Tờ báo đầu tiên tường thuật về diễn tiến này, báo South China Morning Post (SCMP), hôm 12/7 nói rằng 6 tàu hải giám trang bị vũ khí nặng nề, 2 chiếc của Trung Quốc và 4 chiếc của Việt Nam, đã gườm nhau nhau trong các cuộc tuần tra xung quanh bãi Tư Chính của quần đảo Trường Sa.
SCMP trích dẫn thông tin do một trợ lý giáo sư tại Trường Hải Chiến Hoa Kỳ, ông Ryan Martinson, cung cấp, theo đó Trung Quốc hôm 3/7 đã đưa Tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 vào vùng biển gần Bãi Tư Chính do Việt Nam kiểm soát.
Ông Martinson chia sẻ trên Twitter: “Hình như Việt Nam đang thách thức hoạt động này” vì 4 tàu cảnh sát biển VN đã được điều tới hiện trường. Trên trang Twitter, ông Martinson tải một sơ đồ xác định rõ vị trí của các tàu của hai bên.
Phía Việt Nam đã giữ im lặng cho tới bây giờ. Trả lời câu hỏi của truyền thông hôm 16/7, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói:
"Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển ở Biển Đông được xác định theo đúng các quy định của Công ước của LHQ về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và các nước ở Biển Đông đều là thành viên. Do đó, mọi hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển Việt Nam phải tuân thủ các quy định có liên quan của UNCLOS, pháp luật Việt Nam.”
Bà Thu Hằng nhấn mạnh rằng nếu không được phép của Việt Nam, thì mọi hoạt động của nước ngoài “đều vô giá trị, xâm phạm vùng biển Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế và Công ước LHQ về Luật Biển 1982”.
Cận cảnh tàu Trung Cộng đâm tàu cảnh sát biển Việt Nam....
...Nếu không được phép của Việt Nam, thì mọi hoạt động của nước ngoài đều vô giá trị, xâm phạm vùng biển Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế và Công ước LHQ về Luật Biển 1982”.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng
Theo phó Giáo sư Martinson, Tàu khảo sát của Trung Quốc hoạt động từ ngày 3 tới 11/7/2019, và như vậy vụ đối đầu diễn ra trong khoảng thời gian Bộ trưởng Ngoại Giao/Phó Thủ Tướng Phạm Bình Minh tiếp đón Bộ trưởng Ngoại Giao Philippines Teodoro Lopez Locsin Jr, tới thăm chính thức Việt Nam từ ngày 7 đến ngày 10/7/2019, theo lời mời của phía Việt Nam.
Trong cuộc gặp, hai nhân vật đứng đầu ngành ngoại giao Philippines và Việt Nam nhấn mạnh sự cần thiết của việc “không quân sự hóa, tự kiềm chế hoạt động có thể làm phức tạp tình hình và gia tăng căng thẳng” ở Biển Đông. Hai vị Ngoại Trưởng cũng khẳng định sẽ tiếp tục ủng hộ lẫn nhau, duy trì đoàn kết ASEAN trong việc thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và đàm phán bộ Quy tắc Ứng xử trên biển (COC), phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS.
Vụ đối đầu cũng xảy ra trong cùng thời gian Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sang thăm chính thức Trung Quốc, từ ngày 8 tới 12/7/2019.
Trong cuộc gặp gỡ giữa Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tin cho hay tranh chấp Biển Đông đã được đề cập tới, hai bên cam kết tuân thủ nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước; và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, theo luật pháp quốc tế; đồng thời thúc đẩy những điểm đồng thuận và kiềm chế, kiểm soát những điểm còn bất đồng “vì đại cục của hai nước.”
VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét