Quan hệ song phương Việt Nam-Slovakia sẽ bị đóng băng cho đến khi Slovakia nhận được lời giải thích khả tín từ Hà Nội về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Slovakia Boris Gandel nói với hãng thông tấn nhà nước TASR hôm 19/10, trong một phản ứng trước lời kêu gọi của đảng Tự do và Đoàn kết đối lập (SaS) đòi phải trục xuất đại sứ Việt Nam.
“Slovakia là một quốc gia nghiêm túc và sẽ có hành động ngoại giao nghiêm khắc đối với Việt Nam ngay khi những nghi ngờ nghiêm trọng mà Việt Nam đang đối mặt được xác nhận đầy đủ và chính thức”, TASR dẫn lời ông Gandel nói.
Trước đó trong ngày, đảng Tự Do và Đoàn kết kêu gọi Bộ trưởng Ngoại giao Slovakia Miroslav Lajcak trục xuất đại sứ của Việt Nam.
“Chính phủ Việt Nam đã trắng trợn lợi dụng Slovakia để bắt cóc công dân Việt Nam Trịnh Xuân Thanh, sử dụng lãnh thổ của chúng ta và thậm chí cả máy bay của chính phủ Slovakia để vận chuyển ông ta. Dù chính phủ Việt Nam không thể giải thích làm thế nào mà Trịnh Xuân Thanh đi từ Đức về Việt Nam, nhưng đã có sự đánh lạc hướng một cách hệ thống cả chính phủ lẫn công chúng Slovakia thông qua đại sứ nước này, trong lúc chối bỏ trách nhiệm trong vụ bắt cóc”, hãng thông tấn nhà nước dẫn lời Nghị sĩ Martin Klus thuộc đảng SaS nói.
Truyền thông Slovakia cho biết vào đầu tháng này, bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York, Ngoại trưởng Slovakia Miroslav Lajcak đã chất vấn Phó Thủ tướng-Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Ông nói rằng những giải thích trước đây của Việt Nam về vụ này “không thỏa đáng” và cảnh báo Việt Nam về “hậu quả” của vụ này, đồng thời yêu cầu Hà Nội phải “nhanh chóng làm rõ mọi nghi ngờ để khôi phục lòng tin lẫn nhau trong quan hệ song phương”.
Doanh nhân-công chức nhà nước Trịnh Xuân Thanh bị tình báo Việt Nam bắt cóc tại Đức vào tháng 7 năm ngoái trong lúc đang xin tị nạn tại Đức. Các nhà điều tra sau đó phát hiện ông Thanh đã được chở đến Slovakia và được đưa lên chiếc chuyên cơ mà chính phủ Slovakia cho phái đoàn quan chức cấp cao mượn, rồi từ đó bay sang Nga và về Việt Nam.
Phía Việt Nam nói ông Thanh tự ra đầu thú, sau đó kết án ông hai án tù chung thân về tội tham ô vào đầu năm nay.
Phái đoàn VN được đặc cách visa lên máy bay chở Trịnh Xuân Thanh
Phái đoàn Việt Nam được nói là thiếu một visa Schengen trong một trong 12 hộ chiếu đưa cho quan chức kiểm soát biên giới Slovakia kiểm tra khi họ chuẩn bị bay từ Bratislava tới Moscow. |
Phát đoàn Việt Nam bay từ Slovakia sang Nga vào năm ngoái cùng với cựu lãnh đạo dầu khí Trịnh Xuân Thanh có một hộ chiếu không có visa của khối Schengen và đã được Slovakia đặc cách cho qua, nhật báo Denník N ở Slovakia đưa tin, dẫn lời khai chứng của một viên chức kiểm tra những hộ chiếu này.
Ông Thanh, người khi đó đang bị Việt Nam truy nã, được cho là đã bị mật vụ Việt Nam bắt cóc ở Đức để đưa về nước vào tháng 7 năm ngoái. Ông bị tuyên hai bản án 14 năm tù và chung thân về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lí kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tội tham ô tài sản.
Phái đoàn Việt Nam, dự kiến bay từ Bratislava tới Moscow, được nói là thiếu một visa Schengen trong một trong 12 hộ chiếu đưa cho quan chức kiểm soát biên giới Slovakia kiểm tra. Bộ Nội vụ Slovakia giải thích rằng một trong những thành viên của phái đoàn đánh mất hộ chiếu ngoại giao và bộ này đã đặc cách ngoại lệ cho hộ chiếu này, theo Denník N.
Cựu Bộ trưởng Nội vụ Slovakia khi đó, Robert Kaliňák, được nói là đã cho phái đoàn Việt Nam sử dụng máy bay của chính phủ. Sau khi các chi tiết về vụ bắt cóc hé lộ, ông Kaliňák khẳng định không có gì đáng ngờ xảy ra trong chuyến thăm của phái đoàn Việt Nam.
Denník N cho biết bộ phận báo chí của ông không trả lời câu hỏi về việc liệu ông có biết về chuyện visa của phái đoàn Việt Nam hay không.
Theo lời khai chứng của viên chức cảnh sát kiểm tra hộ chiếu, phái đoàn Việt Nam có sáu hộ chiếu ngoại giao và sáu hộ chiếu phổ thông. Viên chức này nhận thấy rằng một hộ chiếu không có visa Schengen theo quy định, mang tên Trung Viet Luu, Denník N cho biết.
Viên chức này sau đó báo cáo vấn đề với cấp trên và được yêu cầu điền đơn xin đặc cách ngoại lệ. Viên chức này làm đúng như vậy và đơn đặc cách nhanh chóng được chấp thuận, theo Denník N.
Báo này cho biết các nhân viên bảo vệ an ninh của Slovakia mô tả ba người cuối cùng lên chuyến bay gồm hai người Việt Nam kèm một người thứ ba. Không rõ ràng ai trong số đó có hộ chiếu và liệu ông Thanh có phải là một trong ba người đó hay không.
Slovakia đầu tháng 10 đã quyết định khởi tố vụ án liên quan đến vụ sử dụng máy bay của chính phủ trong vụ bắt cóc ông Thanh. Truyền thông nước này đưa tin tổng cộng có 22 người bị thẩm vấn liên quan đến vụ việc.
Nhà chức trách Slovakia vẫn đang tiếp tục điều tra.
VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét