"Sông của chúng tôi là thần linh": Làm thế nào đập và vũ lực của Trung Hoa gây nguy hại Mekong - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Ba, 24 tháng 11, 2020

"Sông của chúng tôi là thần linh": Làm thế nào đập và vũ lực của Trung Hoa gây nguy hại Mekong


Nhà nổi của một gia đình trên sông Mekong ở Cambodia trong tháng 12, gần vị trí đập. Giới chức và các công ty Trung Hoa hy vọng việc xây đập mới trong khu vực sẽ bù cho sự đình trệ tăng trưởng ở trong nước. [Ảnh: Sergey Ponomarey]


Trên sông Mekong – Khi người Trung Hoa đến làng Lat Thahae, cắm sào trên khúc cong của một phụ lưu sông Mekong, họ viết nguệch ngoạc một chữ Hoa trên tường nhà, trường học và chùa Phật.


Không ai trong cái ấp hẻo lánh ở thượng Lào có thể đọc nó nói gì. Nhưng chữ đó có nghĩa là “phá bỏ” – số phận của hàng trăm cộng đồng dọc theo con sông vĩ đại của Á Châu nằm trong một chữ ngoại quốc duy nhất.


Năm nay, một đập sẽ bắt đầu biến vùng đồi lởm chởm và rừng ban sơ trong một quốc gia xa xôi nhất thế giới, một phần của nỗ lực rộng lớn hơn để thúc đẩy một số nền kinh tế kém phát triển nhất của Á Châu. Nó là một trong 7 dự án thủy điện do Trung Hoa xây trên Nam Ou.


Để lấy đất cho các đập, Lat Thahae và hàng chục làng nữa đang được phá bỏ. Một người dân ở Lat Thahae có tên là See không hài lòng với tiền bồi thường của Tổ hợp Sinohydro, nhà thầu xây đập ở hại ngoại lớn nhất của Trung Hoa, để xây một cái chòi tre cách xa nhiều miles thay thế cho căn nhà rộng rãi bị phá bỏ ở ven sông.


Nhưng một người nông dân mù chữ như bà, bà hỏi, có sức mạnh gì so với sức mạnh của Trung Hoa?



“Tôi phải đi vì họ bảo tôi đi,” bà nói khi một máy đào đất có bản số và người tài xế Trung Hoa xẻ đất ngay trước cửa nhà bà. “Cuộc sống trên sông của chúng tôi chấm dứt.”


Đối với các chánh phủ trong khu vực, đập được dùng để bảo vệ kinh tế bằng cách mang hàng trăm đến hạ lưu Mekong và các phụ lưu, cùng với hạ tầng cơ sở đi kèm theo. Giới chức và công ty Trung Hoa hy vọng các đập mới, cũng như đường sá và những phát triển khác, sẽ bù cho sự đình trệ tăng trưởng ở trong nước và mang đến cho các quốc gia một mô hình để thoát nghèo.


Đọc thêm »


Khi các kế hoạch xây đập ở hạ lưu Mekong thu hút được sức mạnh vào đầu thập niên 2000s, Ủy hội Sông Mekong (Mekong River Commission (MRC)) tiên đoán rằng 4 quốc gia thành viên – Lào, Thái Lan, Cambodia và Việt Nam – sẽ được lợi có trị giá 30 tỉ USD. Nhưng một tái thẩm định nhiều năm sau, cũng của MRC, mà Trung Hoa từ chối tham gia, đã cho một kết quả khác xa: Các nền kinh tế của các quốc gia Mekong sẽ bị thiệt 7 tỉ USD nếu tiến hành các dự án thủy điện được dự trù.


Đã xảy ra, mực nước trong tháng 7 xuống đến mức thấp nhất kỷ lục, theo MRC.


Với dòng chảy biến chuyển khi các đập mới khởi động các turbines, ngư dân, nông dân và hệ sinh thái địa phương sẽ bị thiệt hại. Một cuộc khảo sát của MRC cho thấy rằng, nếu tất cả các đập được dự trù cho hệ thống Mekong tiến hành, 97% phù sa từng chảy đến cửa sông có thể bị ngăn chận vào năm 2040, khiến đất thiếu chất dinh dưỡng cần thiết cho nông nghiệp.


Vị trí đập Nam Ou 1 ở thượng Lào trên Nam Ou, một phụ lưu then chốt của Mekong. Đập được xây bởi công ty thủy điện lớn nhất của Trung Hoa. [Ảnh: Sergey Ponomarey] Làng tái định cư Baan Hat Kham gần vị trí đập Nam Ou 3 ở Lào. [Ảnh: Sergey Ponomarey] “Tôi phải đi vì họ bảo tôi đi,” người dân làng tên See, trong hình, nói. Làng của bà ở thượng Lào và hàng chục làng nữa đang bị phá bỏ để lấy đất xây đập. “Cuộc sống trên sông của chúng tôi chấm dứt.” [Ảnh: Sergey Ponomarey]


Ở Lào, vụ vỡ đập hồi năm ngoái đã giết chết hàng chục người và cuốn trôi hàng ngàn nhà trong 2 quốc gia làm nổi bật sự nguy hiểm của việc xây cất trong vùng xa xôi ít được giám sát. Mặc dù chánh phủ Lào kết luận rằng tai nạn đó do con người gây ra, không ai có trách nhiệm.


Các nhà hoạt động môi trường đã được cảnh báo năm ngoái khi một công ty Trung Hoa báo cáo ảnh hưởng xuyên biên giới của một dự án đập quan trọng ở Lào, được xem là kết quả của nhiều tháng nghiên cứu kỹ lưỡng, lại có những cắt xén từ một báo cáo trước đó cho một dự án khác của Trung Hoa.


“Người dân dựa vào Mekong nhiều nhất lại kiểm soát ít nhất cái xảy ra cho dòng sông,” Bruce Shoemaker, một nhà nghiên cứu về xung đột tài nguyên trong khu vực, cho biết.


Các nhà phê bình lo ngại rằng các chánh phủ không thể gánh nổi chi phí của các đập.


“Các đập nầy tốt cho các quốc gia Mekong, hay chúng tốt cho quốc gia như Trung Hoa đang tìm cách gây ảnh hưởng kinh tế và sử dụng khả năng thừa thải?” Maurin Harris, giám đốc chương trình Đông Nam Á (ĐNA) của International Rivers (Sông ngòi Quốc tế), một cơ quan theo dõi môi trường, cho biết.


“Đập là thứ không dễ phá bỏ,” cô nói. “Chúng ta phải nghĩ đến hậu quả.”



Bình điện của Á Châu


Nghèo và không có bờ biển, Lào đang đánh cược rằng thủy điện sẽ trở thành người làm ra tiền nhiều nhất vào năm 2025. Chánh phủ, một trong các chế độ cộng sản còn lại của thế giới, đã quyết định xây trên 140 đập cho Mekong và các phụ lưu.


Chánh phủ Lào dựa vào tiền vay mượn từ Trung Hoa để tài trợ nhiều đập nầy. Nhưng Lào nằm trong số 8 quốc gia dễ tổn thương nhất vì nợ quá nhiều với Trung Hoa, theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington.


Lào cũng là một trong các quốc gia tham nhũng nhất Á Châu, theo Minh bạch Quốc tế (Transparency International), và việc đấu thầu các dự án thủy điện nổi tiếng là mờ ám.


“Minh bạch và trách nhiệm?” Shoemaker, đồng tác giả của quyển sách về thủy điện ở Lào. “Chúng không phải từ ngữ tôi dùng để mô tả Lào.”


Chuẩn bị cấy lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gần Hồng Ngự, Việt Nam. Người trồng lúa ở Việt Nam và Thái Lan dựa vào phù sa do sông Mekong bồi đắp trong mùa mưa. [Ảnh: Sergey Ponomarey] Nông dân phun phân bón trên ruộng lúa trong ĐBSCL gần Hồng Ngự. “Người dân dựa vào Mekong nhiều nhất không thể kiểm soát việc gì xảy ra cho dòng sông,” một nhà nghiên cứu về xung đột tài nguyên trong khu vực cho biết. [Ảnh: Sergey Ponomarey] Một chợ nổi trên sông Mekong ở Châu Đốc, Việt Nam trong tháng 12. [Ảnh: Sergey Ponomarey]


Các nhà phê bình lo ngại rằng kế hoạch của Lào để nhảy ra khỏi nhóm quốc gia kém phát triển nhất bằng cách xây đập sẽ nới rộng sự chênh lệch lợi tức.


“Tôi chưa từng thấy trường hợp nào mà người dân được bồi thường hợp lý cho sự gián đoạn của cuộc sống do đập gây ra,” Ian Baird, một chuyên viên ĐNA ở Đại học Wisconsin-Madison, người nghiên cứu ảnh hưởng xã hội của đập, cho biết. “Nếu các chánh phủ lập luận rằng những dự án nầy là cần thiết mà không phải bồi thường, thì những dự án nầy có thể không tốt cho quốc gia.”


Việc ngăn đập trên Mekong là những dự án hạ tầng cơ sở lớn lao sắp hết thời trên khắp thế giới. Ở Hoa Kỳ, nơi thủy điện từng được ca tụng như là chiến thắng của con người đối với thiên nhiên, đập đang được tháo dỡ để cho sông chảy tự do.


Các nhà khoa học Tây phương nay xem mặt trời và gió là một nguồn điện khả chấp hơn. Ngay cả các tổ chức tài chánh quốc tế như Ngân hàng Thế giới, đã từng truyền bá chân lý thủy điện trên khắp thế giới đang phát triển, đang cảnh báo về ảnh hưởng lâu dài của đập.


Nhưng các nhà hoạch định Lào, một số theo học ở Liên bang Sô Viết, đập vẫn là đỉnh cao của tiến bộ xã hội chủ nghĩa.


“Vấn đề là chúng ta có người ngồi trong các bộ của chánh phủ không muốn từ bỏ giấc mộng hiện đại hóa bằng thủy điện,” ông Baird nói. “Toàn thể mô hình phát triển của họ dựa trên nó.”



Thế nhưng các nhà khoa học nghi ngờ khu vực có thể tiêu thụ tất cả năng lượng mà Lào hy vọng thu hoạch được. Dân số 7 triệu của nước nầy không cần tất cả số điện đó, và láng giềng Thái Lan đã dư thừa năng lượng. Cơ quan Phát Điện Thái Lan (Electricity Generating Authority of Thailand (EGAT)), dự định mua 2,4 tỉ USD từ dự án Pak Beng của Lào, đang suy nghĩ lại quyết định của họ.


Điều đó không ngăn được các kỹ sư, doanh nghiệp và công nhân Trung Hoa đổ vào Lào. Ở các vị trí xây cất chuỗi đập Nam Ou của Sinohydro, các biểu ngữ màu đỏ khổng lồ treo trên vách đá, đề cao tầm quan trọng của tình hữu nghị xã hội chủ nghĩa giữa Trung Hoa và Lào. Các biểu ngữ bằng tiếng Hoa. Có rất ít công nhân Lào.


Wei Jun, giám sát viên của Sinohydro ở một cơ sở xay đá, bác bỏ sự kiện là dân làng buộc phải ra đi với số bồi thường không đáng kể. Khi Trung Hoa xây đập Xiaowan trên thượng lưu Mekong, 35.000 người Trung Hoa phải dời cư, ông nói.


“Tiến bộ,” ông dùng một thành ngữ Trung Hoa, ‘có nghĩa là ngậm đắng.”


Dòng sông của đời sống


Nguồn của Mekong phát xuất ở trên cao trong cao nguyên Tây Tạng, nhưng ở Trung Hoa, sông ít được con người sử dụng. Lancang, tên gọi của Mekong ở đây – có nghĩa là “cuồng nộ” – quá nhanh và quá dốc để làm gì khác hơn chạy các turbines. Bảy đập đã được xây trên thượng lưu Mekong kể từ năm 2000.


Nhưng đối với các quốc gia ở hạ lưu, Mekong là mạch máu. Giống như Nile, Tigris và Yangtze, Mekong đã cung cấp nước cho các đế quốc. Hai thủ đô, Vientiane của Lào và Phnom Penh của Cambodia, nằm trên bờ của nó.


Một nhà sư đi trong hồ Tonle Sap ở Cambodia trong tháng 12. Nhiều hơn bất cứ quốc gia nào, Cambodia được Mekong nuôi dưỡng. [Ảnh: Sergey Ponomarey] Lựa cá ở làng nổi Chong Khneas, Cambodia. [Ảnh: Sergey Ponomarey] Thủ đô của Cambodia, Phnom Penh, nằm trên bờ sông Mekong. [Ảnh: Sergey Ponomarey]


Những người trồng lúa phong phú nhất, ở Thái Lan và Việt Nam, dựa vào tính hào phóng của Mekong trong việc bồi đắp phù sa mầu mỡ trong mùa mưa. Hệ thống sông là nền thủy sản nội địa lớn nhất trên thế giới.


Hơn bất cứ quốc gia nào khác, Cambodia được Mekong nuôi dưỡng. Dân số 16 triệu của nước nầy tiêu thụ 80% chất đạm đến từ hệ thống, kể cả một phụ lưu là con sông đảo ngược dòng chảy theo mùa duy nhất trên thế giới.


Cambodia cũng dựa vào Trung Hoa, nay là đối tác mậu dịch và ân nhân lớn nhất. Thủ tướng Hun Sen, lãnh tụ cầm quyền lâu nhất của Á Châu, đã quay lưng với các quốc gia Tây phương mà viện trợ của họ đã không thể thúc đẩy cải cách dân chủ.


Một đập trên Mekong được đề nghị ở Cambodia, Sambor, có thể sản xuất nhiều điện hơn mức tiêu thụ hiện nay của Cambodia. Năm nay, nước nầy khổ sở vì mất điện khiến các nhà máy ngưng hoạt động và hàng triệu người không có điện.


Nhưng đập ở Sambor do Trung Hoa xây có thể “giết chết sông Mekong và tàn phá kinh tế của Cambodia,” theo một phúc trình của Viện Di sản Thiên nhiên (Natural Heritage Institute (NHI)), một cơ quan giám sát Mỹ theo dõi các lưu vực sông quan trọng trên thế giới, do chánh phủ Cambodia ủy thác.


60% phù sa cần thiết để nuôi dưỡng cho ruộng lúa ở ĐBSCL ở Việt Nam sẽ bị đập Sambor ngăn chận, phúc trình cảnh báo, và “sẽ tạo nên một chướng ngại vật cho di ngư.”


Thay vào đó, NHI đề nghị các tấm điện mặt trời nổi trong một hồ chứa nước hiện hữu như một giải pháp tốt hơn cho tình trạng thiếu điện của Cambodia.


Cho đến nay, đập lớn nhất của Cambodia là Hạ Sesan 2 trị giá 800 triệu USD, trên một phụ lưu của Mekong. Các turbines do Trung Hoa xây bắt đầu hoạt động hồi tháng 12 vừa qua, làm ngập 5 làng khi làm đầy hồ chứa. Ngày nay, chóp của một chùa Phật trồi trên mặt nước đã làm ngập làng Srekor. Dân làng ở đây dùng thuyền để vớt đồ dùng trong nhà bị ngập, nơi cái đồng hồ đứng lại đánh đấu lúc nước đến.


Dân làng Srekor đã ra đi, nhưng nhà mới của họ cách xa sông đã hỗ trợ họ. Có trường học nhưng không có thầy giáo, một bệnh xá nhưng không có bác sĩ. Điện rất mắc, và cay đắng vì họ bị đuổi đi cho dự án điện, người dân nói. Không có nước sạch.


Ông Hun Sen, chủ tọa lễ khánh thành đập, gọi những người dân làng than phiền là “phản động.”


Trong cộng đồng tái định cư, dân làng thương tiếc con sông đã mất từng nuôi sống nhiều thế hệ của họ.


“Sông là thần linh của chúng tôi,” In Chin, một người dân, nói. “Tôi rất buồn vì chúng ta giết nó.”


Làng Srekor ở Cambodia trong tháng 12, bị ngập khi hồ chứa choa đập Hạ Sesan 2 được làm đầy hồi cuối năm 2017. [Ảnh: Sergey Ponomarey]



© Hannah Beech
    Bình Yên Đông lược dịch
    Mekong - Cửu Long
Nguồn: Hannah Beech, 'Our River Was Like a God’: How Dams and China’s Might Imperil the Mekong' | The New York Times – October 12, 2019

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad