Đài Loan -Trung Quốc “rực lửa” - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Bảy, 23 tháng 5, 2020

Đài Loan -Trung Quốc “rực lửa”



Bà Thái Anh Văn thách thức Trung Quốc

Ngày 20/5/2020, nữ Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ hai, chính thức đánh dấu thêm 4 năm quan hệ Trung – Đài sẽ tiềm ẩn nhiều sóng gió.

Trong lễ nhậm chức nhiệm kỳ hai và cũng là cuối cùng hôm 20/5, bà Thái Anh Văn tuyên bố rằng Đài Loan “sẽ không chấp nhận việc chính quyền Bắc Kinh sử dụng [chính sách] ‘một quốc gia, hai chế độ’ để hạ thấp Đài Loan và làm tổn hại tới hiện trạng ở Eo biển [Đài Loan]”.

Bà phát biểu: “Đối mặt với các hoàn cảnh thay đổi, tôi sẽ giữ vững các nguyên tắc của mình, chấp nhận một thái độ cởi mở để giải quyết các vấn đề và gánh vác trách nhiệm trong tư cách tổng thống.”

Tôi cũng hy vọng rằng lãnh đạo của phía bên kia Eo biển sẽ có trách nhiệm tương tự và hợp tác với chúng tôi để cùng ổn định sự phát triển lâu dài mối quan hệ qua Eo biển”.

Hòa bình, bình đẳng, dân chủ và đối thoại” là những từ đã được bà Thái nhắc đến như các nguyên tắc điều chỉnh quan hệ với Bắc Kinh trong ngày nhậm chức.

Theo đó, hòa bình, chính là bên kia eo biển cần từ bỏ đe dọa vũ lực đối với Đài Loan; bình đẳng, chính là hai bên không phủ nhận sự thực sự về sự tồn tại của nhau; dân chủ, chính là tương lai của Đài Loan phải do 23 triệu người quyết định; đối thoại, chính là đôi bên có thể ngồi lại với nhau để bàn bạc về phát triển quan hệ trong tương lai như trong bài phát biểu sau chiến thắng bầu cử tổng thống tối ngày 11/01/2020 của bà.




Theo bà Thái, Đài Loan đã nỗ lực hết sức để duy trì hòa bình và ổn định tại eo biển hẹp ngăn cách với đại lục và sẵn sàng đối thoại với đại lục: “Chúng tôi sẽ tiếp tục những nỗ lực này và chúng tôi sẵn sàng tham gia đối thoại với Trung Quốc, đóng góp cụ thể hơn nữa cho an ninh khu vực.”

Được 8,2 triệu cử tri ủng hộ, bà Thái Anh Văn tái đắc cử trong bối cảnh quan hệ Trung – Đài trở nên căng thẳng và làn sóng phản đối đòi dân chủ trỗi dậy mạnh mẽ ở Hồng Kông.

Bà Thái Anh Văn kết thúc nhiệm kỳ đầu tổng thống với một bảng thành tích đáng khích lệ. Ở trong nước, bà cho hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính, cải thiện hệ thống an sinh xã hội. Trong đối ngoại, hình ảnh của Đài Loan trên thế giới không ngừng mở rộng và tăng cường hợp tác với Hoa Kỳ.

Khi dõng dạc tuyên bố 4 nguyên tắc với Trung Quốc « Hòa bình, bình đẳng, dân chủ và đối thoại » và dứt khoát khước từ nguyên tắc « Một quốc gia, hai chế độ » trong lễ nhậm chức, bà Thái Anh Văn một lẫn nữa cho thấy lập trường kiên định không chịu khuất phục chính quyền Trung Quốc. Tương lai quan hệ Trung – Đài có lẽ sẽ nhiều giông bão không kém với bốn năm nhiệm kỳ đầu tiên.

Khi nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đề ra ý tưởng “một quốc gia, hai chế độ“, đối tượng mà ông hướng đến không phải Hồng Kông hay Macau mà là Đài Loan. Và trong khi Hồng Kông, Macau giờ đã nối liền đại lục, Đài Loan vẫn tách biệt hơn 70 năm sau cuộc nội chiến.

Vì sao Đài Bắc nhất quyết không trở về theo mô hình “một quốc gia, hai chế độ“? Nhà lãnh đạo Thái Anh Văn đã giải thích điều này trong bài phát biểu ngày 20/5: Đài Loan không muốn bị hạ cấp, trở thành các vùng đất đã từng là thuộc địa nước ngoài như Hong Kong, Macau khi nói chuyện với Trung Quốc.

Ngay sau bài phát biểu của nữ tổng thống đầu tiên ở Đài Loan, chính quyền Bắc Kinh đã có phản ứng mạnh mẽ.

Phát ngôn viên Văn phòng Sự vụ tại Đài Loan, ông Mã Hiểu Quang (Ma Xiaoguang) cảnh báo Bắc Kinh không thay đổi lập trường, « có đủ quyết tâm, niềm tin và khả năng để bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ ». Hãng thông tấn Tân Hoa Xã lời lẽ cứng rắn hơn đe dọa « không bao giờ dung thứ cho bất kỳ hành động ly khai nào ».

Còn tại Hoa lục, ngay trong ngày bà Thái Anh Văn tuyên thệ nhậm chức lãnh đạo Đài Loan thêm 4 năm hôm 20/5, Hạm Thuyền Tri Thức, một tạp chí quân sự có tiếng của Trung Quốc, đăng video 11 phút phác họa một cuộc tấn công mô phỏng nhằm vào Đài Loan.

Tạp chí Hạm Thuyền Tri Thức viết trên tài khoản Weibo của họ rằng: “Mọi người đều hiểu rằng hôm nay là một ngày đặc biệt. Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) có năng lực và quyết tâm để đảm bảo thống nhất tổ quốc.”




Đoạn video dài hơn 11 phút phác họa một cuộc tấn công nhằm phá hủy các lực lượng không quân và hải quân Đài Loan cũng như các lực lượng phòng vệ trên bờ để đạt được ưu thế, mở đường cho một cuộc đổ bộ.

Theo video, cuộc tấn công hải không quân nhằm vào Đài Loan bắt đầu từ 4h sáng sớm và được tiến hành trong 80 phút.

Cuộc tấn công mô phỏng bắt đầu bằng 2 loạt tên lửa: Một phóng từ thành phố Ninh Đức (tỉnh Phúc Kiến) vào một căn cứ tên lửa trên đảo Đông Dẫn của Đài Loan và một phóng từ các lực lượng tên lửa di động ở Phúc Kiến nhắm vào lực lượng phòng không và các sân bay trên khắp Đài Loan.

Trong khoảng 4 phút, không lực Đài Loan sẽ chịu thiệt hại nặng nề và những máy bay của Đài Loan đã cất cánh sẽ bị bắn hạ bằng tên lửa S400“, video mô tả.

Theo nội dung trong video, kế hoạch tấn công Đài Loan được chia làm 3 phần: Tác chiến cách ly bắt buộc, tác chiến tấn công, và tác chiến đổ bộ – trên đất liền. Trong đó, “tác chiến cách ly bắt buộc” sẽ diễn ra trong cả chiến dịch, nhằm phá tan ý đồ can thiệp vào eo biển Đài Loan của Mỹ và các nước khác.

Video cho biết sau 24 giờ gây áp lực, lực lượng đổ bộ Trung Quốc sẽ xâm nhập Đài Bắc để hoàn thành cả quá trình “giải phóng Đài Loan, thống nhất Tổ quốc“.

Trước đó, chủ nghĩa dân tộc đang trỗi dậy mạnh mẽ tại Trung Quốc khi nước này đang hứng chịu làn sóng tẩy chay từ khắp nơi do để đại dịch lây lan ra toàn cầu.

Trên các mạng xã hội ở Hoa lục, xuất hiện nhiều lời kêu gọi “Giải phóng quân“, nhân cơ hội hai hàng không mẫu hạm Mỹ ở Thái Bình Dương bị tê liệt vì siêu vi, tấn công Đài Loan.

Giáo sư Điền Phi Long (Tian Fei Long), Đại học Bắc Kinh, trong một bài viết trên mạng Guancha.com cũng cho là “đã đến lúc dùng vũ lực vì chính sách hòa bình đã thất bại“.

Hốt hoảng, tướng không quân Kiều Lương (Qiao Lang), một nhà quân sự có uy tín, đang nghỉ hưu, phải vội lên tiếng cảnh tỉnh những con diều hâu Trung Quốc : Không nên đánh vì đánh sẽ không thắng.

Tiếp theo đó, sử gia Đặng Đào (Deng Tao), tìm cách hạ nhiệt với đề xuất dùng thế cờ vây (cờ gô), chiến thuật mà triều đình Mãn Thanh thi hành trong suốt 20 năm, để chinh phục hải đảo.




Theo mưu kế này, để đánh chiếm mục tiêu có địa thế hiểm trở và được phòng thủ vững chắc, Trung Quốc cần chuẩn bị lực lượng để mở mặt trận thứ hai theo thế lưỡng diện giáp công. Lực lượng này gồm nhảy dù và hàng không mẫu hạm Sơn Đông, bắt đầu hoạt động từ cuối năm 2019. Trước khi kế hoạch tấn công hoàn tất, dự kiến vào năm 2025, Trung Quốc sẽ bao vây hải đảo và cố tránh những thái độ khinh xuất gây xung đột vũ trang.

Bầu không khí tại Hoa lục càng nóng lên khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gửi lời chúc mừng bà Thái Anh Văn chính thức nhậm chức lãnh đạo Đài Loan nhiệm kỳ thứ hai.

Đây là lần đầu tiên một Ngoại trưởng Mỹ công khai chúc mừng một lãnh đạo Đài Loan nhậm chức.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Pompeo hôm 19/5 đã gửi lời chúc mừng bà Thái nhậm chức tổng thống nhiệm kỳ hai, trong đó nói rằng việc “tái cử với khoảng cách lớn của bà cho thấy bà đã giành được sự tôn trọng, ngưỡng mộ và tin tưởng của nhân dân Đài Loan”.

Sự dũng cảm và tầm nhìn của bà trong việc lãnh đạo nền dân chủ sống động của Đài Loan là nguồn cảm hứng cho khu vực và thế giới”, nhà ngoại giao hàng đầu nước Mỹ viết.

Không chỉ Ngoại trưởng Pompeo, nhiều chính trị gia Mỹ như ứng viên tổng thống của Đảng Dân chủ Joe Biden, trợ lý ngoại trưởng phụ trách vấn đề quân sự – chính trị Clarke Cooper cũng lên tiếng chúc mừng lãnh đạo Đài Loan.

Tại Nhật, Chánh văn phòng nội các Yoshihide Suga tuyên bố muốn tiếp tục củng cố quan hệ với Đài Loan trong nhiệm kỳ 2 của bà Thái Anh Văn.

Trước đó, thắng lợi áp đảo của bà Thái Anh Văn và Đảng Dân Tiến tại cuộc bỏ phiếu hôm 11/01, dù chỉ được 14 quốc gia chính thức công nhận nhưng Tổng thống Đài Loan nhận được lời chúc mừng sau khi tái đắc cử từ lãnh đạo, quan chức trên 60 nước.

Tuy nhiên, thách thức trước mắt đối với nữ lãnh đạo là không nhỏ. Mối quan hệ với Bắc Kinh và vực dậy nền kinh tế sau đại dịch là sẽ hai thách thức nổi cộm trong nhiệm kỳ thứ hai của bà.




Theo một số nhà quan sát, Đài Bắc sẽ tiếp tục đương đầu với Bắc Kinh và tìm cách mở rộng ảnh hưởng ngoại giao của đảo bằng cách dựa vào sự hỗ trợ của Hoa Kỳ đặc biệt thông qua « Sáng Kiến Bảo Vệ Đồng Minh » ( Đạo luật về Đài Loan – Taipei Act) mà Washington ban hành vào tháng Ba năm nay.

Qua đó, Mỹ ủng hộ Đài Loan gia nhập tất cả các định chế quốc tế nào mà không đòi hỏi phải có tư cách quốc gia và cấp quy chế quan sát viên cho hòn đảo trong những cơ chế quốc tế thích hợp.

Được bật đèn xanh, Đài Loan lập tức có những hành động cụ thể khi chính quyền bà Thái Anh Văn mới đây đã năng nổ vận động thế giới phục hồi quy chế quan sát viên của Đài Loan tại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 hoành hành. Mặc dù Đài Loan vẫn không được tham dự cuộc họp mới đây của WHO nhưng sự kết hợp Mỹ – Đài đã khiến Bắc Kinh nổi đóa, cáo buộc Đài Loan lợi dụng dịch bệnh để tuyên bố độc lập.

Nhưng Đài Loan cũng ý thức được rằng sự ủng hộ của Mỹ đối với Đài Loan cũng có những hạn chế do bối cảnh địa chính trị quốc tế. Mỹ ủng hộ và kêu gọi quốc tế là một chuyện, nhưng các nước khác có nghe theo và đồng tình hay không còn là một chuyện khác.

Washington có quan hệ ngoại giao chính thức với Bắc Kinh, nhưng cũng duy trì các mối liên hệ không chính thức với Đài Loan và cung cấp vũ khí cho hòn đảo tự trị này. Số đồng minh của Đài Loan cũng rơi rụng dần chỉ còn 15 nước trước các sức ép tài chính và ngoại giao của Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo quan sát của ông Alexander Huang Chieh-cheng, giáo sư Quan hệ quốc tế và Nghiên cứu chiến lược tại Đại học Tamkang ở Đài Bắc được South China Morning Post trích dẫn, Tổng thống Đài Loan không hề muốn tiếp tục chính sách xích lại gần Trung Quốc của Quốc Dân đảng và cũng không muốn có quan hệ công khai hơn với Hoa Kỳ. Mối bận tâm chính của bà Thái Anh Văn là làm thế nào xây dựng một ý chí độc lập ở người dân, đặc biệt là giới trẻ nhằm thúc đẩy họ từ bỏ ý định hợp nhất với Hoa Lục.

Ngoài vấn đề mối quan hệ giữa hai bờ eo biển, bà Thái Anh Văn còn phải đối mặt với một thách thức khác cũng không nhỏ : Khôi phục lại kinh tế đất nước đã bị dịch bệnh COVID-19 đánh gục.

Mức tăng trưởng trong quý I năm 2020 là 1,54%, tuy là mức cao nhất trong bốn con hổ châu Á – Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc và Hồng Kông, mức đây lại là mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng bốn năm gần đây. Thất nghiệp ở giới trẻ – thành phần cử tri ủng hộ bà Thái Anh Văn đông đảo nhất – sẽ phải ở mức kỷ lục 12%, một tỷ lệ tệ hại nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

***

Với tuyên bố cứng rắn ngay khi nhậm chức Tổng thống , bà Thái Anh Văn đã truyền cảm hứng tới mọi người. Nơi bà luôn sáng ngời một tinh thần độc lập, dân chủ, không cúi đầu, không sợ hãi.

Và tinh thần đó sẽ ngự trị tại quốc đảo Đài Loan trước những tham vọng và đe dọa từ Trung Quốc.


© Trung Kiên
    ThoiBao

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad