Bao nhiêu gián điệp của ĐCSTQ nằm vùng tại Mỹ? |
Là thư ký chính trị thứ nhất của đại sứ Trung Quốc tại Úc, chắc chắn Trần Dụng Lâm biết rất nhiều chuyện nội tình. Ông kể rằng những gián điệp này không chỉ thu thập thông tin tình báo, mà còn giám sát người Trung Quốc địa phương, đặc biệt là người tập Pháp Luân Công và những người bất đồng chính kiến, có khi cũng tham gia vào hoạt động bắt cóc.
Trước vụ việc Trần Dụng Lâm là vụ việc cựu quan chức của Văn phòng An ninh Quốc gia Thiên Tân là Hách Phụng Quân cũng tiết lộ tại Úc rằng ĐCSTQ có hơn 1.000 điệp viên ở Canada, chủ yếu ở hai thành phố đông người gốc Hoa là Toronto và Vancouver. Tờ Global Post của Canada đưa tin, Hách Phụng Quân đã phục vụ trong Cục An ninh Quốc gia cả chục năm, sau đó làm việc trong bộ phận đặc biệt của Cục này là “Phòng 610” chuyên theo dõi Pháp Luân Công, vào đầu năm nay đã nộp đơn xin thị thực tị nạn tới Úc để xin bảo vệ tị nạn. Tờ báo Canada dẫn lời M.J.Katsuya, cựu giám đốc các vấn đề châu Á của Cục Tình báo An ninh Canada cho biết “lời kể của Hách Phụng Quân là đáng tin cậy.”
Tổng dân số của Úc và Canada khoảng 50 triệu người, nếu ĐCSTQ phái đến 2.000 gián điệp, vậy thì với “kẻ thù” như Mỹ có dân số gấp khoảng sáu lần Úc và Canada thì ĐCSTQ sẽ đưa đến bao nhiêu gián điệp?
Đầu năm 1997, trong chuyên khảo về gián điệp ĐCSTQ tựa “Chiến tranh không khói”, phóng viên John Fialka của Wall Street Journal đã chỉ ra: “Số lượng gián điệp mà hiện nay Bộ An ninh Trung Quốc gửi tới Mỹ vượt quá số điệp viên KGB mà Liên Xô đã cử đi vào thời kỳ cao điểm Chiến tranh Lạnh.” Tên tiếng Anh của Bộ An ninh ĐCSTQ là MSS (Ministry of State Security), hiện nổi tiếng hơn tên tiếng Anh KGB của Liên Xô cũ tại Mỹ trước đây.
Theo News Magazine của Mỹ đưa tin, gián điệp của ĐCSTQ đã thực hiện việc thu thập thông tin tình báo “kiểu trải thảm” ở Mỹ, ngay cả luận văn tiến sĩ tại Đại học cũng không bỏ qua. “Đặc biệt liên quan đến luận án tiến sĩ phân tích mật mã, radar, hướng dẫn điều khiển hệ thống máy tính, sự cố tên lửa và chất lượng nhiên liệu. Theo báo cáo của công ty giải pháp tài liệu và dịch vụ Xerox của Mỹ, đã có người nhờ công ty sao chép hơn một trăm luận án tiến sĩ của các trường đại học Mỹ để gửi về Trung Quốc.”
Ngày 8/8/2003, “Bưu chính châu Á Thái Bình Dương” (The Asian Pacific Post) đăng bài “Có 3.500 công ty gián điệp Trung Quốc ở Mỹ và Canada”, theo đó cho biết Giám đốc FBI Robert Mueller đã làm chứng trước Quốc hội Mỹ rằng ĐCSTQ có 3.000 công ty vỏ bọc với mục đích thực sự là thu thập thông tin tình báo tại Mỹ. Hàng trăm ngàn du khách Trung Quốc vào Mỹ mỗi năm, nhiều người với nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo cho ĐCSTQ. Tại Canada, có khoảng 300 – 500 công ty vỏ bọc của ĐCSTQ dưới sự kiểm soát trực tiếp hoặc gián tiếp của Bắc Kinh.
Trong các tổ chức truyền thông chính thống của Mỹ, người nghiên cứu sâu sắc về gián điệp và sức mạnh quân sự của ĐCSTQ là phóng phóng viên quân sự Bill Gertz của Washington Times, nhiều năm trước ông từng xuất bản sách “Đe dọa từ Trung Quốc: Cách thức ĐCSTQ tấn công Mỹ”, theo đó cho biết Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã theo dõi 6 điệp viên của ĐCSTQ, nhưng không phát hiện một điệp viên kỳ cựu nào của ĐCSTQ ẩn nấp trong Chính phủ Mỹ, người có thể tiếp cận được thông tin tình báo tối mật có tên là “Ngựa” (Mã).
Trên Thời báo Washington vào tuần trước, Getz đã công bố một báo cáo đặc biệt về việc ăn cắp thông tin tình báo của ĐCSTQ, theo đó đã dẫn lời David Szady – Giám đốc Văn phòng Tình báo Liên bang Mỹ hoạt động phản gián của FBI cho biết, ĐCSTQ đang đánh cắp thông tin tình báo toàn diện tại Mỹ, bao gồm tất cả các loại thông tin liên quan đến công nghệ bí mật và quân sự. Thường mất khoảng 10 năm để phát triển hệ thống vũ khí, nhưng sau khi ĐCSTQ có được thông tin khoa học và công nghệ tiên tiến của Mỹ thì có thể rút ngắn xuống còn 2 – 3 năm. Theo thông tin của Mỹ, ĐCSTQ có tới 3.200 công ty vỏ bọc ở Mỹ, trong đó nhiều công ty do các nhóm liên quan chặt chẽ với quân đội Trung Quốc điều hành, chủ yếu thu thập các loại tình báo như công nghệ quân sự của Mỹ.
Gián điệp là một hoạt động của con người từ thời cổ đại, năm 2002 “Bảo tàng Gián điệp Quốc tế” được mở tại Washington, ngay giữa phòng triển lãm là cuốn sách “Tôn Tử binh pháp” của Trung Quốc cổ đại, người Mỹ xem Tôn Tử là nhà lý luận uy tín và thủy tổ chiến tranh gián điệp trong tình báo quân sự. Chưa kể trong Chiến tranh Lạnh Mỹ và Liên Xô đã tiến hành các cuộc chiến gián điệp, ngay cả giữa các nước dân chủ ngày nay cũng thường xảy ra tranh chấp do gián điệp.
Ngay cả nước được Mỹ hỗ trợ là Israel cũng vẫn phát triển gián điệp ở Mỹ, quan chức quân đội Mỹ là John Pollard vì làm gián điệp cho Israel mà bị kết án tù chung thân vào năm 1986 và vẫn đang thụ án, bất chấp Thủ tướng Israel đã nhiều lần yêu cầu nhưng Mỹ vẫn không chịu ân xá. Chỉ mới vài ngày gần đây, quan hệ ngoại giao tồi tệ giữa New Zealand và Israel do các vấn đề gián điệp gây ra mới được thuyên giảm. Mặc dù hiện nay Mỹ xem ĐCSTQ là mối đe dọa gián điệp chính, nhưng giới quan chức tình báo Mỹ cũng chỉ ra rằng ngoài Trung Quốc thì còn Nga, Nhật Bản, Pháp, Ấn Độ và đồng minh thân cận của Mỹ như Anh cũng có tình báo theo dõi Mỹ.
Nước nào cũng có gián điệp, nhưng gián điệp của ĐCSTQ có ít nhất bốn điểm khác biệt so với phần còn lại của thế giới:
Thứ nhất, gián điệp ở nước ngoài của ĐCSTQ chủ yếu là người Trung Quốc, bởi vì Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc có xu hướng phát triển gián điệp là người Trung Quốc. Theo Paul Moore, giám đốc phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu Phản gián và An ninh Mỹ, “Đây là khác biệt rõ ràng giữa Trung Quốc và Nga với các nước phương Tây lớn trong việc thu thập thông tin tình báo. Trong gián điệp mà Nga dùng nhắm vào Mỹ thì có đến ba trong bốn dạng gián điệp không phải người Nga. Còn khi Trung Quốc thu thập thông tin tình báo từ Mỹ thì khoảng 98 trong số 100 lần được thực hiện bởi người Trung Quốc.”
Trong sách “Hoạt động tình báo của Trung Quốc”, nhà phân tích chống phản gián của Mỹ là N. Eftimiades chỉ ra rằng Bộ An ninh Trung Quốc lấy hai lý do để tuyển mộ các gián điệp là người Trung Quốc: thứ nhất là tận dụng tình cảm dân tộc của họ để khơi gợi tinh thần trách nhiệm cao của họ nhằm giúp tổ quốc hùng mạnh; thứ hai là ngụ ý rằng nếu họ không hợp tác thì các thành viên gia đình của họ ở Trung Quốc sẽ bị liên lụy. Phương pháp thứ hai hiệu quả hơn và là yếu tố thúc đẩy mạnh mẽ buộc họ phải đồng ý tuân theo. Tất cả các gián điệp của ĐCSTQ bị bắt ở Mỹ từ năm 1985 đều là người gốc Trung Quốc, không ai là người nước ngoài thuần túy.
Thứ hai, ĐCSTQ áp dụng chiến thuật biển người kiểu “Đại nhảy vọt”, theo đó trong thu thập tin tình báo đã áp dụng chiến lược sử dụng lực lượng nhân sự hùng hậu để thu thập thông tin với mỗi số lượng thông tin hạn chế từ mỗi người nhằm tích tiểu thành đại. Trong một phỏng vấn của VOA, chuyên gia chống tình báo Mỹ Moore cho biết: “Trung Quốc có rất nhiều hoạt động thu thập thông tin tình báo, nhưng nhiều hoạt động trong đó không được chuyên nghiệp lắm, vì vậy hiệu quả của họ không cao lắm, do có quá nhiều người tham gia. Như vậy họ sẽ nhận được rất nhiều thông tin vụn vặt. Tổng lượng thông tin tình báo mà Trung Quốc thu thập từ Mỹ là một vấn đề đối với Mỹ, nhưng phương pháp thu thập của Trung Quốc cũng là một vấn đề đối với chính họ.”
Một báo cáo trong “Sổ tay đe dọa gián điệp” của Văn phòng hoạt động an ninh (IOSS) thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ viết rằng, mặc dù “chiến thuật biển người” mà ĐCSTQ sử dụng trong thu thập thông tin tình báo không hiệu quả, nhưng cũng có thể do số lượng lớn người tham gia làm cho hệ thống tư pháp và phản gián của Mỹ gặp khó khăn nhất định trong chiến lược đối phó.
Thứ ba, gián điệp ở nước ngoài của ĐCSTQ cũng phụ trách theo dõi người Trung Quốc địa phương, đặc biệt là Pháp Luân Công và các nhóm bất đồng chính kiến.
Khoảng một tháng sau vụ thảm sát Thiên An Môn ngày 4/6/1989, trong Hội nghị đại biểu “Liên minh Dân chủ Trung Quốc” được tổ chức tại Los Angeles, ông Thiệu Hoa Cường – thành viên của Liên minh Dân chủ Trung Quốc đã thẳng thắn “trở giáo” tại Hội nghị với thú nhận rằng bản thân là gián điệp của Bộ An ninh Cộng sản Trung Quốc, nhưng sự kiện thảm sát Thiên An Môn đã khiến ông thay đổi cách nghĩ, quyết tâm từ bỏ ĐCSTQ (sau đó Thiệu Hoa Cường đã bị FBI Mỹ bắt giữ).
Chuyện đảng cộng sản phát triển gián điệp trong hệ thống dân vận đã sớm không còn là bí mật. Hồ sơ cảnh sát từ sau sự sụp đổ của chế độ cộng sản ở Đông Âu đã liên tục xác nhận điều này. Ngày 14/1 năm nay, chuyên gia Richard Bernstein nổi tiếng về nghiên cứu vấn đề Trung Quốc và hệ thống cộng sản của New York Times đã công bố chuyên đề từ Warsaw (Ba Lan) cho biết, các tài liệu mật của Cộng sản Ba Lan chứng minh rằng, Marian Jurzczyk – lãnh đạo sở tại của “Công đoàn Đoàn kết Ba Lan” và Z. Nakder – từng là giám đốc bộ phận ngôn ngữ Ba Lan của Đài Châu Âu Tự do (RFE), đều đã làm điệp viên cho đảng Cộng sản. Đáng ngạc nhiên nhất, hồ sơ cảnh sát tìm thấy vào năm ngoái chỉ ra, M. Niezabowska – phát ngôn viên đối ngoại của “Phong trào Công đoàn Đoàn kết” và đồng thời là nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng như một ngôi sao điện ảnh, cũng đã từng hợp tác với phe Cộng sản Ba Lan, mã số bí mật của bà trong hồ sơ cảnh sát là Nowak.
Trường hợp ở Đông Đức cũng vậy, Sascha Anderson – một nhà thơ bất đồng chính kiến, nhạc sĩ nổi tiếng, và là một trong những nhân vật chính của phong trào dân chủ Đông Đức – mới năm ngoái đã bị phát hiện từng là sĩ quan tình báo của đảng Cộng sản. Khi chế độ Cộng sản Đông Đức sụp đổ, có 16.000 túi tài liệu mật đã không được hủy kịp, chỉ mới bị cắt vụn bằng máy cắt giấy. Ngày 17/7/2003 New York Times đưa tin, nước Đức đã dùng phần mềm sắp xếp lại văn bản giấy bị cắt vụn (phát minh của Công ty máy tính Hewlett-Packard ở Mỹ), qua đó phát hiện bộ mặt thật của “nhà thơ bất đồng chính kiến” này. Tỷ lệ chính xác khi sắp xếp lại của phần mềm máy tính này đạt đến 80%, có thể phục hồi đến 70% một tài liệu bị cắt vụn.
Mặc dù các tổ chức dân chủ ở nước ngoài của Trung Quốc cũng đang “bắt gián điệp”, nhưng có tiếng mà không có miếng, hiệu quả không nhiều, dù sao cũng rất khó để có được bằng chứng. Nhưng tình hình ở các nước Đông Âu cũ chứng minh rằng sớm hay muộn, các tài liệu bí mật về hoạt động gián điệp cho Cộng sản sẽ được khai quật.
Trong những năm gần đây, một trọng tâm khác của gián điệp ĐCSTQ tại nước ngoài là theo dõi các nhóm Pháp Luân Công. Dương Khải Văn, người tham gia trong “Tổ chức truy xét bức hại Pháp Luân Công” tiết lộ với truyền thông rằng nhiều học viên Pháp Luân Công đã bị ĐCSTQ đưa vào danh sách đen, bị quấy rối và theo dõi qua điện thoại, nhiều người đã bị bắt khi họ trở về Trung Quốc. Học viên Chu Dĩnh đã bị bắt cóc khi cô về Trung Quốc thăm người thân, nhân viên an ninh cho cô biết rằng họ biết rõ tình hình của từng học viên Pháp Luân Công tại Canada.
Theo thông tin do Hách Phụng Quân, cựu quan chức Văn phòng An ninh Quốc gia Thiên Tân của ĐCSTQ cung cấp cho giới truyền thông, gián điệp của ĐCSTQ nắm được thông tin chi tiết về kế hoạch của học viên Pháp Luân Công Diệp Ánh Hồng mở công ty truyền thông tại địa phương, văn kiện ghi rõ “Báo: Thứ trưởng Lưu; chuyển: Văn phòng Trung ương về Chỉ đạo Phòng ngừa và xử lý vấn đề tà giáo, Phòng thụ lý Bộ Ngoại giao”. The Canadian Press đưa tin cho biết, có 8 hồ sơ tương tự đã được Hách Phụng Quân cung cấp cho truyền thông địa phương.
Theo thông tin, Diệp Ánh Hồng 39 tuổi, là công dân Canada, đến Canada vào đầu những năm 1990 để học máy tính tại Đại học Ontario. Diệp thấy thông tin cá nhân của mình xuất hiện trong thông tin tình báo đã kinh ngạc nói: “Tôi không biết làm thế nào họ có được (những thông tin này), họ giám sát chúng tôi thực sự lợi hại!” The Canadian Press cũng tiết lộ rằng số hiệu cơ quan tình báo giám sát học viên Pháp Luân Công ở Canada là F101, Hách Phụng Quân đã đưa ra hàng trăm tập tin bí mật từ thiết bị lưu trữ kỹ thuật số của mình.
Sự khác biệt cuối cùng là một khi các gián điệp ĐCSTQ ở nước ngoài bị bắt, chính quyền Bắc Kinh sẽ không thừa nhận (là gián điệp của ĐCSTQ), đây là điều hiếm thấy trong lịch sử điệp viên thế giới. Ngay cả Cộng sản Liên Xô cũ cũng trao đổi “gián điệp” bị bắt của họ với Mỹ. Cho đến nay, điệp viên nổi tiếng nhất của ĐCSTQ bị Mỹ bắt giữ là Larry WuTai Chin, người đã ẩn náu tại CIA suốt 30 năm, đã bí mật chụp ảnh nhiều tài liệu bảo mật cao nhất của Mỹ thành các cuộn phim thu nhỏ bí mật chuyển cho ĐCSTQ, ngay cả sau khi ông nghỉ hưu năm 1981 nhưng vẫn không bị phát hiện. Sau đó, trong vụ việc Du Cường Sinh, một quan chức của Bộ An ninh Quốc gia ĐCSTQ đào thoát sang phương Tây thì mới khiến Larry WuTai Chin bị bắt.
Mặc dù vào thời điểm đó vụ án được xét xử công khai tại Mỹ, nhưng ĐCSTQ vẫn không công nhận Larry WuTai Chin là điệp viên của họ, phủ nhận mọi mối quan hệ với Larry WuTai Chin. Trong thời gian chờ xét xử, khi trả lời phỏng vấn của một tờ báo Trung Quốc, Larry WuTai Chin còn kêu gọi ĐCSTQ lấy nhà hoạt động dân chủ ở Đại Lục là Ngụy Kinh Sinh ra để trao đổi cho ông ra tù. Sau khi biết ĐCSTQ đã từ chối thừa nhận khiến ông hoàn toàn tuyệt vọng, cuối cùng lấy túi nhựa trùm đầu ở trong phòng giam, dùng dây dầy thắt chặt cho mình chết ngạt. Phóng viên Trần Quốc Khôn (hiện là Tổng biên tập tờ Liberty Times tại New York) đã kể lại tình cảnh tuyệt vọng của Larry WuTai Chin khi ông đến thăm. Có thể thấy, những người làm gián điệp cho ĐCSTQ chỉ có thể sẵn sàng dâng hiến cho Đảng, sẵn sàng chấp nhận cái chết không minh bạch.
Tuyết Mai
Trí Thức Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét