Sau Thượng Đỉnh Hà Nội Cần Làm Gì? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Chủ Nhật, 3 tháng 3, 2019

Sau Thượng Đỉnh Hà Nội Cần Làm Gì?


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các em nhỏ chào đón ông Donald Trump tại trụ sở Văn phòng Chính phủ ngày 27 tháng 2 năm 2013.  Hội Nghị Thượng Đỉnh Trump - Kim. Ảnh VNE

Đối với Tổng Thống Trump hợp đồng buôn bán luôn được ưu tiên làm trước nên khi vừa đến Hà Nội ông dành ngày đầu để ký các hợp đồng buôn bán và bảo trì máy bay dân sự lên đến 30 tỷ Mỹ kim.

Phát biểu trong cuộc gặp với Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc ông Trump tiết lộ sẵn sàng bán thiết bị quân sự, máy bay phản lực và bất kỳ loại hỏa tiễn nào mà Việt Nam cần, để giảm thặng dư thương mại với Hoa Kỳ.

Được biết khi hai ông gặp riêng có trao đổi về Hiệp định Thương mại Việt – Mỹ và Hiệp định về thương mại và đầu tư (TIFA).

Không thấy ông Phúc công khai, điều mà Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng từng làm khi gặp Tổng thống Obama là đề nghị phía Hoa Kỳ sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.


Công đoàn tự do

Muốn được Hoa Kỳ xem là nước có nền kinh tế thị trường Hà Nội phải thực tâm thúc đẩy tầng lớp công nhân tự thành lập các công đoàn tự do.

Muốn thế Hà Nội cần có những hành động cụ thể tạo niềm tin cho tầng lớp công nhân rằng công đoàn do họ tự lập sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho họ và gia đình.

Chiều ngày 26/2/2019, vài giờ trước khi ông Trump đến Hà Nội, hàng nghìn công nhân Công ty TNHH HAI VINA Kim Liên, Nghệ An đã đồng loạt nghỉ việc, tập trung giữa sân công ty để yêu cầu giải thích về việc một số phụ cấp bị cắt giảm.

Công ty ra thông báo tăng lương cơ bản, nhưng khi nhận lương nhiều công nhân thấy tổng mức lương không tăng nên đi hỏi, mới biết đã bị cắt giảm một số phụ cấp, như tiền nhà ở, xăng xe, tiền độc hại…

Chỉ vài ngày trước đó, ngày 19 và 20/02/2019, một vụ đình công khác đã xảy ra tại Công ty TNHH Lecien Việt Nam, KCX Tân Thuận, quận 7.

Gần 600 công nhân đã ngừng việc vì không đồng ý mức tăng lương mà tiền phụ cấp độc hại không có, chế độ thai sản dành cho nữ công nhân đang mang thai cũng không được thực hiện, một số ngày nghỉ phép hằng năm lại bị trừ vào tiền tết...

Công nhân cho biết cách tính lương quá nhập nhằng khiến công nhân không thể biết được quyền lợi cụ thể của mình như thế nào, khi thắc mắc thì công ty trả lời: “… ai không thích thì công ty sẵn sàng cho nghỉ việc…”

Phóng viên báo Người Lao Động liên hệ với công ty để phỏng vấn nhưng bị từ chối.

Báo Tuổi trẻ sáng ngày 26/2/2019 có bài viết về kết quả của một khảo sát nhỏ do Tổ chức Oxfam cùng Viện Công nhân và Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện tại 6 doanh nghiệp dệt may xuất khẩu mới đây như sau:

“28% công nhân nói rằng lương không đủ để đảm bảo chi tiêu ăn uống cho gia đình trong cả tháng, trong đó 50% cho biết họ phải vay tiền để mua thức ăn. Đặc biệt, có 6% số công nhân được hỏi cho biết vào cuối tháng họ chỉ ăn cơm chan canh suông.”

“1/3 trong số được hỏi cho biết họ không tiết kiệm được gì từ tiền lương, và gần 40% cho biết luôn trong tình trạng vay nợ từ bạn bè, người thân để bù đắp thiếu hụt chi tiêu trong tháng.

“Gần 70% số công nhân được hỏi cho biết họ "hiếm khi" hoặc "chưa bao giờ" có thời gian rảnh để đi chơi, thăm bạn bè vì họ thường xuyên phải làm thêm giờ.

“Thậm chí hơn 20% số công nhân được hỏi còn cho biết họ tận dụng cả giờ nghỉ giữa giờ nghỉ để tranh thủ làm việc. Đặc biệt gần 100% số công nhân nói rằng họ "không bao giờ hoặc hiếm khi đi ăn hàng"
.

Lương thấp, ăn uống kém chất lượng, làm thêm giờ thường xuyên dẫn tới 70% số người được hỏi cho biết "hay bị đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, tụt huyết áp, đau đốt sống cổ…".

Hơn một nửa số người được hỏi cho biết họ "không đủ tiền trang trải chi phí khám chữa bệnh và thuốc men".

Khảo sát còn cho thấy: “có 9% người được hỏi cho biết khó khăn về tài chính đã ảnh hưởng đến quyết định sinh con của họ, và 20% cho biết tiền lương của họ không đủ để mua đồ dùng học tập cho con cái.”

Khảo sát cho thấy tình trạng chung của hằng chục triệu công nhân và gia đình tại Việt Nam.

Hà Nội thừa nhận đại diện cho giai cấp công nhân, nhưng đời sống công nhân như thế.

Công nhân phải tự phát đấu tranh đòi quyền lợi, còn công đoàn nhà nước ăn lương chủ chẳng làm nên trò trống.

Hà Nội biết rất rõ công nhân hầu hết xuất thân từ nông thôn vì cuộc sống mới phải bỏ ruộng vườn vào làm công xưởng. Tương tự công nhân Nam Dương, Mã Lai, Phillipines,… họ không có sức mạnh và sự đoàn kết như công nhân Ba Lan để ảnh hưởng đến quyền lực chính trị.

Nhưng tình trạng bóc lột công nhân tại Việt Nam lại ảnh hưởng trực tiếp đến công ăn việc làm và quyền lợi của công nhân Hoa Kỳ.

Vì thế công nhân Hoa Kỳ mới bầu cho ông Trump xóa TPP, trừng phạt thương mãi Trung cộng, theo dõi tình trạng lao động Việt Nam và buộc Việt Nam phải mua máy bay Mỹ để cân bằng cán cân thương mãi.


Tình trạng công ty quốc doanh…

Trong hai tuần trước Hội Nghị Thượng Đỉnh, báo chí liên tục đưa tin vụ Đông Xuân năm nay khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long được mùa nhưng do thiếu đơn nhập hàng từ nước ngoài nên lúa không bán được, giá lúa xuống thấp đến mức nông dân trồng lúa không còn lợi nhuận.

Trên diễn đàn BBC trước đây tôi có bài viết “CPTPP có giúp để nông dân VN thoát cảnh nghèo?” (https://www.bbc.com/vietnamese/forum-46227154) nêu rõ việc nhà nước độc quyền thu mua xuất cảng lúa gạo là nguyên nhân chính khiến 23 triệu nông dân, đặc biệt là 15 triệu nông dân trồng lúa ở Việt Nam luôn sống cảnh đói nghèo.

Hà Nội không chỉ độc quyền thị trường lúa gạo, khu vực quốc doanh vẫn nắm giữ hầu hết ngành điện, nước, ngân hàng, giao thông, cảng, y tế, giáo dục,… hầu như cả nền kinh tế Việt Nam.

Hậu quả là Hoa Kỳ vẫn xem Việt Nam là một nước không có thị trường tự do, thường xuyên thúc đẩy Việt Nam phải thay đổi mô hình phát triển.


Hà Nội cần thay đổi thể chế.

Bắc Hàn là một quốc gia cộng sản toàn trị nên có nhiều điều cần học hỏi từ quá trình cải cách của Việt Nam, nên việc ông Kim chọn Hà Nội vừa là nơi gặp ông Trump vừa có dịp tìm hiểu học hỏi.

Còn phía Hoa Kỳ ông Trump gặp ông Kim tại Hà Nội để bàn về việc giải trừ vũ khí hạch nhân và để ông Trump ký hợp đồng mua bán, nhưng lại có đồn đoán Hoa Kỳ muốn Bắc Hàn học hỏi “mô hình phát triển” của Việt Nam.

Hội Nghị Thượng Đỉnh lần 2 đã chấm dứt, Hà Nội đừng quên muốn được Hoa Kỳ công nhận có thị trường kinh tế tự do cần đẩy mạnh cải cách cả kinh tế lẫn chính trị.

Hà Nội nên học hỏi mô hình phát triển Đài Loan, một nước nhỏ cũng chịu áp lực của Bắc Kinh đã vươn lên để thành một quốc gia phát triển được Hoa Kỳ thực sự nhìn nhận.

Tổng Thống Trump một nhà tư bản nhưng chính danh đại diện cho dân Mỹ vì ông được tầng lớp nông dân và công nhân bỏ phiếu chọn ông làm đại diện.

Hà Nội nên học hỏi để chứng minh cho thế giới thấy rõ đang chính danh đại diện cho người Việt, cho tầng lớp nông dân và công nhân.

Cải cách chính trị, tự do ứng cử và bầu cử là điều Hà Nội cần làm.


Nguyễn Quang Duy
Melbourne, Úc Đại Lợi
2/03/2019

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad