Bằng cách nào Trung cộng cài gián điệp vào Quốc hội Úc? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Năm, 28 tháng 11, 2019

Bằng cách nào Trung cộng cài gián điệp vào Quốc hội Úc?


Chương trình 60 Minutes đài số 9 vào chủ nhật 24/11/2019 phát hình phóng sự điều tra việc gián điệp Trung cộng ngỏ lời tài trợ 1 triệu Úc kim cho Nick Zhao một đảng viên đảng Tự Do để đưa ông ra tranh cử Quốc hội Liên bang Úc.

Wang Liqiang tự nhận là gián điệp Trung Quốc và đã đào tẩu sang Australia. Ảnh: Steven Siewert. 

Khi ông Zhao báo cho Cơ Quan Tình báo An ninh Úc (ASIO) biết thì đột nhiên qua đời tại một phòng trọ ở Melbourne, vào tháng 3/2019 chỉ 2 tháng trước cuộc bầu cử quốc hội liên bang vừa qua.

Sau phóng sự điều tra của 60 Minutes vào thứ ba 26/11, cảnh sát cho biết ông Zhao chết vì sử dụng ma túy quá liều nhưng chưa rõ vì vô tình hay bị ám hại. Hiện cảnh sát vẫn tiếp tục điều tra nguyên nhân dẫn đến cái chết của ông Zhao.

Ông Mike Burgess, Tổng giám đốc Tình báo ASIO, chính thức xác nhận nguồn tin và cho biết hiện cơ quan ông cũng đang điều tra việc ông Zhao khai báo:

“Các hoạt động gián điệp ngoại quốc nhắm vào nước Úc là mối đe dọa lớn lao cho an ninh quốc gia. ASIO sẽ tiếp tục đối đầu chống lại can thiệp và gián điệp nước ngoài ở Úc.”


Gián điệp Trung cộng là ai?

Theo Chương trình 60 Minutes, Nick Zhao có đại lý bán xe hơi nhưng từ năm 2016 đã gặp khó khăn về tài chính phải vay nợ một số nhà đầu tư Trung Quốc.

Đầu năm 2019, ông Zhao nói với hai cộng sự viên ông đã cho ASIO biết ông Brian Chen đề nghị giúp hàng triệu Úc kim tiền vốn để ông thành lập một công ty mới, đổi lại ông Chen muốn ông tranh cử vào Quốc hội Liên Bang Úc đại diện khu vực Chisholm.

Được báo chí phỏng vấn ông Chen phủ nhận đã biết ông Zhao và không liên hệ với các hoạt động tình báo. Nhưng theo nhiều nguồn tin ông Chen có liên lạc với ông Zhao.

Báo The Age, Herald và chương trình 60 Minutes còn cho biết ông Chen bị tình báo Úc và Phương Tây nghi ngờ là quan chức tình báo cấp cao của Trung Quốc.

Ông Chen phủ nhận thông tin đã bị giới chức Úc chận tại sân bay Melbourne vào tháng 3/2019, có thể để điều tra về cái chết của ông Zhao.

Báo chí có ảnh ông Chen mặc đồ quân đội Trung cộng và giả làm ký giả để tham dự các hội nghị chính trị quốc tế, bao gồm G20 và APEC.

Ông Chen chối là chỉ mượn đồng phục của bạn chụp một số ảnh để khoe với bạn bè ông không hề tham gia quân đội Trung Quốc.

Ông cũng cho biết chỉ đi theo người bạn là chủ công ty truyền thông China Press Group Limited tham dự các hội nghị quốc tế.

Ông Chen điều hành một số công ty liên quan đến quân sự, an ninh công cộng, năng lượng, bao gồm các công ty liên kết với nhà cầm quyền Trung cộng nên bị nghi ngờ sử dụng vỏ bọc doanh nhân để làm tình báo.

Ông là giám đốc điều hành công ty Prospect Time, chuyên giúp đầu tư thúc đẩy sáng kiến xây dựng cơ sở hạ tầng Chiến lược “một vành đai, một con đường”.

Theo báo The Age công ty Prospect Time đề nghị trả hàng triệu Úc kim để kiểm soát công ty công nghệ sinh học Imunexus có trụ sở đặt tại tòa nhà của cơ quan nghiên cứu khoa học nổi tiếng thế giới CSIRO.

Công ty Prospect Time được hỗ trợ bởi một số lãnh đạo chính trị trên khắp thế giới bao gồm Úc.

Công ty của ông Chen có mối quan hệ mật thiết với ông Marty Mei cố vấn của thủ hiến Lao Động Victoria Daniel Andrew.

Ông Martin Mei bị báo The Australian tố cáo là làm cố vấn cho tổ chức Shenzhen ở Úc, tổ chức này thuộc “Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc” tương tự “Mặt Trận Tổ Quốc” của nhà cầm quyền Hà Nội.

Mặc dầu đã gặp rất nhiều phản đối, ngày 23/10/2019 vừa qua tại Bắc Kinh, Thủ hiến Daniel Andrew chính thức ký kết tham gia chiến lược “một vành đai, một con đường” của Trung cộng.

Trong buổi chất vấn tại quốc hội hôm 25/11/2019 vừa qua, Thủ tướng Scott Morrison nói cáo buộc về âm mưu của điệp viên Trung cộng nêu trên “thật sự nghiêm trọng và rắc rối”, chính phủ Úc rất quan tâm sẽ điều tra làm sáng tỏ sự việc.


Dân biểu Gladys Liu là điệp viên?

Ông Nick Zhao chết chưa rõ nguyên nhân tại một phòng trọ vào tháng 3/2019, đến cuối tháng 5 bà Gladys Liu một người Úc gốc Hoa thuộc đảng Tự Do thắng cử dân biểu khu vực Chisholm.

Báo chí Úc tuần này khơi lại câu chuyện bà Gladys Liu được mệnh danh là “One Million Dollar Woman” vì bà đã khai trong đơn xin đại diện đảng ra tranh cử đơn vị Chisholm như sau:

“Tôi đã tổ chức nhiều buổi gây quỹ lớn hay nhỏ quyên được hơn $1 triệu Úc kim cho các ứng cử viên đảng Tự Do, cả cấp liên bang lẫn cấp tiểu bang.”

Trong bữa tiệc gây quỹ tháng 10/2015, bà Gladys Liu bán được 5 bàn mang về cho đảng Tự Do $50,000 Úc kim.

Đến tháng 4/2016 một cuộc gây quỹ khác bà bán được 10 bàn giá $100,000 Úc kim.

Giá 1 vé tham dự gây quỹ là $1,000 Úc kim, chưa kể đến số tiền khách đóng góp riêng và tiền thu được từ bán đấu giá. Cho thấy đóng góp của bà cho đảng Tự Do quả không ít.

Bà Gladys Liu còn bị chất vấn vì vào phút cuối của cuộc tranh cử đã “tự đóng góp” thêm hơn $100,000 Úc kim, bà không cho biết nguồn gốc của khoản tiền này.

Khi ra tranh cử bà Gladys Liu báo cho đảng Tự Do đã tham gia tất cả 17 Hội, Đoàn và Câu Lạc Bộ.

Đài ABC đưa ra bằng chứng bà không khai là thành viên trong ban chấp hành của ít nhất 3 tổ chức ngoại vi của đảng Cộng Sản Trung Hoa, nhưng bà Gladys Liu chối không còn sinh hoạt với các tổ chức này.

Báo chí Úc đã công khai đặt câu hỏi có phải chính bà Gladys Liu là một điệp viên? (Is Gladys Liu a spy?).

Câu trả lời từ đảng Tự Do là không phải.

Theo Đài ABC bà Gladys Liu nằm trong danh sách những người bị Cơ quan Tình báo và An ninh Úc (ASIO) điều tra vì có liên hệ với đảng Cộng sản Trung Hoa.

Vì thế, ASIO vào tháng 2/2018 đã khuyên cựu Thủ tướng Malcolm Turnbull không nên tham dự buổi gây quỹ “gặp gỡ và chào hỏi” do bà Gladys Liu tổ chức và đứng ra mời.

Trong cuộc tranh cử ngày 18/5/2019, bà Gladys Liu bị tố cáo vi phạm luật bầu cử vì đã sử dụng các áp phích tiếng Hoa nhằm lừa dối cử tri bầu cho đảng Tự do, hiện bà đang bị thưa tại tòa tối cao pháp viện.


Kẽ hở của chính trị Úc

Đơn vị Chisholm có tới 30% dân số là công dân Úc gốc Hoa, lại là một đơn vị tranh chấp giữa hai đảng Tự Do và Lao Động, bà Gladys Liu thắng cử chỉ vài trăm phiếu được 50.6% tổng số phiếu trong cuộc bầu cử 2019.

Bà Jennifer Yang, ứng cử viên đảng Lao động tại Chisholm có được 49.4% tổng số phiếu, lại cũng dính líu với các tổ chức ngoại vi của đảng Cộng sản Trung Hoa, nhưng vì thất cử nên ít được báo chí điều tra.

Nhìn chung các doanh nhân và công ty có xuất xứ Trung cộng đã tung hằng triệu Úc kim vào các cuộc gây quỹ của cả 2 đảng Tự Do và Dân Chủ ở đơn vị Chisholm để nắm chắc đưa được người của họ vào Quốc Hội Liên Bang.

Cái chết của ông Nick Zhao và bí mật của tân dân biểu gốc Hoa Gladys Liu đang được truyền thông Úc điều tra cho thấy chỉ cần 1 triệu Úc kim gián điệp Trung cộng có thể đưa người ra tranh cử và đưa người vào Quốc Hội Liên Bang Úc để ảnh hưởng đến chính sách Úc.

Dân biểu Tự Do Andrew Hastie, Chủ tịch Hội đồng An ninh và Tình báo Quốc hội Liên bang, cho đài số 9 biết ông đã được thông báo về cái chết của ông Nick Zhao vài tháng trước:

“Tôi biết rằng đó là một công dân Melbourne 32 tuổi được chính quyền Trung cộng cài vào đảng Tự Do để đưa vào Quốc hội Liên bang…

…Đây không chỉ là vấn đề tiền, để tài trợ cho những chính trị gia triển vọng. Đây là nỗ lực của một quốc gia nước ngoài can thiệp vào quốc hội của nước ta, sử dụng một công dân Úc như một mật vụ nhằm gây ảnh hưởng đến hệ thống dân chủ Úc”
.


Cần quan tâm đến chính trị

Trung cộng tung tiền gây ảnh hưởng chính trị và chính sách Úc không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân Úc, mà còn ảnh hưởng đến tình hình thế giới, như chính sách về biển Đông của Úc.

Đồng thời có thể ảnh hưởng đến nhiều thế hệ như chiến lược “một vành đai, một con đường” được coi là “bẫy nợ” chính phủ hiện nay vay mượn nhưng các thế hệ sau phải trả.

Bởi thế mỗi người chúng ta cần quan tâm đúng mức để kịp thời ngăn cản những âm mưu đen tối của nhà cầm quyền cộng sản Bắc Kinh.


© Nguyễn Quang Duy
Melbourne, Úc Đại Lợi
28/11/2019


Bí ẩn âm mưu Trung Quốc cài gián điệp vào Quốc hội Australia

Chính quyền Australia đang điều tra thông tin đường dây gián điệp Trung Quốc cố gắng cài cắm điệp viên của Bắc Kinh vào Quốc hội Australia.

Sydney Morning Gerald dẫn nhiều nguồn thạo tin cho biết nhóm tình báo Trung Quốc bị cáo buộc đã đề nghị trả 1 triệu USD cho chiến dịch tranh cử của Bo "Nick" Zhao, 32 tuổi. Ông Zhao là thành viên đảng Tự do và là đại lý buôn xe hơi hạng sang ở Melbourne.

Đây được cho là một trong những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm cài cắm đặc vụ vào Quốc hội Australia.

Mua chuộc ứng viên Australia?

Khoảng một năm trước, ông Zhao khai với Tình báo An ninh Australia (ASIO) về thông tin cáo buộc nói trên và cho biết ông được một doanh nhân khác ở Melbourne tên Brian Chen tiếp cận.

Brian Chen (tên tiếng Trung là Chen Chunsheng) phủ nhận quen biết ông Zhao và khẳng định mình không liên quan đến các hoạt động tình báo của Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều nguồn tin cho biết chính quyền Australia đã xác định ông Chen có liên lạc với ông Zhao.

Lời khai của ông Zhao châm ngòi cho cuộc điều tra về nỗ lực của tình báo quân đội Trung Quốc nhằm đưa điệp viên vào Quốc hội Australia.

Vào tháng 3, ông Zhao được phát hiện đã tử vong trong nhà nghỉ ở Melbourne. Cảnh sát địa phương hiện chưa xác định được nguyên nhân cái chết.

Bo "Nick" Zhao (trái) và Brian Chen là trung tâm của cuộc điều tra. Đồ họa: Steven Siewert. 

Cáo buộc tài trợ cho chiến dịch của ông Zhao là ví dụ rõ ràng nhất cho thấy chính phủ Trung Quốc cố gắng can thiệp vào nước khác, đồng thời phản ánh quy mô và bản chất mối đe dọa từng được ASIO coi là "chưa từng thấy".

Đây được cho là "hoạt động do chính phủ tài trợ để thâm nhập vào Quốc hội của chúng tôi bằng cách lợi dụng công dân Australia. Về cơ bản, họ sẽ bị điều khiển để trở thành tác nhân có ảnh hưởng trong hệ thống dân chủ của chúng tôi", ông Jason Hastie, Chủ tịch ủy ban an ninh và tình báo Quốc hội Australia, nói.

Thông tin cáo buộc nói trên được đưa ra trong bối cảnh một người đàn ông Trung Quốc tự xưng là gián điệp của Bắc Kinh đã đào tẩu đến Australia xin tị nạn.

Wang Liqiang đã trao cho cơ quan phản gián của nước này danh tính của những sĩ quan tình báo cấp cao của Trung Quốc ở Hong Kong. Đồng thời, người này cung cấp chi tiết về cách thức Bắc Kinh tài trợ và tiến hành các hoạt động ngầm tại Hong Kong, Đài Loan và Australia.

Chính quyền Trung Quốc phản bác thông tin từ Wang do truyền thông Australia đăng tải. Cảnh sát Thượng Hải hôm 23/11 cho biết William Wang Liqiang, 26 tuổi, là công nhân thất nghiệp đến từ Nam Bình, thuộc tỉnh Phúc Kiến. Wang bị tòa án quận Quảng Châu, Phúc Kiến, kết án tù treo 1,5 năm vào tháng 10/2016 vì tội lừa đảo.

Wang tiếp tục bị điều tra vì liên quan đến cáo buộc lừa đảo thứ hai vào tháng 4. Wang được cho đã dùng dự án nhập khẩu gian lận xe hơi để lừa đảo 4,6 triệu nhân dân tệ (0,65 triệu USD) từ người có tên Shu vào tháng 2. Cuộc điều tra vụ án vẫn đang tiếp diễn.

Hôm 24/11, Wang phủ nhận tuyên bố của cảnh sát Thượng Hải, theo Sydney Morning Herald. Vụ việc của ông Zhang và ông Chen được cho không liên quan đến những gì Wang tiết lộ với ASIO.

Wang Liqiang tự nhận là gián điệp Trung Quốc và đã đào tẩu sang Australia. Ảnh: Steven Siewert. 

"Mục tiêu hoàn hảo"

Trái ngược với quan điểm gần đây của cựu thủ tướng Paul Keating, cựu giám đốc ASIO Duncan Lewis cho biết hệ thống chính trị Australia đang bị Bắc Kinh tấn công. Ông Lewis cảnh báo rằng chính phủ Trung Quốc đang tìm cách "tiếp quản" hệ thống chính trị của Australia thông qua các hoạt động can thiệp "quỷ quyệt" vào nước khác.

Thông tin của đảng Tự do cho thấy từ năm 2015 cho đến khi qua đời, ông Zhao là đảng viên đảng Tự do tại Chisholm.

"Ông là một thành viên được trả lương, điều đó có nghĩa là ông có khả năng hoạt động trong chi nhánh và bộ phận của mình. Tôi nghĩ Nick là mục tiêu hoàn hảo để khai thác, một gã hơi cao ngạo ở Melbourne, chi tiêu quá trớn, đối tượng dễ bị điệp viên nước ngoài tác động", Chủ tịch ủy ban an ninh và tình báo Quốc hội Australia Hastie nói.

Ông Zhao sống ở vùng ngoại ô phía đông nam Glen Iris cùng vợ và con gái. Từ năm 2016, ông Zhao phải đối mặt với các vấn đề tài chính nhưng không cho bạn bè và người thân biết.

Hồ sơ tòa án cho thấy năm 2017, ông Zhao bị buộc tội lừa đảo vay tiền để mua xe hạng sang. Năm 2018, các quản trị viên bắt đầu truy lùng ông sau khi đại lý ôtô Brighton đóng cửa. Đến đầu năm 2019, ông Zhao đã bỏ vợ và nợ tiền của các nhà đầu tư Trung Quốc.

Ông Bill McLoy, người từng quản lý đại lý xe hơi của ông Zhao ở Ringwood, cho rằng ông Zhao là "gã trẻ rất tham vọng và luôn vượt lên chính mình".

Đầu năm 2019, ông Zhao nói với hai cộng sự rằng ông đã tiết lộ với ASIO về việc ông Chen đề nghị thành lập công ty mới với số vốn hàng triệu USD. Đổi lại, ông Chen muốn ông Zhao đại diện cho khu vực bầu cử Chisholm ra tranh cử vào Quốc hội Australia.

Brian Chen. Ảnh: Sydney Morning Gerald.

Ông Zhao được một nhân viên vệ sinh phát hiện đã tử vong trong phòng trọ ở ngoại ô Mount Waverley hồi tháng 3. Cái chết của ông Zhao có nghĩa ông không bao giờ có thể tuyên bố công khai cáo buộc về ông Chen.

"Tôi không biết anh ấy (Nick Zhao). Tôi thực sự không biết gì về anh ấy", ông Chen nói.

Các nhân viên cũ cho biết họ nghe tin ông Zhao có thể đã tự sát. Theo Chủ tịch ủy ban an ninh và tình báo Quốc hội Hastie, "chúng tôi cần khám phá mọi ngóc ngách và soi chiếu mọi góc khuất để đảm bảo có thể nhận thức đầy đủ và toàn diện về nguyên nhân cái chết của ông Zhao".

Đời tư phức tạp của Chen

Truyền thông Australia xác nhận từ nhiều nguồn tin an ninh phương Tây cho rằng ông Chen là quan chức tình báo cấp cao của Trung Quốc. Doanh nhân này có cuộc sống khá phức tạp tại Melbourne.

Ảnh chụp cho thấy ông mặc đồng phục quân đội Trung Quốc và đóng giả làm nhà báo khi tham dự các hội nghị chính trị quốc tế, bao gồm G20 và APEC.

Ông Chen giải thích ông "có bạn là binh sĩ Trung Quốc nên đã mượn đồng phục của họ để chụp ảnh khoe. Ngoài ra không có ý nghĩa gì khác". Về việc tham gia các hội nghị, ông Chen nói "tôi chỉ đi theo một người bạn, lang thang khắp đất nước. Tôi được giới thiệu với một số người bạn và thực hiện một số dự án".

Doanh nhân này có mạng lưới liên kết tại Australia với những người đã quyên góp cho cả hai đảng chính trị lớn. Ông Chen từng làm việc với nhiều cựu quan chức chính trị cấp cao trên khắp châu Á và châu Âu.

Công ty kinh doanh của ông Chen, có tên Prospect Time, cũng đóng góp vào sáng kiến "Vành đai, Con đường" của Trung Quốc. Điều này dấy lên nghi ngờ ông Chen sử dụng "Vành đai, Con đường" làm vỏ bọc cho hoạt động tình báo.


Hương Ly

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad