Đây sẽ là nhóm viên chức thứ hai của Slovakia được “mở khóa” để tiết lộ các tình tiết về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh nếu như dự tính của Tổng công tố Jaromír Čižnár trở thành hiện thực.
Trước đó, 14 cảnh sát hộ tống phái đoàn quan chức Việt Nam trong chuyến công tác tại Slovakia đã được tân Bộ trưởng Nội vụ Slovakia cho phép cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra, dẫn đến nhiều tình tiết về “quy trình” áp tải Trịnh Xuân Thanh tại Slovakia được tiết lộ.
Theo cáo buộc của các nhà điều tra Đức, trong chuyến công du Slovakia vào mùa hè năm ngoái, đoàn quan chức cấp cao Việt Nam, đứng đầu là Bộ trưởng Công an Tô Lâm, đã sử dụng chuyên cơ mượn của chính phủ để áp tải Trịnh Xuân Thanh sau khi bắt cóc ông này ở Berlin.
Chính phủ Slovakia hiện đang đối mặt với nhiều chỉ trích và cáo buộc cho rằng đã tiếp tay với mật vụ Việt Nam để thực hiện vụ bắt cóc như thời chiến tranh Lạnh. Nghị viện và các cơ quan chính phủ Slovakia buộc phải “vào cuộc” để điều tra và chứng minh sự trong sạch của mình, sau khi phía Đức đã đưa ra nhiều bằng chứng và tuyên án bị cáo đầu tiên trong vụ này, là Nguyễn Hải Long với án tù 3 năm 10 tháng.
Hôm 13/8, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Cơ quan Tình báo thuộc Nghị viện Slovakia, Nghị sĩ Gábor Grendel, phủ nhận vai trò của tình báo Slovakia trong vụ bắt cóc. Ông nói với báo giới nước này rằng cơ quan tình báo Slovakia “không giấu bất cứ thông tin nào” và “không tham gia” vào vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.
“Nếu có bất kỳ sơ suất nào, thì chỉ có thể là ở phía Bộ Nội vụ,” nhật báo SME dẫn lời ông Grendel nói.
|
“Ngay vào thời điểm biết được thông tin, cơ quan tình báo đã gửi đi cho tất cả các cơ quan liên quan”, tờ Spectator dẫn lời ông Grendel nói tại buổi họp bất thường diễn ra trong hai ngày liên tiếp (9-10/8) tại Nghị viện Slovakia liên quan đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, với sự hiện diện của các ủy ban chuyên trách về tình báo và an ninh quốc phòng nước này.
Trả lời VOA về cáo buộc “không hợp tác với tình báo”, Bộ Nội vụ Slovakia hôm 14/8 cũng phủ nhận các cáo buộc và nói rằng yêu cầu tình báo hợp tác xác minh thông tin của một phái đoàn đi công cán như vậy là điều “bất thường”.
“Bộ Nội vụ bác bỏ các cáo buộc. Sẽ là điều bất thường khi yêu cầu cơ quan tình báo hợp tác tổ chức một chuyến đi như vậy”, người phát ngôn Bộ Nội vụ Petar Lazarov trả lời email của VOA.
Sau buổi họp ở nghị viện, Nghị sĩ Grendel nói rằng mối nghi ngờ về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đã trở nên gần như “chắc chắn”, và “không có con đường nào khác”, “chỉ có con đường Slovakia” để đưa công dân Việt Nam bị bắt cóc từ Đức ra khỏi châu Âu.
Ông Grendel nói vấn đề bây giờ không còn là câu hỏi về việc Trịnh Xuân Thanh có bị bắt cóc trên lãnh thổ của Slovakia hay không nữa, mà là các quan chức nước này có biết và tiếp tay trong vụ này hay không.
Theo ông, vì Bộ Nội vụ Slovakia là cơ quan duy nhất tổ chức chuyến đi của phái đoàn quan chức Việt Nam, nên chỉ có cơ quan này mới có thể làm rõ được lý do tại sao và làm thế nào vụ bắt cóc xảy ra trên lãnh thổ Slovakia.
Trả lời VOA hôm 14/8, Bộ Nội vụ Slovakia khẳng định “đang hợp tác hết sức với các đồng nghiệp Đức” trong việc điều tra vụ bắt cóc đã gây ra rạn nứt quan hệ ngoại giao giữa một số nước châu Âu và với Việt Nam.
Vụ bắt cóc đã khiến Đức dừng “quan hệ đối tác chiến lược” với Việt Nam, và đích thân Thủ tướng Đức Angela Merkel hồi tháng 5 lên tiếng yêu cầu Slovakia cung cấp thông tin liên quan đến sự can dự của nước này trong vụ bắt cóc.
Sau một thời gian bác bỏ có dính líu, Thủ tướng Slovakia tuần rồi nói sẽ “làm tất cả những gì có thể” để điều tra vụ này.
Tuy nhiên, theo lời Tổng công tố viên Slovakia, Jaromír Čižnár, hôm 13/8 cho biết phía Đức “không hứng thú với việc lập tổ điều tra chung” với Slovakia.
Trịnh Xuân Thanh, Nguyên Chủ tịch HĐQT của Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí PetroVietnam (PVC), bị bắt cóc trên đường phố ở Berlin hồi tháng Bảy năm ngoái, sau đó tái xuất hiện tại Việt Nam. Hà Nội nói ông Thanh tự nguyện về đầu thú, sau đó kết án ông Thanh 2 án tù chung thân vào đầu năm nay vì tội tham ô.
Khánh An
Blog VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét