Bóng ma lịch sử và triển vọng xung đột ở Eo biển Đài Loan - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Ba, 11 tháng 5, 2021

Bóng ma lịch sử và triển vọng xung đột ở Eo biển Đài Loan



Liệu Hoa Kỳ có sẵn sàng đối mặt một cuộc chiến thảm khốc với Trung Quốc để bảo vệ Đài Loan hay không? Tổng thống Joe Biden đã vạch ra tầm nhìn của mình một cách rõ ràng vào tuần trước. Ông coi sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ là một cuộc xung đột toàn cầu giữa dân chủ và chế độ chuyên chế, và không nghi ngờ gì nữa, Đài Loan là một trong những nền dân chủ thành công nhất châu Á.

Năm 1954, Tổng thống Dwight D. Eisenhower đã đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân sau khi Trung Quốc nã pháo vào một đảo đá gần bờ biển Đài Loan, khi Đài Loan vẫn còn là một chế độ độc tài quân sự. Nhưng mọi thứ lúc đó rất khác. Hoa Kỳ bị ràng buộc bởi hiệp ước bảo vệ Đài Loan. Điều này đã thay đổi sau năm 1972 khi Tổng thống Richard M. Nixon đồng ý rằng Đài Loan là một phần của “một Trung Quốc”, và Tổng thống Jimmy Carter đã hủy bỏ hiệp ước phòng thủ vào năm 1979. Liệu Mỹ có còn sẵn sàng tham chiến vì Đài Loan hay không đã trở thành một vấn đề phụ thuộc vào khái niệm mà Henry Kissinger từ lâu đã gọi là “sự mơ hồ chiến lược”.


Kết quả là các cam kết quân sự của Mỹ ở Biển Hoa Đông rất khác thường. Một hiệp ước quốc phòng với Nhật buộc Mỹ phải bảo vệ một số đảo đá không người ở được gọi là quần đảo Senkaku (hay quần đảo Điếu Ngư theo tiếng Trung Quốc), nhưng không phải là một Đài Loan dân chủ với 23 triệu dân.

Có những lý do thực tế lý giải tại sao một cuộc tấn công quân sự của Trung Quốc vào Đài Loan vẫn có thể kích động một cuộc chiến tranh với Mỹ. Việc Trung Quốc kiểm soát Biển Hoa Đông sẽ là mối đe dọa đối với Nhật Bản và Hàn Quốc. Nếu điều đó xảy ra, một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân nguy hiểm ở Đông Á có thể bắt đầu. Đài Loan cũng có các công nghệ máy tính tiên tiến mà Mỹ và các đồng minh dân chủ của họ không muốn rơi vào tay Trung Quốc.

Ngoài ra, còn có cái bóng của lịch sử. Chúng ta không được định đoạt bởi quá khứ, nhưng chúng ta sẽ gặp rủi ro nếu bỏ qua nó. Dù những tác động của lịch sử có thể là kết quả của những huyền thoại, nhưng huyền thoại có thể có sức mạnh hơn cả thực tế. Cốt lõi của chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc đương đại là ý tưởng về một nỗi ô nhục quốc gia được cứu chuộc bằng một sự vĩ đại mới. Theo dòng quan điểm này, trong ít nhất một trăm năm từ các cuộc Chiến tranh Nha phiến vào những năm 1840 cho đến các cuộc xâm lược tàn bạo của Nhật Bản vào những năm 1930 và 1940, Trung Quốc đã bị suy thoái, bị bắt nạt và bị chiếm đóng bởi các thế lực ngoại bang. Chỉ có sự phục hưng dân tộc do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo mới có thể đảm bảo rằng điều này không bao giờ xảy ra nữa.

Bài học này được lặp lại trên khắp cả nước, trong các viện bảo tàng ái quốc, đài tưởng niệm, phim ảnh, sách, nhạc kịch, và tất nhiên, sách giáo khoa lịch sử. Một lý do giải thích cho sự thống trị hiện nay của chủ nghĩa dân tộc phục thù trong luận điệu chính thức của Trung Quốc là sự suy yếu của hệ tư tưởng Mác-Lênin hoặc chủ nghĩa Mao ở Trung Quốc. Với việc rất ít người Trung Quốc, bao gồm cả những người Cộng sản, còn tin vào giáo điều cũ, Đảng cần một cách biện minh mới cho sự độc tôn quyền lực của mình. Việc cứu chuộc những nỗi sỉ nhục trong quá khứ đã trở thành một luận điệu mạnh mẽ cho tính chính danh của Đảng.


Việc Nhật chiếm đóng Đài Loan, như là một chiến lợi phẩm từ chiến thắng trước Trung Quốc trong Chiến tranh Trung-Nhật năm 1895, vẫn còn dư âm. Việc nói các hoàng đế Trung Quốc không bao giờ quan tâm nhiều đến Đài Loan là không phù hợp. Cũng không quan trọng khi nói không phải người dân Trung Quốc, hay thậm chí là Trung Quốc, bị sỉ nhục, mà nỗi ô nhục thuộc về đế chế Mãn Thanh do người Mãn Châu cai trị và bị Cách mạng Tân Hợi do người Hán lãnh đạo lật đổ năm 1911. Không có vấn đề nào trong số đó quan trọng: Đảng coi việc khôi phục hoặc bảo vệ các vùng đất của đế chế Mãn Thanh, như Đài Loan và Tây Tạng, như một nghĩa vụ thiêng liêng.

Trong khi đó, người Mỹ bị ảnh hưởng bởi một lịch sử khác – một câu chuyện mà họ thậm chí không chịu trách nhiệm trực tiếp. Chính Neville Chamberlain của Anh đã ký Hiệp định Munich vào năm 1938, cho phép nước Đức của Hitler bắt đầu xâm lược Tiệp Khắc. Tên tuổi của Chamberlain sẽ mãi mãi gắn liền với chính sách xoa dịu hèn nhát, trong khi Winston Churchill nổi lên như một anh hùng vĩ đại.

Thỏa thuận Munich đã ám ảnh chính sách đối ngoại của Mỹ, thậm chí có thể hơn cả của Anh, như một bóng ma báo thù. Các tổng thống và thủ tướng đã lo sợ bị so sánh với Chamberlain và mơ ước trở thành anh hùng như Churchill. Năm 1938 nổi lên trong các luận điệu chính trị của Hoa Kỳ trong hầu hết các cuộc khủng hoảng ở nước ngoài kể từ sau Thế chiến II. Tổng thống Harry S. Truman đã nhắc tới nó vào đầu Chiến tranh Triều Tiên năm 1950, khi ông tuyên bố sẽ “ngăn chặn” chủ nghĩa cộng sản.

Khi người Anh từ chối gửi quân đến Việt Nam để giúp người Pháp chống lại Hồ Chí Minh vào năm 1954, Eisenhower cáo buộc Churchill đã “thúc đẩy một Munich thứ hai”. Và vì vậy Mỹ đã dính líu vào Việt Nam. Ở Việt Nam một lần nữa trong những năm 1960, Richard Nixon cũng như nhiều người khác đã cảnh báo về một Munich khác. Gần đây hơn, trong các cuộc chiến tranh do Hoa Kỳ lãnh đạo chống lại Saddam Hussein, cả Tổng thống Bush cha và Bush con đều so sánh nhà độc tài Iraq với Hitler, và tự tưởng tượng mình trong vai trò của Churchill. Vào đêm trước của cuộc chiến đó, Thủ tướng Anh Tony Blair đã đọc nhật ký của Chamberlain để rút ra bài học về những điều không nên làm.


Có thể là trong thế giới ngày nay, khi một cuộc xung đột giữa các siêu cường có thể hủy diệt phần lớn nhân loại, thì Trung Quốc và Mỹ sẽ cố tránh một cuộc chiến tranh về Đài Loan. Cho đến nay, Trung Quốc dường như đang chơi một trò vờn bắt, thăm dò hệ thống phòng thủ của Đài Loan, bay vào không phận của họ, tăng cường tuần tra hải quân, tiến hành các cuộc tập trận mô phỏng một cuộc xâm lược và đưa ra những tuyên bố khiêu khích “không loại trừ việc sử dụng vũ lực.” Còn phía Hoa Kỳ thì tăng cường bán vũ khí cho Đài Loan và đưa ra các luận điệu cứng rắn về một cuộc chiến tranh lạnh mới.

Trò chơi vờn bắt này là cuộc thi xem ai sẽ đuối sức trước, vì vậy nó có thể leo thang nhanh chóng và không thể đoán trước được. Việc hai nước bị chi phối bởi các bóng ma lịch sử sẽ khiến việc lùi bước trở nên khó khăn hơn. Nếu cả hai bên từ chối nhượng bộ trong một cuộc khủng hoảng, tất cả mọi người sẽ là bên thua cuộc.

   Mời xem thêm »


© Ian Buruma
    Phan Nguyên Biên dịch
    Nghiên Cứu Quốc Tế
Nguồn: Ian Buruma, “Taiwan and the Ghosts of History”, Project Syndicate, 07/05/2021.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad