Năm 1978 là lúc Việt Cộng quay sang tôn thờ Liên Xô, chống Trung Cộng. Ông Hồ Ngọc Đại, con rể ông Lê Duẩn, người đã tuyên bố Liên Xô là tổ quốc thứ hai. Khi ông Lê Duẩn chết, phương pháp này cũng bị bỏ rơi, chỉ còn đem thử ở các tỉnh miền núi, để dạy trẻ em gốc dân tộc thiểu số.
Nhưng phương pháp đánh vần “Ba Cờ” có giá trị hay không?
Ông Nguyễn Thành-Trí, ở Sài Gòn, đã khẳng định: “Rất đáng tiếc chúng tôi phải nói… Hồ Ngọc Đại đã sai từ đầu, sai từ căn bản của tiếng Việt.” Ông Đại quên rằng tiếng Việt khác tiếng Nga một điểm căn bản: Tiếng Việt là tiếng đơn âm, tiếng Nga đa âm, “Tiếng Việt không cần phải sử dụng các ô vuông, hình tròn, hoặc hình tam giác làm phương pháp đếm số vần hay số âm tiết, gọi là counting syllables.”
Cho nên ông Hồ Ngọc Đại, muốn dạy học sinh mẫu giáo và lớp 1 biết được một khái niệm khoa học về Tiếng: “Tiếng là một khối âm toàn vẹn được tách ra từ chuỗi lời nói, thành từng tiếng rời và mô hình hóa dưới dạng các vật thay thế…” để “học sinh được học cách lấy các âm từ trong tiếng với các thao tác phân tích tiếng thành các đơn vị ngữ âm nhỏ nhất là âm vị…”
Như đã trình bày trong mục này, việc dạy cho các em 5, 6 tuổi các “khái niệm trong môn ngôn ngữ học” như trên là vô ích. Các sinh viên môn ngữ học cần phân tích như vậy, con người bình thường không ai cần biết mà vẫn nói được. Trẻ em Việt Nam từ thế kỷ nay cũng không cần biết các “khái niệm khoa học” đó mà vẫn tập đọc, tập viết được!
Ông Nguyễn Thành-Trí thấy tức cười khi nghe ông Hồ Ngọc Đại giải thích rằng nếu theo phương pháp “Ba Cờ,” “học sinh lại được tiếp tục rút ra các khái niệm khoa học từ các thao tác như phát âm, phân tích bằng tay, bằng miệng, nhận xét luồng hơi khi phát âm để nhận ra đâu là nguyên âm, đâu là phụ âm.”
Quả nhiên là tức cười. Trẻ em lớn lên nói tiếng Việt vì biết bắt chước, không ai cần những “khái niệm khoa học” như phát âm; cũng không ai cần phân tích, nhận xét luồng hơi khi phát âm” và không cần “nhận ra đâu là nguyên âm, đâu là phụ âm.” Nếu ai cũng cần học cho biết đủ các “khái niệm khoa học” đó thì 90 triệu người Việt Nam không ai biết nói, biết đọc tiếng Việt cả!
Tại sao chỉ muốn dạy trẻ tập đánh vần mà người ta lại “vẽ rắn thêm chân” như vậy?
Đây là một bệnh căn bản trong nếp suy nghĩ của đảng Cộng Sản Việt Nam: Tinh thần nô lệ và giáo điều.
Giáo điều, là học được một thứ gì rồi bèn coi đó là một chân lý cao siêu, chăm chắm đem ra thực hành, không suy trước nghĩ sau xem có thích hợp với hoàn cảnh xã hội nước mình hay không. Việt Cộng học được chủ nghĩa Cộng Sản, thấy Lenin và Stalin đã nhờ võ khí đó mà chiếm được chính quyền, thế là nhắm mắt chạy theo.
Từ óc giáo điều đẻ ra tinh thần nô lệ. Hồ Chí Minh nói nhiều lần: “Bác cháu chúng ta có thể lầm nhưng đồng chí Stalin không thể nào lầm được.” Ông Nguyễn Văn Chấn còn ghi lại câu đó trong hồi ký. Hồ nói thế để chứng minh ý mình nêu ra mới đúng là đường lối của Stalin; thế là bịt miệng tất cả các ý kiến khác.
Đại Học Lomonosov rất lớn, sản xuất nhiều nhà toán học và khoa học xuất sắc. Nhưng trong các khoa học nhân văn, như tâm lý, xã hội học, thẩm mỹ học, vân vân, thì các đại học ở Liên Xô trở thành lạc hậu vì hòa toàn bị đảng Cộng Sản kiểm soát tư tưởng. Ngôn ngữ học mà chịu nô lệ theo giáo điều thì cũng khó tin.
Một cách để xác tín các phương pháp ngôn ngữ học, là đem ra thí nghiệm. Nhưng phương pháp “Ba Cờ” có được thử thách trước khi đem áp dụng trên 800,000 trẻ em hay không? Hoàn toàn không có. Ông Phùng Hoài Ngọc (trên VNTB) viết: “Tôi rất ngạc nhiên vì sao một chương trình thực nghiệm kéo dài đến 40 năm mà không có tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm …?”
Tin tưởng vào kiến thức học ở Liên Xô, nhắm mắt không nghĩ đến căn bản tiếng Việt khác tiếng Nga, đó là do óc bảo thủ, giáo điều, và nô lệ. Theo ông Nguyễn Thành-Trí, ông Hồ Ngọc Đại còn yêu cầu thầy cô giáo dạy học sinh nhỏ học lớp vỡ lòng cũng phải “hướng dẫn các em học thuộc lòng theo bốn mức độ: to, nhỏ, nhẩm, thầm; để các em khắc sâu hơn lời nói.” Đây đúng là phương pháp dạy nói cho người nước ngoài, không biết tiếng Việt!
Ông Hồ Ngọc Đại còn nói rằng theo phương pháp Công Nghệ Giáo Dục của ông, “phụ huynh không dạy được con cháu” tập đọc được. Và, “cá nhân là tế bào của xã hội chứ không phải gia đình.” Chế độ Cộng Sản khắp thế giới đều phá nát hệ thống gia đình, ở Nga hay ở Tàu đã làm vậy. Khi đó, đảng Cộng Sản thống trị dân chúng dễ hơn.
Nhưng sau khi Liên Xô sụp đổ cùng với các tín điều Cộng Sản, tại sao nền giáo dục Việt Nam vẫn tiếp tục đem trẻ em ra làm thí nghiệm? Không những thế, còn mở rộng ra gần 1,500 trường trên toàn quốc?
Động cơ mới, là kinh tế thị trường! Nói vắn tắt: Tiền.
Theo ông Nguyễn Quang Duy ở Úc, những “nhóm lợi ích tư” đã lũng đoạn thị trường giáo dục Việt Nam, trong đó có việc bán sách. Ông cho biết, “Tại Úc học sinh tiểu học không sử dụng sách giáo khoa.” Nhưng sách giáo khoa là một nguồn kiếm tiền lớn ở Việt Nam.
Trong khi các quan chức Bộ Quốc Phòng, Bộ Xây Dựng, có thể chiếm đất hoặc biến đất công thành của riêng, các bộ kinh tế, tài chánh tha hồ ăn hối lộ, thì trong Bộ Giáo Dục sách giáo khoa cũng là “đất” cho các nhóm quyền lợi tư khai thác!
Báo Người Việt cho biết năm ngoái một nửa số sách bán trong nước là sách giáo khoa; và “dường như Nhà Xuất Bản Giáo Dục cố tình tạo ra cơn khan hiếm sách khiến phụ huynh phải chạy vạy, lùng sục khắp các nhà sách.” Mỗi năm “các phụ huynh phải tốn 1,000 tỷ đồng (hơn $43.1 triệu) để mua sách giáo khoa cho con em dùng một lần.” Sang năm chi thêm $43 triệu khác!
Vì vậy, Bộ Giáo Dục Cộng Sản Việt Nam đã thay sách giáo khoa lần thứ nhất năm 1981-1992. Vừa xong, Tháng Mười, 1993, Bộ Giáo Dục lại làm đã làm bộ sách giáo khoa thứ hai 1996-2008, nhờ vay $78 triệu từ Ngân Hàng Thế Giới.
Bộ sách giáo khoa thứ hai vừa xong năm 2008 thì Bộ Giáo Dục lại bắt đầu thực hiện đề án đổi mới chương trình và thay sách giáo khoa một lần nữa. Năm 2000, Quốc Hội quy định cả nước chỉ dùng chung một bộ sách giáo khoa và Bộ Giáo Dục chiếm độc quyền in và bán sách cũng như xin viện trợ quốc tế.
Ông Nguyễn Quang Duy nhắc lời ông Hồ Ngọc Đại nói, “chính cựu Bộ Trưởng Phạm Vũ Luận và Bộ Trưởng Phùng Xuân Nhạ, cùng Thứ Trưởng Nguyễn Vinh Hiển ủng hộ ông ‘lách luật’ bằng cách đặt tên chương trình dùng sách của ông sách chỉ là ‘thực nghiệm!’”
Các báo trong nước cho biết sách học tiếng Việt lớp Một của ông Hồ Ngọc Đại bán đắt gấp ba lần sách thường. Chỉ riêng năm học 2018-2019 có 800,000 học sinh được dạy thí điểm. Mỗi bộ sách Tiếng Việt 1 Công Nghệ Giáo Dục giá 340,000 đồng (hơn $14) nếu 800,000 phụ huynh phải bỏ ra mua sách thì đã lên đến 272 tỷ đồng (gần $12 triệu). Những ai được chia nhau hưởng món tiền đó?
Ông Duy nêu vấn đề then chốt: “Mọi sách giáo khoa kể cả tài liệu Tiếng Việt Công Nghệ Giáo Dục đều được soạn từ ngân quỹ quốc gia;” cho nên “lẽ ra mọi người được quyền in để sử dụng, việc độc quyền xuất bản rồi bán như hiện nay là hoàn toàn sai trái!” Đây cũng là thắc mắc của tất cả mọi người Việt Nam.
Đảng Cộng Sản bắt đầu là một nhóm cướp chính quyền để áp đặt một chế độ nô lệ giáo điều, củng cố quyền lực. Khi phong trào Cộng Sản tan rã, họ “đổi mới” để biến thành những nhóm quyền lợi riêng tư thao túng mà kiếm tiền!
Dân tộc Việt Nam đã bị đem ra làm vật thí nghiệm cho chủ nghĩa Cộng Sản. Bây giờ ngay trong việc giáo dục trẻ em Việt Nam vẫn bị đem làm vật thí nghiệm!
Ngô Nhân Dụng
Người Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét