Chính sự chặn nước thượng nguồn Mekong làm hạ lưu cạn, đã giúp cho thủy triều thừa cơ đẩy nước mặn tràn khắp ĐBSCL thành bệnh kinh niên hàng năm. Sau năm 2016 thì đến năm 2020 cũng đối mặt với sự xâm nhập mặn không kém phần nguy hiểm.
Vào thập niên những năm 60 của thế kỷ 20, có cậu học trò miền Bắc đi chăn bò, khi cầm những củ khoai nướng trong gió Bấc rét căm căm, lại thả hồn về một Đồng Tháp Mười ngập tràn lúa gạo chưa bao giờ đặt chân đến.
Những câu chuyện như trong cổ tích. Lúa không cần gieo mà mọc lên. Cá không cần quăng lưới mà đầy thuyền. Chim ríu rít trong vườn nhà. Dừa, bưởi, mãng cầu trĩu nặng dọc theo kênh mương. Những cô gái quàng khăn rằn trong tà áo bà ba cất lên giọng ca ngọt ngào chèo thuyền ghe chở đầy hoa trái. Những câu chuyện về Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) hấp dẫn vì gần gũi hơn, so với sự xa vời của lâu đài ngọc ngà cùng những nàng công chúa mắt biếc trong “Nghìn lẻ một đêm” không bao giờ vươn tay tới.
60 năm sau, vào năm 2020 Đồng Tháp Mười đã biến mất. Nước đầu nguồn thượng lưu, giữa nguồn trung lưu của sông Mekong bị ngăn bởi hàng chục chiếc đập. Chín cửa sông hạ nguồn Mekong khô kiệt, nước mặn từ biển thừa thế tràn vào. Phần trên của ĐBSCL bị khô nứt đất, phần phía biển của ĐBSCL bị nước mặn thống trị. Cả Nam Bộ ngồi đếm ngày ĐBSCL mất dần.
Không chỉ ước mơ của cậu học trò chăn bò ngày xưa mãi vẫn là ước mơ, mà cuộc đời thực của 18 triệu đồng bào 12 tỉnh Tây Nam Bộ đang dần đi vào con đường mất ruộng vườn. Thảm họa hơn, phải rời bỏ đất cha ông để tìm kiếm nơi ở mới. Một phần trong họ phải lên Tây nguyên. Số ít tản lạc lên phố thị. Một phần tha phương đến miền Trung rồi lưu lạc ra cả miền Bắc. Một bộ phận, mạo hiểm hơn, còn phiêu dạt mãi tận xứ Cao Ly ở phía Đông, đến vùng sa mạc Sahara ở phía Tây, thậm chí cả xứ Mễ Tây Cơ, Hoa Kỳ, Gia Nã Đại bên kia bán cầu. Còn đại bộ phận người dân ĐBSCL đang ngửa cổ mong chờ phép màu từ Tạo hóa.
Tại sao một miền đất màu mỡ trù phú bậc nhất của Tổ Quốc lại bị bỏ rơi vào hoàn cảnh bi đát này?
II. TIỀM NĂNG VÔ ĐỐI CỦA ĐBSCL
Trong các vùng đồng bằng châu thổ nước ta, ĐBSCL giữ vị trí vô đối. ĐBSCL có diện tích tụ nhiên là 4,661 triệu héc ta (13% tổng diện tích cả nước) với dân số gần 18 triệu người ( 18,75% tổng dân số cả nước).
ĐBSCL là vựa lúa lớn nhất của cả nước. ĐBSC có khoảng 2,5 triệu héc ta đất lúa (1990), chiếm 53,5% diện tích đất tự nhiên toàn ĐBSCL (một tỷ lệ không nơi nào có). Diện tích đất lúa ĐBSCL hiện tại tương ứng khoảng 47% diện tích đất lúa cả nước, cho 56% sản lượng lúa và khoảng 90% lượng gạo xuất khẩu toàn quốc. Về năng lực thủy sản, ĐBSCL cung cấp 40% sản lượng thuỷ sản cả nước, 71% diện tích nuôi trồng thủy sản, và khoảng 60% sản lượng xuất khẩu thuỷ sản hằng năm.
Nước ta là nước nông nghiệp, sản phẩm nông nghiệp và thủy sản giữ vai trò quan trọng số 1 trong nuôi sống nhân dân và xuất khẩu kiếm ngoại tệ. Nên phải nói cả nước đã sống nhờ ĐBSCL, nhất là những năm khốn khó thời bao cấp và thời kỳ bắt đầu đổi mới.
Về sản lượng lúa, năm 2018 ĐBSCL gieo sạ 4.114.740 ha, tổng sản lượng thu hoạch đạt khoảng 24.673.000 tấn, tăng 1.079.000 tấn so với năm 2017 ( Hội nghị sơ kết sản xuất lúa 2018 tại Đông Nam Bộ và ĐBSCL, 17/10/2018). Về xuất khẩu nông sản, năm 2018 là năm có thời tiết thuận lợi, trong 3 quý đầu ĐBSCL xuất khẩu đạt 30 tỷ USD và dự báo sẽ vượt 40 tỷ USD chỉ tiêu nghành nông nghiệp cả nước. Kế hoạch năm 2020 dự kiến cả nước thu hoạch 43,5 triệu tấn. Trong đó 6 tháng đầu năm là 20,1 triệu tấn (phía Bắc 6,9, phía Nam 13,2 triệu tấn); Và 6 tháng cuối năm là 23,4 triệu tấn (phía Bắc 6,2, phía Nam 17,2).
Những số liệu trên chưa nói hết tiềm năng và vai trò của ĐBSCL.
1. Đáng lý ra, nếu được đầu tư đúng, ĐBSCL đã đưa Việt Nam lên vị trí số 1 về xuất khẩu gạo.
Năm 2018 xuất khẩu gạo VN đật 6,15 triệu tấn, trị giá 3,15 tỷ đô la, đứng sau Ấn Độ 11 triệu tấn và Thái Lan 7-8 triệu tấn. Xin nhớ rằng, năm 1999 Việt Nam đã xuất khẩu được 4,4 triệu tấn gạo, sản lượng lúa của ĐBSCL năm 2019 cũng gấp đôi sản lượng năm 1999 – đạt khoảng 25 triệu tấn, và năng suất lúa trên 1 héc ta cũng tăng 2-3 lần. Để thấy sau 20 năm chỉ tăng có 1,7 triệu tấn là quá ít, và khoảng cách đến vị trí của Ấn Độ là trong tầm tay khi sản lượng lúa tăng gấp đôi.
2. Ở mặt khác, những tiềm năng còn bỏ ngỏ của ĐBSCL còn nằm ở những mặt:
- Chưa tăng trưởng đúng mức sản lượng lúa của ĐBSCL. Nếu khai thác đúng thì sản lượng lúa của ĐBSCL đã vượt qua ngưỡng 30 triệu tấn.
- Chưa phát triển đúng tiềm năng ngành thủy sản của ĐBSCL – là nguồn thu ngoại tệ và là nhân tố quan trọng nâng cao đời sống tại chỗ của đồng bào ĐBSCL, là thế mạnh của ĐBSCL.
- Chưa khai thác được các ngành công nghiệp thực phẩm, công nghiệp gỗ, công nghiệp vật liệu xây dựng, công nghiệp du lịch… liên quan đến các sản phẩm của ĐBSCL.
- Bỏ quên lĩnh vực năng lượng sạch thiên nhiên, như điện mặt trời, điện gió, điện thủy triều - là những ưu thế quanh năm của ĐBSCL.
- Chưa quan tâm đúng mức đến GTVT. Hoàn toàn bỏ quên việc phát triển đường sắt tốc độ cao, và phát triển quá chậm hệ thống đường bộ cao tốc nối ĐBSCL với TPHCM - là các nhân tố quan trọng góp phần giúp ĐBSCL phát triển mạnh.
Còn nhiều lĩnh vực kinh tế khác, mà trong tư cách người có trách nhiệm quản lý ĐBSCL, có thể chỉ ra để khai thác.
III. THỦY ĐIỆN VÀ XÂM NHẬP MẶN - HAI MŨI GƯƠM HỦY HOẠI ĐBSCL
1. Chuyển đổi một phần đất lúa sang các cây trồng khác vì hiệu quả kinh tế.
2. Chuyển đổi đất lúa sang mục đích sử dụng khác. Bao gồm, xây đô thị, nhà ở, làm đường, phát triển khu công nghiệp và các khu du lịch dịch vụ. Đây là “miếng gặm sư tử” đáng sợ của đất lúa, nhất là xung quanh các thành phố lớn.
3. Bị khô hạn hóa vì cạn nguồn nước về hạ lưu do bị ngăn đập làm thủy điện trên sông Mekong. Đây là nguyên nhân vô cùng nguy hiểm. Vì ngoài khô cạn, gây nên hạn hán trên diện rộng, còn kéo theo sự thay đổi to lớn về môi trường sống và các hệ sinh thái tại hạ lưu sông Mekong.
4. Bị mặn hóa vì nước biển tràn vào do nước sông Mekong bị cạn. Diện tích này cũng sẽ vô cùng lớn, có thể chiếm đến nửa diện tích ĐBSCL nếu không có biện pháp ngăn chặn.
Năm 2016, ĐBSCL hứng chịu đợt hạn hán và xâm nhập mặn nằng nề nhất trong vòng 100 năm. Hơn 160.000 héc ta lúa (khoảng 800.000 tấn lúa) bị mất trắng. Trung bình với mỗi gia đình có diện tích sản xuất khoảng 0,5ha, thì xâm nhập mặn đã làm khoảng 300.000 hộ gia đình (khoảng 1,5 triệu người) không có thu nhập. Các tỉnh bị thiệt hại nặng nhất là Kiên Giang (hơn 54.000 ha), Cà Mau (gần 50.000 ha), Bến Tre (gần 14.000 ha), Bạc Liêu (gần 12.000 ha)... Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) đã phải công bố tình trạng thiên tai đặc biệt nghiêm trọng.
Nguyên nhân dẫn đến sự xâm nhập mặn lớn như trên, ngoài mưa còn là do thủy điện ở Trung Quốc và ở trung lưu sông Mekong. Theo Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT), các hồ chứa trên dòng chính ở phía Trung Quốc có dung tích khoảng 23 tỉ m3, các hồ chứa trên những sông nhánh khoảng 20 tỉ m3. 43 tỉ m3 nước này tác động rất lớn đến việc điều tiết lưu lượng dòng chảy Mekong về phía hạ lưu. Trong dịp Tết Nguyên đán do nhu cầu năng lượng giảm nên Trung Quốc tích nước, nên lượng nước sông Mekong giảm đáng kể, sau đó dòng chảy tăng lên (khi các hồ xả nước để chạy thủy điện). “Tôi khẳng định đây là nguyên nhân cơ bản” – là kết luận của ông Trần hồng Hà – lúc đó còn là Thứ trưởng Bộ TN-MT.
Chính sự chặn nước thượng nguồn Mekong làm hạ lưu cạn, đã giúp cho thủy triều thừa cơ đẩy nước mặn tràn khắp ĐBSCL thành bệnh kinh niên hàng năm. Sau năm 2016 thì đến năm 2020 cũng đối mặt với sự xâm nhập mặn không kém phần nguy hiểm.
Theo Ủy ban Sông Mekong, hiện 11 đập thủy điện đang được gấp rút xây dựng. Chỉ riêng 3 công trình thủy điện của Lào: Xayaburi, Don Sahong, Pak Beng đi vào hoạt động, thì tổng lượng dòng chảy sẽ giảm 6,2%/tháng, xâm nhập mặn trên sông Tiền, sông Hậu lấn sâu vào từ 2,8-3,8 km. Khi cả chuỗi 11 đập thủy điện hoạt động thì tổng lượng dòng chảy sẽ giảm hơn 27%/tháng, xâm nhập mặn sẽ vào sâu trên sông Tiền, sông Hậu khoảng từ 10-18 km.
Lượng nước các hồ chứa nước trên sông Mekong hiện nay chừng 73-75 tỷ m3. Trong đó Trung Quốc 40-43 tỷ m3, Lào 30 tỷ m3 và Việt Nam <2 tỷ m3. Theo ước tính của Nhóm tư vấn nghiên cứu nông nghiệp quốc tế, đến năm 2030, cả vùng hạ lưu ĐBSCL sẽ bị bao phủ bởi khoảng 470 đập thủy điện lớn nhỏ. Số lượng hồ chứa được quy hoạch trên thượng lưu sông Mekong sẽ đạt tổng dung tích 101,9 tỷ m3. Đó là lúc rất nguy ngập cho ĐBSCL. Như đã lưu ý ở trên, không chỉ khô hạn và ngập mặn, tác động to lớn sau hết là sự biến đổi sinh thái. Theo đánh giá của các chuyên gia thì các đập thượng nguồn ở Trung Quốc đã giữ lại 30% phù sa, các đập xây trên dòng chính của Mekong ở Lào và Campuchia sẽ chặn khoảng 5% nữa. Hậu quả là ít nhất 50% đất canh tác ở ĐBSCL sẽ bị mất phù sa và dinh dưỡng từ các công trình thủy điện. Hệ thống sinh thái trong lòng sông Cửu Long thay đổi, kéo theo tác động lên môi trường sống toàn bộ ĐBSCL. IV. AI CHỊU TRÁCH NHIỆM CHO NGUY CƠ BIẾN MẤT CỦA ĐBSCL?
Xét về bình diện quốc gia, thì trách nhiệm luôn rải từ cao xuống thấp.
1. Chưa bàn ở mức lãnh đạo cao nhất, ở cấp độ cơ quan quản lý nhà nước cao nhất chính là Bộ TN-MT mà cụ thể là ông Bộ trưởng Bộ TN-MT.
Tiếp theo là ông Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Tiếp theo là Bí thư và Chủ tịch các tỉnh ĐBSCL.
Chính họ là những người phải chịu trách nhiệm trực tiếp cho tình trạng mất dần ĐBSCL như hiện nay.
2. Nhưng như trên đã nói “Với quốc gia, trách nhiệm luôn đi từ cao xuống thấp”. Cho nên, trên cả trách nhiệm của của các bộ trưởng và bí thư chủ tịch các tỉnh - là trách nhiệm của Thủ tướng, Chủ tịch Quốc Hội, Chủ tịch nước và Tổng Bí thư của Đảng.
Người có chức vụ cao nhất nước phải chịu trách nhiệm cao nhất. Vì đây là vấn đề sống chết cả miền Tây Nam Bộ của đất nước. Nguy cơ hoang hóa và đắm chìm 13% lãnh thổ của Tổ Quốc, đe dọa sự sống của 18,75% dân số cả nước – đây không là trách nhiệm của những người thay nhau đứng đầu đất nước thì của ai?
Đừng biện minh rằng việc quản lý nhà nước là việc của Chính Phủ, không phải việc của Đảng. Cũng đừng biện minh rằng là trách nhiệm tập thể Bộ Chính Trị. Phải chỉ rõ cá nhân chịu trách nhiệm.
3. Thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ông đã dồn nhiều tâm lực cho ĐBSCL. Vì thế năm 1999 đã xuất khẩu được 4.4 triệu tấn gạo, đứng thứ 3 thế giới.
Sau Thủ tướng Võ Văn Kiệt, quan tâm đến ĐBSCL của các Thủ tướng tiếp theo kém dần. Còn các Tổng Bí Thư, nhất là thời ông Nông Đức Mạnh, thì thả nổi.
4. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào năm 2017 có chủ trì một hội nghị 500 khách mời về ĐBSCL. Hàng năm đều có hội nghị vùng Tây Nam Bộ. Nhưng các hội nghị này tiêu tốn tiền mà ít hiệu quả. Người quản trị giỏi chỉ đủ thời gian nghe lời khuyên từ số ít các bậc trí nhân.
5. Những người lãnh đạo sau cố Thủ tướng Võ Văn kiệt chỉ dựa vào “Quyết tâm chính trị”. Họ không thể dựa vào tri thức khoa học vì bản thân họ không sở hữu. Họ đắm chìm trong “Quyết tâm chính trị” của những “Trường chính trị” do họ dựng lên. “Quyết tâm chính trị” là thứ không thể nắm bắt. Nó còn vô hình hơn cả ma quỷ.
6. ĐBSCL chết dần không chỉ vì biến đổi khí hậu. ĐBSCL chết dần không chỉ vì các nước trong đó có Việt Nam làm thủy điện. ĐBSCL chết dần không chỉ vì có bàn tay Trung Quốc. ĐBSCL đang chết dần bởi sự thờ ơ, thiếu hụt kiến thức của những người có trách nhiệm.
V. GIẢI CỨU ĐBSCL DẪN ĐẾN BÀI TOÁN NÀO?
Vấn đề ĐBSCL là vấn đề phức tạp của nhiều chục năm liên quan đến các thành tố rất phức tạp. Trong số đó có 4 vấn đề lớn:
1. Biến đổi khí hậu toàn cầu và cục bộ ở châu Á và Đông Nam Á.
2. Cán cân giữa các quốc gia trong vùng, bao gồm Việt Nam, Lào, Camphuchia, Thái Lan, Mienma và Trung Quốc, về kiểm soát tài nguyên trên lưu vực sông Mekong.
3. Đấu tranh chống lại địa chính trị của nước lớn, cụ thể là Trung Quốc, qua bàn cờ tài nguyên, môi trường và biến đổi khí hậu tại lưu vực sông Mekong.
4. Quyết sách của quốc gia sở tại về bảo vệ tài nguyên và môi trường.
Bởi thế, để giải cứu ĐBSCL thì phải dùng quyết sách ở mục 4 để hóa giải các mục, 1,2,3.
Chưa bàn đến vấn đề biến đổi khí hậu ở mục 1, đề cập thẳng vào mục 2 và 3.
5. Không bao giờ cản trở hoàn toàn được các nước ngừng làm đập thủy điện trên sông Mekong. Chỉ có thể làm ít đi và giảm thiểu tác hại. Đến một mức độ phát triển nhất định, khi có các năng lượng tái tạo thay thế và đồng thời bị tác động tiêu cực từ thủy điện, các nước Đông Nam Á lưu vực sông Mekong và Trung Quốc sẽ tự xóa bỏ dần các đập thủy điện. Như Hoa Kỳ hiện nay đã xóa bỏ một số các đập thủy điện.
Báo cáo Thủy văn của UB Mekong cho biết tỷ phần trung bình của lưu lượng dòng chảy sông Mekong: Trung Quốc 16%, Lào 35%, Thái Lan 18%, Campuchia 18%, Việt Nam 11% và Mienma 2%.
Mặc dù trung bình cả năm là 16%, nhưng vào mùa khô do có tuyết tan từ Hymalaya nên nguồn nước từ Trung Quốc chiếm đến 80% dòng chảy Mekong tại Vientian. Từ đó để thấy Trung Quốc có lá bài 43 tỷ khối nước để chơi ván bài ĐBSCL, nhất là mùa khô.
Cho dù vậy, Việt Nam không hy vọng nhiều vào yêu cầu Trung Quốc xả nước các đập thủy điện ở Trung Quốc để cứu nguy cho ĐBSCL vào mùa khô. Trung Quốc sẽ làm rất nhỏ giọt. Việt Nam cũng không thể hy vọng nhiều ở Thái Lan, Lào và Campuchia.
Bởi thế bài toán quốc tế cho ĐBSCL dẫn về ba bài toán phụ sau đây.
5.1. Qua UB Mekong và song phương, đấu tranh để giữ cho được mực nước tối thiểu cho hạ nguồn sông Mekong vào mùa khô.
5.2. Qua UB Mekong và song phương, đấu tranh để hạn chế xây mới các đập thủy điện trên sông Mekong, bỏ được dự án thủy điện nào cũng tốt cả.
5.3. Cùng với các nước Đông Dương, đầu tư xây dựng các nhà máy điện mặt trời thay thế cho các nhà máy thủy điện trên sông Mekong. Tiến dần tới xóa bỏ một phần và hoàn toàn các đập thủy điện.
6. Về bài toán quốc nội – cũng là mặt trận chính của Việt Nam - thì phải tự mình giải quyết bài toán xâm nhập mặn. Cụ thể gồm 3 bài toán là:
6.1. Chống thủy triều xâm nhập.
6.2. Cung cấp nguồn nước ngọt.
6.3. Thay đổi cấu trúc kinh tế ĐBSC trong hoàn cảnh tương ứng.
VI. BAO GIỜ THÌ BỘ CHÍNH TRỊ HỌP VỀ ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG?
Vấn đề xâm nhập mặn và khô hạn của của ĐBSCL, bắt đầu trầm trọng năm 2016, 2020 và từ nay về sau, vài ba năm một lần, ngày càng trầm trọng hơn. Bắt đầu là hàng trăm ngàn, rồi đến cả triệu người dân ĐBSCL sẽ thiếu nước ngọt, cây trồng ĐBSCL sẽ đối mặt với khốc liệt.
Vấn đề ĐBSCL là vô cùng nghiêm trọng, cần có một cuộc họp của Bộ Chính Trị (BCT) để tìm giải pháp, ít nhất là cục bộ. Không chỉ BCT, mà vấn đề ĐBSCL cần một cuộc họp của Ban chấp hành Trung ương Đảng (BCHTƯ), ngõ hầu có được những trí tuệ sáng hơn về giải pháp. Vấn đề ĐBSCL mới cần bàn luận hơn nhiều so với các hội nghị về luân chuyển cán bộ. Dẫu có họp BCT hay BCHTƯ thì vẫn biết bài toán ĐBSCL chỉ có thể tìm lời giải tạm thời, cục bộ.
VII. BAO GIỜ THÌ ĐBSCL ĐƯỢC GIẢI CỨU TRIỆT ĐỂ?
ĐBSCL không thể được giải cứu trọn vẹn trong cơ chế lãnh đạo tập thể, không ai chịu trách nhiệm. Trong hoàn cảnh này, sẽ không có ai dám cho ra một “Quyết định tranh cãi”.
Một “Quyết định tranh cãi” là quyết định rất khó khăn. Nó chỉ xuất hiện trong tình trạng gay cấn bởi một trí tuệ sáng láng. Đó là hoàn cảnh khi mà “ trong 10 quân sư sáng láng hàng đầu không tìm được đến 5 người đồng ý cho bất cứ một giải pháp nào được đề xuất”. Đó cũng là lúc kẻ lãnh đạo sáng láng đưa ra “Quyết định tranh cãi”.
Gọi là lãnh đạo sáng láng vì người lãnh đạo đó sáng suốt hơn bất kỳ 1 quân sư nào trong 10 quân sư sáng láng hàng đầu. Người lãnh đạo nhận một quyết định gây tranh cãi cho ít nhất trên 5 người, có khi là 9 người trong số 10 người - không tán thành. “Quyết định tranh cãi” chính là như vậy. Nhưng cuối cùng thì đó là một quyết định đúng. Ngoài trí tuệ vượt trội, người ra quyết định còn cần rất bản lĩnh. Chính trí tuệ cho người ra quyết định bản lĩnh.
Quyết định về số phận ĐBSCL luôn là một “Quyết định tranh cãi”. Trong trường hợp ĐBSCL người nhận quyết định không thể nghe cả ngàn người, mà chỉ cần nghe dăm người, rồi quyết định. Vấn đề là nghe ai.
Muốn giải quyết bài toán ĐBSCL cần một lãnh đạo đủ tầm để ra một “Quyết định tranh cãi”. Một lãnh đạo như thế chỉ có thể ra đời khi người đó phải đến tận ĐBSCL để xin phiếu bàu của đồng bào Tây Nam Bộ.
Chỉ khi có một cuộc tranh cử sòng phẳng, khi người tranh cử phải đến 12 tỉnh miền Tây Nam Bộ để trả lời cho cử tri – phải làm gì với hạn hán ngập mặn?, và trả lời nhiều câu hỏi khác nữa về ĐBSCL, thì lúc đó bài toán ĐBSCL tất có lời giải trọn vẹn.
Lúc đó người tranh cử sẽ am hiểu tất cả mặt mạnh mặt yếu, về địa lý, tài nguyên, về lịch sử, con người, về nhu cầu của người dân từng huyện từng tỉnh ĐBSCL. Không chỉ Bến Tre mà tất cả Long An, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang.
Người xin phiếu cử tri đó không chỉ hiểu miền Tây Nam Bộ mà cả 7 khu vực kinh tế còn lại của Đất Nước. Cũng không chỉ từng ấy, mà hiểu đến chân tơ kẽ tóc mọi huyện mọi tỉnh trong toàn quốc. Bởi vì người đó phải xin phiếu cử tri cả nước để trở thành Sự Lựa Chọn của Nhân Dân.
© Nguyễn Ngọc Chu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét