***
Khác với Việt Nam, sự thăng tiến của một quân nhân Mỹ không phải là “ơn đảng, ơn chính phủ”, đó là thành tựu từ nỗ lực cá nhân của quân nhân đó. Các cấp bậc từ trung sĩ trở lên đến tướng đều từ cạnh tranh mà có. Quân đội Mỹ có nhiều ngành. Mỗi ngành ấn định số lượng cho từng cấp bậc và việc vinh thăng dựa vào tổng điểm.
Tổng điểm hình thành từ điểm của nhiều yếu tố: Đầu tiên là điểm từ các kỳ thi thể lực. Điểm sử dụng vũ khí. Điểm tích lũy từ các khóa đào tạo của quân đội về chuyên ngành. Điểm về học vấn dân sự và năng lực cá nhân (chẳng hạn mức độ lưu loát về ngoại ngữ). Điểm tích lũy từ số huy chương được thưởng…
Dựa vào nhu cầu (số lượng đã được ấn định cho từng cấp bậc của từng ngành), bộ phận nhân sự của từng quân chủng (lục quân, không quân, hải quân, thủy quân lục chiến, phòng vệ duyên hải) sẽ chọn những cá nhân có tổng điểm cao nhất của một ngành để vinh thăng cho đủ số lượng qui định về từng cấp bậc của ngành đó.
Cũng vì vậy, chẳng ai có thể tác động đến việc nâng một người lính thành hạ sĩ quan hay nâng một sĩ quan từ cấp thấp lên cấp cao. Cấp bậc của một cá nhân phụ thuộc hoàn toàn vào đương sự: Có chịu rèn luyện thể lực hay không? Có nỗ lực học hành cả về ngành của mình lẫn nâng cao học vấn hay không? Không hoặc không đủ thì không có... cửa!
Tuy quân đội Mỹ hỗ trợ tối đa cho quân nhân thăng tiến cả về nghề nghiệp lẫn tri thức (chẳng hạn sẵn sàng trả toàn bộ học phí cho một người lính học đại học, một sĩ quan học cao học hay lấy thêm một văn bằng cử nhân,…) nhưng xét cho đến cùng, thành tựu của một quân nhân vẫn là nỗ lực của đương sự và gia đình đương sự.
Sự hỗ trợ được xác định là thực thi nghĩa vụ mà quân đội cam kết đối với cá nhân phục vụ mình và vì sự hỗ trợ đó còn nhằm duy trì, phát triển hiệu quả hoạt động của quân đội nên không bao giờ quân nhân Mỹ phải nghe những khuyến cáo kiểu như phải tri ân quân đội, phải ghi tâm, khắc cốt “ơn đảng, ơn chính phủ”.
Đó cũng là lý do khi được vinh thăng từ cấp thấp lên cấp cao hơn, mỗi quân nhân Mỹ có quyền chọn người gắn cấp bậc mới cho họ. Đó có thể là cha mẹ, vợ con, anh em, đồng đội. Cấp trên không có… cửa nếu không được quân nhân đó chọn và thường thì người vinh thăng không chọn cấp trên! Họ chọn thân nhân!
Đó cũng là lý do khi phát biểu, quân nhân được vinh thăng luôn cám ơn cha mẹ, vợ con trước tiên, kế đó là những đồng đội cùng đơn vị đã hỗ trợ họ thăng tiến, giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh để được vinh thăng. Nếu muốn tìm hiểu thêm, có thể vào You Tube, search những video clip về “promotion ceremony” để xem và nghe.
Đó cũng là lý do một số video clip trên You Tube hay những trang web khác được cả quân nhân Mỹ lẫn dân chúng Mỹ khen là “the best”, khác xa những lễ vinh thăng đã và đang diễn ra ở Việt Nam. Một trong những video clip thuộc loại “the best” ấy ghi lại cảnh bé trai ba tuổi gắn lon trung sĩ cho cha – một quân nhân Thủy quân lục chiến (1).
***
Bởi quân nhân Mỹ từ cấp thấp đến cấp cao luôn được nhắc nhở: Gia đình trên hết! Ngoài nhắc nhở, quân đội Mỹ còn đính kèm nhiều giải pháp để hỗ trợ quân nhân Mỹ có thể đặt gia đình, thân nhân của họ lên trên hết, nên chuyện, cha mẹ, vợ con,… của quân nhân Mỹ luôn hiện diện và chiếm vị trí trang trọng nhất trong những lễ vinh thăng là tất nhiên.
Lễ vinh thăng Phó Đề đốc của ông Nguyễn Từ Huấn chắc chắn sẽ bị xem là bất bình thường nếu thiếu sự hiện diện của vợ con ông, của chú thím ông (những người đã cưu mang một Nguyễn Từ Huấn trở thành trẻ mồ côi lúc mới chín tuổi), cha vợ ông... Hoa phải dành và chỉ dành cho những người như thế (Hình 2)!
Quân đội Mỹ xác tín, giống như mọi quân nhân Mỹ khác, họ có một Nguyễn Từ Huấn đủ tư cách mang cấp bậc Phó Đề đốc là nhờ gia đình, thân nhân. Thành ra khi công nhận thành tựu của một cá nhân phục vụ quân đội, phải bày tỏ sự biết ơn thì đối tượng cần tri ân không phải là “đảng, chính phủ” như… Việt Nam.
Hình như chuyện “đảng, chính phủ” ở Việt Nam luôn giành giữ vai trò chính trong thăng tiến của một cá nhân, kể cả những cá nhân phục vụ “lực lượng vũ trang”, gạt gia đình, thân nhân sang một bên, có “quan hệ nhân quả” với thực trạng quốc gia nói chung và thực trạng “lực lượng vũ trang” như hiện nay.
Khi “đảng, chính phủ” xem quân đội, công an là lực lượng bảo vệ sự nghiệp riêng của mình thì tất nhiên “đảng chính phủ” không thể để những đối tượng đó “tâm tư”. Các ông tướng lãnh đạo quân đội, công an Việt Nam hẳn nhiên phải như đã… thấy và nhìn “sự nghiệp quốc phòng”, hiệu quả “bảo vệ trật tự, trị an” là… biết vì sao!
Trân Văn
Blog VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét