Vườn rau Lộc Hưng: Ai là nạn nhân vụ cưỡng chế? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Năm, 10 tháng 1, 2019

Vườn rau Lộc Hưng: Ai là nạn nhân vụ cưỡng chế?


Từ 1954, Vườn rau Lộc Hưng đã là nơi trú ngụ của bao nhiêu gia đình, bao nhiêu thế hệ từ Bắc vào Nam khai hoang sinh sống.

Đến sáng 9/1, toàn bộ khu vực vườn rau Lộc Hưng khoảng 48.000m2 đã bị phá hủy hoàn toàn.

Sau 1975, khu vườn nằm tiếp giáp Quận 3, Quận 10, Quận Phú Nhuận và Quận Bình Tân này là nơi cư ngụ của hàng trăm người, hầu hết là những người thu nhập thấp, sinh viên nghèo, những cựu tù nhân lương tâm và các thương phế binh Việt Nam Cộng hòa.

Nhưng đến 2019, vườn rau xanh tươi chỉ còn là một đống hoang tàn.

"Sáng nay [9/1] ra đó thì cảm giác rất là đau xót. Không phải xót của, xót tài sản, bất động sản mà là... vì nhờ nó mình mới trưởng thành tới ngày hôm nay. Bao nhiêu kỷ niệm ký ức đều gắn với vườn rau. Nên không có lời nào để diễn tả cả cái xúc khi thấy cảnh hoang toàn sau đợt cưỡng chế của nhà cầm quyền," một người dân nói với BBC.

Ai là nạn nhân của vụ cưỡng chế đẫm nước mắt này? Những ai, sau đêm 8/1 thành người vô gia cư, chịu cảnh màn trời chiếu đất?

Gia đình cựu tù chính trị anh Tú, chị Nghiên

"Ba mẹ có lỗi với con, Tôm ơi!"

"Cuối cùng nước mắt cũng trào ra khi thu gom những món đồ chơi của con gái bé bỏng. Đồ đạc trong nhà có thể có thứ ba quên, nhưng đồ chơi của bé ba nhớ từng thứ một."

Anh Tú xin lỗi con gái 13 tháng chưa biết đọc trên trang Facebook cá nhân hôm 8/1 sau khi tổ ấm của họ bị biến thành bình điạ.

Hai vợ chồng cựu tù chính trị Huỳnh Anh Tú và Phạm Thanh Nghiên là một trong những gia đình sinh sống ở khu Vườn rau Lộc Hưng.

Anh Huỳnh Anh Tú từng 14 năm vào tù vì "âm mưu lật đổ chính quyền" năm 1999, chị Phạm Thanh Nghiên thì 4 năm tù vì "Tuyên truyền chống phá nhà nước", những tội danh mà các nhà hoạt động nhân quyền Việt Nam cho là áp đặt khiên cưỡng.

Ra tù, anh chị sống nương tựa vào nhau. Anh Tú bị chính quyền từ chối cấp giấy tờ nhân thân, không có giấy tờ để đi lại, tìm kiếm việc làm.

"Anh ấy sống lưu đày trên chính đất nước mình," một người bạn của gia đình cho BBC biết.

Sau nhiều năm trời hai vợ chồng tù nhân lương tâm tích cóp dành dụm, vay mượn để xây lên một căn nhà cấp 4, dự định tân gia vào ngày 6/1, thì đến 8/1, chiếc cần cẩu đã chạm đến nóc ngôi nhà mới xây của hai người.

"Bé Tôm (con của anh Tú, chị Nghiên) bị hen suyễn trong khi bị cắt hết điện nước nên mọi người phải lao vào để đưa chị Nghiên, bé Tôm ra ngoài. Anh Tú thì cố thủ trong nhà để bảo vệ tài sản," người bạn của gia đình kể.

Không lâu sau đó, anh Tú cũng bị lôi ra ngoài, chứng kiến tổ ấm của mình thành đống gạch vụn.

18 thương phế binh VNCH

Cũng nương náu ở vườn rau này là ông Võ Hồng Sơn, 71 tuổi, thuộc tiểu đoàn nhảy dù Việt Nam Cộng Hòa, một trong khoảng 80 thương phế binh VNCH "mồ côi" ở Sài Gòn.

"Sau năm 1975, Sài Gòn thất thủ, nó bắt tụi tôi đi cải tạo ở Tống Lê Chân. Sáu tháng sau, tôi gần chết rồi thì nó mới cho về. Rồi cũng sống bụi đời, nay đây mai đó, sau này được Dòng Chúa cứu thế, Cha Vinh Sơn mới tìm mấy người như tụi tôi, nuôi nấng, thuốc men. Tụi tôi mạnh khỏe cũng là nhờ mấy cha."

Năm 2014, ông may mắn được các linh mục Dòng Chúa Cứu thế, thuê nhà trọ trong khu Vườn rau, tạm cưu mang ông và một số cụ thương phế binh, hầu hết tay chân không lành lặn, sức khỏe cũng suy kiệt vì hàng chục năm lang thang, bơ vơ trên đất Sài thành.

Đến giữa 2018, với chút kinh phí nhỏ, nhà thờ đã xây lên một ngôi nhà tình thương cho 18 thương phế binh mang tên Nhà thương phế binh đơn thân, rộng khoảng 220m2, với 6 phòng, mỗi phòng 4 người.



"Chúng tôi ước mơ để làm sao xây đủ cho 80 ông, nhưng không có điều kiện và không gian nên mới chỉ làm khoảng đất nhỏ này," Linh mục Lê Ngọc Thanh cho BBC biết.

Có khoảng 80 thương phế binh VNCH "mồ côi" tức không gia đình, không người thân, không nơi nương tựa tại TP HCM

Họ sống bình yên trong một cộng đồng nhỏ, dựa vào nhau tìm những niềm vui cho những năm cuối cùng còn lại của cuộc đời.

Nhưng đến rạng sáng 8/1, mọi thứ đã khác.

"Tôi đang đi bán vé số thì mấy ổng gọi điện thoại kêu về dọn đồ. Tôi về thì thấy cỡ một trăm người hình sự, áo xanh áo đỏ, vô trấn áp, bảo tụi tôi ra ngoài, bắt tụi tôi khiêng đồ ra," ông Sơn kể.

"Chúng tôi kêu chúng tôi cụt chân, cụt tay không bê được, nên tụi nó vào tụi nó lấy đồ rồi quăng ra một góc. Tụi nó bắt tụi tôi ngồi đó phơi nắng đến trưa rồi bắt chúng tôi lên xe du lịch, về phường, nó bảo cho mỗi người hai triệu."

"Nghe nói sẽ đưa tụi tôi về trung tâm xã hội nên tụi tôi sợ quá nên trốn về. Còn mấy ông cụt tay, cụt chân, chống nạng không trốn được, vẫn còn ở lại đó."

"Làm ơn, có ai giúp đưa mấy ổng ra," ông Sơn nói.

Ông Trác, 70 tuổi, từng ở trong lực lượng bộ binh VNCH, cho biết sáng 8/1 ông đang đi sửa xe, nên không biết nhà thương phế binh bị đập phá.

"Mình ở trong tình trạng thế này, đã quá khổ rồi, nhưng mình thấp cổ bé họng. Chưa thấy ai như nhà nước này, ai chết thì ráng chịu."

"Ngày mai tôi đâu có biết ngủ chỗ nào đâu," ông Trác nói trong một live-stream trên Facebook.

Giới sinh viên nghèo và dân bán vé số

Một chủ đất tại khu vườn rau Lộc Hưng cho BBC biết, ngoài những cựu tù nhân lương tâm, các thương phế binh VNCH - còn lại ở đây hầu hết là những sinh viên nghèo ở trọ và những người thu nhập thấp, những người không có giấy tờ, không có nơi nương tựa.

Khi có thông tin về cuộc cưỡng chế, nhiều người thuê trọ cũng tìm cách dọn ra ngoài.

"Người thuê trọ họ đành phải bỏ đi, nhưng chủ nhà trọ cũng hiểu được và thông cảm cho họ. Xung quanh vườn rau nó như một cuộc chạy loạn, người bê cái này, người vác cái kia.

"Nhiều gia đình không có điều kiện xây nhà, mà họ sinh sống lâu năm, họ dựng những căn chòi, sau này tích cóp xây những căn nhà nho nhỏ, cho nên giờ họ không có nơi nào để ở nữa nên họ rất là căm phẫn."

Còn đối với những người mất đất, chủ đất, thì "họ cảm thấy rất là uất ức, họ nói chính quyền làm thế này là quá độc ác".

"Chưa nói đến chuyện quy hoạch đúng sai ở đây nhưng ngay lập tức cưỡng chế toàn bộ như vậy trong thời điểm trước Tết thì họ trở tay không kịp."

"Mảnh đất gắn liền từ thời ông nội di cư vô, rồi cha mẹ rồi mình lớn lên gắn liền với nó. Nó vừa là ký ức vừa là tương lai của mình, gia đình và cả tình cảm sự yêu thương gói gọn trong đó," một chủ đất quay trở lại Vườn rau Lộc Hưng sáng 9/1 nói cho BBC biết.

Phía chính quyền cho đến nay vẫn không đối thoại hay công bố văn bản chính thức gì với người dân.

Một số đại diện người dân vẫn quyết tâm cùng một số luật sư để làm đơn đi đến các cơ quan chức năng.

Sáng 9/1, những gì còn sót lại của vườn rau Lộc Hưng chỉ là đống sắt vụn, và nước mắt của những con người nghèo khó gắn bó với mảnh đất này từ bao nhiêu năm qua.

BBC đã tìm cách liên hệ với Chủ tịch UBND Quận Tân Bình, và Chủ tịch UBND Phường 6, nhưng đều không được.


Thùy Linh
Blog VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad