Chưa có bằng đại học vẫn được học thạc sĩ, nên hay không? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Chủ Nhật, 6 tháng 10, 2019

Chưa có bằng đại học vẫn được học thạc sĩ, nên hay không?


Một sinh viên đại học đang sử dụng computer trong thư viện một trường đại học ở Hà Nội. 

Một số trường đại học cho phép sinh viên những năm cuối được học thẳng lên chương trình thạc sĩ mà không cần đợi có bằng tốt nghiệp đại học (ĐH).

Cải cách giáo dục đại học

Mục tiêu của chương trình là rút ngắn thời gian học đại học và thạc sĩ của người học. Sinh viên đáp ứng đủ điều kiện sẽ được nhận cả bằng đại học và thạc sĩ trong khoảng từ 4 năm rưỡi đến 5 năm rưỡi.

Đây là chuyện rất mới ở Việt Nam, vì từ xưa đến nay, nếu muốn học lên đại học thì học sinh phải có bằng tốt nghiệp phổ thông trung học; muốn học lên thạc sĩ thì sinh viên phải có bằng tốt nghiệp đại học.

Hiện có hai trường đại học chuẩn bị áp dụng chương trình này là ĐH Quốc gia TP.HCM và ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM.

Theo quy chế tạm thời mà ĐH Quốc gia TP.HCM thì chương trình học liên thông này sẽ gồm 2 phần: trình độ ĐH và thạc sĩ. Người học cần đảm bảo tích lũy đủ 180 tín chỉ của chương trình liên thông.

Với trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM thì khóa luận tốt nghiệp ĐH sẽ được tích hợp vào luận văn tốt nghiệp thạc sĩ. Người học khi bảo vệ thành công luận văn tích hợp này sẽ được xét tốt nghiệp cả hai trình độ ĐH và thạc sĩ.

Với nền giáo dục Việt Nam chưa rõ ràng, chưa định hình như hiện nay sẽ dẫn đến những cạnh tranh không lành mạnh giữa các trường. Tôi e rằng các trường sẽ bị lợi dụng thành ‘công xưởng’ cung cấp bằng cấp.

- Ths. Đinh Gia Hưng
Giáo sư Phạm Minh Hoàng từng tham gia giảng dạy tại Đại học bách khoa TPHCM, nói với RFA từ Pháp:

“Chuyện chưa có bằng đại học vẫn có thể học thạc sĩ thì bên Pháp cũng có vài trường hợp với những điều kiện sinh viên phải hoàn tất hầu như 90% đến 95% học kỳ (hoặc tín chỉ) đại học; sinh viên phải cam đoan, sau khi học xong chương trình thạc sĩ, phải cung cấp 5% hay 10% tín chỉ đại học còn thiếu. Nếu không sẽ không được cấp bằng thạc sĩ.

Tuy nhiên việc miễn trừ này còn tùy thuộc vào nội quy đào tạo cũng như sĩ số của chương trình thạc sĩ (có những khóa học không tuyển đủ học viên thạc sĩ, nhà trường cũng chấp nhận việc chưa có đủ 100% đại học, chứ họ có đủ rồi thì sẽ không có trường hợp này).”


Theo Thông tư số 10/2011/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 02 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, thì điều kiện đầu tiên để học lên thạc sĩ là: Đã tốt nghiệp đại học đúng chuyên ngành hoặc những chuyên ngành phù hợp với ngành mà bản thân đăng ký dự thi. Đây là điều kiện bắt buộc không ngoại trừ một ngành nào.

Còn trên cổng Thông Tin Đào Tạo Sau Đại Học - Đại Học Bách Khoa TP. HCM, điều kiện dự thi thạc sĩ năm 2019 cũng nêu rõ, sinh viên phải tốt nghiệp đại học chính quy từ các chương trình đào tạo đã được công nhận kiểm định quốc tế hoặc khu vực được Đại học Quốc gia - HCM công nhận còn trong thời gian hiệu lực.

Như vậy, việc cho phép sinh viên chưa chính thức tốt nghiệp đại học vẫn được học chuyển tiếp lên chương trình cao học là một hướng đi hoàn toàn mới ở Việt Nam.

Chất lượng quan trọng hơn bằng cấp

Thạc sĩ Đinh Gia Hưng cho rằng mô hình này không lạ ở các nước có nền giáo dục phát triển, còn ở Việt Nam thì chưa phải lúc bởi nó sẽ làm rối loạn thêm nền giáo dục đang có quá nhiều vấn đề như hiện nay, tuy nhiên về nguyên tắc thì Việt Nam vẫn có thể làm. Ông nói thêm:

“Ở Hoa Kỳ có chương trình cho phép học liên thông từ đại học lên tới tiến sĩ. Những chương trình đó là trọn gói. Nó dài hơn chương trình đại học thông thường, giúp người học không cần lấy bằng đại học rồi mới lấy được thạc sĩ, tiến sĩ.

Với nền giáo dục Việt Nam chưa rõ ràng, chưa định hình như hiện nay sẽ dẫn đến những cạnh tranh không lành mạnh giữa các trường. Tôi e rằng các trường sẽ bị lợi dụng thành ‘công xưởng’ cung cấp bằng cấp.”


Ở một góc nhìn khác, Thạc sĩ Công nghệ Thông tin Nguyễn Tiến Trung cho rằng Việt Nam khác hẳn với Pháp hay Mỹ vì chất lượng giáo dục thấp hơn, những vụ chạy điểm, nâng điểm, thậm chí đổi tình lấy điểm ở các trường đại học không hiếm. Số lượng sinh viên ra trường không tìm được việc làm cho dù có bằng đại học hoặc cao học rất cao.

Đừng lấy bằng chỉ để khoe với người đời thì rất phí thời gian, công sức của sinh viên và phí nguồn lực xã hội, lãng phí tiền thuế của dân.

- Ths. Nguyễn Tiến Trung
Ông Trung cũng phân tích rằng, chất lượng quan trọng hơn bằng cấp trong tình hình giáo dục hiện nay. Ông nêu quan điểm của mình:

“Quan điểm của tôi là chú trọng chất lượng cho sinh viên đại học trước. Đó là lực lượng lao động chính để đưa đất nước tiến lên.

Nếu muốn trở thành nhà khoa học hay nghiên cứu thì hãy học lên thạc sĩ hay tiến sĩ. Đừng lấy bằng chỉ để khoe với người đời thì rất phí thời gian, công sức của sinh viên và phí nguồn lực xã hội, lãng phí tiền thuế của dân.”


Báo trong nước trích lời PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM rằng, kế hoạch đào tạo này hiện đã được bàn tại hội đồng khoa học đào tạo, sắp tới sau khi hội đồng trường phê duyệt sẽ gửi công văn cho Bộ GD-ĐT xin đào tạo thí điểm. Sau 2 năm triển khai sẽ tổng kết lại, nếu hiệu quả mới ban hành quy định chính thức.

Việc chưa có bằng đại học vẫn được học lên thạc sĩ được cho là sẽ mở ra một hướng mới trong tuyển sinh cao học, một hình thức cải cách trong giáo dục.

Trong một lần trao đổi với RFA về những cải cách của Bộ GD&ĐT Việt Nam vẫn đang làm, Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng không kỳ vọng có một sự thay đổi nào trừ khi họ có sự thay đổi căn bản là thay đổi triết lý giáo dục, triết lý về nhà trường, triết lý về truyền bá hiểu biết cho người dân, cho sinh viên, cho tuổi trẻ. Ông khẳng định giáo dục Việt Nam đang đi lạc đường:

“Vấn đề là phải quay đầu lại và đi con đường khác. Mà quan trọng là vấn đề con người, vấn đề nhân sự. Nền giáo dục VN không thể gọi là sai lầm, vì nếu sai lầm còn có thể sửa được, đằng này cái khổ là nó đi lạc đường. Nghĩa là giáo dục VN đang đi vào đường rừng, có chặt cây, rẽ cành thì cũng chỉ loanh quanh trong điểm lạc mà thôi."


Diễm Thi
RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad