Dẫu biết rằng các sự kiện nóng trên mạng xã hội cũng như các cơn sóng biển, tin cũ chồng lên tin mới rồi cuối cùng cũng đi vào quên lãng. Tuy nhiên vấn đề cộng động mạng không đồng tình vì Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, ông Ngô Văn Quý và lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội vì đã “thể hiện tình yêu thương đồng bào không đúng lúc, đúng chỗ” là điều tôi thấy rằng cần phải lên tiếng góp ý.
Ông Ngô Văn Quý đến thăm người điều trị tại bệnh viện do sốc ma túy trong đêm nhạc "du hành tới mặt trăng" |
Nếu bỏ qua yếu tố ma túy, thì đây là một cách làm hoàn toàn mới của lãnh đạo Hà Nội, là điều chưa từng thấy. Đây là hành động mang tính nhân văn đẫm tình người và là điều đáng khuyến khích của lãnh đạo Hà Nội trước những sự cố hy hữu, đáng tiếc không ai muốn.
Trong bất kỳ xã hội nào cũng vậy, viên chức nhà nước hay người làm công, mỗi người đều có chức sự cụ thế của họ khi nhận đồng lương. Như thầy giáo có chức sự dạy học, bác sĩ có chức sự chữa bệnh, cảnh sát có chức sự bảo vệ pháp luật... và cũng như thế, lãnh đạo có chức sự chịu trách nhiệm trước nhà nước trong công việc của họ được phân công. Đã là chức sự thì bắt buộc họ phải thực hiện, không có ngoại lệ.
Cụ thể ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội là người quản lý, là người phải chịu trách nhiệm trước nhà nước về vấn đề này. Chính vì thế, ông Quý bắt buộc phải xuất hiện để thể hiện tinh thần chịu trách nhiệm về vụ việc đáng tiếc đó. Việc Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội thăm hỏi, động viên tinh thần các bệnh nhân dù mang tính hình thức, nhưng nhằm để thể hiện trách nhiệm của chính quyền Hà Nội.
Vấn đề sử dụng buôn bán chất ma túy là vấn nạn đối với mỗi gia đình, mỗi cộng đồng hay mỗi quốc gia, mà vấn đề ma túy là vấn đề toàn cầu. Nguy hiểm hơn, vấn nạn này đã trở thành trào lưu, là mode thời thượng trong mắt giới trẻ. Mà không chỉ duy nhất ở Việt Nam vấn đề sử dụng ma túy mới tràn lan, nếu so với Thái Lan thì ở Việt Nam việc sử dụng chất ma túy chỉ bằng một phần nhỏ của họ. Điều quan trọng hơn cả là thái độ của người dân đối với những người nghiện ma túy hết sức bình thường. Trong lúc ở Việt Nam người ta gọi những người nghiện ma túy là "bọn ngáo", "lũ nghiện" và xa lánh họ, thì ở Thái Lan hoàn toàn ngược lại. Nếu biết bạn mắc nghiện ma túy thì những người biết (kể cả không quen) vẫn tôn trọng bạn và dành cho bạn một lời động viên, khuyên bạn hãy giã từ - nói không với ma túy. Có được điều hết sức nhân văn ấy cũng tại vì, ở Thái Lan những người nghiện ma túy được coi là những người bệnh chứ không phải là những tội phạm. Nhà nước tạo mọi điều kiện chữa trị, cai nghiện và các điều kiện khác để họ có thể hòa nhập trở lại với cộng đồng.
Đây là một điểm hoàn toàn mới trong chính sách của nhà nước trong việc giải quyết vấn nạn ma túy. Điều đó khác với cách đây 18 năm, vào năm 2000 khi Thủ tướng Thacksin Shinawatra lên cầm quyền, để thực hiện lời hứa khi tranh cử với dân chúng thì một chiến dịch trấn áp tội phạm ma túy được phát động ngay lập tức. Tất cả các nghi can buôn bán, tàng trữ hay sử dụng ma túy nằm trong sổ đen ở Thái Lan khi ấy, lần lượt bị những kẻ "lạ mặt" gọi tên và bắn chết trong đêm. Song vấn nạn ma túy ở Thái Lan không vì thế mà sụt giảm, ngược lại ngày càng gia tăng. Ở Philippines hiện nay dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte cũng đang ở tình trạng tương tự như vậy. Những chuyên gia về phòng chống ma túy đúc rút một kinh nghiệm rằng, muốn kéo người nghiện ra khỏi vũng lầy ma túy thì gia đình và xã hội phải dùng tình thương yêu là hiệu quả nhất.
Trở lại việc các nạn nhân sốc ma túy đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, họ cũng chỉ là nạn nhân của một vấn đề lớn của toàn xã hội, hơn thế nữa ở thời điểm hiện tại họ là những nạn nhân vừa thoát khỏi thần chết. Vậy tại sao toàn xã hội không sẵn sàng giang cánh tay đón họ, tạo điều kiện cho họ trở về cuộc sống bình thường?
Về mặt luật pháp, ở Việt Nam không kỳ thị hay bỏ rơi người nghiện ma túy. Trong Luật phòng chống ma túy có quy định, “Cơ sở cai nghiện ma tuý phải tôn trọng danh dự, nhân phẩm, tính mạng, sức khoẻ, tài sản của người cai nghiện ma tuý” (Khoản 4, Điều 32 Luật phòng chống ma túy). Điều đó khẳng định rằng người nghiện ma túy không phải là tội phạm và phải được tôn trọng như người bình thường.
Trong một xã hội văn minh, thì việc đồng tình hay phản đối một vấn đề của xã hội là quyền tự do biểu đạt của mỗi người. Song có lẽ vấn đề thương người, yêu người hay nói rộng hơn là quý mạng người của người Việt Nam cũng nên xem xét lại. Cha ông ta đã dạy "thương người như thể thương thân" hay " Bầu ơi thương lấy bí cùng..." từ thủa vỡ lòng đấy thôi, và nếu bạn là người có đạo thì mọi tôn giáo đều dạy chúng ta yêu thương và chia sẻ.
Những người phản đối Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Ngô Văn Quý họ đã quên những điều sơ đẳng ấy. Chưa nói đến việc 7 người chết và 5 người hôn mê trong tình trạng dương tính với ma tuý tại Lễ hội Âm nhạc diễn ra ở công viên nước Hồ Tây, Hà Nội, đêm 16/9/2018 là một sự cố rất nghiêm trọng, mang tầm quốc gia. Để rồi họ phản đối cả tư thế đứng trịnh trọng của ông Ngô Văn Quý trước người bệnh. Xin hỏi ở địa vị ông Quý các quý vị chọn cho mình thế đứng nào là phù hợp? Lãnh đạo chính quyền họ trân trọng dân, thể hiện qua dáng đứng trịnh trọng các vị không muốn sao?
Hãy bình tâm lại, để hiểu rằng các vị đang sống trong một xã hội khốn kiếp, ở đó viên chức nhà nước coi các quý vị như cỏ rác, thì hành động của ông Ngô Văn Quý - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đi thăm hỏi các nạn nhân thật đáng trân trọng. Như LS. Trần Vũ Hải đánh giá rằng, "Người dân cần cám ơn Phó chủ tịch Quý của Hà nội, vì có thể mở đầu trào lưu “nhân văn và nhận trách nhiệm”của cán bộ lãnh đạo Việt nam, ít nhất ở địa phương Hà nội!".
Hãy đặt địa vị của quý vị là những người cha, người mẹ, người thân của những nạn nhân kể trên và những người nghiện ma túy nói chung thì chắc chắn quý vị sẽ có cách nghĩ khác.
Ngày 19 tháng 09 năm 2018
© Kami
Blog RFA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét