Đại án, Đại lễ và Đại dịch - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Chủ Nhật, 9 tháng 2, 2020

Đại án, Đại lễ và Đại dịch


Cài gì là mẫu số chung từ “tam Đại”? Câu trả lời là phản ứng tiêu cực của người dân. Từ oán thán, mất lòng tin đến phẫn nộ, thậm chí căm ghét chế độ, một bộ phận dân chúng đã thông qua nhiều hình thức để bày tỏ thái độ bất mãn đối với các chủ trương phản tiến bộ, phi dân chủ và đầy dối trá của chính quyền. Không ai khác, ĐCSVN chính là tác giả, kiêm luôn cả đạo diễn (tồi), đồng thời thủ một số vai chính trong các đại bi kịch nói trên.

Hình minh họa. Hình chụp hôm 5/2/2019: Áp phích cổ động cho Đảng cộng sản Việt Nam trên đường phố Hà Nội

Thảm sát Đồng Tâm, ĐCSVN 90 tuổi và nCov Vũ Hán có lẽ là ba đề tài choán hầu hết các trang mạng đủ các loại lề: trái, phải và giữa. Chưa bao giờ xã hội Việt Nam bị phân mảnh văng ra tứ phía, từ các bình luận vô văn hoá của những dư luận viên do ĐCS (chăn) nuôi đến các tút trên FB của các nhân sỹ trí thức lớn từ các nhóm xã hội dân sự.

Thảm sát Đồng Tâm:

Ca dao mới từ Hà Nội những ngày sau Tết: “Mới hay thảm án Đồng Tâm/ Lòng dân oán Cộng càng đâm nặng nề/ Cả khi đại dịch cận kề/ Vẫn nhiều người Việt hướng về Đồng Tâm. Những ngày “Mừng Đảng, Mừng Xuân”/ Đất trời vẫn cứ âm thầm xót thương/ Mưa đá, giá lạnh phố phường/ Mùa Xuân chẳng biết còn nương chốn nào!”

Chuyện người Việt vẫn hướng về Đông Tâm trước và sau năm mới thể hiện qua các nhóm xã hội dân sự. Phần lớn đều là các giáo sư, tiến sỹ đầu ngành – nhưng cũng có nhiều cụ từ các ban đảng, ví dụ như một Phó ban Tổ chức trung ương chẳng hạn – đã nhất loạt không sắm đào quất trong dịp Tết Canh Tý. Không ai bảo ai nhưng các cụ đều thừa nhận, tự nghĩ ra hình thức như thế nhằm để tang cụ Lê Đình Kình – một huyện uỷ viên, đảng viên 58 tuổi đảng – vừa bị các lực lượng vũ trang “anh hùng” hạ sát rạng sáng 9/1.

Trong một diễn biến riêng rẽ, hôm 2/2, đã xuất hiện trên Internet và một số trang mạng độc lập, bức thư ngỏ liên quan đến vụ đại án nói trên gửi lên Tổng Thư ký Liên hiệp quốc. Bức thư đề ngày 31/1 của nhóm nhân sỹ, trí thức từ Sài Gòn, gồm các ông Huỳnh Tấn Mẫm, Huỳnh Kim Báu, Lê Công Giàu và Tương Lai, trong đó có đoạn: “Trước sự kiện gây chấn động của quyết sách điên rồ do một thế lực cầm quyền ở Việt Nam gây nên cuộc thảm sát trời không dung đất không tha ấy…”.

“Mong Ngài TTK có tiếng nói kịp thời để ngăn chặn giải pháp tàn bạo của một nhà nước vừa được đảm nhận vai trò Uỷ viên không thường trực của HĐBA/LHQ nhiệm kỳ 2020-2021. Chúng tôi đề nghị Ngài cử ngay một phái đoàn điều tra của LHQ đến Việt Nam càng sớm càng tốt để tìm hiểu cụ thể, nhằm đưa ra nhận định khách quan và trung thực về sự kiện đẫm máu mà chúng tôi vừa tố cáo...”

Trước đó hôm 21/1, Tiến sỹ Nguyễn Quang A và một nhóm công dân đã chuyển “Đơn tố giác tội phạm” gây chết người ở Đồng Tâm trực tiếp đến Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hà Nội và qua đường bưu điện tới cơ quan điều tra của Công anh Thành phố. Sau chuyến thăm viếng Đồng Tâm hôm 1/2, ông Quang A cho biết thêm: “Tùy theo trả lời của họ hay không trả lời của họ, thì chúng tôi sẽ có những bước tiếp theo!”




Ông Lê Đình Kinh với nhiều vết bầm trên lưng (hình trái), cảnh sát cơ động ở Đồng Tâm hôm 9/1/2020
Còn đây là tuyên bố đanh thép của Nhà Văn Nguyên Ngọc ngày 4/2: “Tôi nghiêm khắc đòi hỏi nhà cầm quyền Việt Nam lập tức ra lệnh khởi tố vụ án lớn giết cụ Lê Đình Kình một cách minh bạch, công khai, công bằng. Những kẻ chủ trương, những kẻ lên kế hoạch, những kẻ tổ chức lực lượng và ra lệnh thực hiện dù ở cấp nào, những tên sát nhân, hay những tên đao phủ đã trực tiếp ra tay phải đền tội ác trước vành móng ngựa. Là công dân Việt Nam, là nhà văn Việt Nam, tôi tố cáo tội ác trời không dung đất không tha này trước toàn dân Việt Nam và thế giới…”

Các tổ chức dân sự hiện đã có trong tay danh sách đầy đủ của khoảng 30 người bị các lực lượng công an bắt cóc trong cái đêm bố ráp kinh hoàng ở thôn Hoành rạng sáng 9/1. Công an cũng đã thông báo, một trong số này đã chết và xác vẫn “gửi” trong Nhà Lạnh. Giữa thanh thiên bạch nhật liệu số còn lại có bị thủ tiêu dần hay không thì chưa ai rõ, nhưng chính quyền đang thực sự bế tắc trong việc khởi tố những người nông dân này, vì thực sự họ chẳng “giết người” như tố cáo ban đầu của chính quyền.

ĐCSVN chín mươi tuổi:

Lại phải nhờ đến thể thơ ngẫu hứng tại các quán bia hơi bình dân Hà Nội những ngày này để hiểu một bộ phận không nhỏ người dân thủ đô nghĩ gì về ĐCSVN “quang vinh”: “Nhiều khi sợ bị lãng quên/ Nên cứ phải hét như điên như khùng/ Nhưng chẳng ai chịu hét cùng/ Nên càng lạc lõng khùng khùng điên điên”. Chỉ ngay buổi chiều ngày 3/2, khổ thơ này đã xuất hiện một cách không thể nhanh hơn và kịp thời hơn để phản ứng lại cái đít-cua sáo mòn, phi khoa học và phản tiến bộ do Tổng chủ Nguyễn Phú Trọng vừa đọc trong buổi sáng tại đại lễ.

Cũng trong ngày 3/2, báo chí “lề phải” được lệnh tường thuật và ca ngợi buổi lễ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập ĐCSVN. Tuy nhiên, diễn văn của Nguyễn Phú Trọng cho thấy, chưa rõ vì lý do tuổi tác hay do lú bẩm sinh, Tổng chủ bắt đầu lẩm cẩm về chữ nghĩa. “Đảng ta có sức mạnh vô địch, không thế lực nào ngăn chặn được” là một tựa được giật trên tờ Tuổi Trẻ. Tuy nhiên, sau đó tít đã được ‘thay’ bằng một cái tựa ‘trung tính’ hơn: “Không thế lực nào cản được Đảng dẫn dắt dân tộc đi lên”.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và câu phát biểu nhân kỷ niệm 90 năm thành lập đảng 3/2/2020
Tâm trạng thiếu tự tin của báo chí thể hiện cả trên tờ VnExpress. Tít ban đầu là “Tổng bí thư: ‘Chỉ Đảng Cộng sản Việt Nam đủ uy tính lãnh đạo đất nước’”. Sau đó chắc thấy quá lố, tựa đề lại được đổi thành: “Tổng bí thư: ‘Đảng Cộng sản Việt Nam đủ bản lĩnh lãnh đạo đất nước’”. Giáo sư Trần Ngọc Vương từ ĐHQG Hà Nội đã không ngần ngại công khai trên FB của mình: “Phi lý đến quái gở, ngạo ngược và vô luân, đến đứa trẻ mới tập nói cũng không ngây ngô đến thế!” Dòng tút này được hưởng ứng của nhiều sinh viên và bạn hữu bằng hàng loạt các like và comment.

Tuy không phải là “bò đỏ” nhưng dịp này, Tiến sĩ Nhị Lê, tức Phạm Đình Bảng, cựu Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, cũng có một bài viết gây bão trên mạng. Bài đăng trên báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với tựa đề: “Đảng tự mình ngày càng xứng đáng trở thành dân tộc”.Nhiều người đọc cái tựa nhưng không hiểu ý tác giả muốn nói gì. Nhà văn Nguyễn Quang Lập ngạc nhiên: “Cái tựa không phải của Quang Lùn (Trùm dư luận viên trên mạng xã hội), mà là của PGS-TS Nhị Lê... Nhị Lê ơi hỡi Nhị Lê/ Mời ngài lên núi chăn dê cho lành!” Không rõ tờ Đầu tư đã cho gỡ bài ấy xuống chưa. Bởi vì “yêu đảng” như thế thì bằng mười hại đảng!

TS. Nguyễn Ngọc Chu phẫn nộ: “Sao lại hàm hồ thế này? Đảng làm sao lại trở thành dân tộc? Hay ông Nhị Lê bắt tất cả mọi người Việt Nam đều phải trở thành đảng viên? Hay là ông muốn đuổi 90 triệu người Việt Nam không là đảng viên phải đi nước khác sinh sống?” Thật là một bài viết ngang tầm “nâng bi”, sáo rỗng với nhiều từ vô nghĩa, đầy rẫy lỗi ngữ pháp.




Nhà văn quân đội có tên tuổi Phạn Đình Trọng trong một khảo luận có tính hệ thống đã tổng kết 5 tội lớn của ĐCSVN trong 90 năm qua. Đặc biệt, nhà văn nhấn mạnh, từ thảm họa Xô việt Nghệ Tĩnh (1930) đến thảm họa Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội (2020), suốt 90 năm cai trị bằng bạo lực, chia rẽ, hận thù, chưa khi nào đảng búa liềm ngừng kích động người Việt giết người Việt.

Giương ngọn cờ giải phóng dân tộc lừa dối để tập hợp người dân. Dùng sức mạnh nhân dân giành quyền thống trị. Nắm được quyền thống trị xã hội, “đảng búa liềm” hiện rõ chân tướng là một vương triều phong kiến. Vua phong kiến chỉ truyền ngôi cho con cháu trong dòng dõi nhà vua. Đảng búa liềm chỉ chuyển giao quyền lực cướp được của dân cho người trong đảng để đảng đời đời kiếp kiếp nắm quyền cai trị.

Đại dịch Viêm phổi Vũ Hán

Dù “miệng thế gian như làn sóng bể” (Puskin), chúng ta vẫn phải quay về “minh triết bảo thân”, để chiêm nghiệm châm ngôn mới của dân gian: “Thời buổi này, cô đơn, cô hồn không đáng sợ bằng Corona/ Khẩu súng, khẩu nghiệp vẫn chưa quan trọng so với Khẩu trang/ Vũ phu, vũ nữ cũng chẳng thể nguy hiểm như Vũ Hán”.

Tuy nhiên, cho đến nay chưa có con số thật sự đáng tin cậy đã có bao nhiêu người nhiễm bệnh dịch viêm phổi Vũ Hán ở Việt Nam? Theo thông tin của Channel News Asia, cho đến sáng ngày 7/2/2020 con số thống kê chính thức về lượng người nhiễm nCoV trên toàn cầu lên tới 31.161. Số người tử vong do virus này gây ra là 637.

Trong tình hình như vậy, Việt Nam mới chỉ chính thức xác nhận có 12 trường hợp nhiễm nCoV. Nhiều người tin rằng đây chỉ là con số lẻ. Mặc dù hầu hết các báo “lề đảng” cố gắng trấn an dư luận, nhưng vẫn có báo nhận ra nguy cơ của bệnh dịch này và lưu ý một con số đáng sợ khác. VnExpress có bài: 236 ca nghi nhiễm nCoV ở Việt Nam. Tính đến sáng 3/2/2020, “trong số 236 trường hợp nghi ngờ lây nhiễm, có 163 ca kết quả xét nghiệm âm tính, 73 trường hợp tiếp tục cách ly theo dõi để ngăn lây nhiễm ra cộng đồng.

Trước đó, hôm 2/2, Hà Nội lên phương án triển khai khu cách ly, xây bệnh viện dã chiến. Mặc dù cố gắng phấn đấu không có trường hợp nào mắc bệnh do nCoV, nhưng Thị trưởng Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu Bộ Tư lệnh Thủ đô xây dựng phương án triển khai khu vực cách ly và bệnh viện dã chiến, sẵn sàng ứng phó khi dịch bùng phát, chi viện cho ngành y tế trong tình huống khẩn cấp vượt quá khả năng đáp ứng của ngành y tế.




Thông tin trên khiến nhiều người lo ngại, vì nếu thực sự hiện chỉ có 12 ca nhiễm virus Corona, thì tại sao lại thiếu máu điều trị và phải xây bệnh viện dã chiến? Đó là dạng bệnh viện được xây tạm thời trong trường hợp đột nhiên có một lượng lớn người mắc bệnh, tương tự như hai bệnh viện dã chiến mà Trung Quốc xây ở Vũ Hán là Hỏa Thần Sơn và Lôi Thần Sơn, với sức chứa 1000 và 1600 giường.

Chắc chắn những người trong cuộc nhận ra tin tức bị ém nhẹm về nCoV ở Việt Nam không còn giữ được lâu, nên các báo “lề đảng” mới bắt đầu “nhá hàng”. Điều chính quyền cần làm ngay là công khai cả số liệu thật về lượng người nhiễm và nghi nhiễm nCoV. Nếu muốn phòng dịch đúng cách, cần trung thực với dân để họ biết nguy cơ, che giấu và bưng bít thông tin sẽ khiến tình hình tồi tệ hơn.

Trong lúc số người nhiễm nCoV ở Trung Quốc tăng lên hàng ngày, lãnh đạo CSVN vẫn dứt khoát không chịu đóng cửa biên giới. VietNamNet đưa tin: 500 người Trung Quốc chờ nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu Hữu Nghị. Trong khi cả thế giới sợ hãi, tìm mọi cách để ngăn ổ dịch nCoV ở Trung Quốc phát tán, thì Việt Nam vẫn chưa được phép quay lưng với “bạn vàng”, vẫn phải chấp nhận cho người Trung Quốc qua biên giới. Trong tình hình dịch bệnh như thế mà lãnh đạo Việt Nam vẫn sợ Trung Quốc hơn sợ đại dịch!

Mồng 3/2 là ngày kỷ niệm CSVN 90 tuổi, ngày mà đảng hy vọng sẽ diễn ra trong không khí trang trọng, thì hóa ra lại thành ngày đầy bi quan. Từ Nam ra Bắc, người Việt tranh nhau thu mua khẩu trang, thay vì nghĩ đến lịch sử thành lập đảng. Ngay cả các đảng viên lão thành và cựu đảng viên CSVN cũng đang chất vấn đảng của họ về sự chần chừ, không dứt khoát trong vấn đề biên giới với Trung Quốc và đối phó với đại dịch nCoV.

Kết luận:

Cài gì nổi cộm lên qua “tam Đại”? Câu trả lời là lòng dân. Từ oán thán, mất lòng tin đến phẫn nộ, thậm chí căm ghét chế độ, một bộ phận dân chúng thông qua nhiều hình thức đã bày tỏ thái độ bất mãn đối với các chủ trương phản tiến bộ, phi dân chủ và đầy dối trá của chính quyền. Không ai khác, ĐCSVN chính là tác giả, kiêm luôn cả đạo diễn (tồi) , đồng thời thủ một số vai chính trong các đại bi kịch nói trên.

Bước vào Canh Tý, dân Việt đi từ cú sốc này đến cú sốc khác về đảng cộng sản cầm quyền. Đầu tiên là đảng “ác với dân” qua đại án Đồng Tâm. Cú sốc thứ hai là đảng “lú trước thời cuộc” khi Nguyễn Phú Trọng vẫn mạnh mẽ cao giọng lên án Hoa Kỳ trong cuộc huynh đệ tương tàn cách đây hơn nửa thế kỷ nhưng lại lờ tịt cuộc chiến tranh khốc liệt do Tàu cộng gây ra mới ba mươi năm (?) Và cú sốc thứ ba là đảng “hèn với giặc” khi ngày 30/1/2020, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh tuyên bố: Việt Nam chỉ có thể đóng cửa biên giới ngăn dịch nCoV Vũ Hán khi được Trung Quốc đồng ý./.


© Ba Đê
    Blog RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad