Xung đột Mỹ – Trung là về giá trị hay quyền lực? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Sáu, 23 tháng 4, 2021

Xung đột Mỹ – Trung là về giá trị hay quyền lực?


Cuộc gặp gỡ giữa hai phái đoàn Mỹ - Trung tại Anchorage, Alaska vào hai ngày 18, 19 tháng Ba.


Cuộc gặp gỡ giữa hai phái đoàn Mỹ - Trung tại Anchorage, Alaska vào hai ngày 18, 19 tháng Ba cho thấy sự đối đầu ngày càng leo thang giữa hai cường quốc. Chính sách ngoại giao mềm mỏng thông thường đã nhường bước; chính sách tố cáo, công khai chỉ mặt điểm tên, đã lên ngôi. Động cơ của sự xung đột đối đầu trên bề mặt là quyền lực. Nhưng bên dưới là sự khác biệt, hay đối nghịch, về nguyên tắc và giá trị. Nhất là giá trị về quyền con người.


Như đã trình bày trong bài trước, trước buổi gặp mặt này, chính quyền Biden đã dồn Bắc Kinh vào góc chân tường: từ cuộc họp thượng đỉnh Bộ tứ QUAD, cho đến việc bổ nhiệm Kurt Campbell, và các tuyên bố thẳng thừng và không khoan nhượng của Mỹ về tình trạng nhân quyền của Trung Quốc tại Hồng Kông và Tân Cương, gọi là tội diệt chủng, cũng như các trò hiếp đáp cưỡng bức kinh tế của Trung Quốc với Úc và bao nước khác. Chính quyền Biden cũng đã trừng phạt 24 viên chức Trung Quốc và Hồng Kông về sự vi phạm nhân quyền trước buổi họp. Ngay từ giây phút đầu của cuộc gặp gỡ, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã thẳng thừng tấn công và cảnh báo Trung Quốc ở những vấn đề nhạy cảm nhất của họ.



Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi thấy sự lên gân và phản ứng gay gắt từ phái đoàn Trung Quốc. Nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Dương Khiết Trì đã cảnh báo Mỹ không nên can thiệp vào "công việc nội bộ" của Trung Quốc, vu khống Mỹ là "nhà vô địch" của các cuộc tấn công mạng, chế nhạo sự ổn định trong nước của Mỹ và thách thức hồ sơ riêng của Mỹ về nhân quyền v.v…


Dường như phái đoàn Mỹ cũng đã tiên liệu phản ứng này. Theo một viên chức cao cấp của Mỹ, phái đoàn Mỹ đến gặp phái đoàn Trung để khẳng định các nguyên tắc, lợi ích và giá trị thúc đẩy cam kết đối với Bắc Kinh, chứ không phải để có những lời thuyết trình cường điệu nhắm vào khán giả trong nước.


Tuy nhiên, để đáp trả phái đoàn Bắc Kinh, Blinken trình bày các điểm chính sau đây: Mỹ luôn quan niệm, từ thời lập quốc đến nay, rằng cung cách lãnh đạo của Mỹ đối với quốc gia là một nhiệm vụ không ngừng để xây dựng một hiệp chủng quốc hoàn hảo hơn. Điều đó có nghĩa là, thừa nhận những điểm không hoàn hảo của chúng tôi, thừa nhận rằng chúng tôi không hoàn hảo. Vâng, Mỹ mắc phải sai lầm. Có lúc nước Mỹ có những bước lùi. Nhưng những gì Mỹ đã làm trong suốt lịch sử của mình là đương đầu với những thách thức đó - một cách công khai, công cộng, và minh bạch – chứ không cố gắng phớt lờ chúng, không cố gắng giả vờ như chúng không tồn tại. Blinken ghi nhận đôi khi nó đau đớn, đôi khi nó xấu xí, nhưng mỗi lần vượt qua được thử thách đó thì nước Mỹ trở nên mạnh mẽ hơn, tốt hơn, đoàn kết hơn, với tư cách là một quốc gia.


Người trưởng phái đoàn Mỹ Antony Blinken chứng tỏ sự khiêm tốn, nhưng luôn thể hiện sự tự tin và tự trọng trong tư duy và hành động. Đây là điểm khác biệt lớn lao trong cách nhìn nhận, thái độ, cung cách lãnh đạo và giải quyết vấn đề của Mỹ so với Trung Quốc.


Giới lãnh đạo Trung Quốc hiếm khi nào, nếu không phải là không bao giờ muốn và không hề thừa nhận những sai lầm lớn lao của họ về mặt đối nội hay đối ngoại, ngay cả khi chứng cớ quá rõ ràng. Thừa nhận sai lầm, trong tư duy họ, là phơi bày sự yếu đuối của mình. Là mất mặt. Và mất chính nghĩa. Vì tư duy này mà họ không thể chấp nhận các ý kiến phê bình công khai, hay các phiên bản lịch sử nào bất lợi đối với họ. Đó cũng là lý do mà họ tìm mọi cách để kiểm soát thông tin/ngôn luận, kiểm soát giáo dục, và nhất là kiểm soát và kiểm duyệt mọi vấn đề liên quan đến lịch sử Trung Quốc.


Trong khi đó, quan niệm của Mỹ là họ không hoàn hảo, nên phải cố gắng cải tiến không ngừng. Mỗi thế hệ phải nỗ lực cải thiện và củng cố, chứ không phải chỉ dựa vào thành quả có sẵn. Họ không an phận, hay tự hào và tự kiêu quá thái. Họ công khai thừa nhận lỗi lầm như thực tế và thử thách để đối diện giải quyết, thay vì giấu diếm và lường gạt người dân.



Chẳng hạn, về vấn đề nhân quyền. Khi thực hiện các bản báo cáo về nhân quyền trên thế giới hàng năm, Văn phòng Dân chủ, Nhân quyền và Lao động của Bộ Ngoại giao Mỹ có một dàn nhân sự chuyên môn và hùng hậu, gồm hàng trăm biên tập viên, 11 biên tập viên cao cấp, một tổng biên tập và một cố vấn. Văn phòng đã sử dụng thông tin từ các đại sứ quán và lãnh sự quán Hoa Kỳ ở nước ngoài, các quan chức chính phủ nước ngoài, các tổ chức phi chính phủ và quốc tế, luật gia và chuyên gia pháp lý, nhà báo, học giả, nhà hoạt động lao động và các báo cáo đã xuất bản. Trong khi đó, các bản báo cáo của Trung Quốc về tình trạng nhân quyền của Mỹ thì thiếu hẳn tính chuyên môn, và mục tiêu chủ yếu là để trả đũa Mỹ phê bình nhân quyền mình. Vì thế học giả Fareed Zakaria mới phê bình các báo cáo của Trung Quốc trích dẫn các số liệu không liên quan đến vi phạm nhân quyền như số thất nghiệp, số người nghèo, sở hữu súng, v.v… Zakaria đề nghị chính phủ Trung Quốc nên để báo cáo cho các học giả nghiêm túc của Trung Quốc thực hiện, mà Zakaria tin là có nhiều người, chứ không phải là bộ phận tuyên truyền của Đảng Cộng sản, nơi dường như đã viết báo cáo.


Quan niệm về nhân quyền của Mỹ và Trung khác nhau một trời một vực. Định nghĩa nhân quyền của Bắc Kinh thì chỉ phục vụ cho mục tiêu chính trị và quyền lực của họ.


Trong khi đó, cách trình bày về nhân quyền của Ngoại trưởng Blinken rất khác, như sau.


Thứ nhất, một trong những nguyên tắc cốt lõi của quyền con người là chúng có tính phổ quát. Tất cả mọi người đều được hưởng những quyền này, bất kể họ sinh ra ở đâu, họ tin gì, họ yêu ai hoặc bất kỳ đặc điểm nào khác. Quyền con người cũng được bình đẳng; không có hệ thống phân cấp nào làm cho một số quyền quan trọng hơn những quyền khác.


Thứ hai, quyền con người cũng phụ thuộc lẫn nhau. Nếu bạn không thể tập hợp nhau một cách hòa bình, làm thế nào bạn có thể tổ chức một công đoàn hoặc một đảng đối lập, hoặc thực hiện quyền tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng của bạn? Nếu bạn bị từ chối quyền tiếp cận công việc hoặc giáo dục bình đẳng, vì màu da hoặc tính giới của bạn, làm thế nào bạn có thể đạt được sức khỏe và hạnh phúc cho bản thân và gia đình?


Thứ ba, tôn trọng nhân quyền có nghĩa là đứng về tự do và công lý cho tất cả mọi người. Không chỉ ở trong nước Mỹ, mà còn trên khắp thế giới. Blinken cho biết, Mỹ nhận được phản hồi từ một số quốc gia, như thường lệ, rằng Mỹ không có quyền chỉ trích họ vì Mỹ cũng có những thách thức riêng phải đối phó. Blinken xác nhận Mỹ vẫn có nhiều việc phải làm trong nước về nhân quyền. Điều đó bao gồm giải quyết những bất bình đẳng sâu sắc, bao gồm cả phân biệt chủng tộc có hệ thống. Nhưng Mỹ không giả vờ như những vấn đề này không tồn tại hoặc cố gắng che giấu chúng dưới tấm thảm. Mỹ sẽ đối phó với chúng trong ánh sáng ban ngày, với sự minh bạch hoàn toàn.



Rõ ràng quan niệm về nhân quyền (và quyền lực) giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ như hai thái cực: dân chủ và độc tài; tự do và toàn trị.


Mỹ vĩ đại vì Mỹ, tuy không hoàn hảo, nhưng là một cường quốc hàng đầu của thế giới vì sức mạnh của Mỹ đã được xây dựng trên sự cạnh tranh một cách tự do nhất trong khuôn khổ pháp luật, của phần lớn xã hội (tất nhiên người da màu và những thành phần khác trong xã hội như phụ nữ, chẳng hạn, đã và vẫn còn đang bị phân biệt đối xử). Đây là nơi mà mọi sáng kiến và nhân tài trên toàn cầu về mọi lĩnh vực hội tụ để thi thố tài năng. Lịch sử của nước Mỹ cho thấy, khi Mỹ không phải cạnh tranh ý thức hệ hay quyền lực một sống một còn với cường quốc khác, như từ khi Chiến Tranh Lạnh chấm dứt đến nay, thì sự tiến bộ của Mỹ có giới hạn. Nhưng trước thách thức ngày càng lớn từ Trung Quốc, nếu các chính quyền Mỹ có thể giải quyết các vấn đề nội bộ, thì không có điều gì mà quốc gia này không thể làm. Cạnh tranh về quyền lực, hay nhân quyền, sẽ là động cơ để nước Mỹ tiến lên. Kể cả sự cải thiện về nhân quyền trong nước Mỹ cũng như nhân quyền trên thế giới.


   Mời xem thêm »



© Phạm Phú Khải
    VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad