Cuộc gặp dân thêm lần này là giải pháp bắt buộc để làm dịu sức nóng của “đám cháy” Thủ Thiêm. Hồi trung tuần tháng 9, trong cuộc họp báo về vụ Thủ Thiêm, UBND TP.HCM cũng đã nhận trách nhiệm thực hiện không đúng quy hoạch được phê duyệt, đồng thời xin lỗi nhân dân thành phố, nhất là các hộ dân bị ảnh hưởng tại khu vực 4,3 ha ngoài ranh quy hoạch (lại xin lỗi!!!).
Một điều rất thường thấy trong những lời xin lỗi hay giải trình sai phạm từ các cấp chính quyền ở ta là luôn có sự hiện diện của “trách nhiệm tập thể”! Trong vụ Thủ Thiêm, UBND thành phố chứ không phải là ai hay những cá nhân nào đã gây ra sai phạm nói lời xin lỗi. Kết luận dài mấy chục trang của Thanh tra Chính phủ cuối cùng cũng chỉ nói chung chung là sẽ xem xét “trách nhiệm các cá nhân và tập thể có liên quan” chứ không chỉ đích danh những ai phải chịu trách nhiệm trực tiếp về vụ này.
Ở các thiết chế dân chủ tiến bộ, trách nhiệm cá nhân là một yêu cầu bắt buộc thuộc nền tảng đạo đức của bộ máy lãnh đạo và được cụ thể hóa bằng luật. Vì thế, khi để xảy ra những tổn thất cho nhân dân, cho đất nước do năng lực yếu kém hoặc do không làm tròn bổn phận, chẳng riêng cá nhân gây ra sai sót mà cả những người đứng đầu bộ máy công quyền cũng phải chịu trách nhiệm về vai trò quản lý. Cấp dưới chịu trách nhiệm với cấp trên. Cấp trên lại chịu trách nhiệm với cấp cao hơn nữa… Và trên hết, họ phải chịu trách nhiệm với NHÂN DÂN.
Ở Hàn Quốc, dư luận hẳn ai cũng biết Thủ tướng Chung Hong Won đã phải đệ đơn xin từ chức sau khi xảy vụ chìm phà Sewol tang thương làm chết hàng trăm người vào tháng 4/2014. Trong đơn từ chức, ông Chung nhận trách nhiệm về việc ngăn ngừa tai nạn và xử lý hậu quả, đồng thời nói rằng: “Việc tôi tiếp tục giữ chức vụ là một gánh nặng quá lớn đối với chính phủ”.
Ở Nhật Bản hồi tháng Ba vừa qua, chỉ vì việc bán một lô đất công giá rẻ cho hiệu trưởng một trường tiểu học có nghi ngờ liên quan tới vợ mình, Thủ tướng Abe cùng bộ trưởng Bộ Tài chính đã phải đối mặt với áp lực từ chức sau khi Trưởng phòng Thuế quốc gia từ chức và một viên chức của Bộ Tài chính Nhật bị nghi ngờ chết vì tự sát…
Nhìn chung, các thể chế dân chủ tiến bộ không có khái niệm và cũng không chấp nhận cái gọi là “trách nhiệm tập thể” trong điều hành đất nước. Có lẽ, chỉ Việt Nam (hay các nước XHCN) mới có khái niệm này. Phải chăng nó là hậu quả của ý thức hệ “làm chủ tập thể XHCN”? Bởi “làm chủ tập thể” nên khi xảy ra sai phạm thì trách nhiệm cũng là của tập thể (?!) 😢.
Chính vì không phải chịu trách nhiệm cá nhân, nên chẳng biết từ khi nào, ở nước ta đã tồn tại căn bệnh “tư duy nhiệm kỳ” trong bộ máy lãnh đạo. Quan chức được bổ nhiệm xong, làm việc kiểu gì cũng được, hết nhiệm kỳ phủi tay giũ áo về nghỉ, để lại một đống công việc, kể cả những sai sót đáng lý thuộc trách nhiệm phải giải quyết trong thời gian đương chức. Người tiền nhiệm mang tư tưởng những gì làm chưa xong hay kể cả có để lại hậu quả gì thì người kế nhiệm sẽ phải giải quyết. Còn người kế nhiệm thì không thể quy kết trách nhiệm bởi chỉ là kẻ phải đi “đổ vỏ”. Cái vòng tròn đó cứ thế mà luẩn quẩn từ đời lãnh đạo này sang đời lãnh đạo khác. Bởi thế nên dân ta mới nói rằng làm lãnh đạo ở VN là sướng nhất vì không bao giờ phải chịu trách nhiệm!
Ông Lê Thanh Hải có thể xem là người lãnh đạo TP.HCM lâu nhất với gần 15 năm tại vị gồm 5 nhiệm kỳ làm chủ tịch và 9 nhiệm kỳ làm bí thư. Việc điều chỉnh mờ ám quy hoạch Thủ Thiêm cũng diễn ra trong nhiệm kỳ lãnh đạo của ông. Thế nhưng suốt bao nhiêu năm qua, các khiếu nại của bà con Thủ Thiêm chẳng những không hề được quan tâm giải quyết mà còn bị cố tình bưng bít, vùi dập. Và “vi diệu” hơn cả là không chỉ đều đều tái đắc cử, ông này còn vững như bàn thạch với một ghế ở Bộ Chính trị trong suốt gần 10 năm (từ tháng 4/2006 đến tháng 1/2016).
Cho nên trong vụ Thủ Thiêm, tôi thấy thật chán khi nghe vị đương kim Chủ tịch “thay mặt lãnh đạo thành phố trong các thời kỳ…” để xin lỗi nhân dân! Ông Phong Chủ tịch hay ông Nhân Bí thư cùng dàn lãnh đạo hiện nay của TPHCM dù có đứng ra nhận lỗi với bà con Thủ Thiêm nhưng cũng không thể xử lý họ vì đây là câu chuyện đã xảy ra từ gần 20 năm về trước. Nếu có chăng thì chỉ đòi hỏi được ở họ trách nhiệm giải quyết thấu đáo vụ việc. Còn những kẻ trực tiếp gây ra hậu quả cũng như đã thủ lợi trên máu và nước mắt của dân thì đã ung dung hạ cánh với chế độ hưu trí trong cuộc sống phè nhỡn no đủ cả cho đến đời con cháu của chúng.
Cần phải lôi chúng ra dưới ánh sáng pháp luật và trừng trị thật nghiêm khắc để chúng phải trả giá cho tội ác đã gây ra với dân. Những chiếc dép của dân nếu còn, nên để dành thêm cho những con chuột cống đó! 😡. Cũng nên biết rằng kể từ năm 2001, dưới sự lãnh đạo của ông Lê Thanh Hải và bộ máy, không phải chỉ riêng Thủ Thiêm mà cả TPHCM đã gần như tan nát về mặt quy hoạch bởi sự chia chác giữa các nhóm lợi ích trong lĩnh vực kinh doanh địa ốc.
Vừa qua, tôi có dịp đến thăm một số trường và làm việc với Bộ Giáo dục bang Victoria (Úc). Ngay tại khu vực sảnh tiếp tân của Bộ (viết tắt là DET – Department of Education and Training) đã có thể đọc được 7 nội dung đại diện cho các nguyên tắc đạo đức (behaviour) của nền giáo dục Victoria trên những standy và leaflet, trong đó Trách nhiệm – Responsiveness là phẩm chất đầu tiên được nhắc đến. Trách nhiệm cũng là một trong 9 giá trị mà các trường học ở Úc phải mang lại cho học sinh. Tương tự như ở Ontario (Canada), các trường phổ thông đều phải thực hiện chương trình “Giáo dục tính cách” mà trong đó, Trách nhiệm cũng là một trong 10 tính cách phải dạy.
|
Câu chuyện Thủ Thiêm bi thương kéo dài gần hai chục năm qua là một ví dụ điển hình về hậu quả của thói vô trách nhiệm và “tư duy nhiệm kỳ” trong giới lãnh đạo VN. Nếu không xây dựng và thực thi những quy định về trách nhiệm cá nhân được điều chỉnh bằng luật một cách nghiêm túc, những sai phạm nghiêm trọng thuộc “trách nhiệm tập thể” kiểu như thế sẽ vẫn tiếp tục diễn ra ở mọi nơi, trong mọi lĩnh vực.
“Trách nhiệm tập thể” là vô hình nhưng hậu quả của nó là hữu hình và sức tàn phá thì vô cùng khủng khiếp. Đã đến lúc phải để cho các “công bộc của dân” thấy rằng, làm lãnh đạo mà không có năng lực, thiếu phẩm chất đạo đức và trách nhiệm thì sẽ phải trả giá đắt trước pháp luật chứ không phải cứ “hạ cánh an toàn” là xong!
Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân vừa hứa rằng trong tháng 11 sẽ xử lý cụ thể các cá nhân sai phạm trong vụ Thủ Thiêm. Tôi mong nếu làm được điều đó sẽ không phải là kiểu xử lý “cách chức nguyên bộ trưởng” như với ông bộ trưởng bộ công thương Vũ Huy Hoàng, hoặc dung túng bao che như với Võ Kim Cự để giờ này ông ta có thể ung dung ra nước ngoài sống, mặc cho đất nước và nhân dân điêu tàn với khối u Formosa 😡😡😡.
Cái lò của Tổng Bí thư, nếu là cái lò “xịn” thật sự vì chính nghĩa, phải chỉ mặt vạch tên cụ thể để đốt được tất cả những kẻ tham lam và vô trách nhiệm đã làm tan hoang đất nước này. Như thế mới mong thu phục nhân tâm trong bối cảnh niềm tin ở dân đã cạn kiệt!
Và chỉ khi nào mà Trách nhiệm phải trở thành một phẩm chất không thể thiếu trong phạm trù đạo đức của những người cầm quyền thì khi đó, đất nước cũng mới có thể hy vọng phát triển!
Nguyễn Thị Oanh
FB Nguyễn Thị Oanh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét