Ông Đỗ Mười (trái) và ông Lê Đức Anh. (Hình: Soha) |
Tin tức này lan truyền trên mạng xã hội khoảng hơn 10 tiếng sau khi truyền thông nhà nước CSVN chính thức loan tin đương kim Chủ Tịch Nước Trần Đại Quang qua đời lúc 10 giờ 5 phút sáng 21 Tháng Chín, 2018.
Trên trang Facebook Truong Huy San, tức nhà báo Huy Đức, người đầu tiên loan tin ông Trần Đại Quang qua đời, viết: “Tối qua (21/9) và sáng nay (22/9) rất nhiều người hỏi tôi về cụ Đỗ Mười. Tôi muốn nói với các bạn rằng, cụ Đỗ Mười sinh năm 1917, cụ Lê Đức Anh sinh năm 1920, đau yếu đã lâu. Với tôi, Trần Đại Quang chết mới là tin, hai cụ có đi gặp Karl Marx, Lenin (ý nói qua đời) thì cũng là lẽ thường, không phải ‘tin.'”
Huy Đức viết thêm: “Lúc 11 giờ đêm qua, có việc nói chuyện với một người thân của cụ Mười, được biết là cả cụ và cụ Anh vẫn đang được chăm sóc trong bệnh viện.”
Và rằng, nếu hai ông này qua đời, “chắc chắn TTX (Thông Tấn Xã Việt Nam) sẽ đưa tin.”
Trang Facebook Chú Tễu cho hay: “Gia đình Đỗ Mười đã chuẩn bị xong hậu sự tại quê nhà: Làng Đông Phù; xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội.”
“Được biết lúc đầu con gái ông và thầy địa lý đòi san phẳng trường tiểu học khang trang để làm khu lăng mộ. Dân làng phản đối rất dữ dội. Sau lấy đất khu Vườn Đào 1,500 m2 để làm khu lăng mộ. Đường vào và huyệt chờ đã sẵn sàng.”
Trang Facebook Chú Tễu còn viết thêm: “Ông Lê Khả Phiêu, lăng mộ đã xây xong, rất hoành tráng tại xã Đông Khê, huyện Đông Sơn, xứ Thanh Hóa.”
Trong khi đó, các nguồn tin của nhật báo Người Việt đều cho hay, cả hai ông Đỗ Mười và Lê Đức Anh đều đang nằm trong Quân Y Viện 108. “Ông Đỗ Mười coi như đã ‘đi’ rồi, chỉ còn chờ rút ống trợ thở!”
Quân Y Viện 108 là nơi các lãnh đạo chóp bu của đảng CSVN thường được đưa vào chữa trị hay dưỡng bệnh. Hiện thi hài ông Trần Đại Quang cũng đang được lưu giữ tại nơi này.
Trong lúc công luận đang bàn tán về ông Đỗ Mười, bà Huỳnh Tiểu Hương, giám đốc Trung Tâm Nhân Đạo Quê Hương, cập nhật thường xuyên trên trang cá nhân hình ảnh cho thấy bà đến bệnh viện thăm ông Mười, nhân vật mà bà mô tả là “người cha tinh thần của chúng con” trên website cá nhân.
Bà Hương viết: “Ông vẫn bên cạnh chúng con. Ông vẫn nhìn con. Nghe con nói chuyện. Chúng con yêu ông rất nhiều. Lúc khỏe mạnh cũng như lúc đau yếu. Chúng con đều nhận được sự động viên của ông. Dù con ở đâu, ông vẫn luôn quan tâm.”
Lần gần nhất mà truyền thông trong nước đề cập về ông Mười và ông Anh là hồi cuối Tháng Tư, 2018, khi rộ lên tin đồn cả hai ông này “không hẹn mà rủ nhau về trời cùng lúc.”
Thời điểm đó, các báo cùng đăng một bản tin do Thông Tấn Xã Việt Nam cung cấp về việc Tổng Bí Thư CSVN Nguyễn Phú Trọng đến thăm ông Đỗ Mười và ông Lê Đức Anh đang điều trị tại Bệnh Viện Trung Ương Quân Đội 108.
Báo Dân Việt “bác” tin đồn ông Đỗ Mười qua đời. (Hình: Chụp trang mạng báo Dân Việt) |
Hôm Thứ Bảy, 22 Tháng Chín, 2018, báo Dân Việt trong nước có bản tin mang tựa đề: “Nguyên Tổng Bí Thư Đỗ Mười đang điều trị tại Bệnh Viện T.Ư Quân Đội.”
Bản tin viết: “Trao đổi với phóng viên Dân Việt, một thành viên của Ban Bảo Vệ, Chăm Sóc Sức Khỏe Cán Bộ Trung Ương cho biết, nguyên Tổng Bí Thư Đỗ Mười đang được điều trị tại Khoa Điều Trị Tích Cực, Bệnh Viện Trung Ương Quân Đội 108.”
Báo Dân Việt viết thêm: “Trước đó trên mạng xã hội xuất hiện thông tin thất thiệt gây xôn xao dư luận. Các cơ quan chức năng đã vào cuộc xử lý việc này.”
Ông Đỗ Mười, sinh ngày 2 Tháng Hai, 1917, tại xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội, tổng bí thư đảng CSVN từ năm 1991 đến 1997. Tên tuổi của ông Đỗ Mười vốn rất quen thuộc với người dân Sài Gòn và miền Nam những năm sau 1975, bởi vì có nhiều tài liệu ghi rằng ông là “tác giả” của cuộc “đánh tư sản,” đẩy hàng ngàn gia đình “đi kinh tế mới” dẫn đến “làn sóng thuyền nhân” vượt biển tìm tự do.
Còn ông Lê Đức Anh, sinh ngày 1 Tháng Mười Hai, 1920, tại huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên–Huế. Ông Lê Đức Anh là cựu đại tướng, bộ trưởng Quốc Phòng (1987-1991) và chủ tịch nhà nước CSVN từ năm 1992 đến 1997.
Người Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét