Chính quyền Biden và Quốc hội Mỹ tranh cãi gay gắt về áp dụng đầu tư ESG cho quỹ hưu trí - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Sáu, 10 tháng 3, 2023

Chính quyền Biden và Quốc hội Mỹ tranh cãi gay gắt về áp dụng đầu tư ESG cho quỹ hưu trí


Khoản tiền tiết kiệm hưu trí của người dân Mỹ đang bị đe dọa với việc áp dụng đầu tư ESG vào quản lý quỹ hưu trí. Chính quyền Biden mải mê theo đuổi hệ tư tưởng cánh tả, trong khi phớt lờ đi lợi ích tài chính của người hưu trí tại Mỹ.
Tổng thống Joe Biden bên ngoài Tòa Bạch Ốc vào ngày 01/03/2023 tại Washington, Mỹ. (Ảnh: Win McNamee/Getty Images)

Khoản tiền tiết kiệm hưu trí của người dân Mỹ đang bị đe dọa với việc áp dụng đầu tư ESG vào quản lý quỹ hưu trí. Chính quyền Biden mải mê theo đuổi hệ tư tưởng cánh tả, trong khi phớt lờ đi lợi ích tài chính của người hưu trí tại Mỹ.

Chính quyền Biden và Quốc hội Mỹ hiện đang tranh cãi gay gắt về quy định mới của Bộ Lao động liên quan đến việc liệu tiền tiết kiệm hưu trí của người Mỹ có nên được sử dụng như một nguồn tài chính cho chương trình khí hậu và công bằng xã hội hay không.

Vấn đề không chỉ dừng lại ở những luật lệ đầu tư và thủ tục hành chính mơ hồ, mà có khả năng ảnh hưởng đến an ninh tài chính của nhiều người Mỹ trong những năm nghỉ hưu của họ.

Cuộc tranh cãi đã nóng lên vào tuần trước với việc Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát thông qua một biện pháp với số phiếu 216–204 để ngăn chặn quy định mới của chính quyền Biden cho phép đưa các nguyên tắc công bằng xã hội và biến đổi khí hậu làm tiêu chí đầu tư lương hưu; Dân biểu Jared Golden (Dân chủ - Maine) là đảng viên Đảng Dân chủ duy nhất ủng hộ biện pháp này. Các đảng viên đảng Cộng hòa ở Thượng viện đã thông qua dự luật tương tự với tỷ lệ 50 trên 46, với sự ủng hộ của các đảng viên Đảng Dân chủ Jon Tester (Dân chủ - Montana) và Joe Manchin (Dân chủ - West Virginia), cả hai đều phải đối mặt với việc tái tranh cử ở các bang đang nghiêng về đảng Cộng hòa vào năm 2024.

Quy định của chính quyền Biden này đã bị thách thức theo Đạo luật Đánh giá của Quốc hội, một cơ chế giám sát của quốc hội có thể lật ngược các phán quyết của các cơ quan liên bang. Ông Biden đã đe dọa sẽ phủ quyết nghị quyết.

Dân biểu Andy Barr (Cộng hòa - Kentucky), người đã đưa ra biện pháp này tại Hạ viện, cho biết đây là “một nghị quyết chung của lưỡng đảng, lưỡng viện phản đối việc đưa ra quy định của Bộ Lao động, thứ sẽ chính trị hóa các tài khoản hưu trí của người Mỹ và gây nguy hiểm cho an toàn hưu trí của họ”.

Khi cho phép quỹ hưu trí được sử dụng cho các mục đích ý thức hệ, chính quyền Biden đang “từ bỏ các quyền cơ bản của công dân Mỹ, để trao thêm quyền lực cho phe cực tả”, Thượng nghị sĩ Rick Scott (Cộng hòa - Florida) tuyên bố.

“Nếu bạn bỏ tiền vào kế hoạch nghỉ hưu, bạn sẽ mong nhận được khoản tiền lãi tốt nhất mà bạn có thể nhận được; bạn mong đợi rằng bất cứ ai đang điều hành nó đều là người được ủy thác để kiếm được lợi nhuận cao nhất có thể. Điều mà chính quyền Biden đang nói là ‘không, bạn không cần phải làm điều đó… nếu bạn có chương trình xã hội nào đó, bạn có thể tập trung vào chương trình xã hội của mình'”.

Phát biểu tại Thượng viện, ông Manchin cho biết: “Quy định ESG mà chúng ta sẽ bỏ phiếu sắp tới vào ngày hôm nay chỉ là một ví dụ khác về cách chính quyền của chúng ta ưu tiên chương trình chính sách cánh tả hơn là bảo vệ và phát triển tài khoản hưu trí của 150 triệu người Mỹ, thứ đang lâm nguy. Đất nước chúng ta đang phải đối mặt với sự bất ổn về kinh tế, lạm phát kỷ lục và chi phí năng lượng ngày càng tăng, thứ khiến người Mỹ phải thức đêm và vắt kiệt túi tiền của họ”.

Tòa Bạch Ốc đã phản bác nỗ lực của Quốc hội nhằm lật ngược quy tắc ESG, gọi đó là nỗ lực của “đảng Cộng hòa MAGA” [MAGA - Make America Great Again: Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại]. Trái ngược với lập trường trước đây của họ, các đảng viên Đảng Dân chủ hiện đang ủng hộ quyền tự do của các quỹ hưu trí và các nhà quản lý tài sản Phố Wall trong việc đưa ra các quyết định đầu tư của riêng họ, trong khi các đảng viên Cộng hòa đang cố gắng khiến các nhà quản lý quỹ chỉ tập trung hoàn toàn vào lợi nhuận về mặt tiền tệ.

“Đảng Cộng hòa nói về tình yêu của họ đối với thị trường tự do, chính phủ nhỏ và để khu vực tư nhân làm công việc của mình. Dự luật của Đảng Cộng hòa ngược lại với điều đó”, thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết trong cuộc họp báo ngày 01/03.

Bà Jean-Pierre từ chối giải thích chi tiết khi được The Epoch Times hỏi về phản ứng của Tòa Bạch Ốc trước sự phản đối ngày càng gia tăng của Quốc hội đối với hoạt động đầu tư ESG.

Thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc Karine Jean-Pierre phát biểu trong cuộc họp báo hàng ngày tại Phòng họp báo James S. Brady của Tòa Bạch Ốc vào ngày 13/02/2023 tại Washington D.C., Mỹ. (Ảnh: Mandel Ngan/AFP qua Getty Images)

Bà nói: “Vì nó liên quan đến hoạt động của Thượng viện và việc việc này sẽ đi đến đâu, tôi để việc đó cho Thượng nghị sĩ Schumer". “Đó là thứ để ông ấy nói. Điều tôi có thể nói là nếu dự luật này đến được bàn của Tổng thống, ông ấy sẽ phủ quyết nó”.

“Đây không phải là về khuynh hướng ý thức hệ; đó là về việc xem xét bức tranh lớn nhất có thể cho các nhà đầu tư để giảm thiểu rủi ro và tối đa hóa lợi nhuận”, Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer (Dân chủ - New York) phát biểu ở Thượng viện. “Tại sao bạn không nên xem xét những rủi ro do các sự cố khí hậu ngày càng bất ổn?”

Mâu thuẫn tập trung vào một luật hưu trí ít được biết đến được gọi là Đạo luật An sinh Thu nhập Hưu trí của Nhân viên, được giám sát bởi Bộ Lao động Mỹ, và một tiêu chí đầu tư cấp tiến bí ẩn không kém được gọi là môi trường, xã hội và quản trị (ESG).

ERISA là gì?

ERISA là một đạo luật được ban hành vào năm 1974 để đảm bảo rằng, trong số nhiều điều khác, những người quản lý quỹ hưu trí của công ty phải tuân theo tiêu chuẩn pháp lý cao nhất về trách nhiệm ủy thác và họ chỉ hành động để tối đa hóa lợi nhuận tiền tệ cho người hưu trí. Điều đó không chỉ áp dụng cho những nơi các nhà quản lý lương hưu đầu tư vào, mà còn cả cách họ bỏ phiếu cho những cổ phiếu mà họ sở hữu.

Quốc hội đã thông qua luật này vì các công ty đã không tôn trọng nghĩa vụ lương hưu của họ đối với nhân viên và vì các nhà quản lý lương hưu đã biển thủ quỹ lương hưu, trong những trường hợp cực đoan, sử dụng chúng như ngân hàng cá nhân của chính họ. Trong một trong những vụ lạm dụng tiền của người về hưu nghiêm trọng, Chủ tịch James “Jimmy” Hoffa của Teamsters đã bị kết án vào năm 1964 về tội gian lận khi sử dụng quỹ hưu trí của công đoàn như ngân hàng cá nhân của mình, cho bạn bè vay, mua nhà và sử dụng quỹ cho mục đích cá nhân.

Ông Robert Wright là một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Mỹ. Ông Wright nói với The Epoch Times, “Vấn đề Hoffa rất đáng chú ý”. “Các quỹ dựa trên công đoàn đặc biệt dễ bị sử dụng sai, bị đào hầm tài sản, hướng quỹ vào các khoản đầu tư làm lợi chủ sở hữu kế hoạch nghỉ hưu, người được ủy thác, công đoàn tùy từng trường hợp, thay vì phục vụ lợi ích tốt nhất của nhân viên”.

Đào hầm tài sản là khi những người kiểm soát tài sản của công ty sử dụng chúng cho mục đích riêng của họ hoặc lợi ích cá nhân.

Một trong những mục tiêu của ERISA là ngăn chặn loại hoạt động đó và đặt ra các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về trách nhiệm ủy thác. Tuy nhiên, quỹ hưu trí ngày nay đang được sử dụng ngày càng nhiều để ủng hộ hệ tư tưởng ESG, dựa trên tuyên bố rằng nó sẽ nâng cao lợi nhuận cho người về hưu đồng thời giải quyết các vấn đề môi trường và xã hội.

Ông Brandon M, quản lý trang trại tại Fortitude Ranch Nevada, khảo sát bãi đất trống cạnh một tấm pin mặt trời vào ngày 02/03/2023. (Ảnh: Allan Stein/The Epoch Times)

Chiến lược đầu tư hay hệ tư tưởng?

ESG là một thuật ngữ chung bao gồm các khái niệm như biến đổi khí hậu, lý thuyết chủng tộc phê phán và công bằng xã hội; nó bao gồm các chính sách như thu hẹp sản xuất nhiên liệu hóa thạch, thiết lập các chương trình đa dạng, công bằng và hòa nhập, đồng thời thực hiện hạn ngạch chủng tộc và giới tính trong công ty.

Ví dụ về ESG trong thực tế bao gồm việc United Airlines quy định rằng một nửa số phi công mới được tuyển dụng là phụ nữ hoặc người thiểu số chủng tộc; Exxon, một công ty dầu mỏ, bổ sung các nhà hoạt động về biến đổi khí hậu vào hội đồng quản trị của mình để chuyển sang đầu tư vào công nghệ năng lượng mặt trời và gió; JPMorgan và Goldman Sachs từ chối cho vay đối với các dự án khoan dầu ở Bắc Cực; và Bank of America miễn thanh toán các khoản vay thế chấp cho người thiểu số.

Những người ủng hộ ESG nói rằng đó không phải là một hệ tư tưởng mà là một công cụ quản lý rủi ro. Họ lập luận rằng ESG cung cấp các tiêu chí thích hợp để đầu tư tiền lương hưu vì các công ty được đánh giá cao về mặt tuân thủ ESG có kết quả tài chính tốt hơn.

“Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng các công ty áp dụng ESG tốt sẽ hoạt động tốt hơn hoặc ít thất bại hơn”, Giám đốc điều hành của Bank of America Brian Moynihan cho biết vào năm 2020. “Nhưng điều quan trọng nhất, nó sắp xếp vốn, sắp xếp chủ nghĩa tư bản, nó định nghĩa chủ nghĩa tư bản theo cách mà mọi người muốn định nghĩa nó, đó là chủ nghĩa tư bản của các bên liên quan và giải quyết những vấn đề lớn của thế giới”.

Các quỹ hưu trí của tiểu bang New York đã tuyên bố rằng “Các yếu tố ESG là một thành phần chính trong phân tích của Quỹ về các cơ hội và rủi ro tài chính ngắn hạn và dài hạn". Các quỹ hưu trí của tiểu bang không thuộc thẩm quyền của ERISA, mà là của luật tiểu bang.

Những người ủng hộ nói rằng ESG là về quản lý rủi ro một cách thận trọng và quản trị doanh nghiệp tốt, có tính đến lợi ích của khách hàng, nhân viên, cộng đồng và môi trường. Quan điểm này được gọi là “chủ nghĩa tư bản của các bên liên quan” và giả định cơ bản của nó là nếu không có ESG, các công ty sẽ chỉ theo đuổi động cơ lợi nhuận ngắn hạn mang tính bóc lột mà bỏ qua các yếu tố khác.

Nhưng khi xem xét kỹ hơn về cội nguồn của ESG và những gì nó đã mang lại cho đến nay, người ta sẽ đặt ra nghi vấn về các tuyên bố.

Nguồn gốc của ESG

Khái niệm về ESG ban đầu được phát triển tại Sáng kiến Tài chính Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc hai thập kỷ trước, như một cách để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) thông qua các nguyên tắc đầu tư có trách nhiệm. Đó là một cách để thu hút khu vực tư nhân như một phần bổ sung cho các luật và quy định đang được chính phủ thực thi.

Đối với các nhà quản lý đầu tư chấp nhận các nguyên tắc này, điều quan trọng là ESG phải được mô tả, không phải như một ý thức hệ, mà là một cách để quản lý rủi ro và tăng lợi nhuận đầu tư, để họ không phải chịu trách nhiệm về việc vi phạm nghĩa vụ ủy thác của mình đối với các cổ đông.

Bà Carole Crozat là người đứng đầu bộ phận nghiên cứu đầu tư bền vững của BlackRock. Bà Crozat cho biết, “Mặc dù đo lường sự liên kết của các khoản đầu tư với các SDG của Liên hợp quốc là một nhiệm vụ phức tạp và đang được phát triển, chúng tôi tin rằng việc tích hợp chúng trong các quyết định đầu tư có thể giúp đảm bảo hiệu quả tài chính dài hạn”. “Việc chuyển hướng vốn sang các SDG của Liên hợp quốc có thể mang lại 12 nghìn tỷ USD cơ hội thị trường được kết nối với lợi ích xã hội và môi trường lâu dài của chúng ta”.

ESG đã được rao giảng cho các nhà đầu tư như một cách sinh lời để hỗ trợ các mục tiêu như tính bền vững và công bằng xã hội. Kể từ đó, một ngành gồm các tổ chức xếp hạng ESG, kế toán, tư vấn, luật sư và đại lý ủy quyền đã nổi lên để theo dõi và hỗ trợ các công ty tuân thủ ESG.

Tuy nhiên, lợi nhuận lớn nhất có thể thuộc về các nhà quản lý tài sản, những người có thể tính phí quản lý quỹ ESG cao hơn vì chúng được quản lý tích cực, so với các quỹ chỉ số thụ động có phí thấp chỉ mua tất cả các công ty trong một chỉ số như S&P 500. Trong khi đó, các nhà phê bình cho rằng các nhà quản lý tài sản không thể chứng minh một cách đáng tin cậy về lợi nhuận cao hơn từ các khoản đầu tư ESG, hoặc thậm chí giải thích rõ ràng các tiêu chí ESG là gì.

Ông Wright nói, “ESG chưa được chứng minh là có gì đáng kể vào thời điểm này”. “Đó chỉ là một nhãn hiệu được dán lên và không rõ ràng rằng điểm số ESG có liên quan đến những cải tiến thực tế dưới bất kỳ hình thức nào - môi trường hoặc công bằng xã hội hoặc chất lượng quản trị".

Ông nói: “Vấn đề số 1 là chúng ta không biết những thứ này đang đo lường cái gì". “Đã có một số nghiên cứu chỉ ra rằng các quỹ có các công ty được đánh giá cao về ESG không hoạt động tốt hơn các quỹ có điểm ESG thấp hơn; họ chỉ đơn giản là tính phí nhiều hơn cho nhãn ESG".

“Có vẻ điều đó dường như không tuân theo trách nhiệm ủy thác mà bạn nên đầu tư để mang lại lợi nhuận ròng cao nhất cho những người về hưu”.

Hiệu quả đầu tư yếu kém


Clip “The Shadow State” (Chính phủ ngầm) hiển thị các bộ phận cấu thành của ESG. (Ảnh: Epoch Original)

Một số nghiên cứu học thuật đã chỉ ra rằng, thay vì tăng lợi nhuận đầu tư, ESG thực sự làm giảm lợi nhuận.

Một nghiên cứu năm 2020 của Trung tâm Nghiên cứu Hưu trí của Đại học Boston cho thấy đầu tư vào ESG làm giảm lợi nhuận của người hưu trí từ 0,70 đến 0,90% mỗi năm, với phần lớn sự khác biệt là do phí quản lý quỹ ESG cao hơn.

Một báo cáo năm 2021 của Đại học Columbia và Trường Kinh tế London cho thấy, “Các quỹ ESG dường như hoạt động kém hiệu quả về mặt tài chính so với các quỹ khác trong cùng một công ty quản lý tài sản và cùng năm, đồng thời tính phí cao hơn”. Nó lưu ý thêm rằng các công ty trong các quỹ ESG có “hồ sơ kém hơn về việc tuân thủ luật lao động và môi trường, so với các công ty trong danh mục đầu tư do các quỹ không ESG trong cùng một tổ chức tài chính quản lý”.

Về lợi ích của “chủ nghĩa tư bản của các bên liên quan”, một nghiên cứu năm 2021 của Đại học Nam Carolina và Đại học Bắc Iowa cho biết, “việc thúc đẩy các mục tiêu tập trung vào các bên liên quan cung cấp cho các nhà quản lý một lý do thuận tiện để giảm bớt trách nhiệm giải trình đối với hoạt động kém hiệu quả của công ty”. Báo cáo đã tìm thấy mối tương quan giữa hiệu suất kém của CEO và mức độ họ ủng hộ việc hỗ trợ các mục tiêu ESG không thể định lượng được.

Do đó, nhiều tiểu bang, bao gồm Texas, Florida và West Virginia, đã cấm các quỹ hưu trí tiểu bang của họ sử dụng các tiêu chí ESG. Liên quan đến ERISA, chính quyền Trump đã đưa ra một quy định vào năm 2020 nhấn mạnh nghĩa vụ của các nhà quản lý quỹ hưu trí là chỉ đầu tư theo các tiêu chí tiền tệ để loại trừ các tiêu chí ESG. Đó là quy định mà chính quyền Biden đã đảo ngược.

Bộ trưởng Lao động Marty Walsh phát biểu khi công bố quy định lần đầu vào tháng 11/2022, “Quy tắc hiện nay làm rõ rằng những người được ủy thác trong kế hoạch hưu trí có thể tính đến lợi ích tài chính tiềm năng khi đầu tư vào các công ty cam kết thực hiện các hành động tích cực về môi trường, xã hội và quản trị khi họ giúp đỡ những người tham gia kế hoạch [hưu trí] đạt được tối đa lợi ích hưu trí của họ”. “Việc loại bỏ các hạn chế của chính quyền trước đây đối với người được ủy thác của kế hoạch [hưu trí] sẽ giúp ích cho người lao động Mỹ và gia đình họ khi họ tiết kiệm cho nghỉ hưu”.

Bà Lisa M. Gomez, trợ lý Bộ trưởng lao động về Cơ quan An toàn Phúc lợi Nhân viên, nói thêm rằng quy tắc này “sẽ làm cho khoản tiết kiệm hưu trí và lương hưu của người lao động chắc chắn hơn bằng cách loại bỏ các rào cản không cần thiết và chấm dứt hiệu ứng ớn lạnh [phản ứng tiêu cực do quy định gò ép, thường liên quan đến Tu chính án thứ 1] do chính quyền trước tạo ra khi xem xét các yếu tố về môi trường, xã hội và quản trị trong đầu tư".

Nếu lợi nhuận bị giảm khi các nhà quản lý lương hưu theo đuổi các quỹ ESG, ông Wright nói, nhà quản lý tài sản có thể được lợi, nhưng "những người hưu trí phải chịu thiệt hại. Nó giống như phá hoại hoàn toàn mục đích của ERISA".

Vấn đề với việc ông Biden diễn giải lại ERISA để cho phép ESG là, kết hợp với các chính sách khác như yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch rằng tất cả các công ty niêm yết phải báo cáo lượng khí thải CO2 của họ và có kế hoạch giảm thiểu chúng, nó dường như thể hiện sự ủng hộ của chính phủ đối với các tiêu chí ESG .

Theo một tuyên bố của Tòa Bạch Ốc, phán quyết ERISA mới của ông Biden “phản ánh điều mà các nhà đầu tư thành công trên thị trường đã biết - có nhiều bằng chứng cho thấy các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị có thể có tác động đáng kể đến một số thị trường, ngành và công ty nhất định”.

Ông Wright nói, “Gần giống như họ đang nói, bây giờ nhiệm vụ của bạn là đầu tư vào các quỹ ESG, và điều đó rất có vấn đề”.

Tương tự với sắc lệnh hành pháp của ông Biden nhằm buộc các công ty sa thải những nhân viên từ chối tiêm vaccine, ông Wright cho biết nếu các nhà lãnh đạo công ty và nhà quản lý quỹ “có lý do độc lập để nghi ngờ tính xác thực hoặc tính hợp lý của những gì họ được yêu cầu làm, thì họ có trách nhiệm phải tuân theo mệnh lệnh của chính phủ hay trách nhiệm của họ là tuân theo tinh thần của đạo luật, trong trường hợp này là ERISA?”

Đại diện của hai trong số những nhà quản lý tài sản lớn nhất thế giới gần đây đã tuyên bố rằng đầu tư vào ESG không mang lại lợi ích tài chính nào. Giám đốc điều hành của Vanguard, ông Tim Buckley, đã tuyên bố vào tháng 2 rằng “nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng đầu tư vào ESG không có bất kỳ lợi thế nào so với đầu tư trên diện rộng”; Vanguard đã rút khỏi sáng kiến Net Zero Asset Managers [Nhà quản lý tài sản phát thải ròng bằng 0] vào tháng 12/2022.

Cờ bay phía trên lối vào tòa nhà văn phòng BlackRock, ngày 16/01/2014, tại thành phố New York, Mỹ. (Ảnh: Andrew Burton / Getty Images)

Làm chứng trước Thượng viện Texas cùng tháng đó, người phát ngôn của BlackRock, bà Dalia Blass, đã biện minh cho sự ủng hộ của công ty đối với việc đầu tư vào ESG.

“Chúng tôi tin rằng việc chuyển đổi có trật tự sang nền kinh tế carbon thấp sẽ có lợi hơn nhiều cho danh mục đầu tư của khách hàng của chúng tôi. Một quá trình chuyển đổi lộn xộn có thể khiến nền kinh tế toàn cầu mất khoảng 25% GDP [tổng sản phẩm quốc nội]”.

Tuy nhiên, khi được các nhà lập pháp Texas yêu cầu cung cấp bằng chứng để hỗ trợ cho luận điểm này, bà Lori Heinel, Giám đốc Đầu tư của State Street, đã tuyên bố: “Tôi không có bằng chứng nào cho thấy điều này tốt cho lợi nhuận trong bất kỳ khung thời gian nào. Trên thực tế, chúng tôi đã thấy bằng chứng hoàn toàn trái ngược. Năm ngoái, nếu bạn không sở hữu các công ty năng lượng, thì bạn đã đầu tư rất tệ so với các mức chung. Năm trước nữa, điều đó hoàn toàn ngược lại… nhưng đó chỉ là một sự tình cờ, không phải vì đó là một khoản đầu tư tốt”.

Khả năng kiện tụng Các tuyên bố từ State Street và Vanguard làm suy yếu giả thiết ESG là tốt cho người về hưu. Và nếu các nhà quản lý tài sản không thể chứng minh rằng luận điểm ủng hộ ESG là đáng tin cậy hoặc nếu hóa ra việc đầu tư vào các quỹ ESG có phí cao hơn sẽ làm giảm lợi nhuận của người hưu trí, thì điều này có thể có hệ quả về mặt pháp lý.

Năm 2005, đặt cược vào quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, chính quyền Obama đã cung cấp bảo lãnh khoản vay trị giá 535 triệu USD cho Solyndra, một nhà sản xuất tấm pin mặt trời đã sớm bị phá sản, khiến những người nộp thuế ở Mỹ phải gánh chịu số tiền bị mất mát. Ngược lại, nếu các nhà quản lý tài sản bị nhìn nhận là đã đặt cược sai vào các tiêu chí ESG, thì những người về hưu có thể có mục tiêu theo đuổi để thu lại số tiền đã mất.

Ông Wright nói, “Tôi tưởng tượng có những luật sư công ty ở những nơi như Davis Polk [một công ty luật quốc tế] đang thèm muốn chuyện này, bởi vì chắc chắn sẽ có các vụ kiện”.

   Mời xem thêm »


© Bảo Nguyên biên dịch
    The Epoch Times

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad