẹp” nằm trong câu nói “Chống tham nhũng, ai nhụt chí thì dẹp sang bên để người khác làm”. Câu nói này lại hiện ra trong ngữ cảnh ông Trọng chủ trì một cuộc họp để “nghe báo cáo tổng hợp kết quả kiểm tra của 5 đoàn kiểm tra của Ban Bí thư, kiểm tra 10 tỉnh và 5 cơ quan Trung ương về việc tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” vào ngày 10/4/2018.

Cũng là lần đầu tiên Nguyễn Phú Trọng công khai bày tỏ thái độ sốt ruột và bực tức trước tốc độ “chống tham nhũng” được các cơ quan triển khai như rùa.

Khác khá nhiều với quy trình thần tốc xử lý cựu ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng khi chỉ mất 3 tháng kể từ lúc bắt cho đến lúc kết mức án đầu tiên (13 năm tù giam) đối với ông Thăng, vụ Vũ “Nhôm” cũng đã trải qua 3 tháng kể từ khi Thượng tá tình báo công an Phan Văn Anh Vũ bị dẫn độ từ Singapore về Hà Nội vào đầu tháng Giêng năm 2018, nhưng cho đến khi ông Trọng phát ra câu “ai nhụt chí thì dẹp sang bên để người khác làm”, chuyên án thuộc loại đại án quốc gia về kinh tế và chính trị này có vẻ vẫn như “rùa bò”, cho dù trước tết nguyên đán 2018 đã có tin sẽ bắt bớ hàng loạt tướng tá công an liên quan đến Vũ “Nhôm”.

Đến tháng Tư năm 2018, có vẻ sự kiên nhẫn của ông Trọng đã hết. Hãy lưu ý, khoảng thời gian từ lúc phát ra động từ “dẹp” cho đến vụ bắt tướng tình báo công an Phan Hữu Tuấn chỉ một tuần lễ.

Vào năm ngoái, đã có một tiền lệ về tương quan thời gian giữa phát ngôn và hành động của ông Trọng.

Đầu tháng Tám năm 2017, không biết có phải bất thần hưng phấn do Trịnh Xuân Thanh “tự nguyện về nước đầu thú” (trong khi Nhà nước Đức tuyên bố Trịnh Xuân Thanh bị mật vụ Việt Nam bắt cóc ngay tại Berlin) hay không, ông Trọng đã xuất thần câu “Lò đã nóng lên rồi thi củi tươi đưa vào cũng phải cháy”. Chỉ vài hôm sau, một đại gia được coi là “tay hòm chìa khóa” của Nguyễn Tấn Dũng thời còn là thủ tướng - Trầm Bê - đã bị khởi tố và bắt giam.

Bắt Trầm Bê là thông điệp báo tử đầu tiên mà Nguyễn Phú Trọng gửi đến nhóm “tham nhũng thời kỳ trước”. Sau đó là hàng loạt cái tên của giới quan chức Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, kể cả thủ hạ đắc lực của Nguyễn Tấn Dũng là “cá mập” Đinh La Thăng.

Phát ngôn và tâm trạng

Nhưng vẫn có một lần “Người đốt lò vĩ đại” - tụng danh mà Đài Tiếng nói Việt Nam dành riêng cho ông Trọng - tỏ ra xuôi xị đáng kinh ngạc. “Quan trọng là nhắc đừng có nhúng chàm nữa và đã trót nhúng rồi thì phải sửa” - ông Trọng nói với vẻ ủ ê trước cử tri Hà nội (cũng những cử tri ấy, những khuôn mặt quen thuộc như được “quy hoạch” cho mỗi lần đại biểu quốc hội Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri) vào tháng Mười Một năm 2017, tức sau hội nghị trung ương 6 mà chỉ đạt được kết quả kỷ luật duy nhất là “diệt ruồi Nguyễn Xuân Anh”.

Khi đó, mặc dù chưa có được tụng danh “Người đốt lò vĩ đại’, nhưng ông Trọng đã được vài ba văn sĩ cận thần xưng tụng là “Minh quân” và “Bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo”. Thế nhưng với cảnh xuôi xị trên, ông Trọng đã khiến cho một bộ phận không nhỏ cán bộ lão thành, công chức và người dân vốn còn nặng tâm lý “theo đảng, tin đảng” có thể một lần nữa vỡ tim vì thất vọng về “quyết tâm của Tổng bí thư”.

Nếu đối chiếu với “Lò đã đốt lên rồi thì củi tươi đưa vào cũng phải cháy”, phát ngôn trên đã làm lộ ra tình cảnh xuống dốc ghê gớm của khẩu khí Nguyễn Phú Trọng.

Còn bây giờ thì sao?

Nếu phát ngôn “Lò đã đốt lên rồi thì củi tươi đưa vào cũng phải cháy” vào tháng Tám năm 2017 thể hiện một quyết tâm dù tự tin nhưng có phần cảm tính trong khi thiếu những cơ sở thực tế, mà khoảng thời gian 3 tháng sau đó đã chứng minh là tình hình “củi lửa” vẫn khá èo uột, thì với phát ngôn “Chống tham nhũng, ai nhụt chí thì dẹp sang bên để người khác làm” 8 tháng sau đó, tâm thế tự tin đã được củng cố hơn hẳn bởi tâm lý… gia trưởng.

Hẳn đó phải là cách nói mang tính gia trưởng của một người đã đủ tự tin cầm chắc quyền thế trong tay, và do đó mới có thể nói với các thuộc cấp và cả với các ủy viên bộ chính trị bằng lối vừa răn dạy vừa đe nẹt theo cách “cha dạy con” như thế.

Lối nói trên là có nét tương đồng và còn tự tin hơn cả câu nói vui “từ thuở bé đến giờ mới được dự họp chính phủ” khi Nguyễn Phú Trọng “tự chủ trì” phiên họp chính phủ kéo dài hai ngày vào tháng Mười Hai năm 2017 - một hành động gần như chưa có tiền lệ trong mối quan hệ Tổng bí thư - thủ tướng ở các đời trước.

“Chống tham nhũng, ai nhụt chí thì dẹp sang bên để người khác làm” còn cho thấy sự sốt ruột của ông Trọng một phần xuất phát từ việc ông đang phải chịu một áp lực lớn về yếu tố mục tiêu và thời đoạn để hoàn tất từng mục tiêu - bao gồm mục tiêu chiến thuật trong ngắn hạn và mục tiêu chiến lược trong trung hạn.

Những mục tiêu đó là gì? Và thời gian cần thiết dành cho chúng là bao lâu?

Một chiến dịch bắt bớ mới

Nếu vào năm 2016 khi Nguyễn Phú Trọng vẫn chưa chứng minh được ông có thể thoát được sự bất lực tự thân bằng cách nào, đã chẳng có nhiều quan chức tham nhũng và đối thủ chính trị của ông Trọng quan tâm với tâm trạng hồi hộp lẫn run rẩy đến những mục tiêu của ông.

Nhưng bây giờ thì khác hẳn. Không chỉ rất nhiều quan chức “nhúng chàm” mà có lẽ cả những quan chức cận thần của Nguyễn Phú Trọng cũng rất cần biết hoặc rất muốn phán đoán về những nước đi và nước cờ chính trị sắp tới hoặc xa hơn - đại hội 13 - của ông Trọng. Chỉ đơn giản là gần như bất cứ quyết định nào của ông Trọng trong tương lai cũng có thể tác động hoặc tích cực hoặc tiêu cực đến một số người nào đó.

Kể từ tháng Tám năm 2017, Nguyễn Phú Trọng đã bước đầu thành công trong ý chí khuấy đảo trạng thái từ “trên nóng dưới không thể lạnh” đến “trên nóng dưới cũng nóng theo”. Những vụ án hoặc chuyên án gần đây về Đinh La Thăng, Vũ “Nhôm”, “Mobifone muan AVG”, bắt tướng công an, kế hoạch “thay máu” Bộ Công an và làn sóng kỷ luật và bắt bớ quan chức sai phạm về điều hành hoặc tham nhũng đã dần lan từ trung ương xuống nhiều tỉnh thành… chỉ là một ít cảm xúc đầu tiên trong cơn hưng phấn “bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo” và “đi vào sử xanh” của Nguyễn Phú Trọng.

Đến giờ này, đã hình thành một quy luật: thời điểm và mức độ sử dụng động từ mạnh của Nguyễn Phú Trọng thường kéo theo gần như ngay lập tức một cuộn khói mới và hầm hập trong “lò” của ông.

Phát ngôn “Chống tham nhũng, ai nhụt chí thì dẹp sang bên để người khác làm” ngay trước mắt sẽ là một quyết tâm thể hiện những quyết định cứng rắn chưa từng có ở con người Nguyễn Phú Trọng, cùng những đòn ra tay chính trị nghiệt ngã và sắt đá mà trước đây người ta khó có thể hình dung ông Trọng sẽ là như vậy.

Phát ngôn trên cũng mở đường cho một chiến dịch bắt bớ mới trước Hội nghị trung ương 7 và hoàn tất chương trình “chống tham nhũng” trong 6 tháng đầu năm 2018.

Hiện tượng chính trị - xã hội đáng lưu ý trong thời gian gần đây là đã xuất hiện vài ba quan chức tham nhũng cấp thấp treo cổ hoặc nhảy lầu - bắt đầu đồng điệu với làn sóng quan chức tham nhũng phải tự sát ở Trung Quốc từ năm 2012.

Nhưng phía trước vẫn là nhiều ẩn số, kể cả ẩn số trong tự thân Nguyễn Phú Trọng khi ông sẽ phải tự mày mò xem mình thực sự muốn gì và làm thế nào để đạt được ý muốn ấy.


Phạm Chí Dũng
Blog VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad