Đất nước có bao giờ như thế này chưa? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Tư, 13 tháng 2, 2019

Đất nước có bao giờ như thế này chưa?


Chỉ vài tuần trước và sau Tết mà dòng thời sự Việt Nam đã tiếp tục “chảy siết” với vô số vụ việc khiến không khỏi cười ra nước mắt… Đất nước có bao giờ diễn như thế này chưa?

Đất nước có bao giờ như thế này chưa?  Hình minh họa

Đầu tiên là bức ảnh Chủ tịch nước-Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đi chúc Tết và lì xì công nhân vệ sinh vào tối 4-2-2019 (30 Tết) tại đường Thanh Niên (Hà Nội). Hành động “đẹp” và “đầy tính nhân văn” này đã nhanh chóng bị nghi ngờ là ngụy dựng, một màn diễn kém chất lượng được dựng tồi bởi đạo diễn dỏm. Điều khiến dư luận… hể hả là cô “nhân viên môi trường” nhận bao lì xì của ông Trọng lại trông giống như một nhân vật mà chỉ hai ngày trước đó đã đến Đội cảnh sát giao thông số 14 thuộc Phòng Cảnh sát Giao thông Công an Hà Nội nhận lại cái ví bị mất, một hình ảnh thể hiện “nghĩa cử cao đẹp” và “đạo đức liêm khiết” của ngành công an. Mãi đến ngày 12-2, tờ VTC News mới đăng bài “Sự thật về cô gái xuất hiện trong hai bức ảnh dậy sóng dân mạng trước Tết Nguyên đán”. Bài báo cho biết cô gái nhận lại ví bị mất tên là Ngô Nhã Phương, trú tại phường Sao Đỏ, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Tuy nhiên, “một nửa sự thật” còn lại - tức danh tánh, chỗ ở và tông tích thật của cô “nhân viên môi trường” - thì vẫn còn nằm trong diện “bí mật đời tư” “chưa được công bố”!

Liên quan chuyện “diễn”, vài năm gần đây, ngành công an sử dụng rất mạnh “ảnh hưởng truyền thông” để xây dựng hình ảnh và gầy dựng uy tín sau vô số “mất mát” và “tổn thất” uy tín trước những vụ “nhấc chân va chạm” người dân một cách thô bạo và phản cảm. Những cảnh đưa cụ già qua đường, đỡ cụ già ngã té, đưa cụ già chai nước suối liên tục xuất hiện trên các phương tiện truyền thông… Vấn đề ở chỗ các “đồng chí” làm tuồng kém quá. Các “đồng chí” lý ra nên được đào tạo vài khóa vỡ lòng về kỹ năng diễn xuất lẫn kỹ thuật “xây dựng kịch bản”. Hầu như tập phim ngắn nào của các “đồng chí” cũng trở thành “bom tấn” trên mạng và được khán giả nhiệt liệt… chỉ trích. Ngôn ngữ của “hệ thống đảng” thường nhắc đến từ “thực chất”, “đi vào thực chất”, “hành động thực chất”… nhưng các “đồng chí” thay vì “thực chất” vai trò của mình thì lại biến mình thành kẻ xấu dưới mắt người dân rồi sau đó lại diễn vai người tốt một cách rất không “thực chất”. Đất nước này cần công an tốt, công an không hối lộ, công an không làm chết dân trong đồn. Đất nước này không cần công an có “nghiệp vụ” “đóng phim”. Mà nói cho hết thì không chỉ công an. Diễn đang là “xu hướng”. Gần như mọi ngành và mọi nhân vật chính quyền đều diễn cả, từ trồng cây, đến cày ruộng, từ vỗ về thiếu nhi đến chăm lo người nghèo. Tại sao “xu hướng” diễn lại “thịnh hành”? Vì “thực chất” kém quá nên phải diễn, dù diễn dở, diễn gượng, bất chấp diễn bị “lộ” là... diễn!

Đất nước có bao giờ nhảm như thế này chưa?

“Bắt đầu mùa lễ hội: Tôi tắm mình trong dòng suối nhân văn” – phát biểu của tiến sĩ Trần Hữu Sơn, phó chủ tịch thường trực Hội văn nghệ dân gian Việt Nam (VOV, 6-2-2019). Nói đến lễ hội, đất nước không “tắm” nổi trong “dòng suối nhân văn”. “Nhân văn” nào ở đây? Lễ hội bây giờ là dịp buôn thần bán thánh, là dịp phơi bày các hành vi kém văn hóa, là thời điểm để người ta thể hiện bản năng sống còn, và cả “niềm tin”. Ngày 3-2-2019, dư luận đã “choáng” với bài báo VietnamNet: “Dân ơn Đảng! Đảng ơn Dân!”. “Có ở quốc gia nào mà nhân dân tin tưởng, nghĩa tình với đảng cầm quyền như ở Việt Nam?... Không biết tự thời nào, người dân, thành thói quen, cất lời là “ơn Đảng, ơn Chính phủ”. Được mùa, sắm thêm con trâu cày, “ơn Đảng, ơn Chính phủ”. Có con đỗ đại học, có công ăn việc làm, “ơn Đảng, ơn Chính phủ”. Sinh thêm con, đẻ thêm cháu, cũng không quên “ơn Đảng, ơn Chính phủ”. Có thêm cây cầu, đoạn đường, con đập, mái trường, người dân cởi lòng ngợi ca Đảng, “Đảng tốt thật”… Bài báo viết. Tuy nhiên, khi đất nước “hân hoan bước vào mùa lễ hội” thì mới thấy, với dân, chẳng có Đảng nào ở đây. Người ta mê ông Thần Tài; bứt lông lợn để “lấy hên”, đập nhau vỡ đầu để giành “phết”; giật manh chiếu ở sân đình với ước vọng sinh con trai… Phó giáo sư-tiến sĩ khoa học Phan Đình Tân còn cho biết, “Có người lợi dụng lễ hội để ẩu đả, trả thù…”.

Lễ hội còn cho thấy một sự xả tràn ẩn uất xã hội, những ẩn uất dồn nén được dịp “mở van” hết cỡ, tương tự sự “vỡ òa” của chiến thắng bóng đá. Như bóng đá, lễ hội cũng được làm rùm beng, để người dân quên đi những thực trạng đất nước. Lễ hội là lá bài mị dân. Tuy nhiên, cũng từ lễ hội người ta mới thấy khái niệm niềm tin đang khủng hoảng như thế nào. Người dân đang tin gì? Điều gì mới thật sự đáng gọi là “niềm tin” và “một bộ phận không nhỏ người dân” đang tin vào lông lợn, vào thần linh, hay tin vào chính quyền, vào “ơn Đảng”?

Đất nước có bao giờ loạn như thế này không?

Ngày 10-1-2019, Công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC) ra quyết định số 13/QĐ-VEC-HĐTV với nội dung cấm hai xe mang biển số 51A-558.50 và 51G-772.56 được phép chạy trên tất cả các tuyến cao tốc do VEC quản lý, với lý do “hai phương tiện này đã có hành vi cố tình dừng xe ở trước trạm thu phí, không thực hiện theo hướng dẫn của nhân viên trạm, gây ùn tắc tại trạm, gây hoang mang cho nhân viên phục vụ tại trạm thu phí, làm mất trật tự an ninh tại khu vực”. Dư luận phản ứng dữ dội trước quyết định này và giới luật sư cũng cho biết đây là một quyết định phạm luật. Có bao nhiêu điều trái khuấy phạm luật diễn ra hàng ngày ở Việt Nam và có bao nhiêu chuyện phạm luật được diễn dịch bằng những lấp liếm chẳng hạn vụ hai công an An Giang nhậu xỉn đánh dân vào ngày 6-2-2019 (mùng hai Tết) đã được miêu tả là “trên tay có cầm một vật giống gậy sắt” (Đất Việt 12-2-2019)? Đất nước có bao giờ loạn đến mức này? Điều đáng nói là bi kịch loạn trong xã hội Việt Nam sẽ không kết thúc. Điều đáng nói nhất là chẳng ai biết đất nước sẽ tiến đến đâu nhưng mọi người đều có thể hình dung nó lùi như thế nào…


Mạnh Kim
Blog VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad