Hai lần ‘vi phạm trực tiếp’
Ngay sau vụ nhà hoạt động nhân quyền Lê Đình Lượng bị Tòa án Nghệ An kết án 20 năm tù và 5 năm quản chế, EU lập tức tuyên bố bản án này “đã tiếp nối xu hướng tiêu cực trong việc đàn áp các nhà hoạt động ôn hòa tại Việt Nam”, và “Ông Lê Đình Lượng đã ủng hộ một cách ôn hòa cho sự thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền như đã được đảm bảo trong Hiến pháp Việt Nam, Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế và các công ước quốc tế khác mà Việt Nam đã ký kết tham gia, trong đó có Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị. Vì việc kết án trên là một sự vi phạm trực tiếp đối với các nghĩa vụ quốc tế này, Liên minh châu Âu mong muốn rằng các cơ quan thẩm quyền Việt Nam trả tự do ngay lập tức đối với ông Lê Đình Lượng cũng như tất cả các blogger và các nhà hoạt động nhân quyền khác hiện đang bị phạt tù vì đã biểu đạt quan điểm của mình một cách ôn hòa”.
Tuyên bố trên được nêu ra bởi Phái đoàn Liên Minh châu Âu với sự đồng thuận của các đại sứ các Quốc gia thành viên Liên minh châu Âu tại Việt Nam.
Vào đầu tháng Tư năm 2018, sau khi Hội đồng xét xử của một tòa án ở Việt Nam - dù không đủ chứng cứ nên phải suy diễn theo hướng quy chụp có tội - vẫn giáng một bản án đến 66 năm đối với 6 thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ, trong đó riêng Luật sư Nguyễn Văn Đài bị giáng án đến 15 năm tù, EU đã phản ứng cứng rắn chưa từng có.
“Những bản án mà Tòa Hà Nội tuyên cho 6 nhà hoạt động dân chủ Việt Nam vào ngày 5 tháng tư là sự vi phạm trực tiếp những nghĩa vụ quốc tế mà chính Hà Nội cam kết; cũng như Liên Minh Châu Âu mong muốn được tôn trọng đầy đủ. Liên Minh Châu Âu mạnh mẽ cam kết bảo vệ những nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền khắp nơi trên thế giới. Chúng tôi sẽ tiếp tục giám sát và làm việc với các cơ quan chức năng và những đối tác liên quan nhằm cải thiện tình hình nhân quyền tại Việt Nam” - tuyên bố của Phát ngôn nhân Maja Kocijancic của EU phát đi từ Bruxelles.
Bruxelles lại là thủ phủ của EU - nơi mà các quan chức cao cấp của Việt Nam như Phó thủ tướng Vương Đình Huệ và Bộ trưởng công thương Trần Tuấn Anh liên tục đến để “vận động EU linh hoạt sớm phê chuẩn EVFTA” trong năm 2017 và đầu năm 2018.
Hoàn toàn trái ngược với lối quy chụp “tuyên truyền chống nhà nước” và “âm mưu lật đổ chính quyền” của chính thể Việt Nam đối với Hội Anh Em Dân Chủ, tổ chức xã hội dân sự này đã làm được nhiều hơn bất cứ tổ chức xã hội dân sự nào khác, và hơn hẳn toàn bộ khối tổ chức hội đoàn nhà nước như Mặt trận Tổ quốc, Tổng liên đoàn Lao động, Đoàn Thanh niên cộng sản… trong mục tiêu hỗ trợ ngư dân và giáo dân 4 tỉnh miền Trung đòi lại công lý và tiền đền bù sau thảm họa xả thải ô nhiễm môi trường do Formosa gây ra vào hai năm 2016 và 2017.
Nếu Formosa đã trở thành một chủ đề quốc tế và được nhiều tổ chức môi trường lẫn chính phủ một số nước và báo chí quốc tế đặc biệt quan tâm, số phận những lãnh đạo Hội Anh Em Dân Chủ bị công an Việt Nam tống giam cũng bởi thế được quốc tế quan tâm không kém - theo tiêu chí các giá trị dân chủ và nhân quyền trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị.
‘Cáo trạng nhân quyền’
Chi tiết ngoại giao đáng chú ý là trong tuyên bố của EU vào tháng Tư năm 2018 và tháng Tám năm 2018 đã không còn những từ ngữ “lo ngại” hay “quan ngại” như một cách biểu lộ phản ứng nhẹ nhàng hoặc vừa phải, mà là lời lẽ cứng rắn - thậm chí còn cứng rắn hơn cả mức độ cứng rắn trong bản nghị quyết về vấn đề nhân quyền Việt Nam - mang số hiệu 2016/2755 (RSP) mà Nghị viện châu Âu tung ra vào tháng 6/2016, vào lúc chính quyền Việt Nam bắt đầu một chiến dịch đàn áp khốc liệt kéo dài 17 tháng liên tiếp đối với giới đấu tranh nhân quyền ở quốc gia “lệ rơi hình chữ S” này.
Sau nhiều năm giữ ôn hòa với chính quyền Việt Nam và thậm chí còn bị cho là khá mềm yếu trước quá nhiều vi phạm nhân quyền, từ giữa năm 2016 đến nay EU ngày càng quan tâm đặc biệt đến chủ đề nhân quyền cho Việt Nam và nói thẳng đây là một trong những điều kiện bắt buộc, để nếu Việt Nam không chịu cải thiện nhân quyền thì sẽ không có cơ hội nào có được EVFTA.
Từ nửa cuối năm 2016 đến nay, vai trò đối thoại nhân quyền đã chuyển dần từ Hoa Kỳ sang EU. Một số nghị sĩ của EU đến Hà Nội làm việc về EVFTA và luôn kèm dẫn những điều kiện về nhân quyền - vấn đề trước đây chỉ là yếu tố phụ thì nay đã trở thành một trọng tâm của EVFTA. Đặc biệt là vai trò của Nhà nước Đức khi đàm phán với Việt Nam không chỉ về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh mà cả về tù nhân lương tâm và quyền tự do xuất cảnh của những người bất đổng chính kiến đang nằm trong ‘nhà tù lớn’.
Nhưng trong nguyên năm 2017, chủ đề nhân quyền đã hoàn toàn không được Việt Nam quan tâm và phản hồi. Thậm chí ngược lại, nhà cầm quyền Việt Nam còn bắt giam đến gần ba chục người bất đồng chính kiến vào năm đó - một “thành tích” tương đương với thời kỳ “khủng bố trắng” từ năm 2008 đến năm 2012.
Kết quả hầu như là con số 0 của Đối thoại nhân quyền EU - Việt Nam vào tháng 12/2017 cùng bản nghị quyết nhân quyền đầy sắc thái cứng rắn của Quốc hội EU trong cùng tháng đó đã cho thấy châu Âu không còn chấp nhận tư thế dễ bị “ăn hiếp” bởi giới chóp bu Việt Nam quá quen mặc cả nhân quyền đổi lấy lợi ích thương mại, đồng thời dựng lên một bức tường đủ cao trước Hà Nội nếu muốn đạt được EVFTA.
Với tuyên bố về việc chính thể Việt Nam đã ‘vi phạm trực tiếp’ đối với những công ước quốc tế mà Việt Nam đã ‘cái gì cũng ký, miễn được lợi và được tiếng’, trong đó có Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị với những cam kết rất cụ thể về quyền tự do biểu đạt, tự do ngôn luận và tự do báo chí, có thể thấy EU đang dần hình thành một hồ sơ ‘cáo trạng’ đối với giới chóp bu Hà Nội để có thể đưa ra ‘truy tố’ trong không bao lâu nữa, đặc biệt trong bối cảnh vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh vẫn chưa nhận được bất kỳ một lời xin lỗi hay cam kết ‘sẽ không tái phạm’ nào từ Hà Nội.
Sẽ điều trần ‘ba bên’ về nhân quyền?
Dự kiến trong hai tháng Mười và Mười Một năm 2018, bản dự thảo Hiệp định EVFTA, sau khi đã kết thúc quá trình rà soát pháp lý mất đến hai năm rưỡi thay vì chỉ 6 tháng như thông thường, sẽ được Ủy ban thương mại quốc tế châu Âu đưa ra để xem xét có ký kết với Việt Nam hay không, hoặc nếu ký thì sẽ cần xem xét một cách đặc biệt đến những điều kiện nhân quyền lồng trong bản hiệp định này như thế nào.
Một cuộc điều trần về tình hình nhân quyền Việt Nam cũng rất có thể sẽ được Ủy ban thương mại quốc tế châu Âu tổ chức với sự có mặt của ba bên: EU, Bộ Công tương Việt Nam và một vài nhà hoạt động nhân quyền từ Việt Nam.
Chính vào lúc này, quá nhiều khó khăn kinh tế đã tích tụ và chồng chất để trở thành nỗi bế tắc được định dạng ngay trên gương mặt thất thần của đảng Cộng sản. Nếu không khẩn cấp tìm ra lối thoát kinh tế và tài chính bằng EVFTA, chẳng mấy năm nữa đảng sẽ sạch tiền, sẽ không còn tiền nuôi đội ngũ công chức viên chức ‘còn đảng còn mình’ lên đến gần 3 triệu người, cùng một lực lượng vũ trang và bán vũ trang hoặc chỉ biết đàn áp quyền làm người của dân chúng, hoặc chỉ lo làm ‘kinh tế quốc phòng’ mà chẳng hề bảo vệ ngư dân Việt trong lúc tàu Trung Quốc hùng hổ tấn công, hành hung và bắn giết.
Phạm Chí Dũng
Blog VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét