Thông tin trên đưa ra giữa lúc báo chí trong nước cho hay, ông Thanh bất ngờ rút kháng cáo kêu oan về án 14 năm tù và chung thân của mình ngay trước khi diễn ra phiên xử phúc thẩm vào ngày 7/5. Nguyên nhân được truyền thông trong nước đưa ra là “vì lý do sức khỏe”, trong khi Reuters dẫn lời luật sư ông Thanh, rằng, ông Thanh không hề có vấn đề gì về sức khỏe mà chỉ hủy "vì một vấn đề nhạy cảm."
Theo tờ TAZ, ông Lê Hồng Quang là một cựu du sinh ở Slovakia (trước gọi là Tiệp Khắc). Sau khi tốt nghiệp vào những năm 1980, ông Quang mở một công ty du lịch, rồi trở thành người đứng đầu Phòng Thương mại Slovakia - Việt Nam. Ông Quang có quốc tịch Slovakia và đã làm việc cho chính phủ Slovakia nhiều năm. Ông từng giữ vai trò cố vấn cho cựu Thủ tướng Robert Fico trong lĩnh vực ngoại thương.
Sau khi Slovakia mở đại sứ quán tại Hà Nội, ông trở thành Tham tán Thương mại Đại sứ quán nước này tại Việt Nam.
Cựu Chủ tịch HĐQT PetroVietnam Trịnh Xuân Thanh bị áp giải ra tòa án ở Hà Nội vào ngày 8/1/2018. |
Tuần trước, báo Đức Frankfurter Allgemeine Zeitung loan tin Việt Nam có thể đã sử dụng máy bay của Slovakia để vận chuyển cựu lãnh đạo của tập đoàn dầu khí bị Việt Nam truy nã. Phía Đức nói ông Thanh bị bắt cóc tại một công viên ở Berlin hồi tháng 7 năm ngoái khi đang xin tị nạn tại đây, còn Hà Nội khẳng định ông này tự ra đầu thú.
Theo TAZ, chuyến bay chở 4 người gồm: Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam, Trung tướng Đường Minh Hưng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, một quan chức an ninh cấp cao và một người hộ tống đã từ Paris hạ cánh xuống sân bay Praha ở thủ đô Cộng hòa Séc vào ngày 26/7/2017.
Theo lịch trình, các quan chức Việt Nam sẽ đến Vienna, Áo, rồi từ đó sang Bratislava, thủ đô Slovakia, để làm việc với Bộ Nội vụ nước này.
Tuy nhiên, lịch trình này đã bất ngờ thay đổi vào ngày cuối trước khi cuộc họp diễn ra, khi Slovakia đã chuẩn bị sẵn sàng xe limousine để đón các quan chức Việt Nam.
Phía Việt Nam nói muốn được đón tại Praha để sau đó bay tới Moscow vì Bộ trưởng Tô Lâm có cuộc họp tiếp theo tại đây. Do đó, Slovakia đã cung cấp cho phái đoàn Việt Nam chiếc chuyên cơ Airbus A319 của chính phủ để phục vụ cho việc đi lại.
Báo chí Đức nói, ông Thanh đã bị bắt vào một chiếc xe VW 7 chỗ ngồi vào ngày 23/7/2017 tại Tiergarten ở Berlin.
3 ngày sau khi ông này bị bắt cóc, 4 giới chức Việt Nam đã bay từ Praha đến Bratislava trên chiếc Airbus A319 của chính phủ Slovakia. Các quan chức hai bên đã có một cuộc họp tại khách sạn Borik.
Vào thời điểm này, các nhà điều tra tin rằng ông Thanh vẫn đang có mặt tại châu Âu.
Trong khi đó, hệ thống định vị trên chiếc xe được cho là chở những người đàn ông Việt Nam tham gia vào vụ bắt cóc đã đậu ngay gần khách sạn của chính phủ.
Bộ trưởng Công an Tô Lâm. |
Nhật báo TAZ đưa tin, tại cuộc họp với các quan chức Việt Nam ở khách sạn Borik có sự hiện diện của Bộ trưởng Nội vụ Robert Kalinak (đã từ chức), 2 bộ trưởng khác và một người Việt Nam tên Lê Hồng Quang. Tuy nhiên, vai trò của giới chức gốc Việt này cụ thể ra sao trong cuộc họp lại không được nêu rõ.
Vào tháng 8 năm ngoái, sau khi Đại sứ Slovakia Igor Pacolak kết thúc nhiệm kỳ tại Hà Nội, ông Quang được giao làm Đại biện lâm thời của sứ quán Slovakia tại Việt Nam. Báo chí Việt Nam đưa tin, ông Quang sẽ sớm được bổ nhiệm làm đại sứ Slovakia tại Hà Nội, theo lời khẳng định của Thủ tướng Peter Pellegrini với Chủ tịch nước Trần Đại Quang trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 11 năm ngoái.
Theo tờ TAZ, ông Lê Hồng Quang chính là người đứng đằng sau mối quan hệ “tốt đẹp” giữa Slovakia và Việt Nam.
Vẫn theo nhật báo này, “Kể từ khi ông Lê Hồng Quang trở thành người nhà ngoại giao đứng đầu tại Hà Nội, một mối nghi ngờ mới nổi lên: bất cứ ai muốn nhận được thị thực du lịch ở Slovakia đều phải trả 3.000 euro”. Mức phí này được cho biết còn cao hơn nhiều nếu muốn xin visa đi lao động ở Slovakia. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Slovakia từng bác bỏ cáo buộc này, theo Slovak Spectator.
Sau khi bị truyền thông cáo buộc “tiếp tay” cho Việt Nam trong vụ bắt cóc ông Thanh, chính phủ Slovakia lên tiếng phủ nhận có đóng bất cứ vai trò nào trong vụ việc này. Bộ trưởng Nội vụ Kalinak khẳng định không có tên của người bị bắt cóc trong danh sách hành khách trên máy bay. Reuters tuần trước đưa tin, Bộ Ngoại giao Slovakia hôm 3/5 đã triệu tập đại sứ Việt Nam lên làm việc để làm rõ.
Tờ TAZ nói không thể tìm thấy bất cứ thông tin nào về cuộc họp của Bộ trưởng Công an Việt Nam tại Moscow, lý do dẫn đến việc Slovakia cho các quan chức Việt Nam mượn máy bay.
Ông Thanh xuất hiện trở lại trên truyền hình Việt Nam vào ngày 3/8 trong các bản tin nói ông tự nguyện ra đầu thú.
Cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) bị cáo buộc cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tham ô tài sản. Ông Thanh đã bị tuyên hai bản án 14 năm tù và chung thân và đã kháng án.
Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Văn Quynh, người bào chữa cho ông Thanh, cho Reuters biết rằng cựu quan chức này "quyết định không kháng án bắt đầu từ hôm nay, và cũng quyết định rút lui khỏi một phiên kháng án nữa sắp tới trong năm."
Luật sư Quynh nói với Reuters, thân chủ mình “không có vấn đề về sức khỏe”. “Lần cuối cùng tôi gặp ông ấy, ông ấy vẫn khỏe mạnh”, Luật sư Quynh nói với hãng tin Anh mà không giải thích thêm.
Hiện phiên tòa xét xử những người tham gia và có liên quan đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh vẫn đang diễn ra tại Đức.
Trong phiên xét xử ngày 7/5, ngoài Nguyễn Hải Long, người bị cáo buộc là mật vụ tham gia trực tiếp vụ bắt cóc, còn có sự hiện diện của bà Trần Dương Nga, vợ của ông Trịnh Xuân Thanh.
VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét