Việt Nam nợ Campuchia một lời xin lỗi - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Ba, 15 tháng 1, 2019

Việt Nam nợ Campuchia một lời xin lỗi


Hồi tháng 10 vừa qua, có một bức ảnh chụp một cuộc biểu tình ở Nhật Bản với một tấm băng-rôn: “Trung Quốc và Việt Nam cút khỏi Campuchia”. Nhiều người Việt Nam chia sẻ bức ảnh này trên mạng và cho rằng những bạn trẻ người Campuchia này đã “quên ơn” Việt Nam. Có lẽ, những người Việt Nam này đã quá chủ quan.

Gỗ được tìm thấy tại một cơ sở của Hoàng Anh Gia Lai ở Campuchia. Ảnh: Global Witness.

Giờ đây, nhân dịp 40 năm ngày Việt Nam chiến thắng quân Khmer Đỏ ở Campuchia, truyền thông Việt Nam cũng phát đi một thông điệp chủ quan không kém: “thế giới nợ Việt Nam một lời xin lỗi”.

Đúng sai thế nào thì hạ hồi phân giải. Nhưng thực tế là, Việt Nam chúng ta đang nợ Campuchia một lời xin lỗi.

Khoảng những năm 2007, chính phủ Việt Nam vận động các doanh nghiệp Việt Nam sang Lào và Campuchia đầu tư, với trọng tâm là các dự án trồng cây công nghiệp như cao su, cà phê. Những dự án này luôn đòi hỏi một diện tích đất rộng lớn.

Việc đầu tiên các doanh nghiệp Việt Nam sang đó làm là… chặt rừng, trong đó có cả rừng ở những khu bảo tồn. Đất đai và những khu rừng đó là nguồn sống của rất nhiều cộng đồng sắc tộc thiểu số tại Campuchia và Lào. Chính quyền hai nước này im lặng, không xử lý, để mặc cho các doanh nghiệp Việt Nam phá rừng, chiếm đất.

Mọi chuyện có vẻ êm xuôi ở Lào. Dường như những người dân Lào hiền lành đã chấp nhận. Nhưng người Campuchia thì không. Họ biểu tình và phản ứng dữ dội.

Người Campuchia biểu tình chống Việt Nam tại Phnompenh, ngày 8/10/2014.. Ảnh: AFP.

Cũng cần nói thêm một chút về chính trị Campuchia. Thủ tướng Hunsen và đảng của ông ta lãnh đạo Campuchia đã lâu, nhưng họ không phải là lực lượng chính trị duy nhất. Ở Campuchia có đảng đối lập và có rất nhiều các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ.

Phản ứng của người dân Campuchia được các đảng đối lập và các tổ chức xã hội ủng hộ nhiệt liệt. Những nỗ lực của họ sau cùng đến tai một tổ chức quốc tế đầy quyền lực: Global Witness.

Global Witness nổi tiếng với những báo cáo về vi phạm nhân quyền, tham nhũng và ô nhiễm môi trường của các dự án phát triển kinh tế. Họ từng điều tra về tình trạng khai thác kim cương ở một số nước Châu Phi gây nên những vấn đề nghiêm trọng về nhân quyền dẫn đến việc Liên Hợp Quốc ra nghị quyết cấm vận kim cương Liberia.

Global Witness cử điều tra viên của mình đến Lào và Campuchia. Tháng 5/2013, họ xuất bản báo cáo Rubber Barons (Những ông trùm cao su), tố cáo Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG) và Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) phá rừng, chiếm đất trên quy mô rộng lớn ở Lào và Campuchia, đẩy hàng triệu người dân lún sâu vào đói nghèo. Đáng chú ý, theo luật Campuchia, diện tích tối đa mà một công ty được thuê là 10.000 hecta thì vào thời điểm đó, VGR và HAGL đang chiếm hữu lần lượt là hơn 161.000 và hơn 47.000 hecta.

VRG và HAGL lúc đầu phủ nhận báo cáo Rubber Barons và cho rằng Global Witness vu khống.
Global Witness kêu gọi chính phủ các nước và các định chế tài chính quốc tế trừng phạt VRG và HAGL. Gần một năm sau, vào tháng 3/2014, quỹ Vietnam Property Fund (VPF) rút toàn bộ vốn khỏi Hoàng Anh Gia Lai. VPF là một quỹ trực thuộc Dragon Capital, đến lượt mình, Dragon Capital lại nhận vốn từ International Finance Corporation (IFC), và IFC lại là một định chế tài chính quốc tế trực thuộc Ngân hàng Thế giới (World Bank). Việc có mối liên quan nào giữa báo cáo của Globa Witness và việc rút vốn này hay không vẫn còn chưa rõ ràng.

Điều có thể thấy rõ ràng là vì bị Global Witness tố cáo, Tập đoàn Cao su Việt Nam đã bị tước chứng chỉ quản lý rừng bền vững, đồng nghĩa với việc hàng hoá của họ không được phép xuất khẩu vào các nước phát triển mà chỉ có thể bán cho Trung Quốc.

Sau đó, HAGL và VRG đã bắt đầu xuống nước, chấp nhận đối thoại với người dân địa phương, với các tổ chức phi chính phủ và đã có những biện pháp bồi thường cho người dân. HAGL và VRG đều mong muốn khắc phục hậu quả để được dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, nhưng rừng đã chặt thì bây giờ làm thế nào để khắc phục?



Ngoài HAGL và VRG, có một số các doanh nghiệp Việt Nam khác nhỏ hơn cũng đã sang Lào và Campuchia. Sau khi chặt rừng, nhiều doanh nghiệp đó đã bỏ đất đấy. Một số dự án nằm sâu trong đất Campuchia đã được sang nhượng, bán lại cho nhà đầu tư đến từ nước khác. Một số dự án sát biên giới thì được các doanh nghiệp quân đội Việt Nam sang tiếp quản, như Binh đoàn 15, qua Tổng công ty 15, công ty Hữu Nghị Nam Lào… Theo một phóng sự điều tra của tờ Cambodia Daily, Binh đoàn 15 của quân đội Việt Nam đang được thuê bốn khu đất rộng tới 40 nghìn hecta của Campuchia gần biên giới Việt Nam với thời hạn lên tới 99 năm.

Một cánh rừng ở Campuchia bị Hoàng Anh Gia Lai san phẳng, tháng 3/2013. Ảnh: AFP/RFA.

Nói qua về đất đai tại Campuchia: họ không có chế độ sở hữu toàn dân về đất đai như Việt Nam. Đất đai của họ có ba loại gồm sở hữu tư nhân, sở hữu nhà nước và sở hữu công cộng. Loại 2 thì nhà nước có quyền chuyển nhượng cho tư nhân, còn loại 3 thì nhà nước chỉ có quyền quản lý, nhưng không được chuyển nhượng. Một doanh nghiệp dù được Campuchia cấp đất ở một khu vực sẽ phải tự thực hiện giải phóng mặt bằng, tự lo đàm phán, đền bù cho người dân.

Tính đến hết năm 2015, Campuchia đã cấp hơn hai triệu hecta đất cho các dự án trồng rừng với 270 dự án. Trong số này, người Việt Nam và người Trung Quốc nắm những khu vực rộng lớn. Điều này có thể lý giải một phần lý do vì sao các doanh nghiệp quân đội của Việt Nam phải sang Campuchia để tiếp quản các dự án trồng rừng sát biên giới, mà không thể để những khu vực này rơi vào tay người Trung Quốc.

Cho đến nay, chính phủ Việt Nam vẫn chưa có động thái gì để xử lý các doanh nghiệp như VRG và HAGL. Với một sự việc tương tự, chính phủ Thái Lan có cách ứng xử khác hẳn. Dự án mía đường của công ty Khon Kaen của Thái Lan tại tỉnh Koh Kong của Campuchia bị cáo buộc vi phạm nhân quyền nghiêm trọng khi dùng vũ lực cưỡng chế đất của người dân địa phương, đẩy họ vào bước đường cùng.

Trước tình hình đó, Uỷ ban Nhân quyền Thái Lan, một cơ quan được thành lập theo Hiến pháp nước này, đã tiến hành điều tra và xuất bản báo cáo thừa nhận sự việc và kết luận doanh nghiệp Thái phải chịu hoàn toàn trách nhiệm cho những hậu quả gây ra với người dân Campuchia.

Gần đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Oxfam và Pan Nature phối hợp xây dựng hướng dẫn giảm thiểu rủi ro môi trường, xã hội cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài. Các tổ chức phi chính phủ này còn giúp kết nối đối thoại giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các tổ chức tại Lào và Campuchia, và với người dân địa phương. Những hành động như vậy sẽ giúp điều hoà những bất đồng, xung đột, đôi khi là hiểu nhầm giữa doanh nghiệp Việt Nam và người dân Campuchia.

Dù sao thì Hunsen vẫn là một người có chính sách thân thiện với người Việt. Sam Rainsy, lãnh đạo Đảng Cứu quốc Campuchia từng tuyên bố, “nếu tôi thắng cử, tôi sẽ đuổi người youn [chỉ người Việt Nam ở Campuchia] về nước”. Hiện đang có khoảng 750 nghìn người Việt đang sinh sống ở khu vực Biển Hồ, chủ yếu sống bằng nghề chài lưới, không giấy tờ và ít học.

Chiếm đất là một vấn đề đặc biệt nghiêm trọng ở Campuchia. Các nhóm hoạt động ở Campuchia lẫn nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đã nộp đơn ra Toà án Hình sự Quốc tế, yêu cầu xem xét coi việc chiếm đất một cách tràn lan và có hệ thống ở nước này là tội ác chống lại loài người. Nếu toà án chấp thuận yêu cầu này thì các công ty và thậm chí chính phủ Việt Nam sẽ trở thành một trong những thủ phạm chính của tội ác này.


Với chừng ấy vi phạm cả về môi trường lẫn nhân quyền ở Campuchia, cùng với những đe doạ về chủ quyền mà Việt Nam gây ra cho người dân nước này, Việt Nam rõ là đang nợ Campuchia một lời xin lỗi.


Hoàng Anh
Luật Khoa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad