Nhìn COVID-19 ở Nam Hàn, Việt Nam sẽ bớt ‘phấn khởi, lạc quan’? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Tư, 26 tháng 2, 2020

Nhìn COVID-19 ở Nam Hàn, Việt Nam sẽ bớt ‘phấn khởi, lạc quan’?


Nên xem diễn biến của dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona (COVID-19) gây ra tại Nam Hàn là hồi chuông cảnh báo cho Việt Nam, đặc biệt là khi có nhiều biểu hiện cho thấy hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam nghiêng về những yếu tố nặng tính… thành tích!

Tại một trung tâm y tế ở Daegu, Nam Hàn, 24 tháng Hai.

Cách nay năm ngày, Nam Hàn cho biết, tính đến 9 giờ sáng ngày 18 tháng 2 (hai tháng sau khi viêm đường hô hấp cấp do COVID-19 trở thành một loại dịch đe dọa toàn cầu), quốc gia này chỉ có 31 người nhiễm COVID -19 (1). Tuy nhiên 4 giờ chiều ngày hôm sau (19 tháng 2), số người nhiễm COVID-19 đã tăng lên 51, trong 20 ca nhiễm mới có 18 người cư trú tại thành phố Daegu và tỉnh Bắc Gyeongsang (2). Cũng kể từ đó, số người nhiễm COVID-19 tại Nam Hàn tăng không ngừng. Tính tới 4 giờ chiều ngày 23 tháng 2, số người nhiễm COVID-19 đã là 602 người (3). So với ngày 18 tháng 2, chỉ trong vòng năm ngày, số người nhiễm COVID-19 tăng 19,5 lần và đã có năm người thiệt mạng!

Diễn biến lây nhiễm virus Corona tại Nam Hàn làm thế giới rúng động. Thứ bảy vừa qua (ngày 22 tháng 2), Israel cách ly ngay lập tức 12 công dân Israel từ Nam Hàn trở về, đồng thời buộc phi cơ chở họ phải quay lại Seoul. Cũng trong ngày thứ bảy, các viên chức hữu trách của cả Israel lẫn Palestine kêu gọi tất cả những người từng tiếp xúc với một nhóm du khách Nam Hàn vừa đến thăm Israel và khu vực Bờ Tây hãy tự cách ly với bên ngoài. Sự kiện, mỗi ngày, số người nhiễm COVID-19 tại Nam Hàn tăng lên hàng trăm khiến Israel và Palestin giật mình. Kiểm tra nhóm du khách vừa đề cập kỹ hơn, Israel và Palestine choáng váng: Có chín người trong nhóm dương tính với COVID-19 (4)…

***

Hai tháng sau khi COVID-19 xuất hiện tại Trung Quốc, càng ngày càng nhiều dấu hiệu cho thấy hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở Việt Nam giỏi tự khen hơn tổ chức phòng ngừa dịch bệnh lây lan. Chỉ một ngày sau khi hệ thống truyền thông chính thức giới thiệu bài thơ của một cô giáo ở Gia Lai khen việc phòng chống dịch, Văn phòng Chính phủ đã soạn - phát hành ngay công văn khen lại tác giả và khen thêm chính mình. Nếu đảng, nhà nước, chính phủ và Thủ tướng thật sự có trách nhiệm trong phòng chống dịch COVID – 19 và việc “chỉ đạo, triển khai thực hiện” thật sự có hiệu quả thì tại sao trẻ con phải dùng giấy thay khẩu trang để che mũi, miệng (4)?




Tại sao hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương có thể thi nhau khen một cô giáo làm thơ khen mình nhưng lại cùng làm ngơ khi cả hệ thống y tế lẫn dân chúng loay hoay trong việc thiếu khẩu trang hợp cách và loại hàng hóa đơn giản nhưng hết sức cần thiết này vẫn tiếp tục được gom ở mức nhiều tấn để chuyển sang Trung Quốc? Tại sao đảng, nhà nước, chính phủ và Thủ tướng không chỉ đạo điều tra, tìm giải pháp khắc phục tình trạng trẻ con phải dùng giấy thay khẩu trang mà để Sở GDĐT Nghệ An và Phòng GDĐT huyện Kỳ Sơn thành lập Hội đồng Kỷ luật để “phê bình, nhắc nhở” những người phản ánh sự thật này?..

Nên mừng hay lo khi phạm vi tác động của COVID-19 càng ngày càng rộng, càng ngày càng nghiêm trọng thì hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam bắt đầu bàn đến khả năng công bố Việt Nam là “quốc gia đầu tiên dập được dịch COVID-19” (6)? Giống như nhiều quốc gia khác, COVID-19 không chỉ gây xáo trộn sinh hoạt xã hội mà còn tạo ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng cho kinh tế Việt Nam. Việt Nam chỉ khác những quốc gia khác ở chỗ hệ thống chính trị, hệ thống công quyền “không điều chỉnh hoặc hạ chỉ tiêu tăng trưởng, phát triển kinh tế” và cũng vì vậy không có kế hoạch sử dụng “các gói cứu trợ kinh tế tránh tác động tiêu cực từ COVID-19” (7).

Quyết tâm để tăng trưởng kinh tế đạt… chỉ tiêu nên ngày 16 tháng 2, chính phủ đã yêu cầu chính quyền tỉnh Quảng Ninh rút kinh nghiệm vì không cho du thuyền Aida Vita của Ý cập cảng Hạ Long (8). Trong mắt hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam, 1.100 du khách từ châu Âu ấy là phương tiện hỗ trợ nỗ lực đạt chỉ tiêu tăng trưởng, bất kể một số du thuyền cũng chở du khách từ châu Âu, châu Mỹ, châu Úc bị thiên hạ từ chối vì sợ du khách trên những du thuyền này phát tán mầm dịch và trên thực tế đã trở thành những ổ dịch.




Chỉ một tuần sau khi chính quyền tỉnh Quảng Ninh bị yêu cầu rút kinh nghiệm vì từ chối đón Aida Vita, Ý trở thành quốc gia dẫn đầu châu Âu vì số người nhiễm COVID-19 (132 người, đặc biệt là trong vòng 48 tiếng có tới ba người trong số này thiệt mạng) và số thành phố bị cô lập (hơn một chục thành phố ở miền Bắc nước Ý) (9). Liệu hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam có tiếp tục thực hiện kế hoạch “kích cầu du lịch”, sử dụng tất cả các biện pháp “thân thiện” để mời chào “du khách châu Âu, Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc” (10), kể cả “khôi phục việc qua lại Việt Nam của công dân Trung Quốc” (11) và sớm nối lại các đường bay giữa Việt Nam và Trung Quốc?

Hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam đang rùng rùng chuyển động theo hướng thuyết phục dân chúng Việt Nam mạnh dạn lên đường du lịch và đón khách du lịch. Ngày 22 tháng 2, Thanh Niên giới thiệu một phóng sự cho biết, chỉ có người Việt mới sợ và hủy hoặc đòi dời các tour du lịch ngoại quốc trong khi du khách ngoại quốc từ châu Âu vẫn đến Việt Nam! Nên hoan hỉ hay âu lo khi Del Shannon – nữ du khách Scotland – khen “chính phủ Việt Nam quản lý việc phòng dịch rất tốt, cung cấp đầy đủ thông tin cho du khách, yêu cầu du khách rửa tay và mang khẩu trang” nhưng video clip mà Thanh Niên ghi – giới thiệu cho thấy, không du khách nào kể cả Shannon mang khẩu trang (12)?

Tương tự, có nên nhìn Zuzanna Karolina – nữ du khách Ba Lan – như mẫu mực khi Karolina nhấn mạnh, bà không sợ dịch và chẳng ngán ngại chút nào nếu quanh bà có ai đó húng hắng ho? Chẳng lẽ nhận định của Karolina: Tuy Ba Lan khuyến cáo công dân nên mang khẩu trang khi đi du lịch nhưng Karolina thấy không cần thiết và không làm theo – lại là đúng đắn và hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam “hoàn toàn nhất trí” nên Thanh Niên mới mạnh dạn tuyên truyền theo hướng này để thuyết phục dân chúng Việt Nam cũng nên “lạc quan” như vậy? Lẽ nào “chỉ tiêu tăng trưởng” mới là điều chính yếu, còn sức khỏe, tính mạng người Việt vẫn chỉ là chuyện thứ yếu?

© Trân Văn
    Blog VOA
Chú thích:

(1) http://world.kbs.co.kr/service/news_view_sp.htm?lang=v&Seq_Code=44580&board_code=101&page=4
(2) http://world.kbs.co.kr/service/news_view_sp.htm?lang=v&Seq_Code=44596&board_code=101&page=4
(3) http://world.kbs.co.kr/service/news_view_sp.htm?lang=v&Seq_Code=44654&board_code=101&page=1
(4) https://www.euronews.com/2020/02/21/covid-19-latest-korea-confirms-204-cases-of-coronavirus-after-church-outbreak
(5) https://tuoitre.vn/phe-binh-giao-vien-va-hieu-truong-vi-tam-anh-hoc-sinh-deo-khau-trang-bang-giay-20200220162710619.htm
(6) https://tuoitre.vn/viet-nam-nuoc-dau-tien-dap-duoc-dich-covid-19-20200221082706271.htm
(7) https://www.ssi.com.vn/khach-hang-ca-nhan/tin-kinh-te/tin-tuc/1880081
(8) https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/quang-ninh-cho-tau-tu-vung-dich-covid-19-cap-cang-du-khach-khong-duoc-len-bo-618517.html
(9) https://www.ft.com/content/2f937640-5621-11ea-abe5-8e03987b7b20
(10) https://tuoitre.vn/du-lich-viet-nam-dam-bao-an-toan-nhung-cung-can-than-thien-20200220174210322.htm
(11) https://tuoitre.vn/ong-vuong-nghi-de-nghi-som-khoi-phuc-cho-cong-dan-trung-quoc-sang-viet-nam-20200219223044583.htm
(12) https://thanhnien.vn/video/thoi-su/khach-nuoc-ngoai-noi-gi-khi-den-viet-nam-du-lich-giua-mua-dai-dich-covid-19-146003.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad