Tranh chấp tại bãi Tư Chính: Việt Nam kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế hay đối đầu quân sự? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Tư, 23 tháng 10, 2019

Tranh chấp tại bãi Tư Chính: Việt Nam kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế hay đối đầu quân sự?


Nhân sĩ trí thức Việt Nam kêu gọi kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế tại Tọa đàm khoa học Vùng biển Bãi Tư Chính và Luật Pháp Quốc tế, ở Hà Nội hôm 06/10/19.

Nhấp vào nút play (►) bên tay phải để nghe 👉

Không nêu tên Trung Quốc

Trong bài phát biểu khai mạc kỳ họp Quốc hội thứ 8 khóa 14 vào sáng ngày 21/10/19, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết Quốc hội sẽ nghe báo cáo về tình hình Biển Đông, với lời nhấn mạnh rằng:

“Tình hình Biển Đông thời gian gần đây có những diễn biến phức tạp, khó lường và những tác động không thuận khác…đã ảnh hưởng không nhỏ đến nước ta.”

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cũng tại buổi khai mạc, phát biểu rằng “Tình hình Biển Đông gần đây diễn biến phức tạp, trong đó có việc vi phạm nghiêm trọng các vùng biển của Việt Nam được xác định theo luật pháp quốc tế, trái với Tuyên bố của các bên về ứng xử ở Biển Đông (DOC) và các thỏa thuận cấp cao”.

Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc còn khẳng định trước toàn thể Đại biểu Quốc hội rằng: “Đảng và Nhà nước ta đã nhất quán chủ trương những gì thuộc về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ chúng ta không bao giờ nhân nhượng, đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước”.

Qua lời phát biểu vừa nêu của bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Đài RFA ghi nhận không ít ý kiến của cư dân mạng tại Việt Nam bày tỏ rằng cái tên “Trung Quốc”- quốc gia đã và đang gây ra tình trạng căng thẳng tại bãi Tư Chính trong suốt gần 4 tháng qua vẫn không được Nhà nước Việt Nam nhắc tới.

Lập trường của Việt Nam trong vấn đề bảo vệ chủ quyền của Biển Đông thì trước đây Đảng và Nhà nước Việt Nam vẫn lập lại là tuyên bố bảo vệ chủ quyền, không nhân nhượng…Nhưng yếu tố nào đe dọa chủ quyền của Việt Nam thì Việt Nam chưa bao giờ dám chính thức chỉ thẳng mặt đó là Trung Quốc. Vấn đề này thì chúng ta cũng phải hiểu rằng là Việt Nam hiện nay chưa chuẩn bị và đang trong thế bị động

-Ông Đinh Kim Phúc
Đài RFA còn ghi nhận, căn cứ theo những phản ứng suông về mặt ngoại giao của Hà Nội đối với Bắc Kinh kể từ khi Trung Quốc vào giữa tháng 6 cho đến nay liên tục điều tàu hải cảnh, dân binh và khảo sát vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, rất nhiều người dân Việt Nam càng tỏ ra bức xúc bao nhiêu thì họ lại cảm thấy thất vọng bấy nhiêu khi giới lãnh đạo cấp cao như Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn không dám chỉ đích danh kẻ gây hấn là Trung Quốc, vậy thì trông mong gì Quốc hội Việt Nam sẽ đưa ra được những quyết sách cho vấn đề đang rất nóng tại Biển Đông hiện nay.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, qua trang Facebook cá nhân vừa phổ biến một văn bản lên tiếng của Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc hồi năm 1974 đến năm 1989, ghi ngày 18/10/19 với lời lẽ rằng ông rất buồn và rất bức xúc đối với thái độ và lời phát biểu của ông Nguyễn Phú Trọng tại buổi tiếp xúc cử tri ở Hà Nội hôm 15/10/19.

Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh nêu lên câu hỏi cho ông Tổng Trọng rằng “Tình hình Biển Đông đang rất nguy ngập và cấp bách, vậy mà khi khai mạc Hội nghị trung ương 11 vừa qua, ông Trọng vẫn nói phải ‘phân tích, dự báo tình hình’?” Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh cũng đặt câu hỏi phải chăng ông Trọng viện lý do phải “khôn khéo”, thực chất là đang bế tắc khi tìm giải pháp hay ông Trọng có tư tưởng đầu hàng?

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa tuyên bố các đảo ở Biển Đông là những phần không thể tách rời của lãnh thổ Trung Quốc, tại Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh lần thứ 9, ngày 21/10/19
Tiếp theo Việt Nam sẽ làm gì?

Vào tối ngày 22 tháng 10, nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc giải thích với RFA vì sao giới lãnh đạo Việt Nam không muốn nhắc đến Trung Quốc mỗi khi có xảy ra tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông:

“Lập trường của Việt Nam trong vấn đề bảo vệ chủ quyền của Biển Đông thì trước đây Đảng và Nhà nước Việt Nam vẫn lập lại là tuyên bố bảo vệ chủ quyền, không nhân nhượng…Nhưng yếu tố nào đe dọa chủ quyền của Việt Nam thì Việt Nam chưa bao giờ dám chính thức chỉ thẳng mặt đó là Trung Quốc. Vấn đề này thì chúng ta cũng phải hiểu rằng là Việt Nam hiện nay chưa chuẩn bị và đang trong thế bị động. Nếu như đối đầu với Trung Quốc và Trung Quôc đóng cửa biên giới, cắt mối quan hệ thương mại với Việt Nam thì Việt Nam sẽ gặp những chuyện vô cùng khó khăn. Chính vì vậy đó là nguyên nhân gián tiếp gây ảnh hưởng tới vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.”

Giáo sư Carl Thayer, qua một bài ghi nhận đăng tải trên RFA Việt ngữ vào hôm 21/10/19 còn lưu ý sự kêu gọi hỗ trợ của cộng đồng quốc tế cho Việt Nam để giải quyết những căng thẳng xảy ra ở bãi Tư Chính đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ, Nhật, Australia và Châu Âu (EU); tuy nhiên các quốc gia này đã không nêu tên Trung Quốc khi bày tỏ những quan ngại sâu sắc về những diễn biến gần đây tại Biển Đông. Giáo sư Carl Thayer ghi nhận cộng đồng quốc tế phản ứng trong vấn đề căng thẳng tại Biển Đông có 3 điểm chính bao gồm: quan ngại về những đe dọa cho hoạt động sản xuất dầu khí, sự cần thiết phải tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài và quyền lợi của các bên thứ ba trong kết quả đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc về Bộ Quy tắc về ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC).

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, Nhà nghiên cứu cao cấp về lợi ích chiến lược và chiến lược quốc tế từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á vào tối ngày 22 tháng 10 nói với RFA rằng:

“Mặc dù không nêu tên cụ thể Trung Quốc nhưng ai cũng hiểu đấy là Trung Quốc và phát biểu của bà Ngân cùng ông Phúc thể hiện được đường lối của Chính quyền Việt Nam bây giờ.”

Trả lời câu hỏi của RFA liệu rằng Quốc hội Việt Nam sẽ cân nhắc biện pháp thưa Trung Quốc ra tòa án quốc tế như theo kiến nghị của giới nhân sĩ trí thức qua cuộc tọa đàm khoa học về vùng biển Tư Chính và Luật pháp quốc tế, tổ chức vào ngày 6/10 hay không, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cho biết Việt Nam đã chuẩn bị hồ sơ kiện Trung Quốc từ sự kiện Bắc Kinh đưa giàn khoan HD 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hồi tháng 5 năm 2014. Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nhấn mạnh:

“Ngay từ năm 2014 Việt Nam đã chuẩn bị xong rồi. Đến năm 2016, một tòa án quốc tế là Tòa PCA đã đưa ra một phán quyết tốt cho Philippines. Thế thì việc chuẩn bị của Việt Nam càng có thuận lợi.

Thực chất bây giờ nếu họ quyết định đưa ra phân xử ở một tòa án hay ở một diễn đàn
nào đó mà mang tính chất có quyền phán quyết, có quyền phân xử hay có quyền trọng tài thì sẽ rất nhanh thôi. Thế nhưng mà chưa thấy có cái gì cụ thể là sẽ đưa ra như thế cả. Chưa thấy.”

Mặc dù Tiến sĩ Hà Hòang Hợp chưa nhìn thấy dấu hiệu nào Hà Nội sẽ kiện Trung Quốc trong vấn đề ở bãi Tư Chính, nhưng theo ông Việt Nam sẽ kiện khi:

“Trong hiểu biết của tôi thì trong trường hợp nếu Trung Quốc bây giờ kéo một giàn khoan nào đó hay mấy giàn khoan vào vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam, vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cũng như đưa tàu chiến vào để bảo vệ nó thì Việt Nam sẽ phải khởi kiện.”

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cho rằng việc kiện Trung Quốc là một trong những biện pháp cứng rắn theo tinh thần như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa phát biểu trước Quốc hội rằng không bao giờ nhân nhượng trong bảo vệ chủ quyền và ổn định cho đất nước.

Và một biện pháp cứng rắn khác mà Việt Nam phải chuẩn bị, theo quan điểm của Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp có thể sẽ xảy ra:

“Cứng rắn hơn là khi Trung Quốc có thể đánh Việt Nam và đương nhiên là Việt Nam sẽ phải đánh lại. Do đó, Việt Nam phải chuẩn bị làm sao để khả năng xấu nhất xảy ra, chẳng hạn như chiến tranh thì Việt Nam có cái đáp ứng lại để xử lý cuộc chiến tranh đấy, làm sao đẩy lùi được cuộc chiến tranh ấy và bảo vệ được chủ quyền của Việt Nam.”

Cứng rắn hơn là khi Trung Quốc có thể đánh Việt Nam và đương nhiên là Việt Nam sẽ phải đánh lại. Do đó, Việt Nam phải chuẩn bị làm sao để khả năng xấu nhất xảy ra, chẳng hạn như chiến tranh thì Việt Nam có cái đáp ứng lại để xử lý cuộc chiến tranh đấy, làm sao đẩy lùi được cuộc chiến tranh ấy và bảo vệ được chủ quyền của Việt Nam

-Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp
Liên quan tình huống mà Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cho rằng xấu nhất có thể xảy ra là đụng độ vũ trang giữa Việt Nam và Trung Quốc, chúng tôi cũng cần nhắc lại người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng gần đây tuyên bố vùng nước mà tàu Trung Quốc đi vào thuộc chủ quyền của nước này và yêu cầu Việt Nam phải ngưng toàn bộ các hoạt động khai thác dầu khí tại đây. Mới đây nhất, tại Diễn đàn Hương Sơn lần thứ 9 khai mạc vào ngày 21/10/19, có sự tham dự của đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam, Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phượng Hòa cũng có khẳng định trong bài phát biểu về chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo tại Biển Đông và Biển Hoa Đông rằng, đó là những phần không thể tách rời của lãnh thổ Trung Quốc và Trung Quốc sẽ không cho phép dù chỉ một tấc lãnh thổ mà tổ tiên đã để lại bị lấy đi.

Kỳ họp Quốc hội thứ 8 khóa 14 dự kiến sẽ kéo dài đến ngày 27 tháng 11 và không ai biết được chuyện gì sẽ còn tiếp diễn ở bãi Tư Chính trước sự lấn át của Trung Quốc khi chưa có dấu hiệu lắng xuống. Dân chúng Việt Nam đang chờ đợi quyết sách nào trong vấn đề biển Đông mà Quốc hội sẽ chọn lựa để đối phó với Trung Quốc. Trong khi đó, giới chuyên gia tại Việt Nam nhận định không loại trừ biện pháp “hữu hảo” với người bạn láng giềng “4 tốt, 16 chữ vàng”, như nhà quan sát tình hình Việt Nam Phạm Chí Dũng nêu ra:

“Thậm chí là Việt Nam có thể chấp nhận cho Trung Quốc cùng hợp tác khai thác dầu khí ở bãi Tư Chính với một tỷ lệ lớn thuộc về Trung Quốc. Có nghĩa là mời kẻ cướp vào nhà và chia đôi tài sản với nhau.”


RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad